Hiện nay, tình hình buôn lậu vẫn đang xảy ra, diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, miền Đông Nam Bộ luôn được xác định là điểm nóng, là một trong những địa bàn tiêu thụ hàng hóa với sức mua rất lớn, trong đó có nhiều hàng hóa nhập lậu; đồng thời là nơi tập kết, trung chuyển của nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam và đưa đi các tỉnh khác. Hoạt động buôn lậu diễn ra trên tất cả các tuyến, tập trung tại các tuyến biên giới và tuyến đường biển.
Buôn lậu và gian lận thương mại ở nước ta đã xuất hiện từ nhiều năm nay và đặc biệt phát triển sau khi mở cửa thị trường, tăng cường hội nhập với diễn biến ngày càng phức tạp trên tất cả các tuyến, bằng nhiều hình thức khác nhau. Là quốc gia đang phát triển có quy mô dân số hơn 90 triệu người, nằm ở trung tâm khu vực sản xuất năng động của thế giới, vì vậy, Việt Nam nói chung và miền Đông Nam Bộ nói riêng luôn là địa điểm “hấp dẫn” đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hiện nay, tình hình buôn lậu vẫn đang xảy ra, diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, miền Đông Nam Bộ luôn được xác định là điểm nóng, là một trong những địa bàn tiêu thụ hàng hóa với sức mua rất lớn, trong đó có nhiều hàng hóa nhập lậu; đồng thời là nơi tập kết, trung chuyển của nhiều loại hàng hóa từ nước ngoài nhập lậu vào Việt Nam và đưa đi các tỉnh, thành khác. Hoạt động buôn lậu diễn ra trên tất cả các tuyến, tập trung tại các tuyến biên giới và tuyến đường biển.
1. Nguyên nhân của tình hình buôn lậu trên địa bàn miền Đông Nam Bộ
1.1. Nguyên nhân do hạn chế của pháp luật về phòng, chống buôn lậu
Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn rất khó khăn bởi hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo, quy định pháp luật còn thiếu, nhiều điều luật còn chưa phù hợp dẫn đến việc áp dụng khó khăn, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý xuất nhập khẩu và chống buôn lậu còn chung chung, thiếu những chế tài cụ thể và nghiêm minh, không đồng bộ hoặc có kẽ hở để tội phạm lợi dụng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, thuốc lá lậu… qua biên giới.
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi khách quan của tội buôn lậu là buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới ở định lượng luật định. Mục đích của hành vi buôn lậu là kiếm lợi nhuận. Đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt tội buôn lậu với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189). Trên thực tế, việc chứng minh mục đích buôn bán kiếm lời của người phạm tội rất khó khăn vì người phạm tội thường không thừa nhận mục đích này để được xử lý về tội nhẹ hơn. Chính vì vậy, đây cũng là một khó khăn, hạn chế trong thực tiễn xử lý tội buôn lậu.
Về pháp luật hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã mở rộng khái niệm tội phạm quy định tại Điều 8 bao gồm cả chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại phạm tội. Đồng thời, Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, trong đó có tội buôn lậu (Điều 188). Mặt khác, Điều 424 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định về những điều cần chứng minh trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, những quy định rất mới này của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, trong khi nhận thức của những người tiến hành tố tụng về các vấn đề này còn hạn chế, còn tồn tại các quan điểm khác nhau, thiếu thống nhất. Chính sự thiếu vắng các văn bản hướng dẫn trong bối cảnh lần đầu tiên nước ta quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một trong những nguyên nhân, điều kiện tồn tại của tình hình tội buôn lậu do pháp nhân thương mại thực hiện.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhưng trong suốt thời gian qua chỉ có một vụ án liên quan đến pháp nhân bị khởi tố[1]. Có thể thấy rằng, đây là một hạn chế trong thực tiễn phòng ngừa tội buôn lậu do pháp nhân thượng mại thực hiện.
1.2. Nguyên nhân do hạn chế trong quản lý phòng chống buôn lậu
- Vùng Đông Nam Bộ là địa bàn tương đối rộng và phức tạp, hoạt động quản lý của các cấp, các ngành và của từng địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trình độ, kinh nghiệm quản lý và điều hành kinh tế còn nhiều hạn chế, nền sản xuất trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về chủng loại cũng như chất lượng hàng hóa. Điều này dẫn đến nhiều kẽ hở trong hoàn thiện việc điều hành, quản lý nền kinh tế.
- Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành liên quan đến hoạt động chống buôn lậu không còn phù hợp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được thường xuyên, hiệu quả thấp; việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách chưa nghiêm; việc điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm.
- Vấn đề quản lý về sự thành lập và hoạt động của các tổ chức kinh tế, các công ty, doanh nghiệp trong vùng còn hạn chế như thành lập tràn lan, dưới nhiều hình thức, tội phạm buôn lậu và tội phạm có tổ chức cũng “núp bóng” doanh nghiệp để hoạt động mà không bị xử lý hoặc bị xử lý nhưng mức phạt chưa cao, chưa có tính răn đe. Các đối tượng gian lận thương mại đã lợi dụng sự thông thoáng từ khâu thành lập doanh nghiệp, thuê mượn giấy tờ tùy thân để lập doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp được thành lập theo quy định pháp luật nhưng qua xác minh thì hầu hết là doanh nghiệp “ma”, khi cơ quan điều tra đến xác minh thì phát hiện ra đó chỉ là những doanh nghiệp trên giấy, không có hoạt động trong thực tế.
- Cơ quan trực tiếp được Chính phủ giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi buôn lậu tại địa bàn Đông Nam Bộ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, việc triển khai chưa quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ chưa sâu sát.
- Hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa được chú trọng và khai thác triệt để; hoạt động hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu, hợp tác chống hàng trốn thuế còn lỏng lẻo và mang tính hình thức, chưa đi vào khuôn khổ.
- Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, đôn đốc của lực lượng quản lý thị trường triển khai các kế hoạch chuyên đề trọng điểm về chống buôn chưa đồng bộ, chưa làm tốt hoạt động điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu.
- Sự phối hợp với các lực lượng chức năng như: Hải quan, biên phòng, công an, cảnh sát biển và các cơ quan thanh tra chuyên ngành để xây dựng các phương án cụ thể kiểm tra, xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; việc ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, đặc biệt là địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước… còn chưa thực sự chặt chẽ.
1.3. Nguyên nhân do hạn chế trong xử lý và phòng ngừa tội phạm buôn lậu
- Hạn chế trong xử lý tội phạm buôn lậu: Việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu còn nhiều bất cập, kém hiệu quả như: Kết quả khởi tố, điều tra các vụ án buôn lậu còn thấp; đối tượng chủ mưu, “đầu nậu” lớn bị phát hiện, bắt giữ còn chiếm tỷ lệ ít; số vụ việc được phát hiện chủ yếu xử lý hành chính nên họ có điều kiện phạm tội trở lại.
- Hạn chế trong phòng ngừa riêng: Hoạt động đấu tranh phòng, chống nói chung và phòng ngừa nói riêng đối với tội phạm buôn lậu của các lực lượng chức năng còn một số hạn chế, thiếu sót. Việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng như lực lượng quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát kinh tế chưa được thống nhất, thường xuyên, tích cực, tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu hoạt động.
- Hạn chế về lực lượng phòng ngừa: Lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở địa bàn miền Đông Nam Bộ, trong đó có lực lượng cảnh sát kinh tế còn mỏng, trình độ nghiệp vụ không đồng đều, một số cán bộ chiến sỹ vẫn còn biểu hiện lơ là, mất cảnh giác, hoặc có biểu hiện ngại va chạm; có nơi, có lúc còn biểu hiện buông lỏng quản lý, chưa có phương án phòng, chống thường xuyên để chủ động phòng ngừa, kiềm chế hành vi buôn lậu.
- Hạn chế về trang thiết bị, kinh phí: Trang thiết bị, kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống tội phạm buôn lậu còn hạn hẹp, do vậy, trên từng mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trong tình hình mới.
- Hạn chế trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp: Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số nơi, một số bộ, ban, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Vai trò của các lực lượng chức năng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở, khu dân cư. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn có biểu hiện tiêu cực, bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm buôn lậu.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu trên địa bàn miền Đông Nam Bộ trong thời gian tới
Một là, hoàn thiện hệ thống giám sát cửa khẩu và biên giới: Giám sát cửa khẩu và biên giới rất quan trọng đối với phòng, chống buôn lậu. Để giám sát cửa khẩu tốt, cần chú trọng cả việc tổ chức lực lượng kết hợp với trang thiết bị hiện đại, cần tăng cường lắp đặt hệ thống camera thông minh ở khu vực cửa khẩu quốc tế để phòng, chống buôn lậu. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách cũng cần tiến hành các hoạt động tâm lý, tuyên truyền, giáo dục để mỗi gia đình, mỗi hộ dân sống ở khu vực biên giới là một “biên phòng” cho đất nước nói chung và chống buôn lậu nói riêng. Phát huy sức mạnh của người dân trong phòng, chống buôn lậu cần được coi là biện pháp quan trọng cần được tiến hành bền bỉ, lâu dài, thường xuyên.
Hai là, kiểm soát tại các cảng hàng không, cảng biển: Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về kiểm tra, giám sát an ninh hàng không và hàng hải, ví dụ như: Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ Giao thông vận tải về quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam; Nghị định số 77/2017/NĐ-CP ngày 03/7/2017 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng. Để giám sát cảng hàng không và cảng biển tốt, tăng hiệu quả phát hiện và xử lý buôn lậu thì cần triển khai thực hiện tốt nội dung trong các văn bản này. Đồng thời, tăng cường tổ chức lực lượng tinh nhuệ, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ tại các cảng này.
Ba là, đẩy mạnh phát triển nền sản xuất trong nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay trong thị trường nội địa và thị trường quốc tế, cần đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, cải tiến về mẫu mã hàng hóa, giảm thiểu các chi phí sản xuất để sản phẩm có giá phù hợp với mức sống trung bình của người dân, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành tâm lý, thói quen dùng hàng sản xuất trong nước, chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng trong nước.
Bốn là, tăng cường chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên, ven biển, góp phần tạo công ăn việc làm, không ngừng nâng cao đời sống của người dân ở các khu vực biên giới, ven biển. Việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng biên giới phải được sự phối hợp lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng và có sự tiến hành đồng bộ của chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan...
Năm là, ban hành các thủ tục hải quan bảo đảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lưu giữ hàng hóa tại kho ngoại quan trước khi giao hàng cho khách hàng bảo đảm quản lý được hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhất là nhận thức về hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái.
Sáu là, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong công tác quản lý của mình, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử; từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.
Bảy là, hiện nay, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống buôn lậu chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân còn nhiều hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ đơn thuần được thực hiện đối với cộng đồng dân cư mà còn phải được thực hiện ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là những cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu bởi chính họ sẽ là người giải thích và áp dụng các quy định của pháp luật để chống lại nạn buôn lậu. Giáo dục, xây dựng tâm lý và nhận thức đúng đắn về việc không dùng hàng lậu, cần chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục cho những tầng lớp, thành phần nhân dân khác nhau ý thức không dùng hàng rẻ do buôn lậu.
Tám là, rà soát, đánh giá, tổng kết thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về xuất nhập khẩu cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động ngoại thương. Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, đặc biệt là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để phù hợp với điều kiện mới hiện nay; mạnh dạn giảm thuế xuất nhập khẩu đối với những mặt hàng mà hàng nội địa có khả năng cạnh tranh. Xây dựng văn bản quy định về chuyển khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh và văn bản quy định về quy chế quản lý hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, chế độ miễn kiểm hóa... để tránh tình trạng rất nhiều tội phạm buôn lậu hiện nay lợi dụng kẽ hở của pháp luật về tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển để buôn lậu hàng hóa vào nước ta.
Chín là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các lực lượng có chức năng phòng, chống buôn lậu vững mạnh và tinh nhuệ; tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn cán bộ cho các lực lượng này theo hướng nâng cao trình độ và năng lực hoạt động. Bên cạnh đó, phải có chế độ đãi ngộ thích đáng đối với những người làm công tác phòng ngừa, đấu tránh chống buôn lậu (chính sách về tiền lương, phụ cấp, đào tạo...) để những người thực hiện hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại yên tâm, dốc tâm vào thực hiện nhiệm vụ.
Mười là, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, khắc phục những bất cập, chồng chéo trong cơ chế quản lý. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động phòng ngừa sẽ bảo đảm cho việc quản lý những hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu, ngoại thương được thống nhất và thông suốt, tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước đùn đẩy công việc cho nhau, tạo ra những khoảng trống trong quản lý để người buôn lậu lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội.
Đại học Lao động - Xã hội, TP. Hồ Chí Minh
1. Xem bài: Vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được phát hiện như thế nào?,
http://m.cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/Vu-an-xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-duoc-phat-hien-nhu-the-nao-572863/, 06/12/2019.