Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có hệ sinh thái đa dạng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 7.128 doanh nghiệp đang hoạt động; có khoảng 5.100 tổ hợp tác, 321 hợp tác xã; 03 liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký. Với sự đầu tư phát triển vào nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, khai thác hết tiềm năng, thúc đẩy kinh tế hộ nông dân, cùng với các thành phần kinh tế khác, đóng góp vào tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ thực sự phát triển bền vững khi xây dựng và phát triển doanh nghiệp gắn liền với việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ môi trường. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường không chỉ giúp các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao về kinh tế, dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế mà còn giúp doanh nghiệp không gặp rủi ro về pháp lý. Tuy nhiên, để hình thành ý thức hệ bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp cần có một hệ thống pháp lý minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động, sự tuyên truyền sâu, rộng; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành trong việc thực hiện quản lý về môi trường cũng như việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bài viết, đánh giá ý thức doanh nghiệp tại Đắk Lắk trong việc thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nêu lên những khó khăn của doanh nghiệp trong việc bảo đảm thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về môi trường và một số kiến nghị giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực thi có hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường.
Kính mời độc giả đọc bài viết này của tác giả Lưu Thị Thu Hiền trên số Chuyên đề 200 trang “Tội phạm môi trường - Khung pháp luật và thực tiễn thực thi ở Việt Nam hiện nay” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.