Thực tế ở nước ta hiện nay, hầu như các sở đều thành lập thanh tra sở. Ngày 14/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Nghị định số 107/2020/Đ-CP), trong đó, khoản 3 Điều 1 quy định : “Cơ cấu tổ chức của sở, gồm: a) Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; b) Thanh tra (nếu có);c) Văn phòng (nếu có); d) Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có); đ) Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có)”. Từ quy định trên có thể nhận thấy, cơ cấu tổ chức của sở có thể có thanh tra sở hoặc có thể không. Điều này cơ bản tương thích với quy định trước đây tại Điều 5 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Không nhất thiết các sở đều có các tổ chức quy định tại khoản 2, 4 và 5 của Điều này…” (trong đó khoản 2 Điều 5 quy định về thanh tra sở). Bên cạnh đó, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP không quy định về tiêu chí để thành lập thanh tra sở.
Trong xu hướng chung hiện nay, để thành lập một phòng thuộc sở thì khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu 07 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tối thiểu 06 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại I; tối thiểu 05 biên chế công chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III. Trong khi đó, số lượng biên chế công chức được bố trí tại các sở chỉ trong phạm vi định mức cho phép. Phần lớn số lượng biên chế công chức này được bố trí để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ tại các sở. Do đó, việc bố trí từ 05 đến 07 biên chế công chức để thành lập thanh tra sở trong bối cảnh hiện nay trên thực tế là rất khó khăn.
Về hoạt động của thanh tra sở, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Thanh tra năm 2010 thì thanh tra sở có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Tại khoản 3 Điều 23 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra hành chính của thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ”. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thanh tra sở được quy định tại Điều 24 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 13 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra (Nghị định số 86/2011/Đ-CP).
Như vậy, có thể nhận thấy, hoạt động của thanh tra sở chỉ được thực hiện trong một phạm vi rất hẹp. Hoạt động thanh tra được tiến hành đối với ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở, do giám đốc sở trực tiếp chỉ đạo và điều hành. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về thanh tra thì những hoạt động thanh tra này đã thuộc phạm vi hoạt động của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, cụ thể, tại khoản 1 Điều 17 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thanh tra bộ là cơ quan của bộ, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thanh tra bộ được quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 7 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.
Tại khoản 1 Điều 20 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: “Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thanh tra tỉnh được quy định tại Điều 21 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 10 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP. Có thể nhận thấy, trong nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh đã bao hàm trong đó các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của thanh tra sở. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra sở như hiện nay chỉ mang tính chất cụ thể hơn và trong một phạm vi hẹp, gắn với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của một sở cụ thể. Điều đó cho thấy, việc thành lập thanh tra sở để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như thực tiễn hiện nay ở nước ta là không cần thiết.
Đối với chánh thanh tra sở: Nhiệm vụ, quyền hạn của chánh thanh tra sở được quy định cụ thể tại Điều 25 Luật Thanh tra năm 2010 và Điều 14 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP, theo đó, chánh thanh tra sở có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của sở, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời, có quyền quyết định việc thanh tra theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động của chánh thanh tra sở luôn phải tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành của giám đốc sở, chịu trách nhiệm trước giám đốc sở nên thẩm quyền chủ yếu của chánh thanh tra sở cũng chỉ dừng ở việc kiến nghị để giám đốc sở giải quyết, xử lý. Do vậy, có thể nói, hoạt động của chánh thanh tra sở cũng như hoạt động của thanh tra sở chỉ được thực hiện trong một phạm vi hẹp và thiếu tính chủ động, độc lập. Điều đặc biệt quan trọng trong thẩm quyền của chánh thanh tra sở là thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đây là điểm khác biệt và mang tính độc lập lớn trong thẩm quyền của chánh thanh tra sở. Tuy nhiên, việc quy định chánh thanh tra sở có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các ngành, lĩnh vực như hiện nay đang dẫn đến tình trạng có quá nhiều người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thiếu tính tập trung, thống nhất trong việc xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời, gây ra tình trạng chồng chéo trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính đối với các ngành, lĩnh vực ở nước ta hiện nay.
Từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nêu trên cho thấy, tác giả đưa ra cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về thanh tra sở theo hướng sau:
Thứ nhất, thực hiện thống nhất, đồng bộ không thành lập cơ quan thanh tra sở trong phạm vi cả nước.
Theo phương án này, các sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra tại các sở như hiện nay mà chỉ tập trung cho chức năng, nhiệm vụ chính là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc thực hiện không thành lập thanh tra sở sẽ làm cho các sở tinh gọn hơn, chức năng, nhiệm vụ chuyên trách hơn, phản ánh rõ nét hơn vai trò, vị trí của một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các sở không phải phân bổ số lượng biên chế công chức được bố trí cho nhiệm vụ thanh tra mà dành số lượng biên chế này để phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, khối lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các sở sẽ được phân công, bố trí khoa học và hợp lý hơn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hơn.
Thứ hai, bãi bỏ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra sở như hiện nay, đồng thời, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh theo hướng thống nhất, tập trung và chuyên trách.
Theo đó, thanh tra bộ thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, đồng thời, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Thanh tra tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước toàn tỉnh. Như vậy, công tác thanh tra được thực hiện tập trung, thống nhất, tinh gọn, chuyên trách từ trung ương đến địa phương.
Thứ ba, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành.
Trong trường hợp không thành lập thanh tra sở thì một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành (thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và thanh tra chuyên ngành đột xuất). Điều này gắn liền với vai trò và vị trí của giám đốc sở. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành theo hướng quy định cụ thể, hợp lý và chặt chẽ về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành của giám đốc sở, nội dung và công bố quyết định thanh tra, thời hạn thanh tra chuyên ngành…
Thứ tư, bãi bỏ các quy định pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với chánh thanh tra sở, đồng thời, bổ sung các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số chức danh khác trong hoạt động thanh tra.
Theo quy định pháp luật hiện hành, chánh thanh tra sở có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở. Tuy nhiên, các chức danh khác như chánh thanh tra, thanh tra viên thuộc thanh tra cấp tỉnh; chánh thanh tra, thanh tra viên thuộc thanh tra cấp huyện không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp thực hiện không thành lập thanh tra sở thì cần bổ sung nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính cho các chức danh này, đồng thời, quy định rộng hơn đối với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của chánh thanh tra bộ. Theo hướng đó, công tác xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan thanh tra nói riêng và công tác thanh tra nói chung sẽ được thực hiện tập trung, thống nhất hơn, cụ thể, đầy đủ và toàn diện hơn.
Thứ năm, cần củng cố tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức thanh tra bộ và thanh tra tỉnh.
Trong trường hợp không thành lập thanh tra sở thì nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh sẽ được nâng cao và mở rộng. Do đó, cần có các biện pháp nhằm củng cố tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức thanh tra bộ và thanh tra tỉnh. Theo đó, cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra bộ và thanh tra tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ công chức thanh tra bộ và thanh tra tỉnh đảm bảo về tiêu chuẩn và năng lực, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống… Đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo và các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, có chính sách đãi ngộ và quan tâm đến đội ngũ công chức này để giúp họ yên tâm công tác, giữ được các công chức giỏi và giảm nguy cơ xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Có thể nói, việc không thành lập thanh tra sở là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Đây cũng chính là một trong những giải pháp nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bộ máy hành chính nhà nước, đặc biệt là các sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện việc không thành lập thanh tra sở, đồng thời, hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động bộ máy thanh tra hiện nay, nhất là thanh tra bộ và thanh tra tỉnh sẽ góp phần làm cho hoạt động thanh tra tập trung, thống nhất, phát huy được sức mạnh một cách toàn diện từ trung ương đến địa phương./.
Sở Tư pháp Vĩnh Phúc