Trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là sự đảm bảo của Nhà nước và cộng đồng về các điều kiện sinh sống thiết yếu bằng các hình thức và biện pháp khác nhau đối với các nhóm trẻ em trong xã hội khi họ rơi vào hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, yếu thế hoặc hẫng hụt trong cuộc sống mà bản thân có thể không được sống cùng với gia đình ở mức tối thiểu. Đây là chính sách thể hiện truyền thống tốt đẹp, nhân văn, nhân ái của dân tộc và sự quyết tâm chia sẻ của toàn xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền tổ quốc. Trong những năm vừa qua, công tác xây dựng pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn còn nhiều trẻ em vì nhiều lý do khác nhau không được thụ hưởng các chính sách về trợ giúp xã hội. Một trong những lý do quan trọng là việc thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội chưa thực sự hiệu quả.
1. Tình hình thực hiện trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, dân số toàn tỉnh trên 790.000 người với trên 22 dân tộc anh em sinh sống. Theo số liệu thống kê, trẻ em dưới 16 tuổi của tỉnh chiếm khoảng 29% dân số. Tính đến năm 2020, trẻ em ở tỉnh Tuyên Quang có 229.014 cháu, trong đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở tỉnh Tuyên Quang có 2.876 cháu. Việc thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều kết quả thiết thực, cụ thể:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời ban hành quyết định, kế hoạch, chương trình để triển khai có hiệu quả Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Điển hình là Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 27/11/2020 phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục, giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2018 triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 29/6/2019 triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025”; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 20/9/2019 triển khai thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025. Bên cạnh đó, các cơ quan thành viên Ban Điều hành bảo vệ trẻ em tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động ban hành văn bản và tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình[1].
Thứ hai, các cơ quan trong tỉnh Tuyên Quang thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đúng thẩm quyền, chú trọng các biện pháp phối hợp thường xuyên và có hiệu quả. Cụ thể: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh; phối hợp với các huyện trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên đán[2]. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tham gia tố tụng 46 vụ và trợ giúp pháp lý cho 24 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 - 18 tuổi, 22 đối tượng là trẻ em; Sở Tư pháp đăng thông báo trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh về việc tìm người nhận trẻ em bị bỏ rơi làm con nuôi và gửi hồ sơ cho Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) 01 trường hợp; Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương[3] chú trọng tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm xâm hại trẻ em; kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống bị bạo lực, xâm hại...[4]. Duy trì hoạt động 02 mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”[5]; phối hợp với Cục C02 Bộ Công an tiến hành khảo sát, xây dựng và triển khai thực hiện 02 mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại xã Trung Môn, huyện Yên Sơn và xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến trẻ em; kịp thời điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội[6]. Đối với các trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, Công an tỉnh đã áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giáo dục tại cộng đồng dân cư, trường học; cho ký cam kết và giao cho gia đình quản lý và giáo dục hoặc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện nếu đủ điều kiện[7]; Viện kiểm sát hai cấp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng để nắm và phân loại xử lý kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm nhất là tội phạm xâm hại đến trẻ em, người chưa thành niên phạm tội[8]. Chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa được nâng cao. Đối với các vụ án có bị hại là trẻ em hoặc bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội, Viện kiểm sát phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm đầy đủ các quyền cho người chưa thành niên phạm tội như chỉ định luật sư bào chữa, người giám hộ... nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên phạm tội, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật; Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng các biện pháp đưa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận giáo dục phổ thông... Phối hợp Sở Y tế xây dựng chương trình tập huấn: Phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ ở cấp mầm non. Duy trì hoạt động của các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và điểm tư vấn cộng đồng về bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên thực hiện công tác trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh: Vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo, tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân ngăn ngừa, đấu tranh và tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em; tham gia giải quyết các vấn đề về quyền và lợi ích chính đáng cho trẻ em[9]... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tăng về số lượng và có nhiều đổi mới về nội dung[10], điển hình là chuyên đề phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; buôn bán người. Việc thực hiện pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được chú trọng và đạt kết quả thiết thực[11]; quy định pháp luật về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng theo Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng12 được thực hiện nghiêm chỉnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng 352 xuất quà, trị giá 108 triệu đồng; trợ cấp đột xuất cho 06 trẻ, trị giá 16 triệu đồng; tổ chức khám sàng lọc cho trẻ em khuyết tật, kết quả có 1.059 trẻ em được khám sàng lọc; chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai khám chỉ định các bệnh về tim cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện pháp luật về trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn có những tồn tại như: (i) Nhận thức của một số gia đình và cộng đồng về pháp luật trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa đầy đủ, thống nhất nên việc thụ hưởng quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn hạn chế; (ii) Pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn ở địa phương và khó thực hiện, nhất là về chế độ trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như đa khuyết tật hoặc trẻ vừa khuyết tật, vừa mồ côi cha mẹ, hoặc trẻ khuyết tật sống trong gia đình nghèo, bố mẹ là người dân tộc cũng khuyết tật…, còn có hiện tượng gia đình không làm được hồ sơ chứng nhận khuyết tật cho trẻ em để nhận chế độ trợ giúp hàng tháng…; (iii) Cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, phải kiêm nhiệm, kinh nghiệm chưa nhiều, trình độ không đồng đều. Công tác thông tin, báo cáo của một số huyện, thành phố, một số ngành chưa kịp thời; việc quản lý, nắm bắt thực trạng, số liệu về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các hoạt động liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thường xuyên, kịp thời; (iv) Việc thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không tách bạch với chương trình bảo vệ trẻ em và thường lồng ghép trong các nhiệm vụ chính trị của địa phương nên thời gian, con người và nguồn đầu tư chưa thỏa đáng; (v) Việc xã hội hóa để đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí, lớp học với trang thiết bị đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ cho các em, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Na Hang, Hàm Yên...
2. Giải pháp tăng cường thực hiện pháp luật trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở tỉnh Tuyên Quang
Một là, việc xây dựng các chương trình, kế hoạch trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bên cạnh việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng nêu trong Cương lĩnh chính trị và các Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần bám sát vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng huyện, từng xã và chú ý đặc thù của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong từng địa bàn và cộng đồng dân cư để đảm bảo tính khả thi và dễ thực hiện; chú trọng tới việc nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các nội dung cơ bản, nội dung mới của pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em, đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động để có cách hiểu thống nhất và tổ chức thực hiện thống nhất, coi việc thực hiện pháp luật là tự thân; tích cực nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em và gia đình trẻ em, gắn với tuyên truyền, ngăn chặn các hủ tục, tập quán lạc hậu, phát huy vai trò của cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng chăm sóc trẻ em; chú trọng tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và phân bổ nguồn lực tinh thần, vật chất đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đúng người, đúng chế độ và kịp thời.
Hai là, đề cao vai trò của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đối với những trường hợp bạo lực, bạo hành, đối xử vi phạm pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh; chú trọng khâu phát hiện sớm và chăm sóc chuyên sâu đối với những trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị xâm hại; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, cần tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, trung tâm y tế, bệnh viện tỉnh, trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm trợ giúp xã hội, hội bảo trợ trẻ em và gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để triển khai các hoạt động trợ giúp xã hội một cách kịp thời. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở cấp cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện pháp luật trong quá trình thẩm định hồ sơ, thẩm định thực tế, thẩm định việc tăng giảm đối tượng thụ hưởng, phát hiện nguy cơ phát sinh xâm hại, bạo lực, lạm dụng lao động trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ em.
Ba là, tích cực huy động các nguồn lực chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ bị khuyết tật, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích...; hỗ trợ, khuyến khích, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập, cuộc sống. Thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc trẻ em nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới... Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp.
Viện Chính sách công và pháp luật
[2]. Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 đã trao cho 400 trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (trị giá 500.000 đồng/suất, mỗi suất bao gồm: 01 chăn ấm, 01 áo khoác mùa đông, 05 đôi bít tất), tổng trị giá 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí vận động “Vì người nghèo” năm 2019 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện.
[3]. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang, Truyền hình Công an Nhân dân, Báo Công an Nhân dân, Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang...
[4]. Tổ chức được 1.051 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 194.675 lượt cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, giáo viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh.
[5]. Đã xây dựng năm 2019 tại xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa và xã Lăng Can, huyện Lâm Bình.
[6]. Trong kỳ, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý, giải quyết 31 vụ án, vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, có 34 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: 04 vụ giết người (dưới 16 tuổi), có 05 em tử vong; 04 vụ cố ý gây thương tích; 03 vụ xâm hại sức khỏe; 07 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 12 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 01 vụ dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Kết quả: Khởi tố 25 vụ/35 bị can; ra quyết định không khởi tố 03 vụ/03 đối tượng (01 vụ theo khoản 7 Điều 157 và 02 vụ theo khoản 8 Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); xử lý hành chính 02 vụ/02 đối tượng; đang điều tra, xác minh 01 vụ.
[7]. Đã phát hiện và ghi nhận 59 vụ/83 đối tượng gồm: 01 vụ/01 đối tượng hiếp dâm; 21 vụ/21 đối tượng vi phạm về giao thông; 01 vụ/01 đối tượng cố ý gây thương tích; 19 vụ/31 đối tượng trộm cắp tài sản; 11 vụ/21 đối tượng đánh nhau và xâm hại sức khỏe người khác; 06 vụ/08 đối tượng về các hành vi khác. Kết quả xử lý, giải quyết: Khởi tố 02 vụ/02 đối tượng; xử lý hành chính 55 vụ/75 đối tượng với các hình thức như cảnh cáo, phạt tiền; 01 vụ/02 đối tượng giáo dục tại xã (trong đó có 01 vụ hiếp dâm); không xử lý giao gia đình quản lý 01 vụ/04 đối tượng.
[8]. Công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm xâm hại, mua bán trẻ em và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kiểm sát Tuyên Quang.
[9]. Năm 2020 từ nguồn Quỹ vì người nghèo các cấp đã hỗ trợ cho 130 học sinh nghèo đi học trị giá 72,2 triệu đồng.
[10]. Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em cho 310 đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân xã, cán bộ, hội viên phụ nữ, cha, mẹ có con dưới 16 tuổi tại xã Hoàng Khai (huyện Yên Sơn) và xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang); tổ chức 03 buổi tuyên truyền về đấu tranh, phòng, chống tội phạm trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán người cho 108 hội viên phụ nữ; tổ chức 05 lớp tập huấn về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng, chống tội phạm trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình gắn với chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” cho 517 cán bộ, hội viên phụ nữ; các cơ sở hội phối hợp với công an, tư pháp tổ chức 80 hội nghị truyền thông về “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống mua bán người”, “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em” cho trên 8.000 hội viên phụ nữ và trẻ em.
[11]. 100% trẻ em khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo quyền lợi theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn liên quan; được quản lý sức khỏe thông qua Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em; trong năm 2020, các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh thực hiện khám chữa bệnh cho 60.329 trẻ dưới 06 tuổi, 100% số trẻ được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
[12]. Kết quả thực hiện: Tiêm chủng đầy đủ cho 9.770 trẻ dưới 01 tuổi, đạt 95,8% kế hoạch; tiêm UV2 cho 7.913 phụ nữ có thai, đạt 93,7% kế hoạch; tiêm phòng viêm gan B liều sơ sinh cho 8.765 trẻ; tiêm DPT bổ xung cho 8.341 trẻ 18 tháng tuổi, đạt 90,2% kế hoạch; tiêm vắc xin Sởi cho 8.777 trẻ dưới 18 tháng tuổi, đạt 94,5% kế hoạch.