Abstract: The paper is concerned with rights and duties of parents towards their children after divorce, problems arising out of implementation process in order to propose solutions for ensuring performance of rights and duties of parents towards their chidren after divorce to the best.
1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn vẫn thuộc về cả hai bên bố mẹ: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan” (khoản 1 Điều 81). Cụ thể bao gồm các nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 71); giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập; tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hoà thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con, hướng dẫn con chọn nghề nghiệp, tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con (Điều 72). Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con theo pháp luật, cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con theo quy định của pháp luật, đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự phải có sự thỏa thuận của cha mẹ cho dù họ đã ly hôn, cha mẹ đã ly hôn vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giáo dục liên quan đến tài sản của con theo quy định của pháp luật (Điều 73); phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra (Điều 74); cha mẹ có thể là người quản lý tài sản riêng của con khi con dưới 15 tuổi (Điều 76); cha mẹ có quyền định đoạt tài sản riêng của con vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (Điều 77)…
Như vậy, về cơ bản, khi cha mẹ ly hôn, quyền và nghĩa vụ đối với con cũng không có gì thay đổi. Tuy nhiên, do khi ly hôn, cha mẹ chấm dứt hôn nhân, nên việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên đối với con cũng được thực hiện bằng cách thức khác so với khi hôn nhân còn tồn tại. Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho đứa con sau khi cha mẹ ly hôn, Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung, quyền và nghĩa vụ đối với nhau vì lợi ích của đứa con chung như sau:
Trước hết, họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Do khi ly hôn, người cha, mẹ không trực tiếp nuôi con đã bị tách khỏi gia đình, có nơi ở khác, không sống cùng với đứa con nữa nên phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo định kỳ hoặc một lần, họ phải đóng góp tiền hoặc tài sản để nuôi con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Khi bên cha, mẹ không sống cùng với con nữa, có thể theo thỏa thuận với người trực tiếp nuôi con, họ sẽ thực hiện quyền thăm nom con theo định kỳ (Điều 82).
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Quy định này nhằm đảm bảo sự nghiêm túc và tạo điều kiện tốt nhất cho các bên cha, mẹ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với con (Điều 83).
Về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau: (i) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; (ii) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; (iii) Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên; (iv) Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 84).
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định diện những người được quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khá rộng để kịp thời phát hiện quyền của con bị ảnh hưởng do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc cố tình vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con.
2. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con sau khi cha mẹ ly hôn
Thứ nhất, thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con của người trực tiếp nuôi con
Cha hoặc mẹ là người trực tiếp nuôi con sẽ là người gắn bó mật thiết gần gũi với con hơn, vì vậy, thường họ sẽ là người chăm sóc, giáo dục con nhiều hơn so với người không trực tiếp nuôi con. Họ sẽ mất nhiều thời gian và công sức đối với đứa trẻ vì vậy có thể ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng phát triển của cá nhân. Trên thực tế, người cha hoặc mẹ sau khi ly hôn thường nhờ ông bà chăm sóc con hoặc thuê người giúp việc chăm sóc con hàng ngày, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý và sức khoẻ của đứa trẻ khi thời gian gần gũi cha mẹ không nhiều và cách giáo dục chăm sóc của ông bà hay người giúp việc có thể không đúng cách. Vì vậy, hiện tượng trẻ bị trầm cảm, sức khỏe bị ảnh hưởng là rất có thể xảy ra trên thực tế và rất khó kiểm soát.
Cha, mẹ trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có thể xác lập quan hệ hôn nhân với người khác, do đó, việc nuôi dưỡng con riêng sẽ được chia sẻ với người chồng hoặc người vợ mới. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình theo quy định của pháp luật” (Điều 79). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, khi cha, mẹ tái hôn thì đứa trẻ lại không sống chung nữa mà ở với ông bà thì cha dượng, mẹ kế cũng không có nghĩa vụ đối với con riêng của chồng hoặc vợ mình. Điều này vô hình chung có thể gây khó khăn cho việc nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục con của người cha hoặc người mẹ trực tiếp nuôi con. Bởi vì, khi họ xác lập quan hệ hôn nhân thì thu nhập của họ trong thời kỳ hôn nhân mới thuộc tài sản chung hợp nhất vợ chồng nếu vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo luật định. Trong khi đó, nghĩa vụ nuôi dưỡng con riêng lại thuộc nghĩa vụ riêng, về nguyên tắc, người đang trực tiếp nuôi con riêng không được dùng tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ riêng trừ khi có thỏa thuận. Nếu họ không có tài sản riêng thì việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con riêng là rất khó khăn. Giải pháp cho trường hợp này là họ phải thỏa thuận với chồng hoặc vợ chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để lấy phần tài sản của mình nuôi dưỡng chăm sóc con riêng. Nếu họ không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì có thể thay đổi người nuôi con nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đứa con.
Trong trường hợp thay đổi người nuôi con mà đứa con được giao cho người giám hộ thì pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Theo quan điểm của tác giả, pháp luật cần quy định cụ thể rằng, cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trên thực tế, nhiều trường hợp, do hoàn cảnh mà cha mẹ không thể để đứa con sống chung với mình được nhưng vẫn có thể qua lại để chăm sóc con, thì không nên đặt ra vấn đề thay đổi người nuôi con, giao con cho người giám hộ khi đứa trẻ không bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích. Điều này sẽ đảm bảo hơn quyền và nghĩa vụ của cha mẹ như quyền đại diện, quyền quản lý tài sản của con, quyền định đoạt tài sản của con, bồi thường thiệt hại do con gây ra.
Một vấn đề nữa đặt ra là trên thực tế, cha, mẹ là người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở việc thăm nom con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, của người thân thích của đứa trẻ như người cha và gia đình người cha cản trở người mẹ và gia đình người mẹ thăm nom, chăm sóc con. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của đứa trẻ và quyền lợi ích hợp pháp của những nguời có quyền và lợi ích liên quan. “Việc ngăn cản quyền thăm nom con đối với người không trực tiếp nuôi dưỡng vô hình chung đã vi phạm quyền của trẻ em…”[1]. pháp luật Việt Nam coi đây là hành vi bạo lực gia đình[2]. Tuy nhiên, việc chứng minh trên thực tế là rất khó khăn vì người trực tiếp nuôi con luôn viện ra nhiều lý do để từ chối việc thăm nom của người còn lại và gia đình của họ. Theo quan điểm của tác giả, người bị ngăn cản việc thăm nom con cần lưu giữ những chứng cứ cần thiết để bảo vệ quyền của mình khi bên trực tiếp nuôi con tiếp tục có hành vi ngăn cản đó để yêu cầu họ phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ luật định, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp kịp thời.
Thứ hai, thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với con của người không trực tiếp nuôi con
Một trong các quyền quan trọng nhất của người không trực tiếp nuôi con là quyền cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng thường xác định dựa trên sự thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết[3]. Trên thực tế, khi bên cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có thu nhập ổn định và nghiêm túc thực hiện thì quyền và lợi ích của đứa con sẽ được đảm bảo. Nếu người cha, mẹ không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có thể cưỡng chế thi hành như khấu trừ vào thu nhập của người đó[4]. Tuy nhiên, điều này vấp phải một mâu thuẫn là nếu bên cha, mẹ phải cấp dưỡng cho con đã tái hôn thì thu nhập của họ sẽ thuộc tài sản chung của vợ chồng, trong khi đó, nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ riêng nên việc khấu trừ vào thu nhập vô hình chung là đã lấy tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ riêng, từ đó người vợ hoặc người chồng của họ bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Bên cạnh đó, Nghị định số 62/2015/NĐ -CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy đinh chi tiết và thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định nếu là người có nghĩa vụ có tài sản chung với người khác, thì chấp hành viên sẽ thông báo để họ tự thu xếp lấy phần tài sản của mình thực hiện nghĩa vụ, nếu họ không chia tài sản sau một khoảng thời gian nhất định thì chấp hành viên có quyền xử lý tài sản để thi hành án đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó[5]. Việc quy định này rõ ràng đã đảm bảo tốt nhất quyền cho đứa con, nhưng cũng tương tự như trên đã phân tích, việc chấp hành viên xử lý tài sản chung của vợ chồng là không đảm bảo nguyên tắc chung về chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ hoặc người chồng còn lại. Nếu khi tái hôn, họ thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận và thỏa thuận riêng biệt về tài sản thì cũng không thể vận dụng Luật Thi hành án dân sự như đã nêu trên được, bởi vì, giữa họ và người vợ hoặc người chồng mới không tồn tại tài sản chung, như tác giả Bùi Minh Hồng đã viết: “Chế độ tài sản riêng biệt xác định vợ chồng không có tài sản chung. Chỉ có sự tồn tại của hai khối tài sản riêng của mỗi bên... Chế độ tài sản riêng biệt trao cho vợ, chồng khả năng tự chủ rất cao về tài sản..., tuy nhiên, chế độ tách biệt tài sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nó bị đánh giá là “ích kỷ nhất” vì thực chất đó là cơ chế bảo toàn tài sản của cá nhân…”[6]. Nếu người phải cấp dưỡng cho con, sau khi tái hôn ở nhà nội trợ, không có thu nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của con, việc cưỡng chế thi hành là không hiệu quả. Nhiều người là lao động tự do, thất nghiệp, chỗ ở không ổn định như lao động di cư thì việc họ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ khó có thể áp dụng chế tài đối với họ cũng như buộc họ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đăc biệt khi cùng một lúc họ phải cấp dưỡng cho nhiều người, các con, bố mẹ, anh chị em thì việc sắp xếp ưu tiên ai trước và mức cấp dưỡng được tính như thế nào thì thực tiễn thi hành còn gặp vướng mắc, khó giải quyết. Hiện nay, trong các gia đình Việt Nam, các bà mẹ sau khi ly hôn là người trực tiếp nuôi con thường phải nuôi con một mình, người cha sau khi ly hôn là người không trực tiếp nuôi con, sau đó tái hôn thì vẫn có tình trạng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hoặc do họ không có thu nhập nên không còn khả năng cấp dưỡng nữa. Trong trường hợp này, việc áp dụng chế tài đối với họ cũng không giải quyết được vấn đề, không đảm bảo được quyền và lợi ích của đứa con.
Đối với quyền thăm nom, chăm sóc con thì người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con sẽ thực hiện theo thỏa thuận với nguời trực tiếp nuôi con, không được tự ý thực hiện quyền này. Trên thực tế, nhiều trường hợp người cha hoặc người mẹ đã tự ý đón con ở nhà trẻ hoặc trường học mà không báo và thỏa thuận với người còn lại dẫn đến những xung đột nhất định trong gia đình. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam hiện nay không có chế tài cụ thể cho trường hợp này. Theo quan điểm của tác giả cần quy định chế tài cụ thể nghiêm khắc cho dù việc tự ý mang con đi không vì mục đích vụ lợi hay mục đích gì khác. Ngoài ra, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác đối với con cùng với người trực tiếp nuôi con như quyền đại diện cho con, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, nhiều cha mẹ cho rằng mình không phải trách nhiệm gì đối với đứa trẻ do mình không sống cùng con, mà người trực tiếp nuôi con phải chịu trách nhiệm. Đây là sai lầm trong việc nhìn nhận vấn đề. Đứa trẻ là con chung, việc chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con là trách nhiệm của hai bên cha mẹ, người không trực tiếp nuôi con chỉ là không thực hiện việc chăm sóc, giáo dục thường xuyên hơn so với người trực tiếp nuôi con thôi.
Bên cạnh đó, trên thực tế, người không trực tiếp nuôi con khi phát hiện người trực tiếp nuôi con đã trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc con thì họ có quyền yêu cầu người kia thực hiện hoặc có thể yêu cầu người kia phải cấp dưỡng cho con hoặc có thể yêu cầu thay đổi người nuôi con. Nhưng việc thu thập chứng cứ trong trường hợp này là rất khó khăn. Nhiều trường hợp đứa trẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tinh thần thì mới có đủ cơ sở để yêu cầu giải quyết. Nên chăng cần có quy định về thăm khám định kỳ cho đứa con để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để xử lý nhanh gọn, đảm bảo quyền và lợi ích cho con.
Trong quá trình cấp dưỡng, nếu họ rơi vào tình trạng có khó khăn về kinh tế thì có thể xin tạm ngừng nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng pháp luật Việt Nam không quy định về thời hạn tạm ngừng, do đó, để xác định khi nào hết thời gian tạm ngừng là rất khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng một cách hợp pháp. Theo tác giả, việc xem xét vấn đề tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải hết sức cẩn trọng và hạn chế tối đa. Việc tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được áp dụng cho phương thức cấp dưỡng định kỳ, do đó, sau khi hết thời gian tạm ngừng thì người đó sẽ cấp dưỡng tiếp mà không phải bù lại tài sản trong suốt thời gian tạm ngừng.
Hiện nay, có trường hợp sau khi ly hôn một vài năm, các bên cha mẹ có thể là người trực tiếp nuôi con hoặc người không trực tiếp nuôi con phát hiện ra đứa trẻ không phải con của mình và đã có đơn kiện để xác định lại quan hệ cha con hoặc mẹ con. Về thủ tục xác định lại quan hệ cha con hoặc mẹ con chúng tôi không bàn nhiều ở đây, nhưng nếu Tòa án đã ra phán quyết giữa họ không tồn tại quan hệ cha con và mẹ con thì việc cấp dưỡng và nuôi dưỡng đã thực hiện trong suốt quá trình từ trước khi có phán quyết của Toà án sẽ được xử lý như thế nào? Liệu người có lỗi có phải chịu trách nhiệm và hoàn trả lại cho bên còn lại hay không? Vấn đề này pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể. Theo quan điểm của tác giả, khi Tòa án đã ra phán quyết rằng giữa họ không tồn tại quan hệ cha con hoặc mẹ con thì có nghĩa coi như chưa từng tồn tại mối quan hệ đó ngay từ khi đứa trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích của đứa trẻ thì không nên đặt ra vấn đề hồi tố đòi lại khoản tài sản đã nuôi dưỡng hay cấp dưỡng cho đứa trẻ mà họ chỉ không phải thực hiện nghĩa vụ đó kể từ thời điểm phán quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật rằng giữa các bên không tồn tại quan hệ cha con hoặc mẹ con.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem Nguyễn Thị Hạnh, Việc áp dụng và thực hiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn, Tạp chí Khoa học, Viện Đại học Mở Hà Nội, số 44 - tháng 6/2018.
[2]. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau (điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năn 2007).
[3]. Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[4]. Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2014.
[5]. Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
[6]. Xem Bùi Minh Hồng, Áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, Tạp chí Khoa học, Viện Đại học Mở Hà Nội, số 44 - tháng 6/2018.