Abstract:The control of environment pollution in trade villages has been not yet effective in recent years. The relationships between environment administrators and production, business, service establishments in trade villages often bear private interests. This article deals with the study of the legal situation of state agencies and communities in controlling environment pollution in tradevillages in Vietnam and theneed to improve education of awareness with respect to environment protection in trade villages.
1. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề theo pháp luật Việt Nam
Các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát ô nhiễm môi trường ở làng nghề có thể phân chia thành 02 nhóm: Nhóm thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền chung về kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề, bao gồm Chính phủ và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp; Nhóm thứ hai, các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn trong kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề, gồm có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ quản lý môi trường cấp xã, phường, thị trấn.
Theo Điều 2 Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04/3/2013 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục sự cố môi trường và suy thoái môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường nói chung và khu vực làng nghề nói riêng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và ra quyết định thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014).
Ở các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm ở làng nghề; xây dựng kế hoạch, giải pháp, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các quy định về kiểm soát ô nhiễm; phối hợp với Sở Tài chính trong việc phân bổ và theo dõi, kiểm tra việc sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường cho các địa phương có làng nghề; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương thực hiện hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải, kỹ thuật áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; chủ trì hoặc phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, đại diện cộng đồng dân cư tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề; tổ chức thu phí môi trường đối với nước thải, khí thải và chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở trong làng nghề theo quy định; thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo thẩm quyền đối với các cơ sở trong làng nghề; thực hiện quan trắc môi trường làng nghề; chủ trì hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề theo thẩm quyền.
Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn của UBND huyện tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề, đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường. Cán bộ quản lý môi trường cấp xã, phường và thị trấn hiện nay thường là cán bộ địa chính kiêm nhiệm. Ngoài ra còn có các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng có chức năng nhiệm vụ quyền hạn trong quá trình tham gia hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường theo phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình. Các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, lực lượng cảnh sát môi trường…
Về cơ bản, chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề đã được pháp luật quy định tập trung vào một đầu mối thống nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên vẫn chưa thật sự triệt để và còn thể hiện một số hạn chế, bất cập sau đây:
Thứ nhất, hiện nay các quy định về trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm môi trường ở làng nghề vẫn còn sự chồng chéo và không rõ ràng giữa các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương. Đơn cử như việc quản lý các cơ sở sản xuất là “doanh nghiệp công nghiệp” thì do ngành Công thương; quản lý các cơ sở (trong đó có cả doanh nghiệp) “hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp” thì do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các tổ chức, cá nhân “sản xuất nông nghiệp” thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy là đã có sự chồng chéo về phân công trách nhiệm đối với “doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc nhóm ngành nghề tái chế, dệt nhuộm… không được giao cho ngành nào quản lý; hơn nữa, quy định về phân công trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với đối tượng sản xuất trong làng nghề là chưa rõ. Trên cùng một địa bàn làng nghề, nếu là doanh nghiệp công nghiệp thì thuộc trách nhiệm của ngành Công thương; hộ thuần nông, hộ sản xuất cá thể trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, nhiều bộ, ngành được phân công như trên, nhưng trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thi hành pháp luật nói chung và pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng tại các làng nghề là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra1.
Thứ hai, việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình thực thi các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động của làng nghề gây ra ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Dễ dàng nhận thấy, chức năng quản lý phát triển các làng nghề giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Công thương còn rất nhiều quy định chồng chéo, khó thực hiện dẫn đến việc thiếu các văn bản hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững ở các làng nghề. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động của làng nghề gây ra ở Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn thiếu tính răn đe.
Thứ ba, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Môi trường tiến hành năm 2010, số lượng cán bộ tham gia vào công tác quản lý môi trường trên phạm vi toàn quốc ở địa phương là 2.601 cán bộ. Lực lượng cán bộ này phải triển khai đồng thời rất nhiều nội dung như thanh tra, kiểm tra, thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), đề án BVMT; kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; thẩm định phí môi trường; quan trắc môi trường và xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường... Khoảng 95% cán bộ quản lý môi trường cấp huyện không có bằng cấp chuyên môn trực tiếp về môi trường. Hơn nữa, đội ngũ này cũng không được đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ thường xuyên trong lĩnh vực BVMT nên rất lúng túng, khó khăn trong hướng dẫn, thi hành, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT hiện hành. Đối với cấp xã, phường và thị trấn (là cấp liên quan trực tiếp đến công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ở làng nghề): Trình độ chuyên môn về môi trường cũng rất yếu. Tại cấp thôn, mọi trách nhiệm trong đó có trách nhiệm về kiểm soát ô nhiễm môi trường đều được giao cho trưởng thôn, với trình độ hạn chế, với tâm lý nể nang, quan hệ dòng tộc, làng xã ở địa phương thì hiệu quả thực thi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường còn rất thấp. Cho đến nay, chưa có một làng nghề nào có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường2. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thanh tra về môi trường làng nghề hiện còn yếu về chuyên môn và thiếu về số lượng nên không thể kiểm soát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động của làng nghề gây ra ở Việt Nam. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường ở làng nghề chưa được tiến hành thường xuyên, không có hiệu quả dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề ngày càng trở nên trầm trọng.
2. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề ở Việt Nam hiện nay
Trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường cũng được quy định cụ thể tại các Điều 81, 82, 83 và 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 20143. Đặc biệt, liên quan đến hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trách nhiệm của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường cũng được quy định một cách rõ ràng, cụ thể. Đây là tổ chức được thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cộng đồng trách nhiệm. Trong quá trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện và thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các điểm tập kết theo quy định; thực hiện việc quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường theo sự phân công của UBND cấp xã; niêm yết các quy định và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện giữ vệ sinh nơi công cộng; xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước có nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường; tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường của cơ sở trên địa bàn theo sự phân công của UBND cấp xã. Khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường hoặc sự cố môi trường hoặc các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại địa bàn được phân công quản lý thì xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo ngay cho UBND cấp xã. Báo cáo UBND cấp xã về hiện trạng hoạt động, tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định4. Mặt khác, vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động đánh giá môi trường cũng vô cùng quan trọng. Pháp luật về đánh giá môi trường đã quy định từ khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đã phải tổ chức tham vấn ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư. Tiếp đó đến khâu thẩm định hay giám sát sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, pháp luật quy định cộng đồng dân cư có quyền đưa ra ý kiến đồng ý hay không đồng ý đối với việc đặt dự án tại khu vực nơi họ đang sinh sống hay đối với các phương án kiểm soát ô nhiễm môi trường của dự án. Họ có quyền kiểm tra, giám sát và phát hiện những hành vi vi phạm trong quá trình thực thi pháp luật về đánh giá môi trường của các chủ thể khác…
Với những quy định về trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong kiểm soát ô nhiễm môi trường do các hoạt động của làng nghề gây ra ở Việt Nam, bước đầu đã tạo được những chuyển biến đáng kể về hành vi kiểm soát ô nhiễm ở cộng đồng dân cư. Tại nhiều làng nghề, hương ước, quy ước đóng vai trò rất tích cực trong việc đề cao các chuẩn mực đạo lý, truyền thống của làng nghề, đồng thời cũng là công cụ tích cực nhằm vận động, tuyên truyền phổ biến, giáo dục về kiểm soát ô nhiễm ở làng nghề. Ngoài ra còn thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột thường ngày trong khu vực làng nghề. Ý thức tự giác của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại các làng nghề.
Trong giai đoạn đổi mới toàn diện của Việt Nam hiện nay, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng góp phần to lớn trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói riêng. Nó phù hợp với quan điểm chung của Đảng và Nhà nước là: Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tức là nhiệm vụ đó không chỉ của riêng cơ quan ban ngành nào, của tổ chức hoặc các nhân nào mà là của toàn nhân dân và tất cả phải cùng hướng đến mục đích phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai cho đất nước. Tuy nhiên, quan niệm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng về kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn được coi là vấn đề xa vời, là trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ, của xã hội chứ không phải của cá nhân. Điều này vẫn còn đang tồn tại rất phổ biến. Do vậy, công cụ giáo dục về kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng rất quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng, thúc đẩy họ tham gia tích cực vào hoạt động kiểm soát ô nhiễm, đặc biệt là tại các khu vực làng nghề. Pháp luật bảo vệ môi trường quy định công dân Việt Nam được giáo dục toàn diện về môi trường nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường. Giáo dục về môi trường là một nội dung của chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông. Nhà nước ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường. Nội dung chủ yếu của giáo dục môi trường là đưa giáo dục môi trường vào trường học, cung cấp thông tin cho những người có quyền ra quyết định và đào tạo chuyên gia về môi trường5. Như vậy, việc tăng cường hơn nữa cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực làng nghề là rất cần thiết. Cần phải phân tích cho người dân tại các làng nghề hiểu được rằng kiểm soát ô nhiễm là một vấn đề đang được cả thế giới quan tâm và “tai hoạ sẽ đến với tất cả chúng ta không kể người đó giàu hay nghèo”6 nếu không ý thức được điều này.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, (2011), Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề (thực hiện Nghị quyết số 1014/NQ/UBTVQH12), tháng 9 năm 2011
2. Đặng Đình Long, Đinh Thị Bích Thủy (2005), Tính cộng đồng và xung đột môi trường tại khu vực làng nghề ở đồng bằng sông Hồng. Thực trạng và xu hướng biến đổi, Nxb. Nông nghiệp.
3. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội (Điều 81 quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng; Điều 82 quy định yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình; Điều 83 quy định đối với tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường; Điều 146 quy định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư).
4. Bộ Tài nguyên và môi trường (2011), Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề (khoản 1 Điều 3).
5. Nguyễn Thế Chinh, (2003) Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường, Trường đại học kinh tế quốc dân, Hà Nội, tr. 292, tr. 285, tr. 294, 295.
6. Bộ Thương Mại (1998), Thương mại - Môi trường và phát triển bền vững , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 162.