Những kết quả đã đạt được
Lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, tiêm chủng, hộ tịch, đoàn thể… đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; thực hiện nghiêm túc công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử, đăng ký, quản lý cư trú và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đều được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã hoàn thành các chỉ tiêu được Bộ Công an giao cho Công an Thành phố.
Với những nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao triển khai thí điểm trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong năm 2024, bao gồm: Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố Hà Nội; triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID... Cơ bản, Thành phố đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (Cục C06) và Thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử (kể từ ngày 01/7/2024) và thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 28 mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, tổng hợp 06 tháng đầu năm 2024 triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như vẫn còn tình trạng người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện dịch vụ công một phần, toàn trình trên các Cổng dịch vụ công; chưa hoàn thành được việc số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính do chưa được trang cấp đủ phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc số hóa.
Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Có nhiều trường hợp người tham gia kê khai sai cấu trúc số định danh; kê khai chưa đầy đủ, chính xác thông tin định danh cá nhân (như chỉ có năm sinh, sai nơi cư trú, sai số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, không kê khai hoặc kê khai sai số điện thoại…) nên gây khó khăn trong việc rà soát, xác minh đúng người tham gia (phần lớn trong số người tham gia này là các trường hợp người chỉ tham gia bảo hiểm y tế: Người có công, người cao tuổi, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội...). Có trường hợp dữ liệu của người tham gia đã đúng với thông tin trên Căn cước công dân gắn chíp nhưng vẫn chưa được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc bị báo sai thông tin nhân thân. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội được Bảo hiểm xã hội Việt Nam trang bị 27 thiết bị mạng Switch Access Cisco 2960X 48 cổng (dự án xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội) từ năm 2018, 22 trụ sở Bảo hiểm xã hội quận/huyện/thị xã được trang bị 51 thiết bị Switch Cisco 2960 24 port từ năm 2017 trở về trước đã hết khấu hao, thường xuyên hỏng hóc, không có thiết bị thay thế gây ảnh hưởng đến hệ thống mạng của đơn vị, cán bộ xử lý nghiệp vụ trên phần mềm của Ngành không kịp thời, hồ sơ chậm muộn.
Công tác thu nhận hồ sơ định danh điện tử đối với phần mềm xử lý hồ sơ định danh địa phương (phiên bản web): Chức năng báo cáo, thống kê chỉ thống kê được hồ sơ thu nhận của công dân tại một đơn vị thu nhận, không thống kê được số công dân thu nhận tại các đơn vị khác nên khó khăn trong việc thống kê số công dân thường trú đã thực hiện thu nhận định danh điện tử và số liệu thống kê trên Phần mềm xử lý hồ sơ định danh địa phương (phiên bản web) bị lệch so với phân hệ DC01 mở rộng tra cứu định danh, điện tử trên phần mềm dữ liệu dân cư vì thực tế công dân có thể thu nhận hồ sơ tại nơi khác nơi thường trú.
Phần mềm thu nhận và xử lý hồ sơ cấp định danh điện tử (phiên bản trên laptop): Trong quá trình thực hiện phần mềm thường xuyên xuất hiện lỗi, phải khởi động lại máy mới có thể đăng nhập để sử dụng hoặc có nhiều trường hợp không xác thực được thông tin về ảnh và vân tay do chất lượng vân và ảnh khi thu nhận hồ sơ làm Căn cước công dân thấp; trang web “dinhdanhdientu.dancuquocgia.bca” hiện chỉ cho thống kê, tìm kiếm trong thời gian 03 tháng, gây khó khăn cho công tác thống kê, tra cứu.
Công tác làm sạch dữ liệu dân cư: Rà soát, cập nhật Chứng minh nhân dân 09 số, thiếu trường thông tin phát sinh liên tục do đặc thù Thành phố Hà Nội thực hiện hồ sơ cư trú thường xuyên, dữ liệu công dân ở tỉnh chuyển về với số lượng nhiều. Đối với các trường hợp hộ không chủ hộ , hộ có trên 01 chủ hộ chưa có chức năng cảnh báo, có biện pháp chặn để không phát sinh không chủ hộ, hộ có trên 01 chủ hộ.
Công tác thu nhận hồ sơ Căn cước công dân: Nhiều trường hợp công dân không đăng ký được hồ sơ trực tuyến: Công dân đủ 14 tuổi cấp Căn cước công dân lần đầu; công dân mất Chứng minh nhân dân 12 số/thẻ; Căn cước công dân chưa đăng ký sim điện thoại chính chủ và chưa đăng ký tài khoản định danh điện tử; công dân chưa đăng ký sim điện thoại chính chủ và tài khoản định danh điện tử bị khóa; người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh… Khi tổ chức cấp Căn cước công dân lưu động tại trường học, cơ quan, tổ chức… cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân không thể thực hiện việc khai thác thông tin trực tiếp từ Cơ cở dữ liệu quốc gia về dân cư và không thể đồng bộ được hồ sơ trực tuyến khi công dân đăng ký dịch vụ công Căn cước công dân.
Hệ thống dịch vụ công thường xuyên bị: Lỗi đồng bộ, lỗi mã xác thực OTP, lỗi không đăng nhập được tài khoản dịch vụ công… Nhiều trường hợp công dân phải chờ đợi rất lâu để hệ thống ổn định và thực hiện việc đăng ký hồ sơ trực tuyến, đồng thời khi đó cán bộ mới thực hiện được việc đồng bộ được hồ sơ trực tuyến để tiếp nhận hồ sơ.
Trên phần mềm cấp Căn cước công dân không có chức năng “từ chối tiếp nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân” đối với các trường hợp: Công dân đăng ký dịch vụ công không đúng loại cấp (hệ thống chỉ thể hiện tên dịch vụ là Căn cước công dân không thể hiện rõ loại cấp, cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân nên cán bộ tiếp nhận khó xác định được loại cấp khi công dân đăng ký trực tuyến); thông tin công dân không đồng nhất với thông tin trên hệ thống dân cư quốc gia; không có thông tin số Chứng minh nhân dân 09 số trên hệ thông dân cư quốc gia khi công dân đăng ký cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân.
Công tác cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID tại Phòng Hồ sơ - Công an Thành phố Hà Nội còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: (i) Phần mềm chưa thiết kế việc duyệt kết quả của chỉ huy đội, việc ký số chưa được phân cấp cho Lãnh đạo phòng. Hiện tại, một cán bộ có thể vừa xác nhận, vừa cập nhật thông tin, vừa ký số trả kết quả. Phần mềm hiện cho ký số dưới 100 trường hợp, tuy nhiên, nếu ký trên 100 trường hợp sẽ bị treo. (ii) Tài liệu đã ký số khi trích xuất không hiển thị file theo danh sách để theo dõi được. (iii) Trường hợp cán bộ cập nhật nhầm “không án tích” cho trường hợp “có án tích” không thể sửa được (trường hợp cập nhật có án tích lại sửa, xóa được). (iv) Danh sách trích xuất ra file excel phục vụ để tra cứu không khớp thứ tự với danh sách hiển thị trên phần mềm quản lý nên khi cần cập nhật thông tin cán bộ phải tìm kiếm từng trường hợp để cập nhật thông tin nên mất rất nhiều thời gian. (v) Phần mềm chưa hỗ trợ thống kê số liệu yêu cầu đến, số đã có kết quả, chưa có kết quả, số không có án tích, có án tích, không có án tích trước ngày 01/7/2010… Hiện nay, phải đếm số liệu hiển thị theo danh sách đã được tìm kiếm. (vi) Ngoài việc thực hiện tra cứu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp thí điểm trên phần mềm qua VNeID, hằng ngày, Phòng Hồ sơ vẫn đang tiếp nhận các trường hợp đề nghị cấp Phiếu Lý lịch tư pháp không qua VNeID (thực hiện trên Cổng dịch vụ công, làm trực tiếp…) và không có vân tay của người xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp kèm theo nên các trường hợp này Phòng Hồ sơ vẫn đang đề xuất Cục C06 tiếp tục cung cấp thông tin sinh trắc học để phục vụ tra cứu đảm bảo chính xác. Do phải làm đồng thời trên 02 hệ thống nên mất rất nhiều thời gian, công sức, Phòng Hồ sơ phải bố trí cán bộ đi gửi, lấy dữ liệu vân tay và Cục C06 vẫn phải bố trí cán bộ thực hiện trích xuất dữ liệu để cung cấp vân tay cho Phòng Hồ sơ phục vụ tra cứu.
Thực hiện thí điểm thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe tĩnh: (i) Hệ thống công nghệ vẫn gặp trường hợp lỗi hệ thống hay bị treo khi thanh toán. Đối với xe máy, hệ thống chưa ghi nhận hết thông tin về phương tiện (nhân viên vẫn phải viết tay biển số xe), giá vé thấp nên một số ngân hàng chưa hỗ trợ thanh toán (như Agribank, Indovina Bank, ABBank, ACB…). Các điểm trông giữ xe máy ngày, đêm, các đơn vị cung cấp phần mềm chưa cung cấp được giải pháp thu phí đối với những xe gửi cả ngày và đêm (mã QR chỉ thanh toán được theo đúng giá 5.000đ hoặc 8.000đ). (ii) Các điểm đỗ xe chủ yếu là đỗ xe tạm thời, thời gian cấp phép trông giữ phương tiện từ 03 - 06 tháng nên khó khăn cho các công ty lập kế hoạch đầu tư tài sản và quản lý vận hành của các công ty trông giữ phương tiện. Phát sinh thêm chi phí của các công ty do phải trả phí cho đơn vị cung cấp ứng dụng công nghệ (qua trao đổi của Công ty VETC phí dịch vụ sau thời gian thí điểm là 5%/tổng doanh thu ghi nhận qua hệ thống của VETC (bao gồm cả vé tháng và vé lượt); chi phí thiết bị các đơn vị có thể đầu tư hoặc thuê lại của VETC với mức 1.000.000đ/tháng/thiết bị di động thu phí ô tô, 500.000đ/tháng/thiết bị di động thu phí xe máy trong thời gian 01 năm, sau 01 năm VETC sẽ chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp).
Việc cấp phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện theo thẩm quyền thì dưới lòng đường do Sở Giao thông vận tải cấp phép, trên vỉa hè do Ủy ban nhân dân quận cấp phép, do vậy, cần có sự thống nhất để triển khai thực hiện. Đây là hình thức trông giữ xe mới, chuyển đổi từ hình thức thủ công sang việc sử dụng ứng dụng công nghệ nên việc thay đổi thói quen không sử dụng tiền mặt của người dân cần phải có thời gian thay đổi, nhất là tại các khu vực bệnh viện, có nhiều người dân ngoại tỉnh và người cao tuổi đến bệnh viện không sử dụng điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng, không có app thanh toán… gây khó khăn cho việc thanh toán không dùng tiền mặt./.
Thủy Bích
Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội