Abstract: This article is concerned with some shortcomings, entanglements in the implementation practice of enterprise bankruptcy procedures, from that, puts forward solutions for law improvement and law implementation effectiveness on enterprise bankruptcy procedures in Vietnam today.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp thì phá sản là một hiện tượng có tính khách quan, mang tính quy luật “có cạnh tranh thì sẽ có phá sản”. Khi xảy ra tình trạng phá sản, Nhà nước phải tham gia giải quyết việc phá sản.
Luật Phá sản năm 2014 đã có những sửa đổi căn bản và toàn diện so với Luật Phá sản năm 2004 trong việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục phá sản, đồng thời, bổ sung thêm các điểm mới có lợi cho doanh nghiệp như: Mở rộng hơn đối tượng nộp đơn bằng cách bổ sung thêm các đối tượng mới như công đoàn, đại diện pháp luật của các doanh nghiệp; quy định rõ trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết vụ án phá sản giúp cho thủ tục phá sản được tiến hành thuận lợi hơn. Bên cạnh những quy định mới về tổ chức hội nghị chủ nợ, thời hạn phục hồi hoạt động kinh doanh, xử lý tranh chấp tài sản, Luật Phá sản năm 2014 cũng đã thay đổi về trình tự cho phù hợp với thực tế và bổ sung chế định quản tài viên hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản. Tuy nhiên, khi áp dụng Luật Phá sản năm 2014 vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, làm cho công tác giải quyết các vụ việc phá sản trên cả nước gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp mở thủ tục phá sản.
1. Một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành thủ tục phá sản doanh nghiệp
Trên thực tế, khi thực hiện thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cụ thể như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản thường có tâm lý sợ bị tuyên bố phá sản. Tâm lý này do quan niệm coi tiến hành thủ tục phá sản là một việc bất đắc dĩ, xấu hổ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân mình hơn là một cơ hội để phục hồi kinh doanh. Ngoài ra, khi bị tuyên bố phá sản, chủ doanh nghiệp sẽ bị tước quyền thành lập cũng như làm quản lý doanh nghiệp khác trong thời hạn từ 01 đến 03 năm. Bên cạnh đó, tình trạng chấp hành các quy định về chế độ tài chính - kế toán trong các doanh nghiệp còn yếu kém làm giảm hiệu lực thi hành Luật Phá sản năm 2014. Thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa tuân theo những quy định về tài chính - kế toán hiện hành, sổ sách kế toán còn sơ sài, thậm chí có những doanh nghiệp không có sổ sách kế toán dẫn đến công nợ không rõ ràng, gian dối về chứng từ kế toán. Vấn đề tài chính chưa minh bạch khiến cho Tòa án rất khó xác định tình trạng phá sản của doanh nghiệp, do đó, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng như việc thi hành quyết định thanh lý tài sản của doanh nghiệp.
Thứ hai, số lượng và năng lực của một bộ phận thẩm phán, chấp hành viên... còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác giải quyết thủ tục phá sản. Việc giải quyết vụ việc phá sản đòi hỏi mỗi thẩm phán không chỉ có trình độ chuyên môn, am hiểu về Luật Phá sản năm 2014, mà còn cần những kiến thức về lĩnh vực chuyên ngành khác như tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế và các ngành luật khác.
Thứ ba, thực tiễn thực thi pháp luật về thủ tục phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian vừa qua chưa thực sự hiệu quả, việc áp dụng còn một số vướng mắc xuất phát từ những bất cập trong quy định của pháp luật, cụ thể: Theo quy định của Điều 119 Luật Phá sản năm 2014, thì thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tại Điều 120 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định về thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Việc quy định như vậy dẫn đến tình trạng các chấp hành viên khi được phân công tổ chức thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản lúng túng và gặp khó khăn khi áp dụng các quy định pháp luật, thể hiện ở một số vấn đề sau:
- Về thời hạn ra quyết định thi hành án, Luật Phá sản năm 2014 và Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đều quy định thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án là của cơ quan thi hành án dân sự. Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành”.
Như vậy, thời hạn để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản của Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản năm 2014 là không thống nhất với nhau.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành và người được thi hành án được hưởng các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Như vậy, theo quy định trên thì những chủ nợ trong danh sách chủ nợ tại quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án là những người được thi hành án. Vậy, những chủ nợ có được hưởng các quyền của người được thi hành án hay không và chấp hành viên có phải thực hiện việc thông báo các quyết định về thi hành án và các văn bản khác liên quan đến việc thi hành án cho các chủ nợ hay không?
- Về các trường hợp định giá lại, theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Phá sản năm 2014 thì: “Việc định giá lại tài sản được thực hiện khi có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 122 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản”; khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Nghị định số 22/2015/NĐ-CP) quy định: “Nếu phát hiện quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phá sản, pháp luật về định giá tài sản dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, chấp hành viên yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc định giá lại tài sản, trừ trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đó bị thay đổi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Nghị định này”.
Như vậy, Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp các trường hợp định giá lại so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), đồng nghĩa với nó là những chủ nợ (người được thi hành án) không có quyền yêu cầu việc định giá lại như quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), điều này có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
- Về bán đấu giá tài sản, theo khoản 2 Điều 17 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này (điểm d khoản 1 Điều 17 quy định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo chấp hành viên trong các trường hợp bán đấu giá tài sản không thành), chấp hành viên quyết định việc thanh lý tài sản.
Tuy nhiên, Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không quy định là khi thực hiện quyết định việc thanh lý tài sản thì chấp hành viên làm thủ tục gì (ra quyết định giảm giá hay quyết định việc tiếp tục bán tài sản…) dẫn đến khó khăn trong việc có tiếp tục bán đấu giá tài sản.
- Về trình tự, thủ tục khi chấp hành viên thực hiện việc thanh lý tài sản, khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 quy định: “Tài sản mà quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này, sau 02 năm, kể từ ngày nhận được văn bản của chấp hành viên yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản mà tài sản chưa được thanh lý thì việc thanh lý tài sản được giao trở lại cho chấp hành viên.
Tuy nhiên, theo Luật Phá sản năm 2014, thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật. Việc quy định chung chung như vậy dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc tổ chức thi hành, chấp hành viên sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về phá sản hay pháp luật về thi hành án để tiếp tục tổ chức việc thanh lý tài sản, cụ thể: Trong trường hợp chấp hành viên khi thực hiện việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì có phải thực hiện việc ra quyết định kê biên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) hay chỉ tiến hành định giá lại tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Phá sản năm 2014?
- Về chi phí thực hiện thủ tục phá sản, Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.
Như vậy, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP mới chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện, còn trong trường hợp chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản (theo điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014) và thực hiện việc thanh lý tài sản (theo khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014) thì chưa quy định rõ ai là người phải chi trả những chi phí trên. Mặt khác, Điều 73 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) về chi phí cưỡng chế đã quy định rõ trường hợp nào người phải thi hành án chi trả, trường hợp nào người được thi hành án chi trả và trường hợp nào thì ngân sách chi trả.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản, thì không có người phải thi hành án, do đó, các chi phí khi chấp hành viên thực hiện các công việc trên có được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hay không?
Có thể nói, thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định trong Luật Phá sản năm 2014 đã có nhiều cải cách đáng kể, tuy nhiên thủ tục vẫn còn khá phức tạp và mất nhiều thời gian. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc thực thi thủ tục phá sản doanh nghiệp, vì vốn dĩ việc một doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản cần được giải quyết càng sớm càng tốt, càng kéo dài thì khả năng số nợ sẽ càng tăng lên và việc thu hồi nợ của các chủ nợ càng khó khăn hơn. Hơn nữa, các quy định của pháp luật về thủ tục phá sản doanh nghiệp còn chồng chéo, bất hợp lý và thiếu chặt chẽ đã gây nên tâm lý lo ngại và né tránh việc thực hiện thủ tục phá sản. Đặc biệt, thiết chế về quản lý, thanh lý tài sản theo Luật Phá sản năm 2014 có nhiều điểm mới cần phải có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để tránh việc áp dụng không đúng các quy định của pháp luật. Ví dụ như, cần làm rõ bản chất của hoạt động quản lý, thanh lý tài sản của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, sự độc lập của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản...
Như vậy, có thể thấy, việc thực thi thủ tục phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa thực sự hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp đều chưa sử dụng thủ tục phá sản để thực hiện đòi nợ hay phục hồi hoạt động kinh doanh, những vụ án được Tòa án thụ lý và giải quyết cũng là những con số rất khiêm tốn.
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về thủ tục phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam
Thứ nhất, một trong những nội dung thay đổi quan trọng của Luật Phá sản năm 2014 là việc thay đổi chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản thành chế định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Ngoài các quy định của Luật Phá sản năm 2014, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định tương đối đơn giản về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Có thể thấy, pháp luật không đề cập tới việc đào tạo nghề quản tài viên mà “đặc cách” trong giai đoạn đầu Luật Phá sản năm 2014 mới có hiệu lực bằng việc cho người có đủ điều kiện đăng ký để trở thành quản tài viên.
Ngoài hiểu biết pháp luật, quản tài viên còn phải thực hiện những nhiệm vụ yêu cầu trình độ chuyên môn về kế toán, tài chính như định giá tài sản, lập bảng kê toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp, quản lý tài sản, tài liệu, sổ sách kế toán của doanh nghiệp… Không phải luật sư hay cử nhân luật nào có 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật cũng am hiểu về lĩnh vực kinh tế, tài chính kế toán, quản trị kinh doanh và ngược lại rất nhiều kiểm toán viên hay cử nhân kinh tế nhiều năm kinh nghiệm lại có kiến thức rất hạn chế trong lĩnh vực pháp luật. Do vậy, việc trang bị, bồi dưỡng kiến thức cho quản tài viên là điều hết sức cần thiết bằng việc mở các khóa đào tạo nghề quản tài viên với thời gian 06 tháng đến 01 năm tương tự như các khóa học luật sư, công chứng viên, đấu giá viên.
Mặt khác, vấn đề trách nhiệm của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cũng cần được làm rõ hơn. Khi quản tài viên thực hiện nhiệm vụ rất dễ phát sinh trường hợp không thỏa mãn lợi ích của một nhóm nào đó, điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến thực hiện nhiệm vụ có thiên lệch của quản tài viên. Chẳng hạn, quản tài viên có thể thông đồng với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để tẩu tán tài sản. Điều 3 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, pháp luật chưa có chế tài cụ thể, nếu quản tài viên vi phạm những hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Trong thời gian tới, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này.
Thứ hai, để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về thủ tục phá sản doanh nghiệp thì cần có những giải pháp theo hướng:
- Đối với Ngành Tòa án: Thẩm phán là người trực tiếp giải quyết việc phá sản doanh nghiệp, do đó, chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết phá sản phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của thẩm phán. Để giải quyết tốt một vụ phá sản, ngoài yêu cầu về trình độ pháp luật, thẩm phán còn phải có trình độ hiểu biết về nhiều lĩnh vực như kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh… Do vậy, trước mắt, cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ thẩm phán giải quyết phá sản đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra. Tòa án nhân dân tối cao thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, các khóa đào tạo nhằm bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của thẩm phán, thư ký Tòa án trong việc giải quyết phá sản.
- Đối với các cơ quan thi hành án dân sự: Hiện nay, trình độ của một bộ phận đội ngũ chấp hành viên ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Cũng tương tự như các thẩm phán, chấp hành viên cũng cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Bên cạnh đó, về vấn đề ủy thác, cơ quan được ủy thác phải nâng cao trách nhiệm thực hiện nội dung được ủy thác và báo cáo lại cho cơ quan thi hành án đã ủy thác về kết quả thực hiện tránh tình trạng phối hợp không đồng bộ khiến vụ án phải kéo dài.
- Tăng cường kỷ luật tài chính - kinh tế: Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ chế độ kế toán - tài chính doanh nghiệp, bắt buộc doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính định kỳ, bổ sung những quy định xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về kế toán, sổ sách.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phá sản: Trước đây, việc thực thi Luật Phá sản gặp nhiều khó khăn một phần là do những chủ thể có liên quan đến phá sản doanh nghiệp chưa nhận thức đúng, đầy đủ về phá sản và trình tự, thủ tục phá sản. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Phá sản năm 2014, đặc biệt là những quy định pháp luật về thủ tục phá sản là điều hết sức cần thiết, giúp cho các doanh nghiệp cũng như những người làm công tác áp dụng pháp luật nắm vững những quy định của pháp luật phá sản và tuân thủ nghiêm túc. Việc tuyên truyền pháp luật phá sản có thể qua nhiều kênh như: Đài, báo, phát thanh, truyền hình, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tập huấn…
Công ty Luật TNHH Hà Việt