1. Bảo vệ nhãn hiệu trong thương mại điện tử và vấn đề xác định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến với việc bảo vệ nhãn hiệu trong thương mại điện tử
1.1. Khái niệm về nhãn hiệu, bảo vệ nhãn hiệu trong thương mại điện tử
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa, dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh khác thì được gọi là nhãn hiệu. Điều 15 Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) đã cụ thể hóa hơn về các dấu hiệu và đối tượng có khả năng bảo hộ về nhãn hiệu, nhưng vẫn mang tính quy chuẩn cao. Tại Việt Nam, nhãn hiệu được hiểu “là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”[1] và đáp ứng được các điều kiện theo Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ). Như vậy, theo quan điểm của tác giả, hiểu theo nghĩa rộng thì nhãn hiệu bao gồm bất kỳ dấu hiệu nào (nhìn thấy được và không nhìn thấy được) có khả năng phân biệt giữa hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu này với chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ khác. Dưới góc độ thương mại nói chung, thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng, nhãn hiệu bao gồm bất kỳ các dấu hiệu nào có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh này với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể kinh doanh khác.
Bản chất của sự bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với nhãn hiệu chính là thể hiện sự can thiệp, quản lý của Nhà nước đối với quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu, hay nói rộng hơn, nó chính là sự thể hiện việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế thông qua công cụ pháp luật. Theo nghĩa khách quan, bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu là việc bằng các quy định của pháp luật, Nhà nước xác định những hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu và quy định các cách thức, biện pháp xử lý những hành vi xâm phạm đó nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo nghĩa chủ quan, bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu là việc Nhà nước và chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng các phương thức và biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, đồng thời, khôi phục lại các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhãn hiệu khi bị xâm phạm.
Về TMĐT, theo nghĩa chung nhất thì TMĐT được hiểu là các giao dịch thương mại thông qua các mạng viễn thông và sử dụng các phương tiện điện tử.
Như vậy, bảo vệ nhãn hiệu trong môi trường TMĐT chính là việc Nhà nước và bản thân các chủ sở hữu nhãn hiệu có những biện pháp, phương thức phù hợp với quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu khi trao đổi thương mại thông qua các mạng viễn thông bằng các phương tiện công nghệ điện tử.
1.2. Nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến và việc xác định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến
Khác với hoạt động thương mại truyền thống, đối với TMĐT, bên cạnh chủ thể người mua, người bán thì luôn luôn có chủ thể thứ ba tham gia vào quá trình giao dịch của các bên đó là nhà cung cấp dịch vụ. Chủ thể thứ ba có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch và xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch TMĐT. Họ chính là những nhà cung cấp dịch vụ internet hay nhà cung cấp dịch vụ nối mạng (Internet Service Provider - ISP), chuyên cung cấp các giải pháp kết nối mạng toàn cầu (internet) cho các đơn vị tổ chức hay các cá nhân người dùng. Họ đóng vai trò là những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, cung cấp môi trường cho hoạt động TMĐT phát triển trên đó. Trên nền tảng công nghệ đó, trong thế giới ảo do các trung gian thương mại tạo nên, người bán và người mua sẽ tiến hành giao dịch với nhau qua hệ thống TMĐT. Những thương nhân, tổ chức thiết lập webiste TMĐT để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại (người bán) thực chất cũng chính là những trung gian trực tuyến (tức là các ISP) đưa nội dung đó tới công chúng. Như thế, nếu xem xét dưới góc độ kỹ thuật công nghệ thông tin, thì các ISP chính là các nhà cung cấp các giải pháp kết nối, đường truyền mạng toàn cầu internet. Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ ứng dụng công nghệ thông tin và internet, thì các ISP bao gồm cả những nhà cung cấp dịch vụ đường truyền internet (như FPT, VNPT, NetNam…) và những nhà cung cấp nội dung trực tuyến dựa trên đường truyền internet (chủ các website TMĐT, sàn TMĐT, gian hàng trên các trang TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee...). Khi có sự trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ gắn liền với quyền SHCN đối với nhãn hiệu trên TMĐT, thì cơ chế trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến sẽ bao gồm cả trách nhiệm của các website cung cấp môi trường cho hoạt động TMĐT.
Đối với việc bảo vệ nhãn hiệu trong TMĐT, vấn đề chính liên quan đến nhãn hiệu đặt ra là, trong các hoạt động cung cấp môi trường TMĐT như trên (từ việc nhà cung cấp dịch vụ internet, chủ các website TMĐT, sàn TMĐT, chợ ảo…), khi có sự xâm phạm nhãn hiệu của bên thứ ba đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, ngay trên chính môi trường TMĐT mà các chủ thể trên cung cấp, thì cơ chế trách nhiệm của các bên liên quan được xác định như thế nào? Việc “vào cuộc” của các nhà cung cấp môi trường TMĐT về mặt pháp lý ra sao để tạo nên sự cân bằng, hài hòa lợi ích giữa sự phát triển của thông tin, của hoạt động TMĐT và việc bảo hộ thành quả lao động trí tuệ? Bởi lẽ, một mặt, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng chính là bảo hộ thành quả sáng tạo trí óc của con người thông qua các độc quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặt khác, nó cũng cần xem xét trên góc độ mở rộng khả năng tiếp cận thông tin để đảm bảo lợi ích của toàn xã hội. Trong môi trường TMĐT, cho dù bản chất và nguyên lý của hệ thống sở hữu trí tuệ không thay đổi, nhưng vẫn cần có những điều chỉnh hợp lý để hệ thống này tận dụng được những cơ hội và đối phó được những thách thức mới mà các tiến bộ công nghệ, kinh tế đem lại.
2. Quy định pháp luật về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến đối với việc bảo vệ nhãn hiệu trong môi trường thương mại điện tử
Trong hệ thống pháp luật về quyền SHCN đối với nhãn hiệu tại Việt Nam hiện nay, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ là một khoảng trống lớn. Chúng ta chưa có quy định cụ thể nào để đưa ra trách nhiệm của các ISP trong việc thực thi quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong môi trường TMĐT. Pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng chưa đề cập đến nội dung này. Hiện nay, quy định pháp lý đối với dịch vụ trung gian trực tuyến được thể hiện trong khuôn khổ Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nói chung và các nghị định, thông tư về quản lý TMĐT nói riêng.
Luật Công nghệ thông tin năm 2006 không đưa ra khái niệm về tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, mà đề cập đến trách nhiệm của các trung gian trực tuyến với các điều khoản tương ứng về chức năng cho thuê chỗ lưu trữ. Theo đó, trách nhiệm của các trung gian trực tuyến là: “...Tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin số hoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Ngừng cho tổ chức, cá nhân khác thuê chỗ lưu trữ thông tin số trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo cho biết thông tin đang được lưu trữ là trái pháp luật” (khoản 3 Điều 18). Tương tự như đối với cơ chế của Đạo luật Bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ năm 1998 của Hoa Kỳ (Digital Millennium Copyright Act - DMCA) và Chỉ thị Thương mại điện tử (Electronic Commerce Directive) năm 2000 của Liên minh châu Âu (EU) (Chỉ thị ECD), theo khoản 2 Điều 20 Luật Công nghệ thông tin năm 2006, các ISP không phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân khác, hay cung cấp thông tin về khách hàng trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Bên cạnh đó, một cách chi tiết hơn, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) đã đưa ra khái niệm về website TMĐT, cũng như xác định được cụ thể hơn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử (cũng chính là một trong số những chủ sở hữu thông tin số được lưu trữ bởi các ISP theo Luật Công nghệ thông tin). Theo đó, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT, có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch TMĐT. Công bố công khai cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT (Điều 36 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP). Đặc biệt, gần đây nhất, liên quan trực tiếp đến hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Thông tư số 20/2018/VBHN-BCT ngày 18/9/2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website TMĐT (Thông tư số 20/2018/VBHN-BCT) đã xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn TMĐT liên quan đến website TMĐT. Theo đó, Thông tư số 20/2018/VBHN-BCT quy định chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm: “Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này” (Điều 4). Như vậy, theo quy định này, các nhà điều hành website cung cấp dịch vụ TMĐT có chức năng như một ISP lưu trữ có trách nhiệm ngăn chặn truy cập hoặc xóa bỏ các nội dung xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, loại bỏ những website vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về hàng giả, hàng nhái, chấm dứt dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi tự mình phát hiện… Quy định này chính là cơ sở để xác định trách nhiệm đối với việc xâm phạm nhãn hiệu của người bán qua website.
Ngoài ra, Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/01/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ và Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ đã quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của bên thứ ba (trong đó có nhà cung cấp dịch vụ truyền thông) khi cung cấp thông tin không đúng về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Mặc dù, trách nhiệm pháp lý của các ISP đã được pháp luật Việt Nam quy định trong môi trường internet, tuy nhiên, điều này vẫn chưa được coi là thỏa đáng khi xem xét tới trách nhiệm của bên thứ ba góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường, “sân chơi” cho các hành vi TMĐT diễn ra. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể việc ngăn chặn, xóa bỏ website có vi phạm về sở hữu trí tuệ trong TMĐT, chưa có cơ chế trong việc bảo đảm việc chủ động ngăn chặn, xóa bỏ các hành vi như trên của các ISP. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy định về khả năng miễn trừ trách nhiệm của các ISP theo quy định pháp luật quốc tế để tạo sự công bằng và tạo động lực phát triển TMĐT.
Về vấn đề này, theo Chỉ thị ECD, các ISP không phải chịu trách nhiệm với điều kiện: “(a) Nhà cung cấp không có hiểu biết thực tế về hành vi hoặc thông tin bất hợp pháp và liên quan đến yêu cầu bồi thường, không biết về các sự kiện và điều kiện mà từ đó hành vi hoặc thông tin bất hợp pháp là hiển nhiên; hoặc (b) Nhà cung cấp, khi có được hiểu biết này, hành động nhanh chóng để gỡ bỏ hoặc dừng truy cập thông tin” (Điều 14.1)[2]. Để tránh áp đặt trách nhiệm quá mức lên các ISP, Chỉ thị ECD không cho phép các nước thành viên áp đặt nghĩa vụ giám sát lên các chủ thể này. Tại Hoa Kỳ, việc xác định trách nhiệm của các ISP phát triển theo lý thuyết về trách nhiệm gián tiếp, trách nhiệm thứ cấp theo nguyên tắc “một người sẽ chịu trách nhiệm nếu anh ta cho phép (một người thứ ba) hành động với các phương tiện của mình, khi biết hoặc có lý do để biết rằng người kia đang hành động hoặc sẽ hành động gây hại…” (Luật Bồi thường ngoài hợp đồng lần hai của Hoa Kỳ năm 1979)[3]. Điều này có nghĩa là ISP có trách nhiệm liên đới với việc bị xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Có thể hiểu rằng, việc đặt trách nhiệm đối với xâm phạm gián tiếp/thứ cấp nhãn hiệu lên các ISP, trong đó có các website cung cấp dịch vụ TMĐT, thực chất là một phương thức mở rộng phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu nhằm mục đích giảm bớt khó khăn trong thực thi quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong môi trường internet và TMĐT. Xét tới những lợi thế của nhà điều hành website cung cấp dịch vụ TMĐT trong việc xác định và ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu trên nền tảng của mình, các cơ chế này chú trọng phương thức yêu cầu sự “hợp tác” của các trung gian này với các chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc thực thi quyền đối với nhãn hiệu[4]. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có cơ chế chung áp dụng thống nhất trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ, việc xác định có hay không việc xâm phạm nhãn hiệu phụ thuộc phần nhiều vào việc giải quyết của các Tòa án ở từng quốc gia. Kinh nghiệm của EU hay Hoa Kỳ nói trên là một trong những bài học để pháp luật Việt Nam có thể áp dụng trong việc xem xét trách nhiệm của các ISP.
3. Kết luận và kiến nghị
Rõ ràng, sự xuất hiện của các chủ thể là trung gian trực tuyến, tham gia vào thị trường TMĐT tạo môi trường cho hoạt động TMĐT được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Do vậy, việc xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng, thì các ISP không thể không có trách nhiệm liên đới. Do vậy, để tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu trong TMĐT, bảo vệ người tiêu dùng khỏi hành vi xâm phạm quyền sở hữu, tạo điều kiện thúc đẩy TMĐT phát triển, pháp luật Việt Nam cần có quy định đồng bộ, thống nhất, có hướng dẫn chi tiết về các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, trách nhiệm của họ trong việc cung cấp dịch vụ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, cần xây dựng khái niệm, trách nhiệm về các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong Luật Công nghệ thông tin bao gồm cả những nhà cung cấp dịch vụ internet và những nhà cung cấp nội dung đặt trên không gian mạng đó (chủ sàn TMĐT…). Bên cạnh đó, cần có quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm ngăn chặn, xóa bỏ các hành vi vi phạm pháp luật theo Luật Công nghệ thông tin như hiện nay, quy định trách nhiệm của các ISP về việc ngăn chặn, xóa bỏ các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật về sở hữu trí tuệ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì các ISP sẽ phải có trách nhiệm tự mình ngăn chặn hoặc xóa bỏ các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền SHCN đối với nhãn hiệu nói riêng. Theo Luật Công nghệ thông tin thì các ISP này chỉ phải xóa bỏ các nội dung thông tin xâm phạm khi tự mình phát hiện hoặc bị bắt buộc theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định về việc buộc các ISP phải tự mình xóa bỏ các thông tin xâm phạm, mục đích để tăng cường trách nhiệm chủ động của các ISP. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không đưa ra quy định hướng dẫn về trách nhiệm tự mình xóa bỏ các hành vi xâm phạm của các ISP cũng như cơ chế thưởng/phạt cho trách nhiệm này; quy định về các bước thực hiện và giải quyết vấn đề của các bên tham gia, quy định về việc lưu trữ thông tin và thống kê số liệu nhằm phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan chuyên môn. Theo tác giả, chúng ta nên vận dụng kinh nghiệm quốc tế quy định trách nhiệm của các ISP về việc có “hiểu biết thực tế và suy đoán” đối với các hành vi xâm phạm, cũng như quy trình giải quyết việc này, nhằm đảm bảo quyền lợi cho chính chủ quyền sở hữu nhãn hiệu. Đồng thời, cũng cần quy định về khả năng miễn trừ của các ISP trong việc xác định trách nhiệm của họ với vai trò là người cung cấp môi trường cho hoạt động TMĐT diễn ra.
Pháp luật Việt Nam cần có các quy định về nghĩa vụ theo hướng đưa ra các biện pháp tích cực phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi của các ISP khi cung cấp môi trường TMĐT cho hoạt động của các bên liên quan được diễn ra; cần có quy định về việc các ISP đã được tập huấn, đào tạo đảm bảo hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ và xác định các hành vi xâm phạm, biện pháp xử lý với tư cách là những người tạo môi trường cho hoạt động thương mại trực tuyến; nghĩa vụ về sự cam kết của các ISP khi cung cấp các sản phẩm là hàng chính hãng, hoặc có các thành viên của mình cung cấp các hàng chính hãng; việc bồi thường thiệt hại nếu việc tuyên bố không đúng như chất lượng hàng hóa, dịch vụ đi kèm; nghĩa vụ về việc theo dõi, giám sát thông tin, điều tra các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình truyền đưa hoặc lưu trữ thông tin số của tổ chức, cá nhân khác, hay cung cấp thông tin về khách hàng; nghĩa vụ về việc đánh giá và báo cáo thống kê các ý kiến phản hồi của khách hàng về chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đối với các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Tuy nhiên, để phù hợp với quy định quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng cần quy định các trường hợp được miễn trách nhiệm pháp lý và chế tài đối với các ISP khi có các hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Theo đó, để được hưởng quyền miễn trừ, các ISP phải thực sự thể hiện vai trò của các nhà trung gian, trung chuyển với những điều kiện sau: (i) Các ISP thể hiện tính chất trung gian, trung chuyển trong việc truyền đưa thông tin số qua hệ thống mạng diễn ra một các tự động không có sự lựa chọn thông tin số; (ii) Các ISP phải công bố công khai chính sách và các biện pháp kỹ thuật cần thiết được sử dụng để ngăn chặn việc truy cập thông tin số hoặc loại bỏ thông tin số trái pháp luật, xâm phạm quyền nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ; (ii) Về mặt chủ quan, các ISP này không biết hoặc không có lý do để biết hành vi truyền đưa, lưu trữ các nội dung thông tin số trong hệ thống mạng dịch vụ của mình là trái pháp luật, xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu, không thu lợi từ hành vi xâm phạm đó.
Tóm lại, mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định về trách nhiệm của các ISP, tuy nhiên, trách nhiệm này của các ISP chưa được đề cập đến trong phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các văn bản hướng dẫn. Với việc chưa có quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề trách nhiệm liên quan đến xâm phạm nhãn hiệu cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ thì sẽ không đủ căn cứ để giải quyết các tranh chấp mang tính đặc thù như lĩnh vực bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu trong TMĐT.
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ.
[2]. Directive 2000/31/EC of the European parliament and of the council, trích từ https://www.wipo.int/edocs/lexdocs/laws/en/eu/eu107en.pdf.
[3]. Phạm Thị Mai Khanh (2016), Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Luận án tiến sỹ, tr. 91.
[4]. Phạm Thị Mai Khanh (2016), Quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử, Luận án tiến sỹ.