Một vụ án có rất nhiều tội danh, phần lớn các tội danh này thuộc tội phạm về chức vụ hoặc tham nhũng. Mặt khác, các bị can đầu vụ trong vụ án này là sĩ quan cảnh sát, phạm tội trong lúc thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Tóm tắt diễn biến:
Do băng nhóm buôn bán ma túy mâu thuẫn với nhau, xảy ra xô xát, một người bị bắn vào bụng nên Công an Thái Nguyên khởi tố vụ án với các tội danh: Giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Hai cán bộ thuộc Phòng cảnh sát truy nã tội phạm được giao nhiệm vụ bắt kẻ đã nổ súng. Khi đến bắt hung thủ tại nhà tình nhân của tên này, thì nghi phạm đề nghị đưa 2,5 tỷ đồng cho những người đang thi hành công vụ để bỏ người tình của y ra khỏi vụ án (tức là thoát tội Che giấu tội phạm). Viên sĩ quan cảnh sát nhận 2 tỷ đồng và dặn cô ta không được nói với ai về việc bắt hung thủ tại nhà mình. Việc hối lộ này bại lộ, sĩ quan cảnh sát nhận 2 tỷ đồng chạy tội bị bắt giam. Trong trại giam, vị cựu cán bộ của Phòng cảnh sát truy nã tội phạm liên tục viết thư ra ngoài nhờ đồng nghiệp cũ tìm người thủ tiêu cô gái tình nhân của gã trùm ma túy, chứng nhân của vụ hối lộ nhằm “sát nhân, diệt khẩu”.
Trong một diễn biến khác, tại vụ này, khi tên trùm ma túy (bị khởi tố với tội danh Giết người) bị bắt tạm giam, một điều tra viên hứa sẽ “làm nhẹ tội” nếu được lót tay 500 triệu đồng. Đề nghị của điều tra viên này lập tức được thỏa mãn, tiền do em trai của nghi phạm mang đến.
Trước khi vụ này có kết luận điều tra, điều tra viên nhận 500 triệu đồng “làm nhẹ tội” và cô gái tình nhân của hung thủ bắn người đã kịp thời “mất tích”!
Vụ này có rất nhiều tình tiết mờ ám, thiếu minh bạch trong quá trình điều tra, xét hỏi nghi phạm, làm lộ rõ sự lộng hành của những người thực thi công vụ, bảo vệ pháp luật. Lúc bắt người (tuy khẩn cấp), biết rõ nơi ẩn náu mà không có chính quyền địa phương hoặc ai đó chứng kiến, không biên bản. Bắt người “trong bóng tối” rất dễ bị mua chuộc và thỏa thuận “trên lưng” pháp luật. Khi hỏi cung nghi phạm, điều tra viên cũng “ở một mình” với đối tượng, lại một lần qua mặt pháp luật mà điều đình với nhau nhằm chạy tội. Trong trại tạm giam, nghi phạm vẫn có thể viết thư nhiều lần ra ngoài nhằm thực hiện hành vi “sát nhân, diệt khẩu”, nói cách khác, trong tù mà vẫn “chỉ đạo” đồng nghiệp tác nghiệp bịt đầu mối, đúng là tội chồng lên tội. Chưa kể đến khía cạnh đạo lý là để làm giảm tội cho mình sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người khác! Bắt người thì trong bí mật nhưng việc sắp bắt người thì sớm bại lộ, tạo điều kiện cho các nghi phạm lặn không sủi tăm (trường hợp của đồng chí điều tra viên và cô gái nhân tình của ông trùm ma túy). Một loạt các hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện dưới chiêu bài thi hành và bảo vệ pháp luật, coi pháp luật là công cụ trong tay mình để làm tiền, sẵn sàng bẻ cong pháp luật vì lợi ích riêng tư.
Những việc làm đó tập trung trong cùng một vụ án rất đáng được quan tâm, suy xét. Từ thực tế của vụ án này, đặt ra những yêu cầu cấp bách là phải có biện pháp “cài then” những cánh cửa pháp lý để tội phạm chức vụ không thể lách vào. Đồng thời, phải mở rộng cánh cửa pháp lý để minh bạch ùa vào, ngăn chặn và xua tan những hành vi đen tối, những thỏa thuận ngầm “trên lưng” pháp luật.
Bình Sơn