Trong thực tiễn, thiệt hại về môi trường thường xảy ra với quy mô lớn, có nguyên nhân từ nhiều nguồn gây thiệt hại khác nhau, giá trị thiệt hại thường rất lớn và khó xác định. Do vậy, thiệt hại về môi trường thường được đặt trong bối cảnh có nhiều chủ thể gây thiệt hại. Với tính chất này, trách nhiệm liên đới rất có thể được áp dụng phổ biến đối với thiệt hại về môi trường. Tuy nhiên, thủ tục đòi bồi thường thiệt hại về môi trường phức tạp, pháp luật lại chưa có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng trách nhiệm liên đới, thêm vào đó, thiệt hại môi trường có những đặc thù riêng khiến quan điểm chung về việc nhận diện và áp dụng trách nhiệm liên đới hiện nay không còn phù hợp trên nhiều khía cạnh, tất cả đã tạo nên sự khó khăn rất lớn cho thực tiễn triển khai. Dù khó khăn, nhưng chế định trách nhiệm liên đới trong bồi thường thiệt hại về môi trường cần phải được hoàn thiện, vì điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ người bị thiệt hại.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đăng tải bài viết “Trách nhiệm liên đới trong bồi thường thiệt hại về môi trường theo pháp luật Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản” trong số định kỳ tháng 03/2015. Theo đó, bên cạnh việc tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam, tác giả cũng nêu lên vai trò của chế định trách nhiệm liên đới trong việc bảo vệ người bị thiệt hại về môi trường và xu hướng áp dụng tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước về vấn đề này như Nhật Bản, đây sẽ là những gợi mở quý giá để nghiên cứu áp dụng tại Việt Nam.
Ngô Huyền