Tảo hôn và hôn nhân cận huyết không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm gia tăng nhanh số lượng và giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nhất là trẻ em gái. Bởi chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, việc quan hệ tình dục sớm, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên của con người, dẫn tới thoái hóa và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khỏe của bố, mẹ và con. Kết hôn cận huyết làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi (như bệnh tan máu bẩm sinh có thể làm trẻ bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao; sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…)
1. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc
Trung du miền núi phía Bắc là các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao hơn so với các vùng khác trong cả nước. Trong độ tuổi từ 10 - 17 tuổi, cứ 10 em trai thì có 01 em có vợ, 05 em gái có 01 em có chồng. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao là Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, trong đó tỉnh Lai Châu có tỷ lệ tảo hôn cao nhất là 18,6%.
Hôn nhân cận huyết xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc: Tại tỉnh Lai Châu, từ năm 2004 - 2011 có trên 200 đôi; ở Lào Cai có 224 đôi; theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng, hôn nhân cận huyết thống ở Cao Bằng diễn ra nhiều nhất đối với dân tộc Dao 64% và Mông 61%; Tỉnh Hòa Bình: khảo sát tại huyện Kim Bôi, nơi có 90% dân số là người Mường, có tới 23% dân số trong huyện mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)[1].
2. Hậu quả và nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
2.1. Hậu quả của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa trẻ còi cọc, khả năng chống lại bệnh tật rất kém cho nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo, rất khó chữa. Như vậy, gia đình phải chăm lo sức khỏe cho con nhiều hơn, tốn kém nhiều tiền của hơn và sẽ rất khó thoát khỏi đói nghèo, dòng dõi gia đình sẽ bị thoái hóa, các thế hệ sau ngày càng nhỏ đi, và bị suy thoái.
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa con kém phát triển về trí tuệ, khả năng học tập kém, không có khả năng tiếp thu các tiến bộ khoa học, công nghệ mới, sẽ không thể phát triển được sản xuất và không thể thoát được đói nghèo.
- Tảo hôn thì vợ, chồng của người tảo hôn sẽ không có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, mặt khác chưa phát triển đầy đủ về cả sinh lý và tâm lý, chưa đủ khả năng để chăm sóc con phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh, toàn diện, do đó những đứa con đó lớn lên sẽ rất khó khăn về nhiều mặt như sức khỏe, học hành, tìm việc làm…
- Xã hội sẽ phải chăm lo nhiều hơn về mặt y tế, điều kiện học hành đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... đòi hỏi mỗi con người phải có trí tuệ phát triển, có thể hình to cao, có sức khỏe tốt... những đứa con của những người tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống sẽ không đáp ứng được yêu cầu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Xây dựng một xã hội văn minh, đòi hỏi mỗi người phải thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, trong đó có pháp luật về hôn nhân và gia đình, để xây dựng chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Vì vậy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam, là trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”...
2.2. Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân cơ bản nhất, cụ thể:
2.2.1. Về nguyên nhân khách quan
Một là, do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu
Phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay và ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt của phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán; việc lấy vợ, lấy chồng mà chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác hay như tục lệ bắt vợ, tục “nối dây”, cưỡng ép hôn nhân.
Hai là, do tác động, ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường
Trong nền kinh tế thị trường, con người dần biến đổi để thích nghi được với những điều kiện mới. Họ trở nên năng động, sáng tạo, linh hoạt và độc lập hơn trong cách nghĩ, cách làm. Quan điểm đời sống của họ cũng trở nên cởi mở hơn, đơn giản hơn, không bị gò bó bởi quan niệm thành kiến đạo đức xưa. Vì vậy, con người dễ dàng thiết lập các mối quan hệ với nhau. Một trong những hệ lụy đó là việc chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ trở nên hết sức bình thường và làm gia tăng tỉ lệ mang thai sớm dẫn đến tăng tỉ suất sinh con vị thành niên (từ 99% năm 2011 lên 116% năm 2013 ở nhóm 15 - 18 tuổi của phụ nữ dân tộc thiểu số[2]. Đây cũng là nguyên nhân khách quan làm gia tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số.
2.2.2. Về nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế
Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định về phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng đối với vùng dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang gặp phải các thách thức lớn về chất lượng giáo dục và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, giữa nông thôn và thành thị và giữa các vùng, miền.
Tình trạng học sinh bỏ học vẫn tái diễn, Tỉ lệ biết chữ ở nhóm dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên ở mức thấp và có sự chênh lệch lớn so với nhóm dân tộc Kinh (83,8% so với 96,8% năm 2012). Ở nhóm tuổi 15 - 24, chỉ có 82,3% phụ nữ dân tộc thiểu số biết đọc biết viết (tỷ lệ chung là 96,4%), nghĩa là cứ 05 phụ nữ dân tộc thiểu số ở nhóm tuổi 15 - 24 thì có 01 người không biết đọc biết viết. Thực tế cho thấy, đối với đồng bào dân tộc thiểu số do trình độ dân trí thấp, nhận thức và ý thức pháp luật còn nhiều hạn chế đã tác động làm gia tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhất là đối với nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thứ hai, công tác tuyên truyền còn bất cập, hạn chế và hiệu quả chưa cao
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình đã được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm, nhưng một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc vẫn chưa nhận thức hoặc chưa nắm vững về chế độ hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ cũng như các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Vì vậy, phần lớn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào các hộ nghèo, đối tượng vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật hạn chế và việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng còn khó khăn.
Thứ ba, sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết
Việc loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu nói chung, loại bỏ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng ra khỏi đời sống xã hội không đạt được hiệu quả cao do sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía cơ quan địa phương, thực tế cho thấy, không chỉ những người dân mà cả gia đình cán bộ, Đảng viên là lãnh đạo xã, phường cũng tiếp tay, thậm chí tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra ngay trong gia đình của những người cán bộ này.
2. Một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các tỉnh miền núi phía Bắc
Nhận thức được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Đảng và Nhà nước Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách tiến hành vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chiến lược nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam. Ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025. Song song với việc thực hiện Đề án này, một số giải pháp sau cần được chú trọng:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
- Chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, chính quyền ở cơ sở vẫn còn phớt lờ hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân...
- Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể, nhất là cấp cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài việc vận động hội viên của mình giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ, thì việc đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Do đó phải vận động hội viên giáo dục con, em mình hiểu được hậu quả, tác hại của tảo hôn và và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình mình và trong cộng đồng dân cư để khắc phục, bài trừ tệ nạn này.
ThS. Nguyễn Thị Vân Anh
Đại học Công nghiệp Thái Nguyên
Tài liệu tham khảo:
1. Hồng Luận, Giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đăng trên web http://www.baosonla.org.vn/;
2. Một số giải pháp bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đăng trên web http://quangnam.gov.vn/;
3. Bình Minh, Báo động nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số, đăng trên web http://www.bienphong.com.vn/;
4. Sơn Nam, Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, đăng tải trên trang web http://hnch.ubdt.gov.vn/.