Để khắc phục vướng mắc, bất cập từ thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước, nhất là chính quyền cấp xã trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm, thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, từ năm 2013 đến nay, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tham mưu xây dựng, hướng dẫn thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg)[1] với nhiều nhiệm vụ, giải pháp góp phần bảo đảm, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp, hướng tới xây dựng môi trường pháp lý tiến bộ, lành mạnh cho người dân tại cơ sở.
Tại xã, phường, thị trấn, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, điều hành công việc hành chính ở cơ sở, tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đồng thời là cấp chính quyền gắn bó mật thiết với người dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp của người dân trên địa bàn. Do đó, hoạt động của chính quyền cấp xã có tác động trực tiếp đến việc người dân được thực hiện, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo Hiến pháp và pháp luật. Thực hiện các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ngay từ cấp cơ sở, bảo đảm nền dân chủ XHCN, thực hiện mục tiêu cao nhất là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Thông qua 05 tiêu chí và 20 chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp chính quyền cấp xã kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường thực hiện dân chủ, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Qua đó, tính nghiêm minh, gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng như vai trò, trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ của chính quyền cấp xã được nâng cao. Tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong tổ chức thi hành pháp luật của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất được bảo đảm và thực hiện đầy đủ, kịp thời, phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân phù hợp với quy định của pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu đặt ra yêu cầu chính quyền cấp xã thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ theo đúng pháp luật. Điều này có ý nghĩa thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là cơ sở đo lường mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ bảo đảm môi trường pháp lý chuẩn mực phục vụ người dân, để có các giải pháp kịp thời, phù hợp, hướng công tác này tạo thành thiết chế mạnh, vững chắc trong tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu, bối cảnh mới của đất nước hiện nay.
Với ý nghĩa đó, triển khai thực hiện tốt các quy định xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ tăng cường sự gắn kết giữa xây dựng, hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở. Đồng thời củng cố vị trí, vai trò của chính quyền cấp xã thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Từ đó trực tiếp góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, để mọi người đều thực sự bình đẳng trước pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội.
Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (Thông tư số 09/2021/TT-BTP) đã quy định cụ thể, rõ ràng nội dung, điểm số, cách tính điểm và tài liệu đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Các tiêu chí, chỉ tiêu tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo đảm, thực hiện các quyền con người, quyền công dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn (tiêu chí 1); thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (tiêu chí 2); thực hiện công tác về hòa giải ở cơ sở (tiêu chí 3); thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở (tiêu chí 4); công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (tiêu chí 5). Các tài liệu đánh giá là cơ sở giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chấm điểm và xác định kết quả đạt được của mỗi tiêu chí, chỉ tiêu; giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đánh giá, thẩm định và xem xét, quyết định công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn trên địa bàn; giúp các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra kết quả đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm thực chất, đúng quy định.
Trên cơ sở đó, để tổ chức triển khai các quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được hiệu quả, đồng bộ nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cần quan tâm, chú trọng tới các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tập trung truyền thông, thông tin nội dung và điểm mới của Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin gắn với các cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương, nhất là chính quyền và đội ngũ công chức cấp xã phải nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hoạt động công vụ phải đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quyền, lợi ích, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp trên cơ sở các quy định của pháp luật. Xác định rõ đầu mối, phân công, giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn, công chức làm đầu mối tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện, bảo đảm các điều kiện cần thiết (nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí) để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Ba là, kịp thời, sát sao chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở; đề xuất, phối hợp tổ chức thực hiện các giải pháp duy trì kết quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt quan tâm tới giải pháp khắc phục, hỗ trợ địa bàn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chú trọng xây dựng các mô hình, địa phương điểm về chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực, tập huấn kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu thực hiện xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trang bị, hỗ trợ các công cụ truyền thông, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ để đội ngũ này vững vàng kiến thức về chuyên môn và nghiệp vụ.
Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, theo dõi, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bảo đảm thống nhất, công khai, thuận lợi, tiết kiệm. Sớm xây dựng phần mềm điện tử xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và vận hành thí điểm, đánh giá kết quả thực tiễn để hoàn thiện và triển khai trên diện rộng phù hợp với lộ trình đề ra tại Quyết định số 1320/QĐ-BTP ngày 18/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó có các giải pháp thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, đưa công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả; đây là biện pháp hậu kiểm, đánh giá tính thực chất của công tác này trong quá trình triển khai thực hiện; kết quả đánh giá sự hài lòng là căn cứ xem xét lại kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn.
Bảy là, xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí công nhận đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Do đó, các cơ quan, các ngành, các cấp và địa phương cần triển khai tổng thể các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và các quyết định này, nhằm phát huy ý nghĩa và giá trị thực hiện nhiệm vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tám là, quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất để phục vụ triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, vấn đề mới phát sinh, phân tích, làm rõ nguyên nhân; rút ra những mô hình, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp
[1]. Trước đó, các quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở được quy định tại Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.