1. Tình hình hình thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017
1.1. Về việc tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ và hằng năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội: Thông qua 13/14 dự án luật, nghị quyết; cho ý kiến đối với 05/05 dự án khác, trong đó có nhiều dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp
Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết thi hành Bộ luật này, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; xây dựng, trình Chính phủ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương từng bước thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những điểm mới gắn với quy trình xây dựng chính sách, pháp luật; kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật tới Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ[3].
Nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản, Bộ Tư pháp đã tăng cường theo dõi, đôn đốc sát sao tiến độ xây dựng, tổ chức làm việc với một số bộ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết[4]. Tính đến tháng 9/2017, đối với văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ đã ban hành được 84/97 văn bản, đạt 86,6%[5]. Trong số văn bản nợ ban hành, không có văn bản nào liên quan đến đầu tư, kinh doanh và không có văn bản nào được giao cho Bộ Tư pháp xây dựng.
- Trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp tiếp tục thể hiện tốt vai trò “gác cổng” về mặt thể chế cho Chính phủ; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất, khả thi; các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 186 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thẩm định chùm nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành; thẩm định đối với 17 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội; 66 điều ước quốc tế.
1.1.2. Đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 3.015 văn bản (số liệu tính từ 21/12/2016 đến 18/10/2017), gồm 481 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 2.534 văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Qua kiểm tra, Bộ Tư pháp đã phát hiện và ra Kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 115 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (gồm 15 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 100 văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)[6]; qua đó, đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện pháp luật ở các bộ, ngành và địa phương.
1.1.3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật
Bộ Tư pháp cùng với các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phản ứng chính sách pháp luật, tích cực tham mưu cho Chính phủ, chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những việc tích tụ từ trước đến nay mới phát sinh, như 12 dự án thu lỗ lớn; tình trạng khai thác cát, sỏi gây sói mòn, sạt lở bờ song, tác động xấu đến môi trường; việc thực hiện quy hoạch bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng; việc sử dụng giấy đăng ký phương tiện khi tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng…
Bộ, ngành Tư pháp đã tổ chức bài bản việc triển khai và chuẩn bị triển khai các bộ luật, luật có hiệu lực trong năm 2017, nhất là các bộ luật, luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng (Bộ luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản). Trong đó, đã tập trung tập huấn chuyên sâu những nội dung cơ bản của các luật; tổ chức rà soát, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với các văn bản được quy định chi tiết.
Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức rà soát, báo cáo Chính phủ để đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật và xác định tiến độ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch[7]; chuẩn bị danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật đối với các lĩnh vực này trong thời gian tới.
1.2. Về việc góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
1.2.1. Về việc góp phần xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả
- Trong công tác cải cách hành chính: Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì thực hiện tốt việc kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 03 bậc, xếp thứ 6/12 bộ, ngành được đánh giá.
Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/2017/NĐ-CP ngày 04/7/2017 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, trong đó tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực như: Lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, công chứng… Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu và lộ trình được quy định tại Nghị quyết.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp, phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp cũng đã triển khai thí điểm và đang mở rộng việc thực hiện chữ ký số trong phê duyệt, phát hành một số văn bản nội bộ tại Bộ.
- Trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điểu của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; thực hiện tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính…
- Công tác bổ trợ tư pháp: Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu giá tài sản; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam (Quyết định số 132/TTg-CP ngày 2/2/2017); trình Chính phủ dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư…
Trong lĩnh vực quản lý luật sư, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp từng bước tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với hoạt động luật sư, có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của luật sư.
Trong lĩnh vực công chứng, Bộ đã tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi Văn phòng công chứng theo quy định tại khoản 1, Điều 79 Luật Công chứng. Triển khai Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đến nay, trên cả nước đã có 38 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập, đi vào hoạt động.
Trong lĩnh vực quản lý đấu giá tài sản, Triển khai Luật đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 410/QĐ-TTg về triển khai thực hiện Luật, hiện tại, Bộ đang thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Đề án “Phát triển và tăng cường năng lực đội ngũ đáu giá viên giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”.
Các lĩnh vực công tác khác như giám định tư pháp, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại… tiếp tục được thực hiện theo đúng kế hoạch đã đặt ra.
Chín tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã tiếp tục chú trọng rà soát, xác minh bảo đảm việc cấp phép đối với các chứng chỉ về lĩnh vực bổ trợ tư pháp tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Bộ đã cấp hơn 1.000 Chứng chỉ hành nghề luật sư; bổ nhiệm 48 công chứng viên; cấp, cấp lại 422 Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên; cấp 113 Chứng chỉ quản tài viên; bổ nhiệm 63 thừa phát lại.
- Công tác hộ tịch, quốc tịch:
Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã khẩn trương xây dựng, triển khai các kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 (Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23/1/2011); đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động (Quyết định số 786/QĐ-TTg ngày 05/6/2017) và tổ chức Hội nghị công bố Chương trình (tổ chức ngày 16/6/2017). Hiện nay, các nhiệm vụ theo Chương trình đang được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện theo đúng các lộ trình, kế hoạch.
Tính đến nay, đã mở rộng triển khai phần mềm đăng ký khai sinh tại 17 tỉnh/thành phố và phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại 15 tỉnh/thành phố. Tính đến ngày 15/9/2017, trên toàn hệ thống đã ghi nhận 889.894 trường hợp đăng ký khai sinh và 104.252 trường hợp đăng ký khai tử qua mạng điện tử.
Nhằm giải quyết tốt vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt đối với những trẻ em chưa được đăng ký khai sinh và xác định quốc tịch, trên cơ sở báo cáo thống kê của các địa phương, Bộ Tư pháp đã rà soát, tổng hợp, nhập và thiết lập Cơ sở dữ liệu về con của công dân Việt Nam với người nước ngoài; hiện tại, Bộ đang xây dựng dự thảo Báo cáo đề xuất giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài, sinh ra ở nước ngoài, cư trú tại Việt Nam chưa được đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện tổng kết 08 năm thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai Đề án thực hiện “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước”; Tiểu Đề án “Giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác cho người dân di cư tự do từ Campuchia về nước”
Trong 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã ký trình Chính phủ nước giải quyết 3.390 hồ sơ xin thôi, xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam (gồm 3.351 hồ sơ xin thôi, 34 hồ sơ xin nhập, 05 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam).
- Về công tác nuôi con nuôi, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi; xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở các cơ sở trợ giúp xã hội và Đề án phát triển công tác con nuôi đến năm 2025. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Trung ương về con nuôi quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã giải quyết 349 trường hợp con nuôi nước ngoài; tiếp nhận và hoàn tất thủ tục gia hạn giấy phép hoạt động cho 15 tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
- Về công tác lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận được 150.008 bản Lý lịch tư pháp; 50.289 thông tin lý lịch tư pháp bổ sung; đã cung cấp cho 63 Sở Tư pháp 18.880 giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá, giấy chứng nhận đại xá; đã thụ lý và cấp đúng hạn 570 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Trong công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi cả nước và đạt được kết quả trên cả hai mặt là giải quyết bồi thường và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Theo số liệu tổng hợp thông tin từ các báo cáo của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, tính đến ngày 20/9/2017, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 107 vụ việc, trong đó có 49 vụ việc thụ lý mới (giảm 04 vụ việc so với cùng kỳ năm 2016), đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực phpas luật là 24 tỷ 238 triệu 712 nghìn đồng, còn 68 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí trả tiền bồi thường đối với 21 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là 18 tỷ 997 triệu 836 nghìn đồng.
- Trong công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, trong 9 tháng đầu năm, các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm đã giải quyết 568.650 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng khoảng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trên 50%.
1.2.2. Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
- Bộ Tư pháp đã hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo quy định của Nghị định mới.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Bản mô tả công việc và Khung năm lực vị trí việc làm, làm cơ sở để tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp, pháp chế từ trung ương tới địa phương gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ được Bộ, Ngành Tư pháp quan tâm, có nhiều kết quả tích cực. Toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2021 và giai đoạn 2021 – 2026; xây dựng và đang tích cực thực hiện các đề án, kế hoạch tinh giản biên chế năm 2017 và giai đoạn đến năm 2021 theo đúng yêu cầu.
Đến nay, đội ngũ công chức làm công tác tư pháp, pháp chế ở các địa phương cơ bản giữ được sự ổn định và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức tư pháp, thi hành án dân sự các cấp được chú trọng. Tại Bộ Tư pháp, đã thực hiện đảm bảo đúng tiến độ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2017; các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đúng đối tượng, gắn với cập nhật kiến thức, các quy định mới cũng như thực tiễn triển khai công việc ở các địa phương; đã chọn, cử hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước; đặc biệt, đã tổ chức thành công Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ.
1.2.3. Về công tác thi hành án dân sự
Thể chế công tác thi hành án dân sự tiếp tục được chú trọng hoàn thiện. Bộ đã ban hành 03 Thông tư[8] và chuẩn bị ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quyết định của Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo Luật Phá sản năm 2015 nhằm tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thi hành án dân sự.
Kết quả thi hành án dân sự từ 01/10/2016 đến 30/9/2017 như sau:
Về việc: Tổng số phải thi hành là 869.430 việc, số có điều kiện thi hành là 693.264 việc (79,74%); số chưa có điều kiện thi hành là 176.166 việc (20,26%). Kết quả: Thi hành xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25% tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với 2016.
Về tiền: Tổng số phải thi hành là 163.658 tỷ 232 triệu 569 nghìn đồng, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 92.000 tỷ 198 triệu 484 nghìn đồng (56,21%); số chưa có điều kiện thi hành là 71.658 tỷ 034 triệu 086 nghìn đồng (43,79%). Kết quả: Thi hành xong 35.242 tỷ 612 triệu 983 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ 747 triệu 665 nghìn đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016.
Bộ Tư pháp và các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp; triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự có liên quan đến các khoản nợ xấu; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhanh, đúng pháp luật các bản án liên quan đến các khoản nợ tín dụng, ngân hàng… Qua rà soát, hiện còn 30 vụ việc trọng điểm và 92 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đang được tích cực chỉ đạo, giải quyết.
Việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự tiếp tục được tăng cường. Các Quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, kiểm sát, nội chính, công an, ngân hàng, bảo hiểm xã hội[9] được triển khai hiệu quả tại các địa phương, góp phần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hệ thống thi hành án dân sự đã mở rộng triển khai cơ chế “một cửa”, hỗ trợ yêu cầu thi hành án trực tuyến và Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp cũng đang nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị truyền hình trực tuyến đa phương tiện đến cấp huyện nhằm tăng cường sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời trong công tác chỉ đạo thi hành án dân sự.
1.2.4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý
Nhằm tiếp tục góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, báo chí, trong 8 tháng đầu năm 2017, Bộ, Ngành Tư pháp đã tổ chức giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của toàn xã hội; Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã tạo khung pháp lý quan trọng để bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện, đưa công tác này phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thực chất. Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, là công cụ quan trọng trong bảo đảm an ninh cở sở, hạn chế tranh chấp, vi phạm ở cơ sở, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, gắn kết cộng đồng dân cư…
Việc thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi lĩnh vực được giao của Bộ Tư pháp về công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả cụ thể: Bộ đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; tiếp tục triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
Tiếp tục triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 1/6/2015. Công tác trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung hơn vào thực hiện vụ việc tham gia tố tụng; thực hiện rà soát, tổ chức lại các chi nhánh, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
1.2.5. Việc thực hiện những nhiệm vụ được giao về công tác đối ngoại
Trong giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các địa phương liên quan giải quyế 03 vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ, trong đó, đã giành thắng lợi trong 02 vụ và được Hội đồng trọng tài tuyên bố chấm dứt vụ kiện (Saigon Metropolitan và Recofi). Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã đại diện cho Chính phủ tham gia phiên xét xử vụ kiện TVB2 diễn ra tại Cộng hòa Pháp; tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan có liên quan đàm phán lại với phía đối tác để tiếp tục triển khai Dự án EU JULE.
Hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật trên ba bình diện toàn cầu, khu vực và song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
1.2.6. Việc tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Toàn Ngành đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực ngành càng được Bộ và các tỉnh, thành phố chú trọng hơn, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Tư pháp đã triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, Chánh Thanh tra đã ban hành 08 quyết định thu hồi tiền với tổng số tiền thu hồi là 134.153.638 đồng và ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 171.000.000 đồng.
Công tác tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, Lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã tiếp 253 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (có 143 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền); đã tiếp nhận 37 đơn khiếu nại, tương ứng với 34 vụ việc, trong đó đã giải quyết 9/24 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng.
Nhằm thực hiện tốt các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-BTP ngày 5/6/2017 về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ trong cả giai đoạn và hằng năm, áp dụng trong mọi lĩnh vực, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước góp phần dành nguồn đầu tư cho phát triển, thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội…
2. Các giải pháp chủ yếu của Bộ Tư pháp về phát triển kinh tế - xã hội đến cuối năm 2017
Toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định từ đầu năm, cụ thể:
- Tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
- Chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết mới được Quốc hội ban hành. Trong đó, chú trọng đến các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc có tác động lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp: Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp cận thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn chuyên sâu nội dung cơ bản của các luật. Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm vói các luật. Hoàn thành việc xây dựng, trình Chính phủ trong năm 2017 Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nhằm đưa ra các giải pháp bảo đảm pháp luật được thi hành nghiêm minh, triệt để và chính xác, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Tập trung các nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị lớn. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Hệ thống thi hành án dân sự. Triển khai việc thực hiện thí điểm trên toàn quốc đối với phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong Hệ thống thi hành án dân sự.
- Nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đề xuất hướng hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực này. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực.
- Hoàn thành việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức thành công Diễn đàn Pháp luật và kinh doanh, trong đó chú trọng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.
- Chủ động triển khai các giải pháp, định hướng để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, nhất là các trường trung cấp luật; tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật; Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp; tăng cường công tác quản trị các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ tư pháp, pháp chế về kỹ năng soạn thảo, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, về công tác hộ tịch.
- Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ tranh chấp nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ. Xây dựng Kế hoạch đối ngoại năm 2018 phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành.
- Thực hiện tốt Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Bộ Tư pháp. Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn và các hạng mục đầu tư đã phê duyệt năm 2017, đồng thời rà soát để đề xuất, điền chỉnh, bổ sung các hạng mục đầu tư nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.