1. Khái quát về đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ
Vùng Tây Nam Bộ (còn được gọi là Vùng đồng bằng sông Cửu Long) là vùng cực nam của Việt Nam, một trong hai phần của Nam Bộ. Khu vực này có 01 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng có tổng diện tích các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam (40.547,2 km²) và có tổng dân số toàn vùng là 17.273.630 người. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích cả nước nhưng có gần 18% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% trong khi cả nước tăng 6,8%)[1].
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019[2], có 94,2% dân số từ 15 tuổi trở lên ở vùng Tây Nam Bộ biết đọc, viết; xét về trình độ giáo dục, tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ tăng nhẹ 3,4% so với năm 2009, tình trạng trẻ em của vùng Tây Nam Bộ bỏ học ngày càng nhiều bởi các em bị ảnh hưởng lớn bởi các cuộc “di cư” của gia đình như: Sự đổ vỡ của gia đình, quá trình học tập bị gián đoạn, thiếu các mạng lưới xã hội,... dẫn đến tình trạng trẻ em nam chủ yếu làm những công việc đòi hỏi phải có sức khỏe như: Xúc than, đánh bắt thủy sản, buôn bán hoặc buôn lậu ma túy, trẻ em nữ thường làm giúp việc gia đình, một số em bị đẩy vào con đường mại dâm.
2. Thực trạng tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ
Thứ nhất, đa phần người dân vùng Tây Nam Bộ có ý thức tuân thủ pháp luật tương đối cao: Theo kết quả điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ hiện nay”[3], nhóm nghiên cứu đã thu thập được 1.081 phiếu lấy ý kiến người dân tại các tỉnh, thành phố trong khu vực và đưa ra các kết luận về thực trạng tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ như sau: Có 65,7% người dân cho rằng việc tuân thủ pháp luật là việc làm bắt buộc, còn lại 34,3% không cho là như vậy; 77,8% người dân cho rằng việc thực hiện pháp luật là trách nhiệm của người có quốc tịch Việt Nam, còn lại 22,2% lựa chọn khác[4]. Mặc dù vậy, người dân vẫn chưa chủ động tìm hiểu các quy định về pháp luật, hầu hết họ chỉ quan tâm khi xảy ra các vấn đề có liên quan trong đời sống hàng ngày[5].
Thứ hai, 04 yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc tuân thủ pháp luật đối với người dân vùng Tây Nam Bộ, đó là: (i) Thói quen, tập quán truyền thống; (ii) Trình độ học vấn; (iii) Nghề nghiệp; (iv) Tâm lý dân tộc (tộc người), tôn giáo, tín ngưỡng[6]. Về khả năng tiếp cận với pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ: Có 52,7% bộ phận người dân được tiếp cận với thông tin pháp luật qua phương tiện truyền thông đại chúng, 34,5% được tiếp cận thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), còn lại 12,8% là những kênh thông tin khác[7]. Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn là kênh thông tin khá hiệu quả để đưa kiến thức pháp luật đến với người dân.
Thứ ba, 04 lĩnh vực pháp luật mà người dân vùng Tây Nam Bộ quan tâm đến nhất hiện nay là: (i) Giao thông đường bộ; (ii) Hôn nhân và gia đình; (iii) Đất đai; (iv) Dân sự[8].
Thứ tư, về lĩnh vực pháp luật thường xuyên xảy ra vi phạm và đối tượng vi phạm pháp luật nhiều nhất ở vùng Tây Nam Bộ: Việc vi phạm pháp luật của người dân ở vùng Tây Nam Bộ được xác định xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực: (i) Giao thông đường bộ, (ii) Hôn nhân và gia đình; (iii) Đất đai[9]. Trong đó, các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật nhiều nhất được chia thành 03 (ba) nhóm: (i) Người vị thành niên; (ii) Người làm nghề tự do; (iii) Con em gia đình không được giáo dục và quản lý tốt[10]. Nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật được xác định chủ yếu là do không hoặc chưa hiểu biết pháp luật (chiếm 44%) và do cơ quan chức năng, quản lý thực hiện pháp luật chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ (chiếm 33%), còn lại 23% là nguyên nhân khác[11].
3. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ hiện nay và trong những năm tới
3.1. Nhóm giải pháp tác động nhận thức
Một là, tập trung vào những đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao của vùng Tây Nam Bộ, đó là 03 (ba) nhóm: (i) Người vị thành niên, (ii) Người làm nghề tự do; (iii) Con em gia đình không được giáo dục và quản lý tốt. Tựu chung lại, đây là các đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc những người lao động chưa qua đào tạo tay nghề. Tình hình thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, đặc biệt là tội phạm về các lĩnh vực trộm cắp, ma túy, gây thương tích hoặc giết người do ảnh hưởng của chất kích thích, phạm tội có sử dụng vũ khí với tính chất côn đồ, phạm các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng... Những đối tượng này thường là thanh thiếu niên không có trình độ văn hóa hoặc có trình độ văn hóa thấp (do bỏ học sớm) dẫn đến thất nghiệp hoặc nghề nghiệp bấp bênh; thanh thiếu niên lười lao động, thích hưởng thụ, ăn chơi, dễ sa ngã vào tệ nạn; thanh thiếu niên sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như: Cha mẹ ly hôn không quan tâm con, cha mẹ phạm tội, hoặc cha mẹ cũng tham gia các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, nghiện các chất kích thích,... phần lớn, đây là những đối tượng dễ vi phạm pháp luật do bị tác động của hoàn cảnh sống.
Để có giải pháp giáo dục nhận thức hiệu quả cho đối tượng này, công tác tuyên truyền, PBGDPL phải gắn bó mật thiết với trường học, tập trung các cơ sở giáo dục đào tạo học sinh ở trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở dạy nghề. Theo đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong công tác tuyên truyền, PBGDPL để phòng ngừa việc người chưa thành niên phạm tội. Đặc biệt, đưa cả hai môn học: Giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học, bậc học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Đặc biệt, với quy định hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng có thể tuyển sinh hệ trung học cơ sở, nghĩa là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ có cơ hội học trung cấp, cao đẳng (song song với việc học các môn văn hóa) mà không phải học cấp trung học phổ thông. Điều này có lợi cho người học vì rút ngắn được thời gian học tập, có thể tìm được việc làm sớm hơn so với việc học từng cấp bậc như truyền thống. Tuy nhiên, học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa trưởng thành về nhận thức nên việc học nghề sớm tại các cơ sở dạy nghề vô hình chung có thể tạo một “lỗ hổng” tâm lý, nhận thức khi tìm hiểu các vấn đề mới mẻ so với trình độ tri thức của mình, chẳng hạn như: Học sinh lớp 9 được giảng dạy các khái niệm về Nhà nước, pháp luật, chế định, chế tài,... trong khi các em đang cần các bài học gần gũi hơn về kỹ năng sống, đạo đức, bình đẳng giới, lòng nhân ái, phòng chống tệ nạn xã hội... để hình thành nhân cách tốt. Như vậy, việc đưa môn Giáo dục công dân vào chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng đối với hệ tuyển trung học phổ thông là rất cần thiết.
Hai là, xác định công tác tuyên truyền, PGBGDPL cần được đẩy mạnh tại các vùng nông thôn: Cơ cấu dân số của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ phân bổ chủ yếu ở các vùng nông thôn, chiếm tỷ lệ lớn và đa phần đều là lao động nông nghiệp. Việc tiếp cận với những kiến thức pháp luật của đối tượng này khá hạn chế: (i) Một phần do các kênh thông tin chưa được triển khai đồng bộ và sâu rộng đến các vùng nông thôn; (ii) Một phần do trình độ dân trí cũng ảnh hưởng lớn đến việc đọc, hiểu các quy định của pháp luật, chưa kể nhiều quy định còn mang nặng tính học thuật và hàn lâm. Như vậy, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng người dân ở vùng nông thôn cần có sự đổi mới, cải tiến về nội dung và hình thức. Việc truyền đạt kiến thức pháp luật cần đơn giản, dễ hiểu, cụ thể hóa thành những tình huống pháp luật, phim ảnh,... gần gũi với cuộc sống hàng ngày để thực sự đưa những quy định của pháp luật đến gần với người dân hơn.
Ba là, chú trọng công tác tuyên truyền, PBGDPL trong lĩnh vực lao động: Theo xu hướng phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế, việc giáo dục ý thức kỷ luật lao động cho lực lượng lao động là rất cần thiết. Điều này giúp người dân có việc làm bền vững, từng bước hỗ trợ người dân làm nông nghiệp chuyển sang các ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Bốn là, cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, PBGDPL theo đặc thù riêng cho từng khu vực, đối tượng, xác định nội dung pháp luật trọng tâm cần PBGDPL đến người dân vùng Tây Nam Bộ hiện nay, tập trung vào các lĩnh vực giao thông đường bộ, đất đai, hôn nhân và gia đình: Theo đó, các cơ quan tư pháp và Hội đồng Phối hợp PBGDPL các cấp cần đổi mới và nâng cao chất lượng tư vấn, định hướng về chủ đề, nội dung, hình thức PBGDPL không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền mà phải thực sự thiết thực, chính xác, gắn với những vấn đề của cuộc sống mà người dân quan tâm.
3.2. Nhóm giải pháp về thể chế
Một là, việc xây dựng các thể chế cần bảo đảm nội dung các quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật có kết cấu chặt chẽ, logic, các thuật ngữ pháp lý được sử dụng chính xác, đơn nghĩa, lời văn trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của đa số quần chúng nhân dân: Văn bản có tên gọi phù hợp với nội dung, hình thức rõ ràng, dễ thực hiện. Có thể khẳng định, pháp luật sẽ có hiệu quả cao nếu phù hợp với trình độ, ý thức pháp luật hiện có của đông đảo quần chúng nhân dân. Muốn vậy, đội ngũ xây dựng pháp luật phải có trình độ kỹ thuật pháp lý cao, các nhà làm luật cần có tư duy thực tiễn, thực tiễn có kiểm chứng. Bởi lẽ, muốn “đưa pháp luật vào cuộc sống” thì trước hết cần phải đưa cuộc sống vào luật. Nếu một đạo luật không được xây dựng dựa trên những đòi hỏi của thực tiễn, không phúc đáp được các yêu cầu của thực tiễn với những bằng chứng thuyết phục thì đạo luật đó sẽ trở nên không khả thi và lẽ tất nhiên, nó cũng khó có thể đi vào cuộc sống[12].
Hai là, các văn bản pháp luật phải được ban hành đúng lúc, kịp thời, có sự khảo sát, xem xét, đánh giá điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương cho phép thực hiện được văn bản pháp luật đó hay không: Đồng thời, phải xem xét các điều kiện khác như tổ chức bộ máy, nhân sự, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức; trình độ văn hóa, kiến thức pháp lý và năng lực của nhân dân; việc dư luận xã hội có ủng hộ hay không,... Trong pháp luật, phải đưa ra được phương án tốt nhất với phương pháp điều chỉnh pháp luật phù hợp nhất để thông qua đó có thể đạt được mục đích mong muốn trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại[13].
Ba là, xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên trợ giúp pháp lý: Một trong những thách thức lớn đối với đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật đó là sự phát triển mạnh mẽ và lan rộng của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới. Đây được xem là “con dao hai lưỡi” vì có thể tận dụng lợi thế công nghệ thông tin, truyền thông để phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL ở các cấp nhưng cũng là thách thức lớn khi các thông tin lan tràn trên mạng xã hội, các kênh thông tin không chính thống đã có những tác động tiêu cực đến người dân, thậm chí là tác động đến các cán bộ, Đảng viên. Vì vậy, trong giai đoạn hội nhập này, yêu cầu đối với đội ngũ báo cáo viên càng cao, đội ngũ báo cáo viên phải am hiểu công nghệ thông tin, cập nhật thông tin thường xuyên, chọn lọc và cung cấp nguồn tin chính thống, chính xác và thông tin nhanh đến với người dân; phòng, tránh và đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc. Từ đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Bốn là, chú trọng nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về khai thác, sử dụng tập quán: Tập quán có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội theo hướng phù hợp hoặc không phù hợp với đạo đức, pháp luật và những loại quy tắc xử sự khác. Tập quán có tác động lớn đến nhận thức của con người bởi nó được hình thành từ thói quen của cá nhân trong cộng đồng hoặc nhiều cộng đồng. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có sự sàng lọc các tập quán theo hướng phù hợp với đạo đức, có nội dung rõ ràng để chủ thể có liên quan hiểu được, thực hiện được ở địa phương là một vấn đề cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và khảo sát sâu rộng trong nhân dân.
3.3. Nhóm giải pháp về nguồn lực
Một là, mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự là những người am hiểu và gương mẫu trong việc tuân thủ pháp luật, có như vậy, việc triển khai công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho người dân mới đạt hiệu quả cao trên thực tế: Đa số người dân được khảo sát đều đánh giá cao vai trò của đội ngũ thực thi pháp luật cũng như các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức cho người dân thực hiện pháp luật, đồng thời, bảo đảm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động này.
Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL để người dân tiếp cận thông tin pháp luật mọi lúc, mọi nơi: Hiện nay, với tốc độ phát triển của mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội, mạng viễn thông, người dân Việt Nam có xu hướng sử dụng các nền tảng công nghệ để nắm bắt thông tin hàng ngày như thông qua báo điện tử, Facebook, Zalo, Youtube và các mạng xã hội khác,... Do đó, việc tận dụng lợi thế của các nền tảng công nghệ này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng tiếp cận với người dân hơn, từ đó, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong chia sẻ thông tin, PBGDPL, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các công cụ số để nắm bắt tình hình người dân, dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất đến vấn đề gì[14] để thiết kế, triển khai chương trình tuyên truyền, PBGDPL đúng trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.
Ba là, gắn công tác xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào quần chúng của địa phương để tạo sự gắn bó giữa gia đình và xã hội: Sự gắn kết của cộng đồng sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ từ ý thức đến hành động, đây được xem là một nguồn lực lớn, cơ bản để đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn như, xây dựng gia đình văn hóa theo phương thức tập trung phát triển kinh tế gia đình, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phong trào xây dựng “Tổ dân phố văn hóa”, “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, thực hiện mô hình “Tiếng mõ an ninh”, “Gia đình không bạo lực gia đình”, “Phụ nữ với an toàn giao thông”, “Phụ nữ nông thôn với pháp luật”[15], nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội,... Hoạt động này sẽ có tác động tích cực đến việc xây dựng, gắn kết “tình làng nghĩa xóm”, góp phần lan tỏa mạnh mẽ ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
ThS. Nguyễn Thị Na
Trường Cao đẳng Luật miền Trung
[1]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 25
[2]. ThS. Phan Thuận - Học viện Chính trị Khu vực IV, ThS. Lâm Minh Hậu - Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, “Cơ cấu dân số ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách”,
[3]. Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Thư ký đề tài ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa; Cơ quan chủ quản Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp; Điều tra này được tiến hành ở một số địa phương Vùng Tây Nam Bộ tháng 10 - 12/2020.
[4]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuân thủ pháp luật của người dân vùng Tây Nam Bộ hiện nay”; Chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Thư ký đề tài ThS. Nguyễn Thị Kim Hoa; Cơ quan chủ quản Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp; Điều tra này được tiến hành ở một số địa phương Vùng Tây Nam Bộ tháng 10 - 12/2020, tr. 31 - tr. 33.
[5]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 36.
[6]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 35.
[7]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 37.
[8]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tr. 37.
[9]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 43.
[10]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ , tlđd, tr. 46.
[11]. Kết quả Điều tra xã hội học của Đề tài Khoa học cấp Bộ, tlđd, tr. 49.
[12]. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ: “Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 2+3/2019.
[13]. TS. Nguyễn Minh Đoan: Ý thức pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 146 - tr. 147.
[14]. Tài liệu Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
[15]. TS. Dương Thành Trung: “Một số giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật của người dân vùng Tây Nam bộ”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Bộ tháng 4/2021.