Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật
Ngày 27/6/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, đã quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo phân cấp quản lý đối với các vấn đề lớn của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: (i) dự kiến những định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; (ii) quan điểm và nội dung về những vấn đề quan trọng liên quan đến thể chế chính trị, thể chế kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (iii) quan điểm và nội dung về những vấn đề cơ bản còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách mới, quan trọng hoặc cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Đảng trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với dự án, dự thảo Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đối với dự án, dự thảo Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu xét thấy cần thiết, các Ban cán sự đảng: Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung trong Đảng.
Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư đối với dự thảo nghị định quy định về các vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Đối với các dự thảo nghị định khác, nếu xét thấy cần thiết, Ban cán sự đảng Chính phủ có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư.
Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không thuộc các trường hợp quy định tại trên, tổ chức đảng hoặc lãnh đạo của cơ quan xây dựng, ban hành văn bản có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền theo phân cấp quản lý.
Đồng thời, ngày 06/01/2025, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Công văn số 12918-CV/VPTW về việc đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, trong đó quy định rõ: “Bộ Chính trị cho ý kiến đối với chính sách trong đề nghị xây dựng một số dự án luật lớn, quan trọng; cho ý kiến đối với một số vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau của một số dự án luật trong quá trình soạn thảo”.
Ngày 20/01/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 119-KL/TW về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, Bộ Chính trị yêu cầu: “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ việc lãnh đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật”.
Thể chế hóa ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Điều 67 dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (những vấn đề cần phải xin ý kiến; trình tự, thủ tục xin ý kiến). Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng theo phân cấp quản lý đối với các vấn đề lớn sau đây của hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: (i) định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, Chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội; (ii) quan điểm và nội dung về những vấn đề quan trọng liên quan đến thể chế chính trị, thể chế kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền công dân trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (iii) quan điểm và nội dung về những vấn đề cơ bản còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách mới, quan trọng hoặc cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Đảng trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Việc xin ý kiến đối với các vấn đề lớn của hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện:
(i) Đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, chương trình lập pháp hằng năm, Đảng ủy Quốc hội có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, nếu xét thấy cần thiết, Đảng ủy Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng ủy hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(ii) Đảng ủy Chính phủ có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư đối với dự thảo nghị định quy định về các vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh. Đối với các dự thảo nghị định khác, nếu xét thấy cần thiết, Đảng ủy Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư.
(iii) Tổ chức đảng hoặc lãnh đạo của cơ quan xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuộc điểm a và b khoản này có trách nhiệm báo cáo xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Đảng.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về việc báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị để ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt.
Minh Trí