Tuy nhiên, từ khi có Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về “Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và vì nhiều lý do khác nhau mà sau năm 1950 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định Thừa phát lại. Chế định Thừa phát lại đã chính thức quay trở lại nước ta kể từ năm 2009 theo định hướng xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự và trên tinh thần Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự. Việc tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại được thực hiện thông qua Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghị định số 61/2009/NĐ-CP).
Nhận định được vai trò quan trọng của Thừa phát lại và để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại được dễ hiểu, nhất quán, đồng bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP (Nghị định số 135/2013/NĐ-CP). Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm, hoạt động độc lập, được tiến hành thực hiện bốn công việc chủ yếu sau: (i) Tống đạt giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; (ii) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; (iii) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; (iv) Tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thông qua các hoạt động của Thừa phát lại đã ngày càng chứng minh và khẳng định được địa vị pháp lý cũng như vai trò của Thừa phát lại trong hoạt động tư pháp, trong xã hội hóa thi hành án dân sự. Đồng thời, hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn, tối ưu hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng; góp phần giảm thiểu công việc cho Tòa án, cho cơ quan thi hành án, để từ đó, giảm bớt tình trạng án tồn đọng. Ngoài ra, Thừa phát lại còn góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện theo đúng pháp luật nhằm thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển ngày càng vững mạnh.
Nghị quyết số 107/2015/QH14 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Nghị quyết này cũng đã chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016. Hiện nay, cả nước có 53 văn phòng Thừa phát lại trên tổng số 13 địa phương đã thực hiện chế định Thừa phát lại với tổng số nhân lực đang làm việc là 643 người, trong đó, có 134 Thừa phát lại, 295 thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác. Tính đến ngày 30/9/2015, các văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 135 tỷ 862 triệu 202 nghìn đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 939.544 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 70 tỷ đồng (chiếm 51% tổng doanh thu); tiếp đến là hoạt động lập vi bằng với 42.911 vi bằng được lập và doanh thu gần 59 tỷ đồng (chiếm 43% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 885 việc xác minh và 378 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 8 tỷ đồng chiếm 6% tổng doanh thu[1].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động Thừa phát lại còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của một số cơ quan, cán bộ và xã hội còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức đúng và đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò và chức năng của chế định Thừa phát lại; đội ngũ Thừa phát lại chưa được đào tạo kỹ về chuyên môn, chưa có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp; còn có sự chậm trễ trong hoạt động xây dựng pháp luật, cơ sở pháp lý cao nhất cho việc thực hiện chế định Thừa phát lại hiện nay là Nghị quyết của Quốc hội mà Nghị quyết chỉ quy định mang tính chất chủ trương, do đó, trong quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện công việc Thừa phát lại đã gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng và vướng mắc. Cụ thể là đang làm phát sinh những bất cập trong quy định về hoạt động lập vi bằng; trong việc quy định về hoạt động tống đạt của Thừa phát lại; trong tổ chức thi hành án dân sự...
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao kết quả tổ chức thực hiện chế định về Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, triển khai xây dựng Luật Thừa phát lại
Việc thực hiện chế định Thừa phát lại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương về xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong đó, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP là những văn bản pháp luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm.
Sau khi chế định Thừa phát lại được chính thức thực hiện trên cả nước thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội, tác giả thấy rằng, việc xây dựng Luật Thừa phát lại là một nhiệm vụ cần thiết, cấp thiết và tối quan trọng cần được triển khai. Bởi vì, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chỉ bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, các hoạt động của Thừa phát lại phát triển ngày càng mạnh mẽ và phổ biến ở nhiều địa phương. Hiện nay, đã có 53 văn phòng Thừa phát lại ở 13 tỉnh, thành và các tỉnh, thành khác cũng đang đẩy mạnh quá trình xây dựng đề án để tiến hành tổ chức thực hiện. Do đó, trong quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện công việc đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để góp phần đảm bảo hoạt động Thừa phát lại có hiệu quả, đúng pháp luật thì cần thiết ban hành Luật Thừa phát lại.
Khi xây dựng Luật Thừa phát lại thì cần chú ý đến việc xây dựng theo hướng mở rộng quyền hạn cho Thừa phát lại, để đảm bảo sự bình đẳng giữa Thừa phát lại với chấp hành viên. Trên cơ sở đó, có những hướng dẫn áp dụng Luật Thừa phát lại hợp lý và có giá trị thực tiễn cao; chú trọng quan tâm các vấn đề như: Quy định rõ tiêu chuẩn Thừa phát lại và văn phòng Thừa phát lại; về trình tự, thủ tục tống đạt văn bản, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án dân sự… Có như vậy, dịch vụ Thừa phát lại mới thực sự đi vào đời sống xã hội và mang lại hiệu quả đúng như mục đích[2].
Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền về Thừa phát lại
Thừa phát lại là chế định mới nên việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để người dân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như cán bộ có những hiểu biết về pháp luật, có sự đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và sử dụng dịch vụ Thừa phát lại thì khi tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật và hoạt động của Thừa phát lại cần phải có sự nghiên cứu chọn lọc, sâu rộng, xúc tích và phải thực sự dễ hiểu. Đồng thời, phải nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu và lựa chọn những hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò và ý nghĩa của Thừa phát lại đến người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp và tổ chức có liên quan. Việc tuyên truyền có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như internet, phóng sự... hoặc phát hành những ấn phẩm về Thừa phát lại. Bên cạnh đó, cần có sự phối chặt chẽ, kịp thời và đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan và các địa phương với những nội dung phù hợp thông qua các kênh tuyên truyền. Đồng thời, phải tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp của các cơ quan trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại.
Thứ ba, tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại
Để đảm bảo hoạt động của Thừa phát lại đúng pháp luật, hiệu quả, mang lại những tác động tích cực cho người dân và xã hội, hạn chế sai phạm trong quá trình hoạt động, vì vậy, cần phải phối, kết hợp với các cơ quan, ban, ngành để tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm Thừa phát lại; rà soát sát sao đội ngũ này, để từ đó, có những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng hành nghề. Đồng thời, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại để kịp thời nắm bắt những khó khăn và có những phương án, biện pháp khắc phục phù hợp nhất.
Công ty Luật Việt Kim
[1]. Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội.
[2]. Nguyễn Vinh Hưng, Dịch vụ Thừa phát lại và sự phù hợp với các điều kiện tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 02 năm 2017.