Qua công tác theo dõi thi hành án hành chính những năm gần đây cho thấy, tình hình khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, trong đó phần lớn là khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Nhìn chung, phần nhiều đối tượng bị khởi kiện trong các vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Những thiếu sót, vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp đối với người dân chịu ảnh hưởng của quyết định hành chính, người sử dụng đất, làm giảm lòng tin của nhân dân vào hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai và làm cho tình hình khiếu nại, khiếu kiện về đất đai gia tăng ở địa phương. Nguyên nhân của những vi phạm, thiếu sót đó bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, cụ thể như: Chưa có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; cơ chế tham mưu, tham vấn, phối hợp giữa các cơ quan chưa phù hợp; cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu; một số lãnh đạo địa phương cũng như cán bộ tham mưu còn nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, trình độ, năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm…
Trong phạm vi bài viết “Thực trạng ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai tại tỉnh Kiên Giang - Góc nhìn từ theo dõi thi hành án hành chính” trên ấn phẩm 200 trang “Công tác thi hành án hành chính” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả nêu lên những vi phạm, thiếu sót khi ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai dẫn đến Tòa án tuyên hủy quyết định cũng như nguyên nhân của những vi phạm, thiếu sót đó và giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của việc ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai tại tỉnh Kiên Giang.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.