1. Cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1.1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể tội phạm nói chung đó là có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) và đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự người đủ 16 tuổi trở lên không ở trong tình trạng không có năng lực TNHS [2] tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác về tính mạng, sức khỏe và tài sản thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đều chủ thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bộ luật Hình sự không đưa ra khái niệm thế nào là người gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người tham gia giao thông bao gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này trong mọi trường hợp những đối tượng này thực hiện hành vi phạm không bị truy cứu TNHS.
1.2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là trật tự an toàn giao thông đường bộ do nhà nước quy định. Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định thế nào là trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn pháp luật của cơ quan có thẩm quyền có thể xác định được trật tự an toàn giao thông đường bộ là những quy định nhằm bảo đảm an toàn giao thông vận tải, bảo đảm cho hoạt động vận tải đường bộ được thông suốt, tiến hành bình thường, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ tài sản của nhà nước, của các tổ chức và tài sản của công dân[3].
1.3. Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi khách quan
Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác[4]. Việc xác định hành vi vi phạm ngoài căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn pháp luật của cơ quan có thẩm quyền để xem xét đảm bảo tính chính xác khi giải quyết vụ án hình sự.
Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được thể hiện phổ biến ở hai dạng: Hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ[5].
Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định thế nào phương tiện giao thông đường bộ cần căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ 2008 để xác định: Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự[6].
(i). Hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông thường tập trung ở một số nhóm hành vi sau:
- Hành vi vi phạm về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của phương tiện giao thông: Điều khiển xe khi không có đầy đủ các loại đèn chiếu sáng, hệ thống hãm kém hiệu lực, hệ thống chuyển hướng, bánh lốp rơ mòn quá mức quy định hoặc không đúng kích cỡ, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe… Trên thực tế không phải trường hợp nào người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cũng nhận biết được những thiếu sót về mặt kỹ thuật của phương tiện và luật cũng không buộc họ phải nhận biết được lỗi kỹ thuật. Ví dụ, trường hợp phương tiện giao thông xuất xưởng không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định khi tham gia giao thông để xảy ra sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn. Trường trường hợp này người điều kiển phương tiện không phải chịu TNHS.
- Hành vi phạm quy định về điều kiện người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Không đạt độ tuổi và sức khỏe theo quy định, không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp…
- Hành vi vi phạm về quy tắc tham gia giao thông đường bộ: Không chấp hành báo hiệu đường bộ, vi phạm tốc độ và khoảng cách giữa các xe, vi phạm chuyển hướng xe, lùi xe, tránh xe đi ngược chiều, không nhường đường tại nơi đường giao nhau, đoạn đường bộ giao cắt với đường sắt, vi phạm quy định về dừng xe, đỗ xe, vi phạm quy định khi qua phà, qua cầu, vi phạm quy định về giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ, vi phạm quy định về bảo đảm trọng tải và khổ giới hạn của đường bộ, vi phạm quy định về kéo xe, kéo rơ moóc, đội mũ bảo hiểm…
- Hành vi vi phạm quy định vận tải đường bộ: Chở hàng hóa, chở hành khánh quá tải trọng của xe, xếp hàng hóa trên xe cồng kềnh, hàng to quá khổ, chở hàng độc hại, dễ cháy nổ sai quy định…[7].
(ii) Hành vi vi phạm khác không điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ nhưng có tham gia giao thông đường bộ:
Hành vi vi phạm không điều khiển phương tiện giao thông nhưng có tham gia giao thông như hành vi điều khiển xe máy chuyên dùng (gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ)[8], người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ, chạy bộ trên đường bộ…
1.4. Hậu quả
Hậu quả của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông là những thiệt hại về vật chất (thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác) do hành vi phạm tội là nguyên nhân trực tiếp gây ra, hậu quả có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ với hành vi phạm tội. Dấu hiệu hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong hầu hết các khoản của điều luật (trừ trường trường hợp quy định tại khoản 4). Cần phân biệt hậu quả của tội phạm là căn cứ định tội và hậu quả thực tế của tội phạm. Hậu quả tội phạm là căn cứ định tội là những thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra. Hậu quả thực tế của tội phạm ngoài những thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra còn có những thiệt hại gián tiếp khác do bị thương phải chi phí cho việc điều trị và các chi phí khác…
1.5. Mặt chủ quan
Người thực hiện hành vi phạm quy định về tham gia giao thông với lỗi vô ý có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó[9].
Đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và trong khoa học pháp lý còn có quan điểm về “lỗi hỗn hợp”. Bộ luật Hình sự chỉ đưa ra khái niệm “lỗi cố ý”, “lỗi vô ý” không đề cấp đến “lỗi hỗn hợp”. Trong khoa học pháp lý chưa có khái niệm thống nhất về “lỗi hỗn hợp”. Có quan điểm đề cập “lỗi hỗn hợp” là lỗi cố ý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và vô ý đối với hậu quả do hành vi đó gây ra, cũng có quan điểm gọi trường hợp này là “hỗn hợp lỗi”[10]. Quan điểm này không đúng với bản chất của lỗi vì lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Không phải lỗi là chỉ thể hiện đối với hành vi hoặc chỉ đối với hậu quả.
Quan điểm khác “lỗi hỗn hợp” là trường hợp chỉ thái độ tâm lý của nhiều người đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà họ cùng đã gây ra. Ví dụ: Lỗi của cả hai bên gây ra hậu quả đối với người thứ ba trường hợp này được thừa nhận phổ biến trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hiện nay[11].
Trên cơ sở nghiên lý luận về cấu thành tội phạm của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ giúp cho người làm công tác nghiên cứu pháp luật và người làm công tác áp dụng pháp luật nhận thức đúng và chính xác bản chất của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, giúp phân biệt các hành vi vi phạm pháp luật thuộc tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phân biệt tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với các tội phạm khác xâm phạm trật tự, an toàn giao thông như tội cản trở giao thông đường bộ…
2. Những vấn đề cần lưu ý trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Một là, định tội danh đối với trường hợp người điều khiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn ở những nơi không phải là đường giao thông như sân trường, bến bãi, công trường…
Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không phải là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nên không bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy từng trường hợp mà bị truy cứu TNHS về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu tội phạm đó như “Tội vô ý làm chết người” (Điều 128); “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 129); “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” (Điều 295)… quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015[12].
Quy định trên hướng dẫn Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 là phù hợp nhưng chưa đầy đủ khi chỉ về quy định về “phương tiện giao thông đường bộ”. Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi về tên tội danh từ “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thành “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nên quy định cần áp dụng chung đối phương tiện tham gia giao thông[13], bao gồm cả “xe máy chuyên dùng” gây tai nạn khi không tham gia giao thông đường bộ như ủi xúc đất, san lấp, cày ruộng, cẩu hàng…
2. Xác định hậu quả là căn cứ để định tội
Xác định thiệt hại về tài sản là căn cứ định tội cần chú ý thiệt hại phải là thiệt hại về tài sản của người khác. Tuy nhiên, đối với trường hợp tài sản nhận được thông qua hợp đồng dân sự (ví dụ: Tài xế lái xe thuê, thuê xe qua hợp đồng) thì không phải chịu TNHS trong việc gây thiệt hại về tài sản cho chủ xe vì vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật dân sự. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chính thức quy định này, mà mới chỉ có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành Tư pháp[14].
3. Định tội trong trường hợp lỗi hỗn hợp
Vấn đề giải quyết vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp xác định hai bên cùng thực hiện hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả thiệt hại về tính mạng, sức khỏe tài sản cho người thứ ba. Cả hai bên cùng có lỗi hay còn gọi là lỗi hỗn hợp. Trường hợp này khởi tố cả hai bên hay chỉ khởi tố một bên còn có những quan điểm khác nhau về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp hai bên cùng có lỗi gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bên thứ ba thì không thể khởi tố cả hai bên liên quan mà chúng ta chỉ có thể khởi tố đối với một trong hai bên liên quan. Nếu khởi tố cả hai bên vô hình chung đã coi đây là đồng phạm trong vụ án, cả hai cùng là người thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, về mặt lý luận đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên, cố ý cùng thực hiện một tội phạm, có sự thống nhất về ý chí và phải là lỗi cố ý. Trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ chỉ là lỗi vô ý và không thể có đồng phạm.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trường hợp hai bên cùng có lỗi gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho bên thứ ba cần phải khởi tố cả 02 bên vì cả hai bên cùng có lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, có hậu quả xảy ra nên cả hai bên cùng phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả đó[15].
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai vì trong trường hợp này cả hai bên cùng thực hiện hành vi vi phạm về tham gia giao đường bộ độc lập nhưng cả hai hành vi gây ra hậu quả chung. Xét về yếu tố lỗi hai bên cùng có lỗi trực tiếp gây ra thiệt hại nên không thể khởi tố một bên như quan điểm thứ nhất, nếu khởi tố một bên là bỏ lọt tội phạm, không thể đánh đồng mọi trường hợp cùng thực hiện tội phạm phải là đồng phạm. Tuy nhiên, cần xác định rõ mức độ lỗi của từng bên để làm căn cứ khởi tố.
4. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ
Do tính phức tạp của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ các công tác điều tra ban đầu như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định về nồng đồ cồn, ma túy, trưng cầu giám định về thương tích, tài sản, thu thập tài liệu, chứng cứ là dữ liệu điện tử tại hiện trường (Nếu có), lấy lời khai người làm chứng… có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung vụ án. Vì vậy, công tác điều tra ban đầu phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, không được vi phạm thủ tục tố tụng để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án được chính xác và có căn cứ.
Trong thực tiễn điều tra, truy tố xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ bên cạnh việc nhận thức những vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm của loại tội này cần nắm chắc các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ, các văn bản hướng dẫn pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành Tòa án, Viện kiểm sát đặc biệt những vấn đề cần lưu ý trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như tác giả vừa trình bày ở trên là hết sức cần thiết tránh các trường hợp oan sai, sót lọt tội phạm./.
Viện kiểm sát quân sự khu vực 11