Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về tội gian lận kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời có một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định pháp luật về tội này.
Abstract: The research paper is concerned with the crime of insurance business fraud prescribed in Article 213 of the 2015 Criminal Code, and there are a number of recommendations and proposals to improve the effectiveness of the application of the legal provisions on this crime.
1. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015[2]
1.1. Khái niệm về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở việc gian lận của cá nhân, tổ chức thông qua các hành vi gian dối như thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật, giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra hoặc giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm, hoặc hành vi khác như tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm hoặc gây thiệt hại về tài sản cho chính doanh nghiệp bảo hiểm hay tổ chức, cá nhân khác.
1.2. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo luật hình sự nước ngoài
Nghiên cứu của một số nước trên thế giới thì tác giả thấy rằng, hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm không được hình sự và cụ thể hóa thành một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự ở nhiều nước, qua nghiên cứu thì thấy có Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là có một số điều luật liên quan đến hành vi gian lận trong bảo hiểm[3],[4]. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quy định khá cụ thể cũng như chặt chẽ việc xử lý đối với hành vi dối trá trong bảo hiểm, mức hình phạt rất nghiêm khắc.
So với pháp luật hình sự một số nước trên thế giới quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm thì quy định tại Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) của Việt Nam khá chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, quy định cụ thể về dấu hiệu cấu thành tội phạm, các chế tài áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm với các nhóm hành vi cụ thể, rõ ràng hơn.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
2.1. Dấu hiệu phản ánh khách thể của tội phạm
Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Điều 213 của Bộ luật Hình sự năm 2015, khách thể được xác định như sau:
Do mục đích của chủ thể tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là nhằm chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức, do đó, có thể xác định khách thể trực tiếp của tội phạm chính là là quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, của các công ty, doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm còn xâm phạm một cách gián tiếp tới khách thể là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, sự ổn định, sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nền an sinh xã hội, môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài và cao hơn nữa là sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước[5].
2.2. Dấu hiệu phản ánh mặt khách quan của tội phạm
Tội gian lận trong kinh doanh bao hiểm được cấu thành khi chủ thể thực hiện một trong 04 hành vi khách quan được quy định tại khoản 1 Điều 213 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể như sau[6]:
Một là, thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật
Tình tiết định tội này được áp dụng khi có sự câu kết, thỏa thuận ngầm với nhau giữa chủ thể giải quyết giải quyết bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm với người thụ hưởng bảo hiểm để thực hiện việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật. Tùy từng loại hình bảo hiểm cụ thể mà pháp luật điều chỉnh nội dung về giải quyết việc trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được hưởng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm.
Hai là, giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra
Về nguyên tắc, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm. Tuy nhiên, trong sự thỏa thuận giữa người tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp và các quy định của pháp luật luôn dự báo các trường hợp mà doanh nghiệp bảo hiểm được quyền từ chối bồi thường, từ chối trả tiền bảo hiểm.
Ba là, giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm
Trong quan hệ bảo hiểm, để có cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm phải dựa trên hồ sơ bao gồm tài liệu, chứng từ có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sự kiện bảo hiểm xảy ra là có thật. Trên thực tế, người bảo hiểm đã thực hiện hành vi gian dối như làm giả các loại giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm nhằm làm sai lệch các thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm khi có yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Ví dụ, cố tình làm sai lệch họ tên, sai lệch về độ tuổi, sai lệch về nguyên nhân dẫn đến sự kiện bảo hiểm xảy ra…
Bốn là, tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác
Đây là trường hợp tương đối phổ biến và thường gặp trong các loại hình bảo hiểm về sức khỏe, về tài sản. Ví dụ, mua bảo hiểm về tài sản là ô tô cũ và chủ xe đã cố ý gây cháy xe để được hưởng bảo hiểm về bồi thường giá trị của xe với ý đồ được công ty bảo hiểm bồi thường. Hoặc mua bảo hiểm tàu biển đã cố ý làm hư hỏng tàu, làm chìm tàu trên biển để yêu cầu bồi thường...
2.3. Dấu hiệu phản ánh chủ thể của tội phạm
Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội quy định tại Điều này bao gồm cá nhân và pháp nhân thương mại.
- Chủ thể là cá nhân
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể là cá nhân của tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cũng phải bảo đảm các điều kiện chung về độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự[7].
- Chủ thể là pháp nhân thương mại
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại - kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Đối với pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 và người đại diện, người được ủy quyền… thực hiện một trong các loại hành vi tại khoản 5 Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2.4. Dấu hiệu phản ánh mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm được thực hiện bằng hình thức lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó gây ra nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó hoặc có ý thức để mặc hậu quả phạm tội xảy ra. Động cơ, mục đích có thể vì tư lợi cá nhân, với mục đích chiếm đoạt tài sản.
2.5. Dấu hiệu định khung
Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội và 03 mức hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại tội gian lận thương mại trong kinh doanh bảo hiểm
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
3.1. Đề xuất về tiếp tục hoàn thiện pháp luật đối với tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Cần sửa đổi nội dung các tội phạm liên quan đến bảo hiểm, trong đó có tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Quốc hội cần điều chỉnh lại điều luật quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, cụ thể tại điểm d Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định: “Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Trường hợp này không phải là chủ thể kinh doanh bảo hiểm mà là hành vi của bên mua, người được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Do vậy, tính chất của hành vi gian dối của bên kinh doanh bảo hiểm với bên được bảo hiểm, thụ hưởng tiền bảo hiểm có tính chất khác nhau, vì vậy, cần có mức chế tài khác nhau. Bản chất bên mua bảo hiểm, bên được thụ hưởng số tiền bảo hiểm không khác gì hành vi gian dối trong lội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên tính chất có khác nhau vì vậy, theo tác giả cần tách ra một tội danh khác có chế tài nghiêm khắc hơn so với hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
3.2. Đề xuất về tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
3.2.1. Các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản giải thích pháp luật về nội dung tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm
Một là, cần có văn bản chính thức giải thích một số khái niệm chuyên môn trong lĩnh vực bảo hiểm, đó là: Xây dựng hệ thống khái niệm định nghĩa hành vi trục lợi, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và các hình thức biểu hiện để hiểu một cách thống nhất và trình cơ quan quản lý bảo hiểm ban hành văn bản thống nhất cách hiểu các khái niệm, quy định… để Tòa án và cơ quan chức năng có căn cứ (hoặc một nguồn tham khảo chuyên môn chính thức) áp dụng khi xử lý các vụ trục lợi bảo hiểm và gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
Hai là, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn áp dụng trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm theo quy định của khoản 5 Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3.2.2. Các cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản giải thích pháp luật, để phân biệt nội dung tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm và các tội phạm khác có liên quan
Trong quá trình áp dụng tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, thường gặp các quan điểm không thống nhất với các tội như tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là những trường hợp trong áp dụng có nhiều khó khăn, phức tạp và vướng mắc do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp cao nhất phải có văn bản hướng dẫn cụ thể.
3.2.3. Các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam
Hiện tượng doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (hoặc chi nhánh hay văn phòng đại diện) hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Việt Nam thường có các hành vi vi phạm như từ chối chi trả tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó không loại trừ việc sử dụng thủ đoạn gian dối, giả mạo giấy tờ các điều khoản của hợp đồng tiếng Việt, tiếng Anh để khước từ nghĩa vụ.
Loại hành vi vi phạm thứ hai thường gặp là các nhân viên công ty bảo hiểm của nước ngoài là người Việt Nam thông đồng với người tham gia bảo hiểm để được trả số tiền bảo hiểm cao hơn thực tế và từ đó chia nhau phần tiền vượt quá do chiếm đoạt được của công ty kinh doanh bảo hiểm nước ngoài.
Về nguyên tắc người nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam khi kinh doanh ở Việt Nam, nếu có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
Theo tác giả, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm của nước ngoài (hay chi nhánh, văn phòng đại diện) hoạt động tại Việt Nam thì cần chia thành nhóm người cụ thể để có thể định tội danh phù hợp.
3.3. Các đề xuất khác
3.3.1. Sự cần thiết phải tập huấn chuyên sâu chuyên đề nhóm tội về bảo hiểm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trên toàn quốc
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế pháp lý về chế tài đối với hành vi trục lợi, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm cần tập huấn, nâng cao ý thức về tác hại của gian lận, trục lợi bảo hiểm và kỹ năng nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn các cơ quan công quyền. Hoặc có thể thông qua giải đáp nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng để thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư liên ngành tố tụng…). Việc giải đáp nghiệp vụ được thực hiện trong tổng kết thực tiễn xét xử hàng năm của cơ quan Tòa án có ý nghĩa rất lớn đến việc áp dụng xử lý tội phạm nói chung và tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm nói riêng.
3.3.2. Cần thành lập trung tâm lưu trữ quốc gia về các thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, nhất là các đối tượng tham gia bảo hiểm
Thành lập một trung tâm lưu giữ thông tin bảo hiểm: Phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm là trách nhiệm của tất cả các chủ thể trên thị trường bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước, đến các hiệp hội ngành nghề. Để có thể ngăn chặn được các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như tổn thất gây ra từ hành vi này thì sự hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể trên là hết sức cần thiết.
3.3.3. Tổ chức các hội thảo về vấn đề trục lợi bảo hiểm, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, mời các cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp… và doanh nghiệp bảo hiểm dự để chia sẻ thông tin và kiến thức về trục lợi bảo hiểm.
- Tham mưu cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xây dựng, chuẩn hóa điều kiện điều khoản bảo hiểm, quy trình khai thác, giám định, bồi thường để phòng tránh, hạn chế nguy cơ bị lợi dụng trục lợi bảo hiểm.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về hành vi trục lợi bảo hiểm, gian lận trong kinh doanh bảo hiểm là hành vi trái pháp luật cần phải lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tòa án nhân dân huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
[1]. Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
[2]. Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.
[3]. Xem: Đinh Bích Hà (2011), Điều 183 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.160.
[4]. Xem: Đinh Bích Hà (2011), Điều 198 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 160.
[5]. Bài viết: “Về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” - TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 (kỳ I tháng 9/2019), tr. 2, tr. 3.
[6]. Bài viết: “Về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” - TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 (kỳ I tháng 9/2019), tr. 2.
[7]. Bài viết: “Về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” - TS. Phạm Minh Tuyên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 (kỳ I tháng 9/2019), tr. 2.