1. Hệ thống tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật Việt Nam
Về mặt lý luận, theo tác giả, việc xây dựng, đánh giá tiêu chí xác định NHNT nên được xem xét dưới góc độ của lý thuyết hệ thống. Tức là các tiêu chí xác định NHNT của Việt Nam (Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) bao gồm nhiều các yếu tố khác nhau, nhưng ta cần đặt nó trong mối liên hệ qua lại với nhau để xác định NHNT. Mặt khác, phải luôn nhìn hệ thống tiêu chí này dưới góc độ của một “hệ thống mở” tức là có thể bổ sung thêm, kết hợp hoặc loại trừ giữa các tiêu chí trong khi xác định NHNT. Ngoài ra việc sử dụng những tiêu chí này cần phải đảm bảo được tính thống nhất của hệ thống đó là: Đảm bảo đánh giá được các đặc điểm của NHNT kể cả về định tính cũng như định lượng. Một vấn đề rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống các tiêu chí xác định NHNT đó là chúng ta cần xây dựng những nguyên tắc cho việc áp dụng các tiêu chí này... Tóm lại, tìm hiểu, xây dựng hệ thống tiêu chí xác định NHNT dưới góc độ lý thuyết hệ thống là khi chúng ta xây dựng các tiêu chí đó trong một thể thống nhất, và thể hiện được bản chất đặc trưng của một NHNT.
2. Thực trạng việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay ở Việt Nam
2.1. Thực trạng việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng xét về mặt nội dung
Theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi ở Việt Nam”. Theo khái niệm này thì rõ ràng phạm vi nổi tiếng của nhãn hiệu là Việt Nam, và chỉ cần nhãn hiệu đó được biết đến rộng rãi ở Việt Nam là có thể được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng. Nhưng theo quy định tại Điều 75 của Luật về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng lại có đề cập đến tiêu chí về “số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu nổi tiếng”. Như vậy trong trường hợp áp dụng theo tiêu chí này thì sẽ xử lý như thế nào? Liệu cách áp dụng có mâu thuẫn nhau, và có khó khăn gì cho các cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng theo các quy định như trên?
Một số vụ việc minh họa
+ Vụ việc Công ty Bestbuy (Hoa Kỳ) phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “BESTBUY và hình” cho Công ty TNHH lựa chọn Hoàn Hảo tại Việt Nam.
+ Vụ McDonald’s năm 1992 và Pizza Hut năm 1993
Xem xét hai vụ việc trên cho thấy một thực trạng hiện nay là một nhãn hiệu đã nổi tiếng trên thế giới cho dù chưa từng được sử dụng và đăng ký ở Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn chưa được mua bán, sử dụng loại nhãn hiệu nổi tiếng này, thì vẫn có khả năng được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu thừa nhận thực trạng này thì các cơ quan thẩm quyền căn cứ vào những quy định nào để giải quyết? Hay dựa trên nhận định mang tính chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó cho thấy sự không rõ ràng, cụ thể của các quy định pháp luật nước ta về vấn đề này.
+ Vụ nhãn hiệu mì “Miliket” (Việt Nam) năm 1998
Rõ ràng với việc coi nhãn hiệu mì Miliket “được coi là nổi tiếng” thực tế chúng ta đang thừa nhận những nhãn hiệu khá có uy tín và có độ nổi tiếng nhất định với người tiêu dùng, nhưng chưa thể đáp ứng hết các tiêu chí như Điều 75 của Luật. Và nhãn hiệu “được coi là nổi tiếng” vẫn được bảo hộ tại Việt Nam. Tuy vậy khái niệm này không được đề cập trong các văn bản pháp lý, và cũng không có một tiêu chí cụ thể nào để đo lường một nhãn hiệu “được coi là nổi tiếng” tại Việt Nam.
+ Một ví dụ nữa là trường hợp nhãn hiệu SH sử dụng cho sản phẩm xe máy và phụ tùng xe máy. Có rất nhiều đơn đăng ký của các chủ thể khác nhau có sử dụng thành phần chữ “SH”, nhưng đã bị từ chối bảo hộ vì tương tự với nhãn hiệu xe SH “được coi là nổi tiếng” hoặc “được coi là đã sử dụng rộng rãi” của Công ty Honda. Thế nhưng khi chính Công ty Honda đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này thì lại bị từ chối với những nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Thực trạng trên phản ánh hai điều: Thứ nhất, trên thực tế chúng ta đang thừa nhận nhãn hiệu “được coi là nổi tiếng” hoặc “được sử dụng rộng rãi”, trong khi hoàn toàn không có một bằng chứng để xác định đo lường về nó theo các tiêu chí đặt ra. Thứ hai, mặc dù không có bằng chứng nào để xác định về các nhãn hiệu nói trên, thì cơ quan có thẩm quyền vẫn thừa nhận và bảo hộ gián tiếp cho các nhãn hiệu này. Điều này chỉ có thể lý giải bởi thiếu những quy định về luật và các quy định hướng dẫn trong áp dụng luật nên dẫn đến những cách hiểu và cách áp dụng luật khác nhau.
Một thực trạng nữa phải kể đến hiện nay là mặc dù chưa được ghi nhận trong văn bản luật, nhưng trên thực tế chúng ta thừa nhận khái niệm về “nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam”. Khái niệm này xuất hiện trong một số Chương trình truyền thông phổ biến như: “Chương trình tư vấn và bình chọn nhãn hiệu cạnh tranh – nổi tiếng Việt Nam” do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006; Chương trình Khảo sát “thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013”. Chương trình do Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo (Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp Doanh nhân Việt Nam, Vnpaco Media tổ chức...
Như vậy, cho đến nay chúng ta vẫn chưa công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng nào mặc dù đã có rất nhiều đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, trên thực tế lại có sự chứng thực, những “Bằng chứng nhận” về nhãn hiệu nổi tiếng cấp độ quốc gia tại Việt Nam, không phải do Cục Sở hữu trí tuệ - cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp, mà do một tổ chức khác tại Việt Nam chứng thực. Mặc dù đây là một tổ chức có uy tín tại Việt Nam, và hoạt động nhằm mục đích tốt là ghi nhận thành tích của các doanh nghiệp, đồng thời như là một kênh quảng bá thông tin hữu hiệu và có sức lan tỏa cao, thông qua đó người tiêu dùng có thể đánh giá riêng về mức độ tin cậy của các thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm như thế nào? Nhưng giá trị của những chứng thực này không có cơ sở pháp lý. Như vậy, trong trường hợp có khiếu nại, tranh chấp về chứng thực, công bố thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến cơ quan nào để giải quyết? Thứ nữa, những danh hiệu này rõ ràng chỉ là của các tổ chức tự công bố, không có sự xác thực của cơ quan Nhà nước, vậy có đảm bảo tính khách quan, tin cậy hay không? Điều này có làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng, gây sự nhầm lẫn cho họ? Ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác khi họ không tham gia vào chương trình bình chọn, vậy có công bằng hay không?... Rõ ràng, vì không được pháp luật thừa nhận, nên sự chứng thực này của các doanh nghiệp không được pháp luật bảo vệ rõ ràng, mặt khác có thể gây nhầm lẫn cho toàn xã hội, thậm chí gây khó khăn cho các cơ quan thực thi sau này. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp quản lý để tránh tình trạng nói trên.
2.2.Thực trạng việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng xét về mặt trình tự, thủ tục
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì căn cứ, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên cơ sở của quá trình sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứ không theo cơ sở đăng ký như các nhãn hiệu thông thường. Pháp luật quy định về thủ tục xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Cục Sở hữu trí tuệ bao gồm các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu.
Cũng theo quy định của pháp luật Việt Nam có 2 con đường nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận đó là: Được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự (Tòa án) hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ. Khi được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng và được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một NHNT nào được công nhận tại Việt Nam theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ chưa có một Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như quy định trong Luật.
Như vậy với việc chưa có một Danh mục về NHNT tại Cục Sở hữu trí tuệ, cũng như pháp luật không quy định rõ về trình tự thủ tục để xác định NHNT, chỉ đưa ra những yêu cầu với bên muốn được xác định, thì vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để ghi nhận được một nhãn hiệu nổi tiếng? Thực tế trước khi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được ban hành, đã có một số đơn yêu cầu công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng cũng chưa nhận được trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ. Cho đến nay, việc công nhận NHNT chỉ được thực hiện theo từng vụ việc, một cách gián tiếp, ví dụ như khi có yêu cầu phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu hay huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dựa trên cơ sở một NHNT.
Thứ nữa là về thẩm quyền trong việc xác định, công nhận NHNT. Trong khi hiện nay chúng ta vẫn đang thừa nhận 2 cơ quan (Tòa án, Cục Sở hữu trí tuệ) có thẩm quyền trong việc giải quyết, công nhận NHNT, nhưng không thấy quy định nào về trách nhiệm hay sự phân công, phối hợp giữa hai cơ quan, cũng như nguyên tắc trong việc giải quyết, công nhận NHNT của hai cơ quan đó. Thậm chí việc quy định công nhận NHNT theo thủ tục tố tụng dân sự hiện nay như thế nào, pháp luật cũng không quy định rõ.
+ Ví dụ vụ kiện “Interbrand”
Xem xét vụ kiện trên ta thấy được vai trò quan trọng của Tòa án trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên; thấy được sự phối hợp giải quyết giữa Tòa án và các cơ quan khác nhau, trong đó có Cục Sở hữu trí tuệ, là cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh và công nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Sự phối hợp thể hiện ở việc Tòa ký công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh “độ” nổi tiếng của nhãn hiệu “interband”. Tuy nhiên trong trường hợp này thì Cục không có chức năng xác minh “độ” nổi tiếng của nhãn hiệu. Cục chỉ có thẩm quyền công nhận NHNT trên cơ sở xem xét hồ sơ của các bên gửi yêu cầu xác minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Do đó, việc nhận yêu cầu này từ Tòa, là Cục đã sai về nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị mình.
Về phía Tòa nếu nhãn hiệu Interbrand tuyên bố họ là nhãn hiệu nổi tiếng, yêu cầu Tòa bảo vệ lợi ích cho mình, thì Tòa phải tự xem xét đánh giá và công nhận nhãn hiệu này, không thể gửi công văn yêu cầu Cục đánh giá được. Nếu trong trường hợp Tòa cảm thấy không ổn về mức độ đánh giá về một tiêu chí nào đó của nhãn hiệu thì Tòa có thể nhờ đến hệ thống giám định, hoặc lấy ý kiến chuyên gia. Và Tòa phải sử dụng hệ thống này chứ không thể chuyển giao sự xác minh đó cho cơ quan quản lý là Cục Sở hữu trí tuệ. Cục không đóng vai trò là cơ quan giám định cho Tòa trong trường hợp này. Tóm lại, qua phân tích trên cho thấy rằng, vai trò của Tòa án trong các vụ kiện liên quan đến xác định NHNT còn rất hạn chế, thậm chí là sai nguyên tắc về chức năng, trình tự thủ tục. Do vậy, yêu cầu đặt ra cần nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa trong các vụ kiện liên quan đến NHNT nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chúng trong quá trình bênh vực và bảo vệ quyền lợi của mọi đối tượng.
Ngoài ra, từ ví dụ trên cũng đặt ra vấn đề là nếu như phán quyết của Tòa công nhận Interbrand là nhãn hiệu là nổi tiếng, thì kể từ thời điểm nào phán quyết về sự ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng đó có hiệu lực pháp lý, và nó có hiệu lực trong khoảng thời gian là bao lâu? Có trường hợp khi phán quyết của Tòa vừa công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng, nhưng ngay sau đó thì nhãn hiệu đó không còn nổi tiếng nữa thì xử lý như thế nào? Như vậy Luật cần phải xác định về thời điểm và dự trù được các trường hợp phát sinh trên thực tế để hoạt động xét xử của Tòa án được hiệu quả.
Một điểm nữa là pháp luật cũng cần quy định rõ về quy trình công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, trong trường hợp này là công nhận theo phán quyết của Tòa án. Nếu “Interbrand”, theo phán quyết của Tòa là nổi tiếng, thì bước tiếp theo Tòa cần làm gì để ghi nhận và bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng này? Chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng sẽ làm gì, Cục Sở hữu trí tuệ làm gì? Các cơ quan khác như thế nào? Thủ tục này có gì khác so với thủ tục công nhận của bên Cục Sở hữu trí tuệ? Cần quy định rõ trách nhiệm của Tòa án, và trình tự, quy trình ghi nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu. Bởi lẽ, so với các cơ quan hành chính, thì vai trò, nhiệm vụ về bảo vệ lợi ích cho các chủ thể của Tòa án là đặc biệt quan trọng.
Một thực trạng nữa là hiện nay, có rất nhiều các chương trình, sự kiện lớn như: Chương trình khảo sát thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng trong năm 2013 cho 100 doanh nghiệp trong cả nước. Đây là chương trình uy tín do Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo (Cơ quan Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp Doanh nhân Việt Nam, Vnpaco Media tổ chức. Chương trình Tư vấn, đánh giá và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu cạnh tranh - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam... Các chương trình này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng, các doanh nghiệp và toàn thể xã hội. Đây cũng là những chương trình lớn,có uy tín, nội dung và tiêu chí đánh giá các thương hiệu, nhãn hiệu đều lấy các tiêu chí được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ làm nền tảng. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra đó là, cơ sở pháp lý nào quy định trình tự, thủ tục để các chương trình ghi nhận đó là những nhãn hiệu nổi tiếng? Thực tế thì chính Ban tổ chức các chương trình sẽ là những người quy định ra thể lệ, trình tự thủ tục ghi nhận và công bố những nhãn hiệu nổi tiếng này. Đây hoàn toàn là những chương trình mang tính chất tự công bố, và thiếu giá trị về mặt pháp lý.
3. Các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xác định nhãn hiệu nổi tiếng
3.1. Sửa đổi lại quy định tại Khoản 20 Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ về định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng
Theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, một nhãn hiệu sẽ được coi là nổi tiếng, nếu nhãn hiệu đó “được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Nhưng trên thực tế có nhiều nhãn hiệu có phạm vi sử dụng khá hạn chế trong một nhóm người tiêu dùng nhất định như các nhãn hiệu về dược phẩm, thiết bị văn phòng, thiết bị công nghiệp đặc thù... Do đó, sẽ hợp lý hơn nếu trong trường hợp này, việc đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng hay không, được thực hiện trong phạm vi những người tiêu dùng nhất định có liên quan, hay gắn bó trực tiếp với quá trình phân phối hay sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu, mà không mở rộng phạm vi toàn thể nhóm khác không liên quan.
Pháp luật cần làm rõ về nội hàm của việc “biết đến” như thế nào thì nhãn hiệu đó trở nên nổi tiếng. Theo chúng tôi cần có sự quy định về việc “biết đến” và việc “biết đến” đó phải là sự biết đến thực tiễn trong quá trình tiếp cận và sử dụng sản phẩm hay dịch vụ. Như vậy, Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sẽ sửa đổi thành: “NHNT là nhãn hiệu được biết đến rộng rãi bởi bộ phận người tiêu dùng liên quan trong quá trình kinh doanh sản phẩm/dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam”.
3.2. Hoàn thiện hệ thống xác định các tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng
Theo đó, pháp luật cần sắp xếp lại cấu trúc của các tiêu chí, đưa ra những sự hướng dẫn và giải thích cụ thể, chi tiết hơn về nội dung của từng tiêu chí, cũng như cách thức, và nguyên tắc áp dụng các tiêu chí, cụ thể như:
Thứ nhất, cần sắp xếp lại các tiêu chí theo Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ một cách hợp lý hơn. Cấu trúc sắp xếp đó có thể theo trật tự: Tiêu chí nào quan trọng, bắt buộc thì đưa lên hàng đầu, nhóm các tiêu chí mang tính bổ trợ, ít quan trọng để xác định NHNT thì đưa phía dưới. Ngoài ra theo chúng tôi, Khoản 1 Điều 75 cần tách thành 2 tiêu chí: Tiêu chí về “doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu”, và tiêu chí về “số lượng hàng hóa đã bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp”.
Pháp luật cũng cần sắp xếp, thay đổi, bổ sung các yếu tố xác định NHNT theo quy định tại Mục 5, Điều 42 về “ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng” của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn Nghị định số 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Sự sắp xếp các yếu tố này theo hướng phải phù hợp, logic với trật tự sắp xếp theo Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, pháp luật cần làm rõ nội dung từng tiêu chí và xây dựng nguyên tắc áp dụng của từng tiêu chí xác định NHNT, xem xét nó trong mối liên hệ tổng thể với hệ thống các tiêu chí xác định NHNT.
3.3. Nhanh chóng xây dựng điều kiện cần thiết cho việc lập danh mục nhãn hiệu nổi tiếng
Đây không phải là đề xuất mới vì trong Thông tư số 01 của Chính phủ quy định rất rõ việc hình thành một Danh mục NHNT. Tuy nhiên hiện nay Danh mục đó chưa hình thành vì các cơ quan quản lý nhà nước chưa triển khai được với nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo chúng tôi, để Danh mục về NHNT có thể hình thành trên thực tế, Thông tư số 01 cần bổ sung thêm về việc giao cho cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xây dựng một “Quy chế về việc công nhận NHNT”. Cơ quan đó có thể là Cục SHTT xây dựng nên “Quy chế về việc công nhận NHNT”. Trên cơ sở đó, Quy chế được hình thành nhằm mục đích hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục về công nhận NHNT, nội dung và nguyên tắc áp dụng của các tiêu chí xác định NHNT và một số yêu cầu với việc công nhận NHNT...
3.4. Các giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động công nhận nhãn hiệu nổi tiếng Nhà nước cần triển khai xây dựng và công bố danh mục NHNT, cần đầu tư thỏa đáng cho việc phát triển mạng lưới thông tin, nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong việc đánh giá các tiêu chí để xác định và công nhận NHNT. Ngoài ra cần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc đánh giá các tiêu chí để xác định và công nhận NHNT, nâng cao năng lực của cán bộ và các cơ quan bổ trợ tư pháp, nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí của cộng đồng trong việc bảo vệ NHNT.
Tóm lại cho đến nay, những quy định về xác định, công nhận NHNT của Việt Nam nhìn chung là tương đối đầy đủ và phù hợp với các vấn đề liên quan đến yêu cầu bảo hộ của thế giới. Tuy nhiên, sự cố gắng mới chỉ dừng lại ở hình thức, mà nội dung triển khai vẫn chưa đi vào thực tiễn có hiệu quả. Hệ thống pháp luật về xác định, công nhận NHNT của chúng ta còn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung và cách thức áp dụng trong việc xác định các tiêu chí NHNT. Cơ chế thực thi việc xác định và công nhận NHNT của Việt Nam hoạt động chưa đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp... Do vậy, việc nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cả hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật về xác định, công nhận NHNT là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế là tất yếu khách quan, cũng là do sức ép của các nền kinh tế khác mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
ThS. Trần Thị Thanh Huyền
Học viện Phụ nữ Việt Nam