Chế định tài sản và quyền sở hữu là một trong những chế định hết sức quan trọng trong pháp luật dân sự. Đối với bất kỳ một Bộ luật Dân sự nào thì chế định tài sản và quyền sở hữu cũng giữ vị trí trung tâm. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành và áp dụng các quy định pháp luật về chế định tài sản và quyền sở hữu trong giải quyết các vụ án dân sự còn nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến vấn đề như: Xác định tài sản (cụ thể là các Tòa án còn lúng túng trong việc xác định thế nào là "giấy tờ có giá"); xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản (vấn đề này phải áp dụng pháp luật trong nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến chồng chéo, không đồng bộ và khó thực thi trong thực tiễn); xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu (điều kiện để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu đối với người chiếm hữu có căn cứ pháp luật là chưa hợp lý); xác lập quyền sở hữu theo thừa kế (đối với phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước, thì pháp luật chưa có quy định thuộc quyền sở hữu của ai); xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của Tòa án (vấn đề hết thời hạn thi hành án thì tài sản được xác lập cho ai là chủ sở hữu?); quyền đòi lại tài sản.
Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp về tài sản và quyền sở hữu tại Toà án nhân dân, tác giả Nguyễn Hải An phân tích những vướng mắc, bất cập và đưa ra một số kiến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện chế định này. Kính mời độc giả đón đọc bài viết “Thực tiễn áp dụng chế định tài sản và quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự năm 2005” trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 8 (269) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Huyền Trang