Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc thực hiện pháp luật, bên cạnh mặt tích cực thì cũng đã và đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập,. Trong đó, tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, như kinh phí còn rất hạn hẹp, cơ chế phối hợp liên ngành còn hạn chế... Trong bài viết này, tác giả tập trung nêu và phân tích những khó khăn, vướng mắc về thực hiện pháp luật trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục thực trạng đó. Những giải pháp có thể kể đến như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất; khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư; thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát…
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đang có xu hướng “già hóa dân số”. Đây là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và y học. Già hóa dân số mang lại nhiều thách thức, áp lực đối với hệ thống an sinh xã hội của quốc gia và các địa phương, khi mà số người trong độ tuổi lao động có xu hướng ngày càng giảm và số người cao tuổi - những người không còn đủ sức khỏe tham gia lao động, sản xuất lại có xu hướng ngày càng tăng lên. Người cao tuổi, lớp người đã có những cống hiến, đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có sức ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ trẻ tương lai. Tuy nhiên, người cao tuổi cũng là đối tượng yếu thế, có đặc điểm riêng biệt về tâm lý, sinh lý nên họ rất cần được bảo vệ trước những khó khăn và được chăm sóc, phụng dưỡng, tiếp tục phát huy vai trò.
Trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi là truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Vì vậy, Nhà nước cần phải đảm bảo đầy đủ các chế độ trợ giúp xã hội dành cho người cao tuổi, công cụ giúp Nhà nước thực hiện điều đó là hệ thống pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi. Pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi ra đời để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện các hoạt động này theo quy định. Trong xã hội, cũng có nhiều hình thức giúp đỡ, trợ giúp xã hội cho người cao tuổi từ các cá nhân, tổ chức như cứu tế, cứu trợ, hoạt động từ thiện... tuy nhiên, hoạt động trợ giúp xã hội của Nhà nước có tính ổn định và lâu dài.
Hệ thống pháp luật trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi của Việt Nam được xây dựng khá muộn, bên cạnh mặt tích cực thì cũng đã và đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Trong đó, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn năm 2019 mới đạt 2.207 tỷ đồng, đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên việc bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để chủ động thực hiện các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi còn rất ít. Cũng do ngân sách còn thiếu, chưa có khả năng cân đối, bố trí riêng cho công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, vì vậy, hình thức thông tin, tuyên truyền mới chỉ lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt tập thể của các thôn, bản nên hiệu quả chưa cao. Cơ chế phối hợp liên ngành trong lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm và huy động nguồn lực. Không chỉ vậy, diễn biến kinh tế những năm gần đây có thời điểm làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, làm giảm đi ý nghĩa của các chính sách trợ giúp xã hội, nhất là đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi, người cao tuổi đặc biệt khó khăn, người cao tuổi thuộc đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Có thể thấy, quá trình áp dụng quy định pháp luật về trợ giúp xã hội tại tỉnh Lai Châu đã đạt được kết quả rất tích cực nhưng vẫn còn những khiếm khuyết, hạn chế nhất định trong thực tiễn thực hiện. Đứng trước thực trạng vẫn chưa thể đảm bảo đầy đủ, bao phủ chính sách trợ giúp xã hội cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải coi trọng rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện, xem xét nguyên nhân khách quan, chủ quan để có những định hướng khắc phục. Một trong những biện pháp quan trọng để có thể giải quyết được vấn đề này là tổ chức nghiên cứu kỹ về công tác trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi nói chung và thực tiễn thực hiện tại địa phương nói riêng. Tác giả xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu, rộng đến cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi và trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, nhất là những chính sách mới. Mục đích là nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, các cấp, các ngành, cộng đồng, toàn xã hội đối với người cao tuổi và trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò của người cao tuổi; giúp người cao tuổi nắm bắt kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được hưởng theo quy định; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xét duyệt, thực hiện trợ giúp xã hội theo quy định cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi trên 80 tuổi.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về trợ giúp xã hội đối với các cán bộ thực hiện bảo trợ xã hội tại cấp xã, cấp huyện, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại xã, phường, thị trấn. Qua đó, nâng cao trình độ và nghiệp vụ, nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong hoạt động trợ giúp xã hội cho người cao tuổi của người làm công tác bảo trợ xã hội, hạn chế tối đa các sai sót về nghiệp vụ của cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội, đảm bảo tối đa quyền lợi về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi trên 80 tuổi theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nhân sự hợp lý để thực hiện chuyên trách công tác quản lý, tổng hợp, theo dõi, lưu trữ số liệu đối với các hoạt động trợ giúp xã hội cho người cao tuổi trên địa bàn cấp huyện trở lên. Qua đó, đảm bảo công tác lưu trữ, công tác quản lý đối tượng người cao tuổi được trợ giúp xã hội nói chung, người cao tuổi trên 80 tuổi nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chính sách, phê duyệt đối tượng, chi trả trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội của các địa phương thống nhất với cơ sở dữ liệu của tỉnh.
Thứ tư, ban hành chính sách, cơ chế vận động, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như: Phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi; cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội tập trung chủ yếu ở cộng đồng và dựa vào cộng đồng là chính; hỗ trợ miễn, giảm thuế; ưu tiên cho thuê đất, cấp đất; ban hành khung giá dịch vụ phù hợp. Chú trọng phát triển chuyên ngành lão khoa trong bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế cấp huyện có điều kiện. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức để trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn thông qua xây dựng, phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành với Hội người cao tuổi, Ban đại diện người cao tuổi cấp tỉnh và phòng, ban chuyên môn với Ban đại diện người cao tuổi cấp huyện trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi và phát huy vai trò của người cao tuổi. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban công tác người cao tuổi, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện từng chính sách đối với người cao tuổi trên mỗi địa bàn. Thực hiện có hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng; nghiên cứu tổ chức nuôi dưỡng người cao tuổi có thu phí đáp ứng nhu cầu xã hội, trước mắt thực hiện ở khu vực thành phố.
Thứ sáu, lồng ghép các chương trình trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi địa bàn. Quan tâm khuyến khích, phát huy vai trò của người cao tuổi, xem họ là lực lượng lao động trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính bản thân người cao tuổi.
Thứ bảy, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hệ thống chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trên từng địa bàn. Chú trọng kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thủ tục trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi; chính sách trợ giúp thường xuyên, đột xuất; việc thẩm định hồ sơ, thẩm định thực tế; thẩm định việc điều chỉnh tăng giảm đối tượng thụ hưởng, chết, chuyển nơi cư trú, thoát nghèo...; kiểm tra các cơ sở trợ giúp xã hội; kiểm tra thường xuyên đối với đơn vị tổ chức dịch vụ chi trả trợ giúp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi (bưu điện cấp huyện, thành phố). Chỉ rõ những nơi làm chưa tốt, tập trung khắc phục những hạn chế để đảm bảo quyền lợi về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; xử lý, nhắc nhở, chấn chỉnh thực hiện theo luật định. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định, quy chuẩn, xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng công cộng không bảo đảm tiếp cận đối với người cao tuổi.
Thứ tám, thay thế công chức lao động - thương binh và xã hội ở cấp xã có trình độ chuyên môn không phù hợp vị trí việc làm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trách nhiệm không cao; tuyển dụng, bố trí bổ sung công chức lao động - thương binh và xã hội ở một số huyện, xã còn thiếu.
Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, mong muốn trong thời gian tới, hệ thống chính sách pháp luật về người cao tuổi tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo ra cơ hội bình đẳng và điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục được thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, ngày càng khẳng định vị thế của họ trong đời sống xã hội, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động trợ giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng một cách hiệu quả hơn.
Huyện ủy Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu