Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác này ở Điện Biên cho thấy vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:
Thứ nhất, hiện tượng cơ quan, người có thẩm quyền chưa xử lý kịp thời vi phạm hành chính hoặc người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt hoặc nộp tiền phạt nhưng không chấp hành hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả
Trên thực tế, khi một quyết định XPVPHC được ban hành thì thời gian để đối tượng vi phạm chấp hành các quy định về xử phạt là 10 ngày và bắt buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tế nhiều đối tượng bị xử phạt chỉ chấp hành hình thức phạt tiền chứ không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả, nhất là đối với các quyết định XPVPHC trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do hành vi vi phạm gây ra thì tính khả thi không cao trong thực tế. Ví dụ, trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định biện pháp khắc phục hậu quả do phá rừng như buộc người vi phạm phải trồng lại rừng và chịu chi phí trồng rừng nhưng rất khó thực hiện được đối với người vi phạm sinh sống tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn hoặc người tạm trú, người có địa chỉ không rõ ràng, người ngoài địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng không tự nguyện chấp hành, chính quyền địa phương chưa tổ chức triệt để việc tổ chức cưỡng chế, mối quan hệ phối hợp giữa các ngành với chính quyền cấp xã chưa thường xuyên, hiệu quả không cao. Một số cá nhân, tổ chức có thẩm quyền XPVPHC thực hiện chưa đúng thẩm quyền, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh trong xử lý vì liên quan đến các mối quan hệ thân quen dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, gây tình hình phức tạp và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, tình trạng phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn của cơ quan trung ương
Đây là tình trạng tương đối phổ biến trên cả nước nói chung và tại tỉnh Điện Biên nói riêng. Để áp dụng các quy định vào một hành vi cụ thể, ngoài quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mỗi ngành đều có một văn bản hướng dẫn riêng để phù hợp với tình hình quản lý của chuyên ngành đó. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn của trung ương dẫn đến chậm triển khai thực hiện văn bản với lý do chờ thông tư hướng dẫn, trong khi nghị định đã quy định rất chi tiết và rõ ràng.
Thứ ba, tình trạng phụ thuộc vào ý kiến tham vấn của Sở Tư pháp đối với các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
Qua theo dõi tình hình XPVPHC của một số ngành có thẩm quyền XPVPHC cho thấy, tình hình vi phạm hành chính của các cá nhân, tổ chức hiện nay đang có xu hướng tăng, với những hành vi vi phạm tinh vi, khó phát hiện. Đặc biệt, các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ngày càng nhiều, số lượng hồ sơ trong những năm qua tăng một cách rõ rệt. Tuy nhiên, do đội ngũ tham mưu trong việc ban hành quyết định XPVPHC trong những năm qua còn một số hạn chế cũng như do một số hướng dẫn của các văn bản liên quan đến pháp luật XLVPHC còn chồng chéo dẫn đến một số quyết định XPVPHC chưa đảm bảo về mặt hình thức và nội dung. Một số quyết định XPVPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền XPVPHC đã bị người vi phạm khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định XPVPHC đó.
Từ thực tiễn này, lãnh đạo UBND tỉnh, đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, các quyết định XPVPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh trước khi trình Chủ tịch ký ban hành phải lấy ý kiến tham vấn của Sở Tư pháp về trình tự, thủ tục, thể thức và nội dung trước khi ký ban hành. Việc này nhằm đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý của quyết định XPVPHC, đồng thời tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện các quyết định XPVPHC xảy ra. Trong vòng 03 năm (2017 - 2019), tổng số quyết định XPVPHC thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan khác gửi Sở Tư pháp có ý kiến tham vấn là gần 50 hồ sơ. Về lý thuyết, đây là hoạt động tích cực vì Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về mặt thể thức và nội dung của văn bản quy phạm pháp luật, cũng là cơ quan chuyên ngành luật nên kỹ năng kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ XPVPHC chặt chẽ, thống nhất và logic hơn. Tuy nhiên, về thực tiễn, việc lấy ý kiến tham vấn của Sở Tư pháp đối với tất cả các quyết định XPVPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh sẽ làm các ngành, đơn vị có thẩm quyền XPVPHC luôn có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm dẫn đến tính chịu trách nhiệm trong việc tham mưu các quyết định XPVPHC không cao vì tâm lý cứ tham mưu quyết định XPVPHC, còn việc kiểm tra thể thức, nội dung đúng hay sai đã có Sở Tư pháp kiểm tra nên sẽ không lo có những sai sót, hạn chế trong việc tham mưu ban hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, nếu có xảy ra tình huống có sai sót hoặc có phát sinh khiếu nại thì đã có Sở Tư pháp liên đới cùng chịu trách nhiệm, bản thân cơ quan, tổ chức có thầm quyền XPVPHC không phải chịu trách nhiệm một mình.
Thứ tư, về hình thức xử phạt
Hệ thống hình thức xử phạt hiện nay chưa đa dạng, thiếu tính linh hoạt nên ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi. Việc pháp luật vừa quy định hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm vừa xử phạt tiền trong một số trường hợp là không khả thi và tiến hành hình thức tịch thu xong sẽ khó thực hiện được hình thức xử phạt tiền. Pháp luật XPVPHC quy định hình thức xử phạt bổ sung phải được áp dụng cùng hình thức xử phạt chính, tuy nhiên trên thực tế đã xảy ra tình trạng người vi phạm bỏ trốn nên việc các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC chỉ ra quyết định áp dụng hình phạt bổ sung để tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm là chưa đúng với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một thực tế đang diễn ra hiện nay là hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, hàng hóa vi phạm lại làm cho người vi phạm sợ hơn hình phạt chính là phạt tiền.
Thứ năm, về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì: “2. Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản. 3. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm”. Quy định này chưa hợp lý vì không đủ thời gian xác minh các yếu tố nhân thân, lai lịch của người vi phạm cũng như kết luận hành vi vi phạm, hơn nữa, ranh giới giữa vi phạm hành chính và hình sự có nhiều điểm rất giống nhau, đặc biệt là những vụ vi phạm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển, biên giới, hải đảo có điều kiện giao thông không thuận lợi. Trên thực tế, quy định này của Luật gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền và người có thẩm quyền nên đã có tình trạng xảy ra như “bắt người buổi sáng nhưng đến buổi chiều mới lập biên bản vi phạm”.
Ngoài ra, đối với một số ngành như kiểm lâm, bộ đội biên phòng… thì việc quy định “mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản” đã gây nhiều khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Đồng thời, việc quy định nhà tạm giam phải bảo đảm các quy định của pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn dành cho người bị tạm giữ, cơ sở vật chất chưa phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Với địa phương còn nhiều khó khăn như Điện Biên thì quy định các điều kiện đầy đủ theo tiêu chuẩn pháp luật đặt ra thì chưa thể thực hiện được, vì thực tế, khi tạm giam người vi phạm thường bị tạm giữ tại phòng làm việc của Công an xã, phường hoặc trụ sở của UBND cấp xã...
Thứ sáu, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “người có thẩm quyền XPVPHC phải ra quyết định XPVPHC trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định XPVPHC là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản”. Thời hạn ra quyết định XPVPHC 07 ngày như quy định là quá ngắn để lập hoàn chỉnh một hồ sơ, chưa kể thời gian chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xem xét và không phù hợp với một tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn như tỉnh Điện Biên. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người vi phạm né tránh, không nhận quyết định xử phạt cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong quá trình tiếp tục xác định những trình tự tiếp theo sau khi người vi phạm cố tình không nhận quyết định xử phạt, nhất là các đối tượng vi phạm là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sau khi vi phạm ở Việt Nam lại ra nước ngoài sinh sống.
Thứ bảy, quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước
Về việc trong quyết định XPVPHC quy định cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định xử phạt và nhận biên lai thu tiền phạt: Đối với các tỉnh đồng bằng, phương tiện, đường xá đi lại thuận tiện thì việc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước khá thuận tiện, nhưng đối với một tỉnh vùng núi như tỉnh Điện Biên thì khó khăn do khoảng cách giữa nơi phạt và Kho bạc rất xa, việc đi lại khó khăn do địa hình rừng núi, nếu người vi phạm chưa kịp nộp tiền vào Kho bạc thì bị tính lãi suất không kỳ hạn từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực.
Thứ tám, việc kê biên tài sản, khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức vi phạm
Đây là nội dung trên thực tế thực hiện khó có hiệu quả cao vì Điện Biên là một tỉnh nghèo, dân trí thấp, thu nhập của người dân còn dưới mức trung bình, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên, không áp dụng được biện pháp để cưỡng chế.
Hình thức khấu trừ tiền tại tài khoản ngân hàng cũng được thực hiện với hiệu quả chưa cao vì hiện nay vẫn còn một số lượng lớn cá nhân, tổ chức chủ yếu sử dụng tiền mặt, không có tài khoản tại ngân hàng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế chưa chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt là việc khấu trừ từ tài khoản ngân hàng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Về chi phí cưỡng chế, quy định chi phí cưỡng chế do người vi phạm chịu trong một số trường hợp là rất khó thu, đặc biệt với một tỉnh vùng núi như tỉnh Điện Biên với nhiều hộ nghèo, thu nhập không ổn định. Còn nếu dùng ngân sách nhà nước thì vi phạm Luật Ngân sách, nếu không dùng chi phí ngân sách thì không có nguồn để thực hiện.
Thứ chín, các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất với nhau về xử phạt vi phạm hành chính
Trong những năm qua, nhiều văn bản đã được Quốc hội ban hành như Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các luật đã có văn bản hướng dẫn riêng trong từng lĩnh vực để điều chỉnh các quy định về XPVPHC ở những mức độ khác nhau như quy định về loại hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, thẩm quyền XPVPHC… Tình trạng này đã dẫn đến thực tế là chưa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về XLVPHC ở nước ta. Điều này đòi hỏi phải thực hiện pháp điển hóa một bước trong việc quy định về hình thức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục XPVPHC nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh, tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:
Một là, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về XLVPHC, đảm bảo kế thừa những quy định đã được triển khai trên thực tiễn thông qua những lần sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về XLVPHC hiện hành.
Ba là, tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục XPVPHC và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là đối với người chưa thành niên.
Bốn là, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường, quan tâm hơn nữa đến công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan bằng các hình thức phù hợp, áp dụng các biện pháp khả thi, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về XLVPHC trong cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ XLVPHC cho các cá nhân có thẩm quyền XLVPHC, hạn chế các sai phạm về trình tự thủ tục và nội dung khi ban hành các quyết định XPVPHC.
Năm là, các cơ quan có thẩm quyền XPVPHC cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về XLVPHC, đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 thì công tác đầu tư công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát, xử lý người vi phạm cũng như công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về XLVPHC; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; quan tâm việc thi hành các quyết định XPVPHC sau khi đã ban hành nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Sáu là, cần có cơ chế điều chỉnh về việc lấy ý kiến tham vấn của Sở Tư pháp đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với những quyết định xử phạt vi phạm hành chính có tính chất đơn giản, không phức tạp thì cơ quan tham mưu ra quyết định xử phạt chủ động trình trực tiếp Chủ tịch UBND để ký ban hành, chỉ lấy ý kiến tham vấn của Sở Tư pháp đối với những quyết định xử phạt có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị để liên đới chịu trách nhiệm giữa các ngành, đơn vị trong công tác tham mưu.
Bảy là, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về pháp luật XLVPHC, các điều khoản còn vướng mắc, chồng chéo, không có tính khả thi cao trên thực tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo Bộ Tư pháp trình Chính phủ phương án điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thay thế để phù hợp với thực tiễn. Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định kiểm tra chuyên sâu về công tác XLVPHC, đặc biệt với những ngành, đơn vị có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, chú trọng kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt nhằm hạn chế việc lạm quyền của một số cá nhân được Nhà nước trao thẩm quyền xử phạt, gây nhũng nhiễu trong nhân dân, gây mất uy tín của các cơ quan nhà nước đối với nhân dân.
Tám là, các sở, ban, ngành và các địa phương cần chú trọng, quan tâm hơn nữa công tác thi hành pháp luật về XLVPHC. Đây là lĩnh vực vừa rộng, vừa khó và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác này nói chung và đối với các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt nói riêng. Việc thực hiện nghiêm công tác xử phạt đối với những hành vi vi phạm trên địa bàn sẽ góp phần bảo đảm ổn định trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó tạo lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan công quyền của nhà nước.
Chín là, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính có hiệu quả; tăng cường sự tham gia và giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức xã hội và nhân dân đối với thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, dân chủ đối với các hoạt động XPVPHC tại địa phương.
Mười là, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì trình Chính phủ xây dựng cơ sở dữ liệu công tác XLVPHC nhưng sau khi Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày 30/12/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực đến nay vẫn chưa triển khai trên thực tiễn, gây khó khăn cho việc tổng hợp theo dõi việc thi hành các quyết định XLVPHC trên địa bàn. Do đó, để thuận tiện cho việc theo dõi các quyết định XLVPHC, Bộ Tư pháp cần nhanh chóng tham mưu Chính phủ ban hành cơ sở dữ liệu về XLVPHC để địa phương thuận tiện trong công tác tổng hợp, theo dõi tình hình các quyết định XLVPHC trên địa bàn.
Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên