Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hương ước, quy ước phản ánh tâm lý của người dân, phản ánh một phương diện quan trọng của văn hóa cộng đồng dân cư, đồng thời có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ, điều tiết các trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Do đó, hương ước, quy ước có ý nghĩa trong việc bổ sung cho pháp luật khi cần xử lý những vấn đề rất cụ thể nảy sinh từ nếp sống đặc thù của cộng đồng dân cư. Mặt khác, nội dung của hương ước, quy ước là những nguyện vọng do nhân dân tự đặt ra, được thảo luận, bàn bạc và nhất trí thông qua, phù hợp với pháp luật và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân nên được toàn thể nhân dân tự giác chấp hành.
Trong những năm qua, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tiểu khu văn hóa..., giữ gìn và phát huy những truyền thống, những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2012, toàn tỉnh có 2.152 thôn, làng, tổ dân phố. Số hương ước đã phê duyệt là 2.022 bản, chưa phê duyệt là 53 bản, chưa xây dựng là 77 bản; đã sửa đổi, bổ sung là 435 bản; số hương ước thực hiện tốt là 1.305 bản; chưa tốt là 717 bản. Để có những kết quả đó, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng hương ước, quy ước cho cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa và các trưởng thôn, bản, tiểu khu trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời chú trọng biên soạn và phát hành đến cơ sở các tài liệu hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước văn hóa và một số hương ước, quy ước mẫu làm cơ sở để tham khảo trong soạn thảo hương ước, quy ước của địa phương; hướng dẫn cơ sở sửa đổi, bổ sung hương ước, bãi bỏ những bản hương ước không còn phù hợp với địa phương và xây dựng mới hương ước. Hầu hết các hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh đã đưa các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa là một trong những nội dung chính. Đặc biệt, một số vùng, địa phương đã đưa vào hương ước, quy ước những nội dung về bảo vệ, phát triển rừng; định canh, định cư; chống các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng bản, làng phát triển bền vững, thực hiện nếp sống văn hóa.
Nội dung hương ước tại các thôn, làng, khu dân cư đều quy định rõ những việc dân phải được biết và bàn như chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; quyết toán thu chi các loại quỹ, các khoản đóng góp xây dựng hạ tầng, công trình phúc lợi hay chủ trương vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Các thôn, làng, khu dân cư còn chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng quy ước, hương ước về nếp sống văn hóa, được nhân dân đồng tình ủng hộ, như: Thanh niên nam nữ kết hôn đúng tuổi quy định; đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân xã; không được tảo hôn; không được lấy vợ lẽ…; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ. Các hương ước, quy ước được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, từ việc soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đến thảo luận, thông qua và phê duyệt. Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện các hương ước, quy ước trên từng khu dân cư không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, đảm bảo an ninh, trật tự, môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến học, giải quyết các xích mích, vi phạm nhỏ trong nhân dân, xóa đói giảm nghèo...
Thực hiện hướng dẫn tại Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, cơ quan tư pháp, cơ quan văn hóa và ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã có sự phối hợp trong quản lý nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; lồng ghép việc thực hiện hương ước, quy ước với việc thực hiện các cuộc vận động khác như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa,...
Nhiều đơn vị đã tích cực vận động nhân dân thực hiện hương ước tốt như: Huyện Chư Păh, Ayun Pa, Krông Pa, Ia Pa, thị xã An khê. Công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiến hành rà soát hương ước, quy ước của các thôn để bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới, đảm bảo mỗi bản hương ước, quy ước chứa đựng các tiêu chí liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới
Dương Thị Thanh Hiếu