1. Vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc
Nhận thức rõ tầm quan trọng và yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có nêu rõ: “Cần bố trí một khoản ngân sách cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách trợ giá các loại sách, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc phát miễn phí các loại sách và tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân tiếp tục nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định: Nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo là nhóm đối tượng đặc thù, được sự quan tâm, tăng cường thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 ban hành chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), trong đó có Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” và Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”. Các Đề án này đều tập trung nguồn lực triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân tại địa bàn vùng biên giới với các lực lượng chủ công là bộ đội biên phòng và cán bộ làm công tác dân tộc. Phần lớn là các nhiệm vụ có tính giai đoạn, gắn với thực tế địa bàn, chưa có đề án, nội dung chuyên biệt, đặc thù về văn hóa, thể thao và du lịch.
Đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài 1.449,566 km (trong đó đường biên giới đi theo sông, suối là 383,914 km) tiếp giáp giữa 07 tỉnh của Việt Nam: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang- Quảng Tây/Trung Quốc. Phía Việt Nam có 168 xã, phường, thị trấn, 34 huyện, thị xã, thành phố biên giới. Địa hình các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc phức tạp, không đồng nhất[1], có nhiều dãy núi cao từ 2.000 - 3.000 m. Hệ thống núi ở phía Tây (Lai Châu, Lào Cai) đều chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, có độ dốc lớn, mức độ chia cắt sâu và chia cắt ngang đều lớn. Sự phân bố dân cư các xã biên giới mang tính đặc thù của vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt mạnh. Nhìn chung đây là khu vực có dân cư thưa, toàn tuyến có có 29 dân tộc sinh sống (Kinh, Tày, Thái, Hoa, Nùng, Hmông, Dao, Hà Nhì, Sán Chay, Sán Dìu, Giáy, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn, Lô Lô, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Pu Péo, Khơ Mú, Lào, La Hủ, Kháng, La Ha, Lự, Mảng, Si La, Xinh Mun, Ngái). Trong đó, có những dân tộc thiểu số rất ít người, với 06/07 nhóm ngôn ngữ, bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc.
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc biệt là văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới phía Bắc, có thể nhận thấy, để pháp luật đến với bản làng nơi rẻo cao của đồng bào thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng. Để đồng bào làm đúng, thì đồng bào phải biết, phải nghe, phải hiểu pháp luật, phải thật gần gũi và phải thật thiết thực. Làm sao để vượt qua khó khăn về điều kiện tiếp cận, hạn chế về trình độ, khả năng tiếp thu? Làm gì để khơi dậy lòng tự hào, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, các di sản văn hóa mà đồng bào là chủ thể, các làn điệu dân ca, dân vũ mà bà con là chủ nhân? Làm thế nào để tiếng nói, ngôn ngữ, phong tục tập quán tốt đẹp của bà con được lưu truyền, phát huy vai trò của người có uy tín? Đây không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước mà còn là một biện pháp hữu hiệu, gần nhất, hợp nhất để đưa pháp luật đến với đồng bào, trước hết là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch đến với đồng bào nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh nơi phên dậu của đất nước bằng sức mạnh của văn hóa, thế trận của lòng dân.
Hiện nay, lực lượng biên phòng, các chiến sỹ quân hàm xanh cùng các tổ đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực mang kiến thức pháp luật, văn hóa, kinh tế đến cùng đồng bào để vượt qua khó khăn, yên tâm xóa đói, giảm nghèo, phát triển đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt của bản, làng. Tuy nhiên, cũng do điều kiện thực tế, việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn này còn mạnh, yếu khác nhau, trong đó hoạt động văn hóa, văn nghệ chủ yếu là công cụ truyền tải kiến thức pháp luật nói chung, nhưng chưa thực sự phát huy thế mạnh, tính ưu việt để phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Trước hết là gìn giữ, phát huy di sản văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, trong văn hóa gia đình, thể thao quần chúng, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa… Đòi hỏi phải đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc với những luận giải khoa học, sát thực tế, có tính khả thi, hiệu quả.
2. Thực trạng, các yếu tố tác động tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc qua khảo sát 03 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai
Tháng 12/2022 và tháng 03/2023, Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại 03 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai với tổng số 505 người. Việc khảo sát được tiến hành kỹ lưỡng, khoa học và thiết thực. Đối tượng được khảo sát rất đa dạng và phong phú, phản ánh đầy đủ các chủ thể thực hiện và chịu sự tác động của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch, với những nội dung chính, như sau:
Thứ nhất, về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện trên địa bàn tương đối phong phú, đa dạng, có 08 hình thức được chính quyền địa phương và chủ thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch đến nhân dân địa phương, trong đó 03 hình thức được sử dụng nhiều nhất: Loa truyền thanh (20,1%), họp dân (15,8%), lồng ghép qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao (14,6%). Ngoài ra các hình thức khác như: Tư vấn pháp luật, tư vấn thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại chính sách pháp luật trong nhân dân, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội nghị tuyên truyền ở khu dân cư, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật cũng được tổ chức nhưng chỉ khoảng từ 8 - 12%. Có thể nhận thấy, với địa bàn vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp vẫn đang được sử dụng là phương thức chính. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và tiếp xúc với nhân dân tại địa bàn biên giới, ngoài các hình thức nêu trên mang tính truyền thống hiện một số nơi đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (zalo) để truyền tải, phổ biến thông tin pháp luật. Đối với vùng dân tộc thiểu số, một số thôn, bản vận động người có uy tín (già làng, trưởng bản…) biên tập nội dung, dịch sang tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để truyền đạt đến đối tượng phù hợp.
Thứ hai, về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có 12 chuyên ngành được thực hiện trên địa bàn, tuy nhiên có sự phân tầng rõ rệt, nhóm các chuyên ngành, lĩnh vực được chính quyền, các chủ thể quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật và nhóm ít được quan tâm hơn, sự chênh lệch giữa 02 nhóm này cao nhất là gấp 08 lần. 4 nhóm ngành được quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật là: Văn hóa cơ sở (lễ hội, việc cưới, việc tang…) (34%); bạo lực gia đình, bình đẳng giới (24,6%); văn hóa gia đình (23,2%); bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc (22,4%); 8 nhóm chuyên ngành, lĩnh vực ít được quan tâm hơn là: Di sản văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; điện ảnh; bản quyền tác giả; thư viện; thể thao; du lịch, trong đó thấp nhất là mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm (4,4%), bản quyền tác giả (4,2%). Có thể nhận thấy, với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch được tập trung, tạo sự quan tâm vào một số chuyên ngành của lĩnh vực văn hóa phù hợp, thiết thực với người dân, bên cạnh đó lĩnh vực du lịch mặc dù cũng đang được tăng cường, đẩy mạnh phát triển vùng biên giới nhưng chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các chủ thể.
Thứ ba, đánh giá về hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tại các địa phương, tác giả nhận thấy có 5 hạn chế cơ bản, trong đó: Tuyên truyền chưa gắn liền và liên hệ với phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của dân tộc, địa phương (29,3%); nội dung tuyên truyền, phổ biến chưa phù hợp, không phong phú, còn qua loa, hình thức (24,5%); trình độ, kỹ năng của người thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chưa đảm bảo (22,3%); hình thức tuyên truyền, phổ biến chưa phù hợp, chưa gắn với nội dung, sát với nhu cầu của nhân dân (20,2%) và cuối cùng là thời điểm tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến không phù hợp (3,7%). Ví dụ: Tuyên truyền vào thời điểm mùa vụ, ban ngày người dân lên nương, lao động, sản xuất.
Thứ tư, đánh giá về xác định nội dung, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng phù hợp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, phần lớn người dân cho rằng rất cần (57,89%); cần thiết là 41,73%; tỷ lệ người dân không cần rất ít (0,38%). Đánh giá cho thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch cần phải được đặc thù hóa về nội dung, phương thức để đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới. Tuy rằng, người dân cơ bản nhận thức được những lợi ích mà pháp luật mang lại, nhưng việc tham dự và chủ động tham dự của họ tại các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do các cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức còn rất ít, số người tham dự nhiều chỉ chiếm 23,11%, còn lại đa phần người dân tham dự rất ít (68,18%) và số không tham dự là 8,71%.
Thứ năm, nhận định về hạn chế về hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật là do 06 yếu tố, trong đó, vì lý do không có môi trường, điều kiện tiếp cận pháp luật chiếm tỷ lệ cao nhất (34,7%), ngoài ra còn có các yếu tố: Bản thân không thích tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật; chưa chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở; nội dung pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được sử dụng một cách hiệu quả và các yếu tố khác như cần có thêm tài liệu xuống từng khu phố, cần phổ biến thường xuyên hơn.
Ngoài việc tiếp cận các thông tin pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch qua việc tuyên truyền, phổ biến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân còn tìm hiểu, tiếp cận pháp luật thông qua 05 hình thức, trong đó, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…) đứng đầu chiếm tỷ lệ 31.79%, tiếp đến là các hình thức: Chương trình được phát sóng chính thức trên đài, các bài viết trên báo, thông qua tuyên truyền miệng của người dân xung quanh; các thông tin trên tờ rơi, tờ gấp pháp luật, các tài liệu khác do cơ quan chức năng cấp phát miễn phí và cuối cùng là đọc trực tiếp tại văn bản pháp luật cụ thể (được trang bị tại tủ sách pháp luật của địa phương, sách tự mua…) (6,17%). Điều đó cho thấy, việc người dân chủ động tìm kiếm, tiếp cận thông tin pháp luật bằng hình thức dễ thực hiện nhất, tiện lợi nhất, phù hợp với thực tế vùng biên giới là qua các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, còn việc tự tìm hiểu qua tủ sách pháp luật hoặc tự mua sách còn rất hạn chế.
Từ kết quả khảo sát trên, có thể nhận thấy cần có sự chuyển hướng nội dung tập trung vào các vấn đề thời sự, vấn đề người dân quan tâm. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đổi mới, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, hướng tới nhiều đối tượng, nhất là khu vực địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chú trọng các hình thức phù hợp với đối tượng, nội dung và điều kiện thực tế như: Tổ chức các buổi hội nghị, tập huấn, in tài liệu, cổ động trực quan, cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, đối thoại, chính sách, thông tin báo chí, cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật trên cổng/trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, thiết bị di động và môi trường mạng đảm bảo an ninh, tiết kiệm, hiệu quả.
Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng đã tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc tiếp cận các chính sách pháp luật của trung ương và địa phương trong lĩnh vực ngành văn hóa, thể thao, du lịch, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân.
Với đặc thù vừa là nhiệm vụ, vừa là thế mạnh của ngành văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật, thiết chế văn hóa - thể thao, cơ quan, liên đoàn, hiệp hội, hội đoàn thể lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật tại các chương trình, hoạt động, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp với thực tế cơ sở; phát huy các sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có chủ đề, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp nhóm đối tượng, địa bàn; chú trọng đối tượng đặc thù, yếu thế, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các sinh hoạt văn hóa dân gian, nghi lễ, tôn trọng phong tục tập quán, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng.
Qua thực tiễn và kết quả khảo sát cho thấy, một số vấn đề đặt ra cần giải quyết để đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc:
Một là, một số nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức thực hiện với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa thực sự phát huy lợi thế, sức mạnh của văn hóa trong phổ biến, giáo dục pháp luật; chưa nhân rộng được hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
Hai là, đội ngũ nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch còn nhiều hạn chế về mặt kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được chú trọng đúng mức đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc.
Ba là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao, du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số; chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và biên giới phía Bắc nên công tác này ở một số địa phương chưa thực sự được chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tại một số nơi, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc chưa ý thức được đầy đủ và thực hiện tốt trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Với đối tượng đặc thù là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, muốn đưa pháp luật đến với đồng bào, muốn để đồng bào hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch thì việc đổi mới, có giải pháp đột phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần bắt đầu từ nội dung, hình thức, nguồn lực đến nhận thức là cần thiết và cấp bách. Giải quyết vấn đề này không chỉ để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, phát triển thể thao, du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số, mà qua đó còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ hủ tục lạc hậu, để đồng bào tự tin vươn lên khắc phục khó khăn, khơi dậy tiềm năng phát triển, đóng góp vào công cuộc bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, hòa bình và bền vững./.
Nguyễn Thanh Sơn
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
[1] Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc - Cổng thông tin đối ngoại VIETNAM.VN, tại website https://ca.vietnam.vn/chu-quyen-lanh-tho/duong-bien-gioi-tren-dat-lien-giua-viet-nam-va-trung-quoc-20210927093141409.html.