Trên tinh thần đó, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực để phát triển nghề luật sư. Bài viết phản ánh thực tiễn sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư tại tỉnh Quảng Bình, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, từ đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm và đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
1. Thực trạng nghề luật sư tại Quảng Bình
Quảng Bình là tỉnh duyên hải thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có tổng diện tích đất tự nhiên là 8.065,3 km2, dân số vào khoảng 896.601 người; có 08 huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 01 huyện nghèo (huyện Minh Hóa), có 151 xã, phường, thị trấn, trong đó có 47 xã nghèo. Dân cư trong tỉnh phân bố không đều, 79,01% sống ở vùng nông thôn và 20,99% sống ở thành thị. Điều kiện khí hậu không thuận lợi, gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, bão lũ. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên đã thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng đội ngũ luật sư bảo đảm số lượng, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để luật sư hành nghề theo đúng quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích cao quý của nghề luật sư, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã có các giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành triển khai kịp thời Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1014/KH-UBND ngày 01/7/2016 về triển khai thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021, trong đó có nội dung triển khai chiến lược phát triển nghề luật sư; Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 05/4/2011 về phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư từ năm 2011 đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Quyết định số 3970/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn luật sư và nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2017 - 2020.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm hơn đến hoạt động luật sư và nhận thức rõ vai trò, vị trí của luật sư. Hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư đã hình thành rõ nét, khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của mình. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về luật sư đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện. Vì vậy, việc triển khai và thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ:
Về số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, từ chỗ cả tỉnh chỉ có 19 luật sư và 12 tổ chức hành nghề luật sư vào năm 2011, đến nay đã có 42 luật sư và 16 tổ chức hành nghề luật sư[1] đang hoạt động hành nghề trên địa bàn.
Chất lượng luật sư, chất lượng tập sự hành nghề luật sư từng bước được nâng lên so với những năm trước đây. Các tổ chức hành nghề luật sư và Đoàn luật sư đã tạo điều kiện cho người tập sự có môi trường thực tiễn để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm; hoạt động kiểm tra, giám sát tập sự đã được Sở Tư pháp, Đoàn luật sư quan tâm. 42/42 luật sư đều có trình độ cử nhân luật, đạt tỷ lệ 100%; đa số luật sư là thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên đã về hưu và tham gia hành nghề luật sư; 08/42 luật sư đã qua đào tạo nghề luật sư, đạt tỷ lệ 19%, các luật sư được đào tạo nghề luật sư chủ yếu là các luật sư trẻ thuộc diện đối tượng không được miễn đào tạo nghề và tập sự hành nghề luật sư.
Việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ luật sư luôn được UBND tỉnh quan tâm, thông qua việc chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ, Đoàn luật sư xây dựng và triển khai thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ luật sư và các chức danh bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, các luật sư đã tham gia 15 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho luật sư và hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng lồng ghép cho luật sư với các đối tượng khác.
Hoạt động hành nghề luật sư, hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư đã tăng đáng kể về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng. Trong quá trình hoạt động, các luật sư luôn nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, có tinh thần và trách nhiệm trong từng vụ việc, luôn trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 1.940 vụ việc, 100% án chỉ định đều có sự tham gia của các luật sư.
Công tác bảo vệ, hỗ trợ quyền hành nghề của luật sư được xem là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh. Đoàn luật sư, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hành nghề. Công tác giám sát tập sự hành nghề đã được Đoàn luật sư thực hiện nghiêm túc từ khâu tiếp nhận tập sự cho đến phân công người hướng dẫn tập sự, giới thiệu tổ chức nhận tập sự.
Những năm qua, Đoàn luật sư đã luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư. Ngoài ra, Đoàn luật sư đã hướng dẫn các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia góp ý dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư; hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Sự phối hợp giữa Đoàn luật sư với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan khác ngày càng được tăng cường, thể hiện thông qua việc tổ chức thành công Đại hội Đoàn luật sư; ký kết các quy chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với Sở Tư pháp trong quản lý nhà nước về luật sư…
Đoàn luật sư đã giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Đến nay, Đoàn luật sư đã tiếp nhận và giải quyết 05 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân liên quan đến luật sư và hoạt động hành nghề luật sư; kết quả giải quyết nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh đều không có căn cứ, không có trường hợp nào luật sư bị các hình thức xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong giai đoạn này, Đoàn luật sư đã tham gia hỗ trợ cơ quan nhà nước giải quyết 01 vụ việc liên quan đến sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây thiệt hại cho bà con ngư dân các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Bình.
Tính đến ngày 31/12/2019, Đoàn luật sư có 35/42 luật sư là đảng viên. Sau đại hội nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình đang thực hiện các quy trình, thủ tục để thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn luật sư.
Để cụ thể hóa các chính sách, giải pháp phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, ngoài việc ban hành các đề án để phát triển tổ chức hành nghề luật sư, UBND tỉnh đã tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 65-CV/TU ngày 17/3/2016 về việc tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn Luật sư và nâng cao hiệu quả chất lượng đội ngũ luật sư trên địa bàn. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2191/UBND-NC ngày 19/12/2016 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh; Công văn số 844/UBND-NC ngày 17/5/2017 về việc củng cố, kiện toàn Đoàn luật sư Quảng Bình; Công văn số 1124/UBND-NC ngày 26/6/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ hàng năm, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trong đó có tổ chức hành nghề luật sư). Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề luật sư và Đoàn luật sư. Từ năm 2011 đến năm 2019, Sở Tư pháp đã tiến hành 07 cuộc kiểm tra với 56 tổ chức hành nghề luật sư, 10 cuộc thanh tra với 19 tổ chức hành nghề luật sư, 02 cuộc kiểm tra Đoàn luật sư. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Tư pháp cho thấy các tổ chức hành nghề luật sư và Đoàn luật sư cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan; đã tổ chức hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động, Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nội quy của Đoàn luật sư, không có tổ chức hành nghề luật sư nào vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư và các quy định về tổ chức, hoạt động của luật sư đến mức phải bị xử lý.
Việc cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân đều thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không có trường hợp nào giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết không có căn cứ, lý do.
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai và thực hiện chiến lược phát triển luật sư trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, việc phát triển số lượng, chất lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư: Số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư còn ít so với dân số, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra theo các đề án, kế hoạch phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh (theo chỉ tiêu của tỉnh đến năm 2020 có 20 tổ chức hành nghề luật sư và có ít nhất 50 luật sư); quy mô tổ chức hành nghề luật sư còn nhỏ, chưa phát triển theo chiều hướng chuyên nghiệp; các tổ chức hành nghề luật sư chủ yếu tập trung tại TP. Đồng Hới[2], có 03/08 địa bàn cấp huyện chưa phát triển được tổ chức hành nghề luật sư nào.
Về chất lượng, số lượng luật sư được đào tạo nghề luật sư còn ít; hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của địa phương; thiếu đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu trong từng lĩnh vực cụ thể, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Thứ hai, về tổ chức và hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư: Chưa thành lập tổ chức Đảng trong Đoàn luật sư; vai trò tự quản của Đoàn luật sư trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Đoàn cũng như thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư để phục vụ cho việc hội nhập quốc tế chưa rõ nét. Việc tham gia xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn hạn chế.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư: Trong công tác quản lý nhà nước về luật sư, đôi khi việc kết hợp nguyên tắc quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc là do tỉnh Quảng Bình đang triển khai thực hiện 01 chiến lược và 01 đề án của Thủ tướng Chính phủ; 02 đề án của tỉnh, theo đó, các chiến lược và đề án đều tập trung nhiệm vụ phát triển luật sư và tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, do đặc thù đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cán bộ, công chức đã nghỉ hưu trong khi quy định về chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực lại là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước hoặc người trong độ tuổi lao động. Vì vậy, chưa có kinh phí để cử luật sư tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh chưa phát triển, mức thu nhập của người dân còn thấp, chưa đồng đều, nhận thức của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nhận thức của nhiều doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư chưa đầy đủ, chưa toàn diện, trong khi hoạt động luật sư lại được điều tiết theo cơ chế của thị trường và phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội, điều này đã có tác động không nhỏ đến việc phát triển nghề luật sư nói chung cũng như việc phát triển số lượng luật sư, đặc biệt là luật sư trẻ.
Về phía đội ngũ luật sư, một số luật sư còn chưa chủ động, tích cực trong việc tự nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề, chưa chú trọng phát triển thương hiệu cũng như doanh thu.
3. Giải pháp phát triển nghề luật sư trong thời gian tới
Để tiếp tục tạo điều kiện cho việc phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp:
- Xây dựng chiến lược phát triển nghề luật sư hoặc có giải pháp phát triển nghề luật sư theo vùng, miền, lĩnh vực pháp luật.
- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ tham gia hoạt động hành nghề luật sư; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật, nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư thông qua việc xây dựng chương trình đào tạo cử nhân luật, nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo hướng chuyên sâu (luật sư tranh tụng, luật sư tư vấn).
- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm tổng kết, ban hành kết luận về việc thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ) để từ đó, có định hướng phát triển nghề luật sư trong giai đoạn tiếp theo.
- Tổng kết Luật Luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, trên cơ sở đó đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư theo hướng thắt chặt tiêu chuẩn, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và hành nghề luật sư; có cơ chế, chính sách phát triển nghề luật sư theo hướng chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ luật sư có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Cần quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có luật sư để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, phục vụ có hiệu quả cho địa phương trong việc hội nhập kinh tế quốc tế.
- Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo; có chính sách hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các địa phương, nhất là các địa phương mà hoạt động nghề nghiệp luật sư chưa phát triển hoặc các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện đồng bộ.
- Cần hướng dẫn các Đoàn luật sư về tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ luật sư hàng năm để phân loại luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; tăng cường công tác thi đua, khen thưởng; phát động các phong trào thi đua để tạo động lực mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư trong hoạt động luật sư.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình
[1]. Trong đó có 04 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; 13 văn phòng luật sư và 03 công ty luật.
[2]. Toàn tỉnh chỉ có 05/08 đơn vị cấp huyện có tổ chức hành nghề luật sư (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch chưa có tổ chức hành nghề luật sư), trong đó, địa bàn thành phố Đồng Hới có 12 tổ chức hành nghề luật sư với 35 luật sư; thị xã Ba Đồn có 01 tổ chức hành nghề luật sư với 01 luật sư; Minh Hóa có 01 tổ chức hành nghề luật sư với 01 luật sư; Lệ Thủy có 01 tổ chức hành nghề luật sư với 03 luật sư; Quảng Ninh có 02 tổ chức hành nghề luật sư với 02 luật sư.