Dự Hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, đại diện lãnh đạo một số ban của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng; toàn thể lãnh đạo, công chức các đơn vị: Vụ Các vấn đề chung về XDPL, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ; lãnh đạo Văn phòng đảng, đoàn thể và Bộ phận giúp việc Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Thể chế, pháp luật đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Hội nghị lần này là một trong những hoạt động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng pháp luật (XDPL), góp ý, thẩm định, kiểm tra VBQPPL trong thời gian gần đây và chắc chắn sẽ được tăng cường, quan tâm hơn nữa trong thời gian tới với nhận thức rất rõ: “Thể chế, pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển đất nước”.
Thực trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những nguyên nhân chủ quan, yếu tố con người. Đặc biệt, ngày 18/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, trong đó xác định rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp là cần kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành VBQPPL, lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”.
“Thể chế, pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển đất nước”.
Ngoài ra, thời gian qua, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, kết luận nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác XDPL. Trong bối cảnh đó, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức các đơn vị XDPL, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ về chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác XDPL.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, Hội nghị cũng là dịp để những người trực tiếp làm công tác XDPL trao đổi, thảo luận, đánh giá về những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác XDPL, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này, đảm bảo đúng định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, trách nhiệm công vụ của từng cán bộ, từng lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, cấp bộ trong quy trình XDPL.
Tuân thủ và kiểm soát chặt chẽ quy trình XDPL
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, qua các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu cho thấy, Hội nghị thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác XDPL trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Công tác XDPL luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lãnh đạo Bộ sẽ lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác XDPL, góp ý, thẩm định, kiểm tra VBQPPL.
Với tư cách là cơ quan tham mưu của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Kết quả là tới nay, hệ thống pháp luật đã cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chất lượng hệ thống pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, nhiều lĩnh vực đã tiệm cận chuẩn chung của khu vực và quốc tế. Trong thành công chung này, có đóng góp quan trọng, dấu ấn “đậm nét” của công tác góp ý, thẩm định, kiểm tra VBQPPL do Bộ, ngành Tư pháp thực hiện với những bước đi ngày càng bài bản, phát huy được trí tuệ tập thể để có các ý kiến sắc nét hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác XDPL, góp ý, thẩm định, kiểm tra VBQPPL. Với những lo ngại về nguy cơ lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong một số quy định pháp luật, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện đầy đủ, nâng cao tinh thần cảnh giác và sớm có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, kiểm soát chặt chẽ quy trình và hồ sơ XDPL, đặc biệt là trong các khâu lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đánh giá tác động của chính sách; đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; bảo đảm sự tham gia đầy đủ, thực chất, hiệu quả của các tổ chức, các tầng lớp Nhân dân trong qua trình xây dựng VBQPPL.
Các đơn vị làm công tác XDPL cần nghiên cứu một cách có hệ thống các chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa, cụ thể hóa đúng, đầy đủ, kịp thời. Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị cần có định hướng và tổ chức thực hiện cụ thể trong toàn đơn vị, tới tất cả các cán bộ, công chức. Công tác kiểm tra văn bản cần bao quát rộng hơn về số lượng, quyết liệt hơn nữa trong yêu cầu xử lý, kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Kết thúc bài phát biểu, Bí thư Ban cán sự đảng khẳng định, tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ sẽ quan tâm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác XDPL, góp ý, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, kịp thời có ý kiến định hướng để công tác này ngày càng chất lượng, hiệu quả, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)