Qua thống kê những năm gần đây cho thấy, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành ngày càng tăng, trong đó, có những bản án tồn đọng rất nhiều năm chưa được thi hành. Tình trạng không thi hành án hoặc chậm thi hành án đối với các bản án, quyết định về vụ án hành chính có thể dẫn đến rất nhiều hệ quả nghiêm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ các quy định của pháp luật về thi hành án hành chính còn nhiều bất cập, hạn chế. Để khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính, trong bài viết “Thực tiễn thi hành án hành chính và một số giải pháp hoàn thiện” của ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả đã đưa ra đề xuất, kiến nghị như sau: (i) Bổ sung quy định pháp luật hành chính theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định thêm thủ tục thi hành án hành chính áp dụng đối với cả bản án dân sự, hình sự có nội dung tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật, theo đó, phần hành chính trong các bản án, quyết định dân sự, hình sự cũng cần được thi hành theo thủ tục thi hành án hành chính để bảo đảm sự thống nhất và hiệu quả cho công tác thi hành án; (ii) Sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng hơn về công tác kiểm sát thi hành bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động này, ngăn chặn những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án trong hoạt động thi hành án hành chính. (iii) Quy định rõ trách nhiệm của người không thi hành án, chậm thi hành án và có biện pháp xử lý nghiêm để bảo đảm kỷ cương trong bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi không chấp hành án, cản trở việc thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định về vụ án hành chính; (iv) Sớm ban hành văn bản pháp luật ở hình thức Luật Thi hành án hành chính để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến thi hành án hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng các quy định pháp luật về thi hành án hành chính.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.