Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã kịp thời chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh trong đó có Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nam Định phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi khi triển khai trên thực tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong đấu giá quyền sử dụng đất. Ngày 16/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cũng đã ban hành Công văn số 731/UBND-VP8 để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, để phát huy những mặt đã đạt được trong thời gian qua, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản và người tham gia đấu giá, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Song song với việc ban hành văn bản, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định thường xuyên quan tâm, bảo đảm điều kiện cho việc thi hành pháp luật về đấu giá tài sản.
Việc phổ biến, giới thiệu về những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các văn bản liên quan; đồng thời trao đổi, giải đáp những vướng mắc trên thực tế khi thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngay sau khi Luật có hiệu lực. Các hội nghị từ tỉnh đến huyện, các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đấu giá viên cùng nhân viên nghiệp vụ, công chức theo dõi lĩnh vực đấu giá tài sản được triển khai kịp thời, đầy đủ, thường xuyên. Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016 gửi các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, các tổ chức đấu giá tài sản về việc thực hiện những quy định mới của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về những nội dung như việc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, áp dụng thù lao đấu giá tài sản, áp dụng chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản...
Về tổ chức đấu giá tài sản, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức đấu giá tài sản đang hoạt động (Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp). Đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đang thực hiện tốt quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức hoạt động đấu giá tài sản ngày càng chuyên nghiệp. Với năng lực hiện có, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động đấu giá tài sản. Qua theo dõi hoạt động đấu giá tài sản trong thời gian qua cho thấy, các các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện đã lựa chọn được các tổ chức đấu giá có uy tín, có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ đấu giá viên có kinh nghiệm để bán đấu giá; việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong năm 2021, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã thực hiện 108 cuộc đấu giá thành với giá bán là 2.148.445.503.614 đồng, nộp vào ngân sách nhà nước 387.667.258 đồng, thù lao đấu giá thu được là 3.866.672.528 đồng.
Nhìn chung, các điều kiện để cho thi hành pháp luật về đấu giá tài sản cơ bản được bảo đảm cho hoạt động của đấu giá viên và công tác quản lý nhà nước. Luật Đấu giá tài sản năm 216 và các văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý để hoạt động đấu giá tài sản ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc ra đời và vận hành của Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản, phần mềm quản lý đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp đã góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong đấu giá tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn còn một số hạn chế trong việc bảo đảm các điều kiện về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động thi hành pháp luật về đấu giá tài sản; sự phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá tài sản với cơ quan quản lý nhà nước có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
Đánh giá về tình hình tuân thủ pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định, có thể thấy, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức đấu giá tài sản, chi nhánh của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã chấp hành đúng các quy định pháp luật đấu giá tài sản. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu giá tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức, cá nhân khác có liên quan khi tham gia các quan hệ pháp luật về đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá ngày càng nhận thức đầy đủ hơn và tuân thủ tốt hơn pháp luật về đấu giá tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tại một số địa phương, việc giám sát quá trình đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, có nơi sự xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá… gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.
Để hoạt động thi hành pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng hiệu quả, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá bảo đảm đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên, các cá nhân, tổ chức có liên quan. Nâng cao việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, giám sát việc tổ chức và thực hiện đấu giá tài sản công nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, việc tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đấu giá viên.
Hy vọng rằng, với một số đề xuất nêu trên, với chỉ đạo kịp thời của chính quyền địa phương tại Nam Định, sự nỗ lực, cố gắng, tích cực của các tổ chức đấu giá tài sản và của các tổ chức, cá nhân có liên quan, hoạt động đấu giá tài sản sẽ thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, đáp ứng tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân về đấu giá tài sản, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Sở Tư pháp Nam Định