Theo quy định tại Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở (sau đây gọi là Luật), Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật (sau đây gọi là Nghị định số 15/2014/NĐ-CP), thì Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cung cấp, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong phạm vi địa phương. Với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch cần nắm rõ, bám sát thực tế công tác hòa giải ở địa phương, tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hòa giải, để từ đó tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp có kế hoạch phổ biến, hướng dẫn, triển khai thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Trong phạm vi bài viết “Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác Hoà giải cơ sở” tác giả Nguyễn Thị Giang đã đề cập đến những nội dung chính: (1) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (2) Xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; (3) Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; (4) Hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở; (5) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả Nguyễn Thị Giang đã đề cập, đọc giả có thể nghiên cứu bài viết được đăng trên Số chuyên đề tháng 7/2014 về “Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở” của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Hải Việt