1. Kết quả đạt được của công tác thi hành án hành chính năm 2023
Năm 2023, công tác thi hành án hành chính tiếp tục được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các lãnh đạo bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân đã quan tâm chỉ đạo và tổ chức thi hành dứt điểm nhiều bản án, quyết định về hành chính đã tồn đọng lâu năm nên số việc thi hành án hành chính xong trong năm 2023 tăng so với năm 2022 là 153 bản án, quyết định (tăng 32,1%), góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả cụ thể như sau:
1.1. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật
Để tiếp tục cụ thể hóa quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó, chính thức giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, đồng thời, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án[1] (Nghị định số 71/2016/NĐ-CP), cụ thể:
Thứ nhất, đối với Bộ Tư pháp: (i) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo số 1203/BC-ĐGS ngày 29/9/2022 kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành án hành chính;
(ii) Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tố tụng hành chính; (iii) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
Thứ hai, đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (i) Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp (Chỉ thị số 26/CT-TTg) và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; (ii) Có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật; (iii) Tổ chức thi hành kịp thời, nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức chậm thi hành bản án, không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ bản án đã có hiệu lực pháp luật...
Trên cơ sở các chỉ đạo nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành: (i) Kế hoạch triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính; (ii) Kế hoạch triển khai công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính năm 2023; (iii) Văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, cũng như tổ chức thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án...; (iv) Văn bản đề nghị bộ, ngành và địa phương thống kê, báo cáo kết quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; (v) Chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã có các văn bản phúc đáp đối với đề nghị của một số địa phương[2] và chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ theo dõi thi hành; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, làm việc với một số địa phương và có kết luận cụ thể[3]…
1.2. Kết quả công tác thi hành án hành chính
Năm 2023, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính (gọi chung là bản án) có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án (kỳ trước chuyển sang là 563 bản án), tăng 453 bản án so với năm 2022. Số bản án Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính là 571 bản án. Kết quả là các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022), đang tiếp tục thi hành 776 bản án, chủ yếu là các bản án mới phát sinh trong năm 2022 và năm 2023.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính: Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án (bao gồm 1.375 bản án chấp nhận yêu cầu khởi kiện và 13 quyết định buộc thi hành án đối với công dân). Đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc[4].
2. Một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
Công tác theo dõi thi hành án hành chính của hệ thống thi hành án dân sự ngày càng nền nếp; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhờ đó, kết quả thi hành án hành chính năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.
Về tồn tại, hạn chế: (i) Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được thi hành xong vẫn còn nhiều; (ii) Còn nhiều vụ việc, người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện nghiêm quy định về việc cung cấp chứng cứ và bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước trước Tòa án.
Về nguyên nhân: (i) Các vụ việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính hầu hết có tính chất phức tạp, trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc đối thoại trước phiên tòa, các bên không thống nhất được phương án giải quyết nên sau khi Tòa án đã xét xử và quá trình tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; (ii) Phần lớn số vụ việc chưa thi hành xong có liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy xảy ra đã lâu, quá trình tổ chức thi hành phải thực hiện lại trình tự, thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư... trong khi nhiều quy định, chính sách pháp luật về lĩnh vực này đã thay đổi; (iii) Một số địa phương có nhiều bản án hành chính chưa thi hành xong có cùng nội dung do người dân khởi kiện đồng loạt về cùng một vấn đề, Tòa án có phán quyết giống nhau nên quá trình thi hành có vướng mắc đối với một vụ việc cụ thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều vụ việc, có thể sẽ dẫn tới bùng phát các khiếu kiện tương tự, gây khó khăn cho việc xử lý của chính quyền địa phương, có thể gây bất ổn về an ninh, chính trị, phát sinh kinh phí xử lý lớn mà địa phương không thể bố trí được; (iv) Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý; (v) Một số địa phương, cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác thi hành án hành chính trên địa bàn; người bị khởi kiện chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, chưa tham gia đối thoại, chưa tham gia phiên tòa, chưa tích cực cung cấp đầy đủ chứng cứ để Tòa án xét xử, nên khi có bản án, quyết định không nắm được đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình, không chủ động, tích cực tự nguyện thi hành án, kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định làm kéo dài thời gian thi hành án.
3. Nhiệm vụ trọng tâm và một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính trong thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 và Kết luận Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án hành chính.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về tố tụng hành chính. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, bất cập có liên quan trong các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Thứ ba, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (Nghị quyết số 96/2019/QH14) và Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thi hành án theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian nhằm kéo giảm lượng việc chuyển kỳ sau theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính và Chỉ thị số 26/CT-TTg, nhất là việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa; thực hiện đúng, đầy đủ và hiệu quả trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thi hành án hành chính trên địa bàn. Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, ban hành, tổ chức thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, vi phạm. Thường xuyên làm việc và kiểm tra liên ngành về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính tại các địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài; làm rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp chậm thi hành hoặc không thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân.
Thứ tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án biên chế tổng thể hệ thống tổ chức thi hành án dân sự giai đoạn 2023 - 2026. Tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự; tổ chức rà soát, chuẩn bị điều kiện
cần thiết để thực hiện Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và việc sắp xếp của Tòa án nhân dân cấp huyện theo Đề án của Tòa án nhân dân tối cao được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức sắp xếp, tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức trên cơ sở sắp xếp về cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và biên chế gắn với củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ chấp hành viên, công chức; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất là các địa bàn trọng điểm, địa bàn lớn, yếu kém, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án hành chính; thường xuyên giáo dục phẩm chất, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ công chức thi hành án dân sự, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng công chức vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật.
Thứ năm, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tố tụng hành chính. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, kịp thời chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp, mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án, các trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án giai đoạn 2023 - 2026.
Thứ sáu, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác thi hành án hành chính; tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan đối với công tác thi hành án hành chính. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp, nhất là chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, các vụ việc trọng điểm, tham nhũng, kinh tế, chức vụ phức tạp, kéo dài.
Thứ bảy, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên cho cơ quan thi hành án dân sự, các khoản kinh phí đặc thù trong hoạt động thi hành án dân sự như: Kinh phí thuê kho vật chứng, thuê bảo quản tang vật, tiêu hủy tang vật, kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo...; tổ chức triển khai hiệu quả, đúng tiến độ Đề án “Đầu tư trang thiết bị phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2021 - 2025”; các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, kho vật chứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, xử lý nhà đất các cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện nghiêm các quy định về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ tám, tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP) và các văn bản quy định chi tiết; thực hiện sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, xác định nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nhằm kịp thời xử lý, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Thứ chín, chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động thi hành án hành chính tạo sự ủng hộ của xã hội và nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự. Quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống thi hành án dân sự nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác của ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao tính công khai, minh bạch, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao triển khai thực hiện hiệu quả dịch vụ tư pháp công trực tuyến về thu nộp tạm ứng án phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
TS. Đỗ Đức Hồng Hà
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
ThS. Lò Thị Việt Hà
Khoa Luật - Nội vụ, Trường Cao đẳng Sơn La
[1]. Công văn số 6996/VPCP-V.I ngày 17/10/2022, Công văn số 1234/VPCP-V.I ngày 28/02/2023 của Văn phòng Chính phủ.
[2]. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.
[3]. Kết luận số 499/BTP-ĐKTLN ngày 17/02/2023 (tại tỉnh Đắk Lắk) và Kết luận số 500/BTP-ĐKTLN ngày 17/02/2023 (tại tỉnh Thanh Hóa) của Bộ Tư pháp.
[4]. Chính phủ (2023), Báo cáo số 544/BC-CP ngày 12/10/2023 về công tác thi hành án năm 2023, tr. 20.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)