1. Thực trạng của hoạt động xuất bản
Nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động xuất bản đã bị Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các cơ quan quản lý nhà nước xử lý[1]. Gần đây nhất là việc Nhà xuất bản Lao động - Xã hội đã phát hành hai cuốn sách có trang bìa sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung cuốn sách, dễ gây suy diễn, không có lợi cho bạn đọc đó là: Cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” bìa sách in hình một người thật, hai tay cầm hai cán cân và đứng trên một quả cầu lửa, trên người chỉ mặc chiếc quần lót. Hình ảnh được cho là cắt ghép cẩu thả, lấy khuôn mặt của diễn viên Công Lý ghép vào thân hình người nào đó[2] và cuốn “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, bìa sách in hình hai đĩa cân, một bên để chiếc đồng hồ, một bên để một xấp tiền ngoại tệ[3].
Để xảy ra tình trạng và những vụ việc trên là do một số nguyên nhân sau:
Một là, việc quản lý hoạt động liên kết xuất bản được thực hiện một cách lỏng lẻo, chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên tham gia liên kết xuất bản. Điều này dẫn tới thực tế là một số nhà xuất bản đang bán giấy phép xuất bản mà không cần biết xuất bản phẩm có nội dung ra sao, có bản quyền hợp pháp hay không. Khi liên kết xuất bản trở nên phổ biến thì dù chặt chẽ đến đâu, nhà xuất bản cũng không thể giữ vai trò chủ đạo trong quá trình xuất bản - phát hành. Khi đối tác liên kết giữ vai trò “chủ chi”, họ sẽ mặc nhiên làm chủ quá trình xuất bản - phát hành, chứ không phải nơi cấp giấy phép và thu quản lý phí. Mà đã kinh doanh thì đối tác liên kết cần có lãi, vốn không bị đọng và thu hồi nhanh,... nên nhà xuất bản khó có thể yêu cầu đối tác phải ứng xử với sách và xuất bản phẩm như Điều 3 Luật Xuất bản năm 2012 đã quy định.
Hai là, các cơ sở in chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc in lậu sách tràn lan[4]. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 1.500 cơ sở in công nghiệp lớn nhỏ, trong đó chỉ có khoảng trên 400 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản hiện hành. Còn lại khoảng hơn 1.100 cơ sở in chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác không phải là xuất bản phẩm. Các cơ sở này không chịu sự quản lý hoạt động chuyên ngành in. Đây hoàn toàn có thể là những đầu mối tiếp tay cho hoạt động in lậu sách đã trở thành vấn nạn trong thời gian qua mà các cơ quan quản lý nhà nước không nắm được và khó quản lý.
Ba là, thị trường sách của Việt Nam không chỉ bị tấn công bởi sách lậu được bày bán khắp các vỉa hè, các nhà sách, mà còn bị tấn công bởi các sách điện tử lậu. Hệ thống pháp luật hiện hành chưa quản lý được việc chia sẻ thông tin trên mạng đã dẫn tới việc xuất hiện tràn lan các xuất bản phẩm trên mạng (ebook) không có bản quyền,… Tình trạng sách lậu, vi phạm bản quyền chưa được ngăn chặn và đẩy lùi[5].
Bốn là, tính hiệu lực, chế tài của luật chưa phát huy được sức mạnh, hiệu quả, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về xuất bản trước tình hình, nhiệm vụ mới; thiếu chủ động trong định hướng chiến lược; chạy theo vụ việc, lúng túng trong quy hoạch, sắp xếp; một số nhà xuất bản, cơ quan báo chí, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo; một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cuộc sống. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh, dẫn đến nhiều khuyết điểm, yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục. Năng lực của biên tập viên các nhà xuất bản, của chuyên viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, cộng tác viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu còn hạn chế, và thiếu chuyên gia am hiểu về mỗi lĩnh vực đời sống - xã hội, về mỗi tác giả, mỗi xu hướng tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật,...
2. Một số quy định cấm của pháp luật trong hoạt động xuất bản và hình thức xử phạt khi vi phạm
2.1. Một số quy định cấm của pháp luật trong hoạt động xuất bản
* Theo quy định của Luật Xuất bản năm 2012 thì: “Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[6]. Vì vậy, các quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động xuất bản cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được vi phạm những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Xuất bản năm 2012[7], cụ thể:
Một là, nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau[8]:
- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
- Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Hai là, nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây[9]:
- Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản;
- Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản;
- In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm;
- Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu;
- Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép;
- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
* Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: Muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý.
Điều 31 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
* Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999[10], các hành vi bị cấm thực hiện là:
- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
- Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
2.2 Các hình thức xử phạt
* Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì:
Hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản tại Việt Nam có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm d, đ, e và i khoản 1, Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành[11].
Ngoài ra, còn bị phạt tiền đối với cá nhân là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200.000.000 đồng. Trong cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức là gấp hai lần mức phạt đối với cá nhân[12].
* Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: Ngoài việc bị xử phạt hành chính, thì còn bị xử lý hình sự theo các quy định tại Điều 131 – Tội xâm phạm quyền tác giả (Bộ luật Hình sự năm 1999)[13].
3. Kiến nghị, đề xuất
Có thể nói, hoạt động xuất bản được coi là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến một mà nhiều người đọc, thậm chí nhiều thế hệ, và nền văn hóa của một quốc gia. Một cuốn sách nhiều lỗi, nội dung lệch lạc, không được kiểm soát về mặt nội dung, hình thức khi đưa ra thị trường với hàng ngàn, thậm chí hàng vạn bản sẽ có tác động không nhỏ tới cả một cộng đồng người đọc.
Cùng với sự nở rộ của thị trường xuất bản, thì sự ra đời của hàng ngàn nhà in, vô số nhà xuất bản, các ấn phẩm ra lò dưới hình thức liên kết xuất bản cho người đọc nhiều cơ hội tiếp cận hơn với kho tri thức khổng lồ của nhân loại, với nhiều đầu sách phong phú thuộc nhiều thể loại. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cởi mở đối với lĩnh vực xuất bản cùng những lỗ hổng trong hoạt động xuất bản đã làm cho hoạt động động xuất bản đi lệch quỹ đạo, những điểm yếu đòi hỏi phải lấp đầy để đưa hoạt động xuất bản trở lại đúng quỹ đạo của nó.
Luật Xuất bản năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII (kỳ họp thứ 4) thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 (Luật). Sau hơn một năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành, về cơ bản Luật đã đảm bảo được các mục tiêu cơ bản của hoạt động xuất bản, đồng thời khắc phục được "lỗ hổng" pháp lý trong lĩnh vực xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất bản - in - phát hành,...[14]. Tuy nhiên, để các chủ trương của Đảng và các quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống cần thực hiện một số nhiệm vụ và yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, nghiệp vụ phòng, chống in lậu; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cần phải mạnh tay kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất bản, in ấn của các nhà xuất bản, nhà in, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải kịp thời, nghiêm minh, đúng luật.
Thứ hai, cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực, trình độ của người đứng đầu các nhà xuất bản, đội ngũ biên tập viên các nhà xuất bản, của chuyên viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, cộng tác viên đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu; bổ sung đội ngũ chuyên gia am hiểu về mỗi lĩnh vực xã hội, về mỗi tác giả, mỗi xu hướng tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật,... nhất định liên quan đến hoạt động xuất bản và xuất bản phẩm.
Thứ ba, việc liên kết xuất bản giữa nhà xuất bản của Nhà nước và tư nhân là một lựa chọn phù hợp với đặc thù phát triển của Việt Nam, tuy nhiên đối với hoạt động liên kết xuất bản cần dựa trên cơ sở quy định của Luật[15]; đồng thời Luật cũng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các nhà xuất bản tránh sự chồng chéo trong hoạt động xuất bản.
Thứ tư, cần rà soát, xây dựng, ban hành và sửa đổi những cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất bản phù hợp với các quy định Luật Xuất bản năm 2012, tinh thần của Hiến pháp năm 2013[16] và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Việt Tiến
[1] Ví dụ như: Vụ cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất gây sốc cho người đọc với nhiều ấn bản khác nhau được xuất bản bởi nhiều đơn vị như: Nhà xuất bản Thanh Niên (2000), Nhà xuất bản Trẻ (2001), Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (2007) và mới đây nhất là Nhà xuất bản Hồng Đức (2013) phát hành với số lượng kỷ lục 15.000 cuốn, được in tại Công ty cổ phần in Á Phi theo giấy phép xuất bản số 260-2013/CXB/23/01-08/HĐ cũng đã bị thu hồi hàng loạt; vụ Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị nắm bản quyền xuất bản tác phẩm “Búp sen xanh”, của nhà văn Sơn Tùng, từ 2010 đến 2020. Tuy nhiên, từ 2013 tới nay, có tới ba bản cuốn sách này bị in không tác quyền, vào năm 2013, quý I năm 2014 và quý II năm 2014. Các cuốn sách làm lậu này đều ghi là sách liên kết xuất bản giữa Nhà xuất bản Thời Đại và công ty cổ phần Sách Nhân Dân. Vụ việc thu hồi trên toàn quốc 08 cuốn “Từ điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản Đồng Nai do in sai tên xuất bản phẩm trong quyết định xuất bản, in sai nội dung được duyệt, sách chưa có quyết định phát hành của nhà xuất bản...
[4] Năm 2011, sau khi Công an Hà Nội và quản lý thị trường niêm phong, thu giữ gần 10.000 cuốn sách in lậu thành phẩm, bán thành phẩm, cùng rất nhiều sách giả, một lượng lớn trang bìa, ruột đã in xong của nhiều cuốn sách chưa rõ nguồn gốc,... tại cơ sở gia công sau in Huy Thi (Ngọc Hồi, Hà Nội) mà cơ sở này chỉ bị phạt 12 triệu đồng, rồi tiếp tục hoạt động là không có tính răn đe. Về luật pháp, Nhả xuất bản và đối tác liên kết không có quyền khám xét cơ sở in lậu, làm sách lậu, mà chỉ có thể phát hiện, và việc còn lại là của các cơ quan chức năng.
http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_chinhtri/_mobile_binhluanphephan/item/22027302.html
[5] Thống kê của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh trong năm 2012 đã phát hiện có 232 tờ bản đồ, 2.150 tờ rơi các loại có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Hầu hết những ấn phẩm này đều bị phát hiện tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm 2013, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, bắt giữ 44 vụ việc vi phạm có tang vật vi phạm là các ấn phẩm sách báo vi phạm.
Cục Hải quan TP Đà Nẵng cho biết, chỉ trong thời gian ngắn đã thu giữnhiều ấn phẩm xuyên tạc chủ quyền biển đảo Việt Nam trên biển Đông. Cụ thể: ngày 12.5.2013, thu giữ 98 cuốn sách hướng dẫn du lịch Đà Nẵng của hành khách quốc tịch Trung Quốc, in bản đồ Việt Nam nhưng không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; ngày 1.8.2013, thu giữ 16 cuốn sách với những nội dung và vi phạm như trên; phát hiện và thu giữ2 tấm bản đồ Trung Quốc loại lớn thể hiện “đường lưỡi bò” đứt khúc 9 đoạn.
Tại Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) vào tháng 8.2012 phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra khách sạn Lệ Hoa (đường nhánh Bắc, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng) phát hiện và tịch thu một số bản đồ phân giới quốc tế Việt Nam- Lào- Campuchia- Trung Quốc có nội dung sai sự thật….
http://www.baovanhoa.vn/sachmoi/58047.vho
[6] Điều 3 Luật Xuất bản năm 2012.
[7] Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012.
[8] Khoản 1 Điều 10, Luật Xuất bản năm 2012.
[9] Khoản 2 Điều 10 Luật Xuất bản năm 2012.
[10] Điều 131 – Tội xâm phạm quyền tác giả, Bộ luật Hình sự năm 1999.
[11] Cụ thể là: d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
[12] Điều 4 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
[13] Điều 131, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm đối với các hành vi sau đây[13]:
a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;
d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.
Đối với các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm[13].
Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm[13].
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
[14] Năm 2014 cũng là năm đánh dấu 10 năm thực hiện Chi thị 42/CT-TƯ của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
[15] Xem Điều 23, Luật Xuất bản năm 2012.
[16] Xem Điều 60 Hiến pháp năm 2013.