1. Thực trạng quy định của Bộ luật Hình sự và những tồn tại, hạn chế
1.1. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi
Người dưới 16 tuổi (hay còn gọi là trẻ em) là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Bảo vệ người dưới 16 tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm bảo vệ tương lai của đất nước. Để góp phần bảo vệ người dưới 16 tuổi, trong đó có bảo vệ người dưới 16 tuổi trong lĩnh vực lao động, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi (tại Điều 296 Mục 3 Chương XXI - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng). Đối với tội phạm này, bị hại là người lao động dưới 16 tuổi, người phạm tội có hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định. Người vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
So với Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 - “tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em”, Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 - “tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi” có những điểm được sửa đổi là:
(i) Thay đổi về thuật ngữ “lao động trẻ em” thành “người lao động dưới 16 tuổi”; “phạm tội nhiều lần” được sửa đổi thành “phạm tội 02 lần trở lên”. Việc thay đổi về thuật ngữ pháp lý phù hợp với quy định tại các điều luật khác của Bộ luật Hình sự năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng;
(ii) Khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung tình tiết “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là một trong các điều kiện truy cứu TNHS quy định trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Cùng với đó, tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng” (khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999) được khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 định lượng thành “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;” - điểm b; hoặc “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%” - điểm c.
(iii) Khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ tình tiết “đối với nhiều trẻ em” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999, tình tiết định tính “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” (điểm c khoản 2 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999) được định lượng cụ thể và quy định thành 02 khoản khác nhau. Trong đó, gây hậu quả rất nghiêm trọng được khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 định lượng thành: “Làm chết người” - điểm b; hoặc “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” - điểm c; hoặc “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%” - điểm d. Tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 định lượng thành: “Làm chết 02 người trở lên” - điểm a; hoặc “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên” - điểm b.
(iv) Về hình phạt, đối với hình phạt chính, khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nâng mức phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng lên 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng; nâng mức phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm lên 03 năm; nâng mức phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm lên 06 tháng đến 03 năm. Cùng với đó, khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 nâng mức thấp nhất của hình phạt tù có thời hạn từ 02 năm lên 03 năm, khoản 3 Điều 296 quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm áp dụng đối với người phạm tội trong khi Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định.
Đối với hình phạt bổ sung, khoản 4 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, trong khi khoản 3 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định mức phạt tiền thấp hơn (từ 02 triệu đồng đến 20 triệu đồng). Cùng với đó, khoản 4 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, trong khi khoản 3 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định hình phạt bổ sung này.
1.2. Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù có những điểm tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, tuy nhiên, từ thực tiễn xử lý tội phạm cho thấy, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về “tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi” còn có những tồn tại, hạn chế sau đây:
Một là, về độ tuổi của bị hại là người lao động dưới 16 tuổi. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động xâm phạm đến các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực lao động và gây thiệt hại cho người lao động tùy theo tính chất, mức độ và độ tuổi của người lao động sẽ bị truy cứu TNHS, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi, không truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động từ đủ 16 trở lên, trong đó, có người lao động từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Chúng tôi cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 không truy cứu TNHS đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là thiếu sót. Bởi lẽ, người lao động dưới 18 tuổi, hay còn gọi là lao động chưa thành niên[1] là đối tượng bảo vệ đặc biệt của Nhà nước trong lĩnh vực lao động. Một trong những nguyên tắc của sử dụng người lao động dưới 18 tuổi quy định tại khoản 1 Điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019 là người sử dụng lao động phải bảo đảm cho người lao động “chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách”. Bộ luật Lao động cũng quy định thời gian làm việc tối đa, công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi[2]. Do vậy, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không truy cứu TNHS đối với người vi phạm quy định về sử dụng người lao động từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là thiếu sót do không tương thích với quy định của Bộ luật Lao động, gián tiếp không bảo vệ người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng chia người lao động dưới 18 tuổi thành các nhóm tuổi khác nhau (dưới 13 tuổi, từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) và quy định cụ thể những công việc cấm sử dụng lao động trong từng độ tuổi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng còn thiếu sót khi không chia độ tuổi của người lao động thành các nhóm: Dưới 13 tuổi, từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi và từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi trong cấu thành tội phạm để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động.
Hai là, về cấu thành tội phạm tăng nặng. Nghiên cứu thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi trong cấu thành tăng nặng (khoản 2, khoản 3) thấy rằng, thiệt hại là điều kiện truy cứu TNHS được xác định là thiệt hại về tính mạng (điểm b khoản 2, điểm a khoản 3) hoặc thiệt hại về sức khỏe (điểm c, điểm d khoản 2; điểm b khoản 3). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội chỉ cần gây hậu quả thuộc 01 trong 02 dạng thiệt hại (hoặc tính mạng, hoặc sức khỏe) sẽ bị truy cứu TNHS theo cấu thành tội phạm tăng nặng, không cần gây đồng thời cả 02 dạng thiệt hại. Điều này dẫn đến thực trạng là hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi gây thiệt hại lớn hơn bị truy cứu TNHS theo cấu thành tội phạm nhẹ hơn, gây thiệt hại nhỏ hơn nhưng bị truy cứu TNHS theo cấu thành tội phạm nặng hơn.
Ví dụ 1: A có hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi. A gây thiệt hại cho 03 người: Người thứ nhất chết, người thứ hai bị tổn thương cơ thể 50%, người thứ ba bị tổn thương cơ thể 60%. Hành vi của A thỏa mãn đồng thời quy định “làm chết người” - điểm b và “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%” - điểm d khoản 2 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, A bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 296 với mức phạt tù có thời hạn từ 03 năm đến 07 năm.
Ví dụ 2: B có hành vi vi phạm quy định về sử dụng lao động là người dưới 16 tuổi. B gây thiệt hại cho 03 người: Người thứ nhất bị tổn thương cơ thể 40%, người thứ hai bị tổn thương cơ thể 50%, người thứ ba bị tổn thương cơ thể 60%. Hành vi của B thỏa mãn quy định “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên” - điểm b khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015. Do vậy, B bị truy cứu TNHS theo khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù có thời hạn từ 05 năm đến 12 năm.
So sánh thiệt hại do A và B thấy rằng, rõ ràng A gây thiệt hại lớn hơn B nhưng chỉ bị truy cứu TNHS theo khoản 2, trong khi đó, B gây thiệt hại nhỏ hơn A nhưng bị truy cứu TNHS theo khoản 3. Đây là điểm bất hợp lý trong cấu thành tội phạm tăng nặng của tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ba là, về hình phạt. Nghiên cứu về hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 thấy rằng, xét trong mối tương quan với các tội phạm vi phạm quy định được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người - Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015; tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015) cùng thuộc Mục 3 Chương XXI thì hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 296 chưa phù hợp, trong khi đối tượng bảo vệ của tội phạm này là người lao động dưới 16 tuổi - người cần quan tâm bảo vệ đặc biệt. Có thể so sánh với tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người (Điều 295) như sau: Khoản 1 Điều 295 quy định “phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” thì khoản 1 Điều 296 quy định “phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng”, như vậy, mức phạt tiền ở khoản 1 Điều 296 cao hơn mức phạt tiền ở khoản 1 Điều 295. Tuy nhiên, hình phạt tù có thời hạn ở khoản 1 Điều 296 là “từ 06 tháng đến 03 năm” thấp hơn mức phạt tù có thời hạn “từ 01 năm đến 05 năm” ở khoản 1 Điều 295. Trong khi đó, hình phạt quy định ở khoản 2 và khoản 3 Điều 295 (từ 03 năm đến 07 năm, từ 06 năm đến 12 năm) về cơ bản như hình phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 296 (từ 03 năm đến 07 năm, từ 05 năm đến 12 năm). Mặc dù các tội phạm khác nhau thì hình phạt có thể khác nhau, tuy nhiên, quy định hình phạt tù có thời hạn như trong khoản 1 Điều 296 Bộ luật Hình sự là nhẹ và chưa hợp lý, tạo nên sự không tương thích, vô hình trung làm giảm hiệu quả phòng ngừa, răn đe đối với các hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi. Cùng với đó, mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 là thấp, chưa phù hợp và tương xứng với thiệt hại do người phạm tội gây ra cho xã hội, trong khi đó người lao động dưới 16 tuổi phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và nhiều trường hợp người phạm tội thu được lợi nhuận rất lớn từ việc sử dụng người lao động dưới 16 tuổi.
2. Một số kiến nghị
Xuất phát từ những tồn tại nêu trên, chúng tôi kiến nghị một số nội dung nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về sử dụng lao động là người dưới 16 tuổi như sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi bị hại của tội phạm là “người lao động dưới 16 tuổi” thành “người lao động dưới 18 tuổi”, khi đó Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 trở thành “tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 18 tuổi”. Cùng với đó, bổ sung thêm tình tiết “đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi” là tình tiết định khung tăng nặng TNHS quy định tại điểm đ khoản 2, bổ sung thêm tình tiết “đối với người dưới 13 tuổi” là tình tiết định khung tăng nặng TNHS quy định tại điểm c khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015. Có như vậy mới đánh đúng tính chất, mức độ nguy hiểm và truy cứu TNHS đầy đủ, chính xác đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng người lao động trong từng độ tuổi khác nhau.
Thứ hai, sửa đổi khoản 3 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng: quy định đồng thời thiệt hại về tính mạng và sức khỏe là điều kiện truy cứu TNHS trong cấu thành tội phạm tăng nặng. Khi đó, khoản 3 được sửa đổi thành (phần in nghiêng đậm):
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên hoặc làm chết 01 người nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
c) Đối với người dưới 13 tuổi.
Thứ ba, trong thời gian tới, xem xét sửa đổi hình phạt tù có thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 296 theo hướng tương thích với các tội phạm vi phạm quy định được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý trong Mục 3 Chương XXI của Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng với đó, cần nâng mức tiền phạt là hình phạt bổ sung áp dụng đối với người phạm tội quy định tại khoản 4 Điều 296 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Xem: Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Lao động năm 2019.
[2]. Xem: Điều 145, 146, 147 Bộ luật Lao động năm 2019.