Abstract: In this paper, the author points out shortcomings in the legal support for enterprises in the Gia Lai province, at the same time, makes some solutions for improving implementation effect of this work.
Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) đã được triển khai thực hiện hơn 10 năm. Từ những lúng túng, vướng mắc trong thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, hiện nay, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai được chính quyền địa phương chú trọng và được thực hiện khá bài bản.
Triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014 và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, ngày 01/10/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 559/QĐ-UBND ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Với mục tiêu nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị gắn với từng nội dung, hoạt động cụ thể. Trên cơ sở đó, hằng năm, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, với các nội dung cụ thể như: Xây dựng chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh định kỳ 01 số/tháng vào tối chủ nhật của tuần thứ hai hàng tháng; biên soạn và phát hành cuốn “Cẩm nang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”; biên soạn và phát hành các tờ gấp pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tiếp nhận và giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp; khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành trong thời quan qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầy đủ các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, đồng thời không ngừng đổi mới về nội dung và phương pháp thực hiện, tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Thứ nhất, về hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Các hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy đã bám sát theo các quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP nhưng chưa thể hiện được đặc điểm riêng phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và nhu cầu của đối tượng được hỗ trợ. Trong một số hoạt động, nội dung hỗ trợ pháp lý vẫn còn chung chung, sơ sài, chẳng hạn như nội dung chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đôi khi chỉ đạt được ở mức độ tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng pháp luật; hình thức xây dựng nội dung chủ yếu thể hiện dưới dạng phỏng vấn, hỏi - đáp pháp luật, còn hạn chế trong việc nắm bắt được vấn đề vướng mắc, tình huống phát sinh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác nghiên cứu, đổi mới cách làm trong việc triển khai còn bị động; việc trao đổi kinh nghiệm, học tập hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn rất hạn chế.
Thứ hai, về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Trách nhiệm phối hợp còn mang nặng tính hình thức, chưa đảm bảo hiệu quả cao; việc phối hợp trong công tác xây dựng chuyên mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh định kỳ 01 số/tháng tại nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt, thiếu trách nhiệm; mối quan hệ phối hợp giữa một số cơ quan nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp ở một số địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến vẫn còn tình trạng một số nơi doanh nghiệp khó tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Công tác báo cáo việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, việc tổng hợp vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp cũng như đề xuất giải pháp để thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu pháp luật còn rất bị động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đến vị trí của cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp mình hoặc chưa bố trí cán bộ phù hợp phụ trách công tác pháp chế của doanh nghiệp; hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đôi khi chỉ diễn ra từ một phía là cơ quan quản lý nhà nước mà chưa có sự tích cực, chủ động phối hợp từ phía doanh nghiệp.
Thứ ba, về cơ chế, chính sách
Văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực thường xuyên thay đổi; một số lĩnh vực văn bản pháp luật còn quy định chung chung, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và thực hiện các quy định pháp luật. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, vì đây là lĩnh vực mới, chưa có nhiều văn bản cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
- Cần tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức phụ trách công tác này, đồng thời tạo “kênh” để giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Sớm triển khai tổng kết việc triển khai thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP để kịp thời có định hướng, điều chỉnh đối với các văn bản cũng như công tác quản lý trong lĩnh vực này.
- Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo điều kiện về nhân sự của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Xây dựng và thực hiện hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa doanh nghiệp - tổ chức đại diện của doanh nghiệp - cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng công tác thông tin, trao đổi, lấy ý kiến của doanh nghiệp.
- Cần đổi mới các hình thức, phương pháp đối thoại với doanh nghiệp, vì các hình thức, phương pháp đối thoại với doanh nghiệp như hiện nay còn mang nặng tính hành chính nhà nước; phương pháp đối thoại phải tạo cho doanh nghiệp sự tự tin, mạnh dạn trong việc bày tỏ quan điểm, trao đổi về các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp cần tìm hiểu, hướng dẫn cũng như mạnh dạn đóng góp ý kiến cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
- Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần chủ động, sáng tạo trong việc tìm hiểu, học hỏi các hình thức hỗ trợ pháp lý hay, có tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại cơ quan, đơn vị mình.
Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai