1. Vai trò của truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Một là, truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội phải đi trước một bước: Đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong dự thảo VBQPPL khi triển khai trong thực tiễn. Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí, truyền thông tạo cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách công và đối tượng thụ hưởng chính sách công. Truyền thông càng tham gia đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng được nâng lên. Vì vậy, Quyết định số 407/QĐ-TTg được coi là một trong những “cú hích”, giải pháp quan trọng, cấp bách để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Hai là, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp: Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Việc xây dựng các dự thảo chính sách pháp luật cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản chính thức hoặc phi chính thức cản trở quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, công dân và các chủ thể có liên quan.
Ba là, nhân tố chính tạo nên hiệu quả của truyền thông chính sách và góp phần xây dựng niềm tin của người dân với Chính phủ: Thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với các chính sách cần truyền thông, chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực của ngành, đồng thời phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong đối tượng chịu sự tác động của chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bốn là, đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ đối với người dân và doanh nghiệp: Để thúc đẩy sự ủng hộ tuân thủ chính sách từ phía đối tượng, cần đồng thời nâng cao năng lực nhận thức của họ về chính sách và niềm tin về nhận thức đó. Năng lực truyền thông dự thảo chính sách cần được coi là phương tiện chủ yếu giúp công dân tham gia vào xã hội và giúp cho Nhà nước điều chỉnh hành vi và mục đích của công dân. Qua đó, đặt ra yêu cầu về trách nhiệm giải trình là một trong các cơ chế được xác lập nhằm bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước, là nhân tố cốt lõi trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với tính chất và đặc thù hoạt động tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo VBQPPL là công cụ có vai trò đặc biệt to lớn đối với việc bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động hành chính công một cách thực chất và hiệu quả.
2. Thực tiễn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua
Qua 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, một số cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đã xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách để đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách như: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sản xuất các ấn phẩm truyền thông (phim, phóng sự, tọa đàm, infographic…) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ Nội vụ đã xây dựng video clip phỏng vấn các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia để đăng tải trên Tạp chí giấy và Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước, Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ và cung cấp cho báo chí tài liệu truyền thông về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sản xuất phim, phóng sự, tài liệu truyền thông về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và bảo vệ môi trường nước xuyên biên giới… Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thông tấn xã Việt Nam đã chỉ đạo tổ chức biên soạn và phát hành “Bản tin tóm tắt văn bản pháp luật mới” hàng tuần, trong đó có các dự thảo chính sách đang trên bàn soạn thảo nhằm thông tin, truyền thông sâu rộng đến công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành nắm bắt kịp thời.
Thứ hai, đa số các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm tổ chức lấy ý kiến và truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, tiêu biểu. Một số luật còn được truyền thông bằng hình thức họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách, như dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự thảo Luật Giá (sửa đổi), dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Bộ Quốc phòng)… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành còn tổ chức tham vấn, diễn đàn đối thoại về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Bộ Nội vụ); dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…
Thứ ba, các sở, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương thực hiện truyền thông dự thảo chính sách đến người dân trên địa bàn; đăng tải các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL của trung ương và địa phương trên cổng/trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp, của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các sở, ngành[1]; chú trọng truyền thông trên mạng xã hội (zalo, fanpage, facebook) nhằm tạo kênh thông tin, truyền thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả về các dự thảo chính sách đang được tổ chức lấy ý kiến. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức các hội nghị trực tiếp, trực tuyến phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của đội ngũ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, luật gia, luật sư, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo… để truyền thông và lấy ý kiến và dự thảo Luật này. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số địa phương còn tổ chức các hội nghị phản biện đối với các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thông qua các thiết chế ở cơ sở, các loại hình văn hóa cơ sở việc truyền thông dự thảo chính sách được lồng ghép vào hoạt động của hội quán, câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; niêm yết dự thảo VBQPPL tại nhà văn hóa các thôn; in tài liệu truyền thông về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp phát đến các đại biểu dự hội nghị lấy ý kiến và gửi đến thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để truyền thông và lấy ý kiến; thông qua đài phát thanh các quận, huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép triển khai tại các buổi họp giao ban, gửi tài liệu truyền thông đến hộp thư điện tử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan.
Thứ tư, đa dạng hóa mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những cách làm hiệu quả, sáng tạo, năng động, như: Việc kịp thời xây dựng, vận hành chuyên trang “Xây dựng chính sách, pháp luật” của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng tọa đàm về các chính sách trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên VTV1; tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tư pháp đưa nội dung truyền thông dự thảo chính sách vào tiêu chuẩn thi đua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Phòng Tư pháp quận, huyện và thành phố Thủ Đức nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này; Ủy ban nhân dân Quận 4 đã sử dụng mã QR đăng tải các dự thảo chính sách trên các Trang thông tin điện tử, mạng xã hội để truyền thông; Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh xây dựng trang “Bình Chánh trực tuyến” trên zalo, fanpage “Tư pháp Bình Chánh” để truyền thông về dự thảo chính sách. Tại thành phố Hải Phòng, Sở Ngoại vụ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách qua mục “Thông báo nội bộ” tại hệ thống quản lý văn bản HPEoffice, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng điện tử thực hiện truyền thông dự thảo chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội phát trên nền tảng mạng xã hội Báo điện tử và fanpage, Công an thành phố phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xây dựng các phóng sự truyền thông dự thảo chính sách do ngành Công an chủ trì soạn thảo.
3. Gợi mở một số giải pháp triển khai các hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian tới
Thứ nhất, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 407/QĐ-TTg. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí bảo đảm tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
Thứ hai, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.
Thứ năm, chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông, bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật./.
TS. Trần Văn Duy
Bộ Tư pháp
[1] Chuyên mục “Góc nhìn” (Trang thông tin điện tử Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố Hà Nội); chuyên mục “Lấy ý kiến đóng góp dự thảo văn bản” (Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Vĩnh Long); chuyên mục “Truyền thông dự thảo chính sách” trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Kon Tum; Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng tải 150 dự thảo chính sách, VBQPPL trên Trang/Cổng thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương; Thừa Thiên - Huế đã đăng tải hơn 200 tin, bài truyền thông dự thảo chính sách của trung ương và địa phương; chuyên mục “Truyền thông chính sách” thuộc Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hải Phòng đã đăng tải 85 tin, bài truyền thông dự thảo chính sách; tờ Phụ trương “Pháp luật thành phố Hải Phòng” đã có 43 tin, bài viết truyền thông dự thảo chính sách; Thành phố Hồ Chí Minh đã truyền thông, đăng tải trên 150 dự thảo chính sách trên cổng/trang thông tin điện tử các đơn vị trên Thành phố; Trang thông tin điện tử Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Quảng Nam đã đăng tải, lấy ý kiến 12 dự thảo VBQPPL.