Abstract: Suspended sentence always asserts prevalence of balanced combination between punishment and tolerance in the Vietnamese legal system. It also shows the participation of the community in the supervision, education, re-education of the convicted so that they can mend their ways and become useful people in the society. This paper concentrates on discussing the practice of suspended sentence execution of criminal judgment execution and justice support police in the Can Tho City and from there, proposes some recommendations to overcome difficulties in the application of this institution.
Án treo là một chế định pháp lý hình sự ra đời từ rất sớm cùng với sự phát triển của Luật Hình sự Việt Nam. Đây là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt không quá 03 năm tù, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành án phạt tù. Từ khi áp dụng và thi hành hình phạt này cho đến nay, án treo luôn khẳng định được tính ưu việt và biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa phương châm trừng trị với khoan hồng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự tham gia của cộng đồng vào việc giám sát, giáo dục, cải tạo người phạm tội, để họ hoàn lương trở thành người có ích cho xã hội.
Tổ chức và thi hành hình phạt án treo được quy định từ Điều 61 đến Điều 70 Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Đây là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật giám sát, giáo dục người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo tại địa phương. Theo thống kê, hiện nay, toàn thành phố có 292 đối tượng đang chấp hành án treo, chiếm tỉ lệ 97,5% trong tổng số 302 đối tượng đang chấp hành các án phạt khác tại xã, phường, thị trấn như: Cải tạo không giam giữ (04 đối tượng), quản chế (01 đối tượng), biện pháp bắt buộc chữa bệnh (05 đối tượng), cải tạo không giam giữ (04 đối tượng)[1].
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác thi hành án và đặc điểm của các loại án phạt được chấp hành tại địa phương. Công an thành phố Cần Thơ đã xây dựng nhiều chương trình kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả như: Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự trong đó đặc biệt chú ý đối tượng đang chấp hành án treo, tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND ngày 13/8/2012 về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự, xây dựng mô hình “Cộng đồng giúp đỡ người chấp hành án tại địa phương”. Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện công tác điều tra, khảo sát tình hình người đang chấp hành án tại địa phương, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra thực tế công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tại công an 09 quận, huyện và 27 UBND xã, phường, thị trấn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục, nhận xét đối tượng đang chấp hành án treo. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho lực lượng công an và chính quyền địa phương tại cơ sở trong công tác thi hành án, đồng thời tạo bước chuyển tốt trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn, trợ giúp về tâm lý, định hướng nghề nghiệp, dạy nghề… nhằm giúp cho các đối tượng đang chấp hành án treo có kiến thức pháp luật, định hướng đúng đắn về tương lai, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng khi đã chấp hành án xong.
Nhìn chung, sau khi được triển khai và thực hiện, công tác thi hành án hình sự đối với loại án treo luôn được lực lượng công an và UBND các cấp chú trọng, đặc biệt quan tâm, tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và đã đạt được một số kết quả nhất định góp phần bảo vệ pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại địa phương, tạo được niềm tin vững chắc của quần chúng nhân dân vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành án treo còn rất nhiều khó khăn, bất cập giữa quy định của pháp luật và thực tiễn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác thi hành án như:
Thứ nhất, xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn của án treo
Khi quyết định cho người bị kết án được hưởng án treo, Tòa án phải tuyên thời gian thử thách đối với người phạm tội. Đây là khoảng thời gian để người phạm tội tự giác cải tạo trở thành người tốt cho xã hội. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách có 02 hướng khác nhau:
(i) Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án đầu tiên cho hưởng án treo[2]. Theo đó, nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; còn nếu Tòa án sơ thẩm không cho hưởng án treo nhưng Tòa án Phúc thẩm cho hưởng án treo thì thì tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
(ii) Thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án[3]. Theo đó, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định hình phạt tù cho hưởng án treo quy định “người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương… thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án”. Mục 3 Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ lại tiếp tục khẳng định nội dung trên.
Tuy nhiên, theo quy định khoản 1 Điều 62 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về thi hành án treo lại quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án” và khoản 2 Điều 62 cũng quy định: “Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo thì cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải giao hồ sơ thi hành án cho UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo”. Như vậy, thời hạn để tính án treo là khi nào đã dẫn đến UBND cấp xã và các đơn vị chức năng lúng túng trong quá trình xác định thời hạn của hình phạt này.
Thứ hai, về thi hành quyết định thi hành án treo
Điều 62 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có nhiệm vụ triệu tập người được hưởng án treo, người đại diện hợp pháp của người được hưởng án treo là người chưa thành niên đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người được hưởng án treo phải có mặt tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú và cam kết việc chấp hành án, lập hồ sơ thi hành án”. Trong thực tiễn, việc áp dụng điều luật này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc mà nguyên nhân là đối tượng chấp hành án đã không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án cấp huyện để ấn định thời gian có mặt tại UBND cấp xã và cam kết chấp hành án. Tiến hành xác minh tại địa phương thì đối tượng đã bỏ nhà đi, gia đình, địa phương không biết đi đâu, làm gì? Do đó, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện không ấn định được thời gian người phải chấp hành án treo đến UBND cam kết việc thi hành án và đương nhiên hồ sơ thi hành án treo không được bàn giao cho UBND cấp xã để tổ chức thực hiện. Dưới đây là một trong rất nhiều trường hợp xảy ra trong thực tế, chúng tôi xin được nêu lên để minh chứng:
Ông Trần Hải H ở xã G, huyện P bị Tòa án nhân dân xử phạt 06 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do bản án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nên ngày 12/7/2016, Chánh án Tòa án nhân dân huyện ra Quyết định thi hành án. Ngày 19/8/2016, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện P triệu tập bị án H để làm thủ tục thi hành án nhưng H không đến. Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện P xác minh thì được biết H theo anh ruột đi lên tỉnh Đ làm thuê (gia đình không rõ địa chỉ ở đâu). Chính vì không có mặt ở địa phương, nên H không đến để làm việc theo giấy triệu tập. Vì vậy, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện P không ấn định được thời gian người phải thi hành án treo đến UBND xã, cam kết việc chấp hành án và đương nhiên hồ sơ thi hành án treo của H không được bàn giao cho UBND xã để tổ chức thi hành.
Thứ ba, công tác quản lý đối tượng thi hành án treo
Công tác kiểm tra, giám sát thi hành án treo tại UBND cấp xã còn lỏng lẻo có trường hợp đối tượng thi hành án treo bỏ trốn khỏi địa phương hoặc được triệu tập nhưng không đến để làm việc đã gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án treo tại địa phương. Cho đến nay, luật chưa quy định chế tài nghiêm khắc trong các trường hợp nêu trên, thường chỉ là kiểm điểm, nặng hơn thì phạt hành chính. Nhưng dù có xử phạt thì họ cũng không chấp hành khiến các địa phương đều “ngại” tiếp nhận giáo dục người bị án treo. Do đó dẫn đến tình trạng không thể quản lý, giám sát giáo dục người đang chấp hành án treo và người đang bị án treo vẫn “nhởn nhơ” ngoài xã hội, gây ra một hệ lụy lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng như: Không xác định người đó đã thi hành án xong hay chưa, có phạm tội trong thời gian thử thách hay chỉ là tái phạm, tái phạm nguy hiểm, ngoài ra còn liên quan đến vấn đề tổng hợp hình phạt của Tòa án nếu họ thực hiện hành vi phạm tội mới...
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 63 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì: “Giải quyết cho người được hưởng án treo được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú”. Đối với nhiều bị án có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên để giúp đỡ gia đình, cải thiện cuộc sống họ phải đi làm thuê ở nơi khác, thậm chí rất xa. Vì vậy, trong thời gian chấp hành án họ không có mặt ở địa phương, nên nhiều nghĩa vụ của người chấp hành án không được thực hiện như: Không có bản tự nhận xét của cá nhân họ (03 tháng 01 lần) để lưu vào hồ sơ; họ không thể có mặt khi UBND cấp xã yêu cầu... Trên thực tế, việc quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã đối với những trường hợp này chỉ trên giấy tờ, ngay cả trường hợp Luật Thi hành án hình sự có quy định nếu người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó cũng không thể thực hiện được. Bởi vì, có những trường hợp địa điểm mà các bị án đi làm thuê không cố định, thường xuyên di chuyển... vì thế nên lưu trú không rõ ràng nên việc thực hiện quy định trên là rất khó.
Công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án tại địa phương của UBND cấp xã chưa thực hiện nghiêm túc còn giao phó cho lực lượng công an, một số nơi thì buông lỏng do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa qua đào tạo chuyên sâu nên việc thực hiện chưa đồng bộ; mặt khác, chế độ thông tin báo cáo thực hiện chưa được thường xuyên, nhân sự quản lý giáo dục tại địa phương thường xuyên thay đổi nên hiệu quả đạt được chưa cao. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật của một số đơn vị chức năng đến quần chúng nhân dân còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các đơn vị không liên tục, ít trao đổi thông tin trong việc quản lý, giáo dục người chấp hành án treo tại địa phương.
Thứ tư, nhận thức của người chấp hành án
Do nhận thức pháp luật còn kém, nhiều đối tượng được hưởng án treo cho rằng án treo thì cũng như không có án vì họ không bị quản chế nghiêm khắc như án tù giam. Một số khác hầu như không quan tâm đến việc xét duyệt và trả tự do cho chính bản thân họ. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của người chấp hành án, ngại khơi lại chuyện cũ khi phải đưa ra lấy ý kiến bình xét của tổ dân cư và ban ấp hoặc do họ bị mặc cảm, tự ti trước những định kiến xã hội. Vì vậy, nhiều đối tượng đã để mất quyền công dân đầy đủ của mình do không đến cơ quan chức năng làm thủ tục chấp hành án xong hoặc xóa án tích khi hết thời gian thử thách.
Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành án treo của lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, chúng tôi có một số kiến nghị và đề xuất sau:
Thứ nhất, thời điểm bắt đầu tính án treo. Cần thống nhất cách tính thời hạn án treo kể từ thời điểm UBND xã nhận bàn giao hồ sơ thi hành án hình sự là phù hợp với thực tiễn và quy định tại Mục 3 Chương V Luật Thi hành án hình sự năm 2010, vì đó chính là thời điểm phát sinh trách nhiệm thi hành của cơ quan có thẩm quyền thi hành, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chấp hành cũng như không mất đi các quyền luật định khác đối với bị án. Nếu bị án không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan thi hành án hình sự thì đương nhiên hồ sơ không thể chuyển cho UBND cấp xã, thời gian chấp hành án chưa được tính. Việc này sẽ khắc phục được bất cập trong trường hợp sau xét xử, bị án bỏ địa phương đi nơi khác làm ăn dẫn đến không thi hành được bản án trên thực tế.
Thứ hai, chế tài đối với người không chấp hành án treo. Luật Thi hành án hình sự cần quy định thêm thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện được ra lệnh áp giải thi hành án đối với những đối tượng chấp hành án treo cố tình trốn tránh hoặc bỏ đi khỏi địa phương không có lý do chính đáng; bổ sung quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan thi hành án cấp huyện và công an cấp xã khi những người này cố tình trốn tránh không chấp hành theo giấy triệu tập. Trường hợp đã xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm hoặc người chấp hành án treo cố ý vi phạm các nghĩa vụ được quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì “chuyển hình phạt án treo thành hình phạt tù giam có thời hạn” để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Có văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc khi tổ chức giám sát, giáo dục, xác nhận lưu trú về ý thức chấp hành của người đang chấp hành án treo trong các trường hợp người chấp hành án treo (thu nhập chính của gia đình) phải đi làm ăn xa. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành án, khi nơi họ đang sinh sống (thường trú hoặc tạm trú) có gắn liền với việc làm hàng ngày và thuận tiện hơn cho chính quyền địa phương khi quản lý.
Thứ ba, cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thi hành án kết hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ số đối tượng đang chấp hành án tại địa phương. Định kỳ thống kê, rà soát, phân loại để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi tiếp tục phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác.
Thứ tư, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần nhận thức rõ và có sự quan tâm đúng mức đến công tác tổ chức và thi hành án treo và các án phạt không phải giam giữ như: Án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế song song với tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng chấp hành và cho chính bản thân đối tượng đang chấp hành án tại địa phương.
Thứ năm, đối với các đối tượng do nhận thức pháp luật còn kém, mặt cảm với xã hội vì đã vi phạm pháp luật dẫn đến phải trốn đi xa khỏi địa phương nhưng có ý định muốn hoàn lương và trở thành người có ích cho xã hội thì chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện xác minh làm rõ, động viên, khuyến khích họ trở về địa phương chấp hành án, song song với tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho số đối tượng này, nhanh chóng giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng tránh sự phân biệt đối xử và kỳ thị theo ý thức chủ quan.
Mặt khác, các đối tượng có biểu hiện bất mãn, chống đối không chấp hành án tại địa phương cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng để có các biện pháp mạnh nhằm răng đe và giáo dục làm gương cho những đối tượng khác đang chấp hành án tại địa phương, bảo đảm việc thi hành án đúng quy định pháp luật.
Thứ sáu, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành những văn bản quy phạm pháp luật có hướng dẫn cụ thể các biện pháp chế tài xử lý đối với các đối tượng cố tình chống đối, không có mặt theo giấy triệu tập, bỏ trốn khỏi địa phương mà không khai báo… Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật và thi hành luật của các cơ quan chức năng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật “mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm”.
Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, án phạt cấm cư trú, quản chế cho công an các đơn vị, địa phương và cán bộ tại UBND xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục đối tượng chấp hành án.
Các cơ quan chức năng trong chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật thi hành án hình sự, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của từng cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát, giáo dục đối tượng đang chấp hành án để kịp thời nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Thứ tám, thực hiện nghiêm Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt về địa phương sinh sống. Trong đó, cần tập trung vào số đối tượng có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, trình độ thấp, thiếu ý thức tự giác chấp hành pháp luật… vì đây là số đối tượng có khả năng tái phạm tội rất cao.
Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Cơ quan thi hành án hình sự - Công an thành phố Cần Thơ, Báo cáo công tác năm 2017.
[2]. Điều 4 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo.
[3]. Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ; Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002.