1. Quy định của pháp luật về trách nhiệm giải thích pháp luật của cơ quan tư pháp
Điều 26 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể: (i) Xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành; (ii) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý; phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành cho nhân dân bằng hình thức phù hợp; (iii) Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn.
Theo khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 thì báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Như vậy, để thực hiện trách nhiệm xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của các cơ quan này thì cần có quyết định công nhận khi các cá nhân trong quy định thỏa mãn các điều kiện nhất định. Việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên đối với các cơ quan tư pháp khá thuận lợi vì yêu cầu quan trọng nhất đối với đội ngũ này là trình độ chuyên môn về luật (cử nhân luật). Vấn đề còn lại là tính hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của đội ngũ này, quy định hiện nay không gắn trách nhiệm phải thành lập đội ngũ này với bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào của các cơ quan tư pháp. Từ thực trạng này nên trên thực tế việc thành lập đội ngũ báo cáo viên chưa được coi trọng.
Liên quan đến trách nhiệm “phổ biến kiến thức pháp luật chuyên ngành cho nhân dân bằng hình thức phù hợp” của các cơ quan tư pháp, quy định của pháp luật dường như rất “thoáng” khi trao cho các cơ quan tư pháp quyền được chủ động trong việc chọn cách thức thực hiện trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật một cách thuận lợi nhất khi tận dụng ưu thế của hoạt động nghiệp vụ của họ, các công việc có liên quan đến pháp luật. Việc phổ biến và giáo dục pháp luật được thực hiện để nâng cao năng lực nhận thức và tuân thủ pháp luật của người dân, từ chỗ nhận thức được pháp luật thì ý thức tuân thủ pháp luật mới hình thành, đây là nền tảng căn bản để xây dựng một Nhà nước pháp quyền cả theo nghĩa hẹp “thể hiện ở việc hạn chế sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà điều này đòi hỏi phải ràng buộc quyền lực vào các đạo luật được xây dựng rõ ràng và chặt chẽ”[1] và theo nghĩa rộng nơi mà “một hệ thống, cơ chế mà trong đó không có chủ đề nào, ngay cả nhà nước, đứng trên pháp luật; nơi mà pháp luật bảo vệ các quyền cơ bản và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công lý”[2].
Cũng cần phải thấy rằng khi nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên thông qua việc thực hiện trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan này hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Việc tuyên bố và giải thích bản án của Tòa án cho các bên có liên quan, đây là một trong các quyền và cũng là trách nhiệm của Tòa án. Trong thời gian qua ghi nhận khá nhiều các vụ án (hình sự lẫn dân sự) mà sau tuyên bố bản án đương sự thực hiện các hành vi tự tử[3] có cả trường hợp có hậu quả đáng tiếc xảy ra (đương sự chết), các vụ việc này tuy chưa có sự xác định rõ có sai phạm hay oan, sai trong xét xử hay không, tuy nhiên phản ứng của người dân cho thấy là tiêu cực. Điều này phát sinh là do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, một nguyên nhân có thể thấy được là sự thiếu rõ ràng trong giải thích về việc áp dụng pháp luật của Tòa án. Việc bị kết án mà không hiểu tại sao mình bị kết án có thể gây nên tâm lý bị dồn nén, phẫn uất vì cho rằng mình bị oan. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra các phản ứng tiêu cực của người dân (như tự tử) xảy ra trong thời gian qua. Thực trạng này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ tư pháp, mà cụ thể là Tòa án trong việc giải thích việc áp dụng pháp luật cho người dân thể hiện thông qua yêu cầu “kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn” như quy định của Điều 26 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
Tác giả cho rằng quy định hiện nay của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 là thuận tiện cho các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện trách nhiệm giải thích pháp luật, đặc biệt là giải thích việc áp dụng pháp luật bởi vì các quy định này không những cho phép các chủ thể này thực hiện thông qua “các hình thức phù hợp” mà còn “thông qua các hoạt động chuyên môn”. Điều này cho phép các cơ quan này tiết kiệm thời gian, công sức cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức tập trung, chuyên nghiệp mà lồng ghép vào công tác chuyên môn. Việc giải thích cho người dân trong các vụ án dân sự, hình sự… về việc Tòa án áp dụng pháp luật như thế nào, tại sao Tòa án lại áp dụng pháp luật như vậy… Việc giải thích rõ ràng nếu làm tốt sẽ đáp ứng hai mục tiêu quan trọng: (i) Cho người dân quyền được giám sát việc áp dụng pháp luật của Tòa án (nền tảng của Nhà nước pháp quyền) và (ii) Giáo dục pháp luật nhằm ngăn ngừa vi phạm pháp luật. Trên bình diện quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, thẩm phán và Tòa án có vai trò then chốt trong việc cải tiến thực thi pháp luật thông quan hành động đưa ra các phán quyết, xây dựng hệ thống diễn giải và áp dụng pháp luật, qua đó, các thẩm phán cũng cổ vũ và định hướng các chủ thể khác hướng tới một hệ thống pháp quyền đáng tin cậy, chính trực[4].
Tác giả cho rằng, đáp ứng yêu cầu đặt ra từ Điều 26 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan tư pháp nói chung, Tòa án nói riêng cần giải thích việc áp dụng pháp luật của mình trong qua việc làm rõ nguyên nhân áp dụng pháp luật trong các bản án, quyết định của Tòa án. Điều này sẽ mang lại hai lợi ích, một là đáp ứng quyền được thông tin và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân cũng như thực thi trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật và hai là minh bạch hóa công tác áp dụng pháp luật nói chung, công tác xét xử nói riêng, qua đó, giúp thực hiện quyền giám sát cũng như thực thi trách nhiệm giải trình của nhóm quyền tư pháp trong tổ chức bộ máy nhà nước, yếu tố tối quan trọng trong một nền chính trị dân chủ mà Việt Nam nỗ lực xây dựng và đeo đuổi.
2. Thực trạng công tác giải thích pháp luật của các cơ quan tư pháp
Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của hệ thống Tòa án hiện nay được thực hiện với hình thức đa dạng và mang tính hệ thống dưới sự chủ trì của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Tòa án nhân dân[5]. Hoạt động giáo dục, pháp luật của Tòa án mang tính đặc thù rõ nét và gắn liền với các hoạt động chuyên môn trong chức trách, nhiệm vụ của một cơ quan xét xử, bao gồm: (i) Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử; (ii) Thông qua hoạt động hòa giải, đối thoại; (iii) Thông qua hoạt động tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ; (iv) Thông qua công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; (v) Thông qua công khai các bản án, quyết định của Tòa án và phát triển án lệ; (vi) Thông qua các phương tiện truyền hình, báo chí.
Cùng với tiến trình cải cách tư pháp, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Tòa án được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực[6]. Qua khảo sát thực nghiệm, tác giả cũng đồng ý rằng hệ thống Tòa án có những đóng góp thiết thực và rõ nét vào mục tiêu phổ biến pháp luật đến với người dân. Trong đó điểm nổi bật là việc công khai 629.371[7] các bản án, quyết định của Tòa án tại Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án[8] cùng với hoạt động lựa chọn và công bố công khai 43 án lệ tại Trang thông tin điện tử về án lệ[9]. Tác giả cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa tích cực trong việc mở rộng quyền tiếp cận pháp luật của người dân thông qua các phán quyết của Tòa án, qua đó sẽ hình thành nên ý thức pháp luật, ảnh hưởng tích cực tới các quyết định tư pháp và việc đoán định tư pháp của người dân[10].
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, để các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của hệ thống Tòa án phát huy hơn nữa tính hiệu quả thì cần nghiêm túc nhìn nhận vai trò của hoạt động giải thích áp dụng pháp luật, nhất là trong hoạt động xét xử. Bởi lẽ, nếu phán quyết của Tòa án chỉ dừng lại ở việc áp dụng đúng quy định pháp luật thì mức độ tác động chỉ có thể dừng lại ở việc giải quyết một tranh chấp giữa các đương sự hoặc đưa ra một mức hình phạt cho người phạm tội. Thậm chí trong nhiều trường hợp, Tòa án đã áp dụng đúng quy định pháp luật để tuyên phán quyết nhưng đương sự không hiểu được nội dung tinh thần của pháp luật, các nguyên tắc pháp lý được vận dụng để ra phán quyết, hệ quả là hình thành nên các quyết định tư pháp tiêu cực từ phía đương sự như kháng cáo, khiếu nại, phẫn uất, chửi bới thậm chí tự tử. Ngược lại, nếu Tòa án chú trọng đến việc trình bày, phân tích, luận giải nội dung quy định pháp luật, các nguyên tắc pháp lý và cách thức quy định pháp luật được áp dụng một cách đầy đủ, cặn kẽ sẽ làm cho bản án trở nên thuyết phục hơn, không những đối với đương sự mà còn đối với công chúng. Qua đó, nội dung và tinh thần của pháp luật có thể dễ dàng chuyển tải đến người dân. Tác giả đồng ý với quan điểm cho rằng một phán quyết của Tòa án được tuyên ra cần đáp ứng được 04 mục đích: (i) Làm rõ nhận định của Tòa án; (ii) Giải thích quyết định của Tòa án cho các bên; (iii) Công khai lý do dẫn đến quyết định của Tòa án cho công chúng và (iv) Cung cấp lý do dẫn đến quyết định của tòa án để tòa phúc thẩm xem xét[11]. Để đạt được những mục đích này, Tòa án buộc phải trình bày những giải thích của mình trong việc áp dụng pháp luật vào vụ án để đưa phán quyết. Hoạt động giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án cũng giúp hình thành quy trình ra quyết định của Tòa án một cách minh bạch hơn. Đây là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến sự phát triển của chính hệ thống tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử cũng như của hệ thống pháp luật.
3. Kết luận và kiến nghị
Trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay của các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là hệ thống Tòa án đang ngày được quan tâm hơn bởi vị trí, vai trò và sứ mệnh của cơ quan này. Việc thực hiện trách nhiệm này được đánh giá là khá tích cực trong thời gian qua với nhiều sáng kiến đã được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả của việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử bằng những nội dung của các bản án, quyết định của Tòa án chưa đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ hiện trạng nội dung của các bản án “thiếu vắng” nội dung quan trọng về việc giải thích áp dụng pháp luật, mô tả tiến trình tư duy, diễn giải, đúc rút các nguyên tắc pháp lý để áp dụng vào các vụ án cụ thể. Theo tác giả, nguyên nhân của hiện trạng này có thể được nhận diện bao gồm:
Thứ nhất, chưa có cơ chế kiểm soát và trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc thực thi trách nhiệm này, điều này dẫn đến hệ quả là trách nhiệm này có được thực hiện hay không cũng không có “vấn đề” gì với các cơ quan này vì không có chủ thể giám sát. Từ đó, dẫn tới việc thực hiện trách nhiệm chưa nghiêm như hiện nay.
Thư hai, các hướng dẫn về kết cấu bản án, quyết định của Tòa án chưa chú trọng đến trách nhiệm giải thích áp dụng pháp luật của hội đồng xét xử khi đưa ra các phán quyết. Đồng thời, nội dung hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao còn chung chung, thiếu chi tiết, tập trung quá nhiều vào việc phân tích tình tiết vụ việc và quan điểm của các bên. Trong khi đó, không gian của việc viện dẫn, diễn giải, phân tích, giải thích các nguyên tắc pháp lý từ quy định pháp luật lại không được thể hiện rõ ràng hoặc quá ít.
Thứ ba, các thẩm phán tại Việt Nam chưa có thói quen và hình thành ý thức trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua các lập luận của mình thể hiện tại các bản án.
Từ thực tiễn này các tác giả đề xuất các giải pháp:
Một là, cụ thể hóa trách nhiệm phổ biến, giải thích pháp luật của các cơ quan tư pháp, cụ thể là đặt ra yêu cầu về việc giải thích lý do áp dụng pháp luật và thực hiện nghiêm túc việc giải thích này như một yêu cầu bắt buộc về thể thức trong các bản án của Tòa án các cấp. Đây cũng nên được xem là cơ sở cho việc xem xét sửa, hủy bản án nếu không tuân thủ.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa việc công bố bản án của Tòa án các cấp. Đây là một phương thức quan trọng để đảm bảo thực thi quyền giám sát xã hội cũng như thực hiện quyền được thông tin, quyền được phổ biến, giáo dục pháp luật của người dân.
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
[1] Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành (2020), Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 15/2020.
[2] Phan Trung Lý, Nguyễn Trung Thành (2020), tlđd.
[3] Vụ tranh chấp đất đai xảy ra ở Gò Vấp giữa ông Lê Văn Dư, ông Phan Quý và một số cá nhân khác. Hay vụ ông Lương Hữu Phước tự tử trong khi nhận bản án hình sự tại Bình Phước….
[4] ABD, UNEP (2010), Hội nghị Chuyên đề Thẩm phán châu Á về Phán quyết Môi trường, Pháp quyền, và Công lý Môi trường, Kỷ yếu hội nghị
[5] Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Tòa án nhân dân được thành lập theo Quyết định số 49/2019/QĐ-TANDTC ngày 22/03/2019 của Chánh án tòa án nhân dân tối cao.
[6] Vũ Hùng (2019), Tòa án đã làm tốt phổ biến, giáo dục pháp luật, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử
[7] Số liệu được thống kê tính đến ngày 27/03/2021.
[8] Xem thêm Trang thông tin điện tử về công bố bản án tại
[9] Xem thêm Trang thông tin điện tử về công bố án lệ tại:
[10] Khái niệm về quyết định tư pháp và đoán định tư pháp được đề cập theo nghĩa của bài viết: Nguyễn Hòa Bình (2019), Quyết định tư pháp và đoán định tư pháp của người dân - phạm trù pháp lý mới cần được quan tâm trong thực tiễn tư pháp nước ta, Tạp chí Cộng Sản
[11] Roslyn Atkinson (2002), Judgment Writing, AIJA Conference, Brisbane