Thực hiện chủ trương đó, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới được thành lập theo Quyết định số 889/QĐ-BTP ngày 25/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp, đặt trụ sở tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp cho các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Ngành Tư pháp; nghiên cứu khoa học pháp lý; phối hợp với các cơ sở đào tạo của Bộ Tư pháp đào tạo cử nhân luật và các chức danh tư pháp như luật sư, công chứng viên… Đến nay, trải qua chặng đường 05 năm hoạt động, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã vượt qua nhiều gian khó, thử thách và ngày càng lớn mạnh, phát triển về mọi mặt.
Xác định con người là nhân tố cốt lõi quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, nhưng hầu hết giáo viên còn non trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nên Nhà trường đã tập trung tăng cường, bổ sung, nâng cao về số lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và tạo điều kiện tối đa nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ tại nhiều cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà trường đã có 01 tiến sỹ, 17 thạc sỹ (trong đó, có 01 thạc sỹ đang làm nghiên cứu sinh) và 21 cử nhân (trong đó, có 01 cử nhân đang học cao học) cùng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng giàu kinh nghiệm đến từ Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, nhiều cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp và của địa phương, đảm bảo việc giảng dạy, đào tạo theo hướng giáo dục nghề nghiệp, trang bị đồng thời kiến thức pháp luật cơ bản và kỹ năng nghiệp vụ cụ thể. Ngoài ra, Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên môn do Bộ Tư pháp tổ chức và tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp trường tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên của Trường và nhiều cơ sở đào tạo khác.
Thứ hai, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
Nhà trường luôn xác định mục tiêu hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có cả “đức và tài”. Do đó, Trường luôn coi trọng việc giáo dục toàn diện cho học sinh, không những chăm lo, giảng dạy tốt mà còn tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội. Chương trình đào tạo của Nhà trường thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung và điều chỉnh phù hợp theo hướng trang bị kiến thức cơ bản, đồng thời mang tính ứng dụng, chú trọng kỹ năng thực hành, thực tập, bảo đảm cho học sinh tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nhà trường đã xây dựng bộ Quy chế tuyển sinh và đào tạo, theo đó, việc giảng dạy và học tập được kiểm soát một cách chặt chẽ đúng quy định về giáo dục chuyên nghiệp. Bên cạnh việc nghiêm túc xây dựng giáo án, bài giảng có chất lượng, sinh động, dễ giảng, dễ tiếp thu thì các giáo viên phải thường xuyên dự giờ giảng của các giáo viên thỉnh giảng có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn giỏi. Đặc biệt, đối với các môn nghiệp vụ, Nhà trường đang áp dụng mô hình song giảng cho học sinh, giáo viên cơ hữu giảng phần lý thuyết, giáo viên thỉnh giảng là các cán bộ, công chức của các cơ quan, sở, ban, ngành quản lý nhà nước sẽ hướng dẫn thực hành cho học sinh.
Đến nay, Nhà trường đã và đang đào tạo cho 05 khóa học với gần 1.200 học sinh. Hiện tại, gần 400 học sinh đã tốt nghiệp, trong đó, hơn 250 học sinh đang làm việc trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề khác nhau tại các vùng miền của đất nước. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp của các em cơ bản phù hợp với mục tiêu đào tạo, nhiều học sinh được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.
Thứ ba, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại.
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan trong việc chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà trường theo hướng chuẩn hóa, cuối năm 2015, Trường đã khánh thành giai đoạn I, đưa trụ sở vào hoạt động với tổng diện tích khuôn viên là 142.512m2. Các công trình thuộc Dự án xây dựng Trường giai đoạn I được đưa vào sử dụng với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 11.000 m2 với nhiều hạng mục khang trang, hiện đại, gồm: Khối nhà hành chính hiệu bộ, khối nhà lớp học, giảng đường, khối ký túc xá, nhà ở cho cán bộ, giáo viên và khách công tác, nhà ăn của giáo viên, học sinh. Hiện nay, Trường đang tiếp tục triển khai Dự án xây dựng giai đoạn II với tổng diện tích xây dựng gần 8.200 m2. Với cơ sở vật chất như hiện nay và trong tương lai gần, Trường sẽ từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn không chỉ của một cơ sở đào tạo ở bậc trung cấp mà còn có thể cao hơn như cao đẳng, đại học.
Thứ tư, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho nước bạn Lào.
Bên cạnh việc đào tạo học sinh trong nước, trên cơ sở chủ trương và sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Bộ, từ năm 2015 đến nay, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã thực hiện công tác tuyển sinh và đào tạo cho hai khóa lưu học sinh Lào với hơn 300 em chủ yếu đến từ các tỉnh ở khu vực Trung và Nam Lào. Đây không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao mà còn là một hướng đi mới trong bối cảnh khó khăn về công tác tuyển sinh chung hiện nay, giúp Nhà trường mở rộng quy mô cũng như phát triển lớn mạnh trong tương lai, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tình hữu nghị Việt - Lào.
Nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của Nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo đối với lưu học sinh Lào, Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực từ hỗ trợ học tập, đi thực tế, thực hành tiếng Việt đến quản lý sinh hoạt hàng ngày của các em. Ngoài chương trình học tập chính khóa, Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, đưa các em về sinh hoạt tại các gia đình người Việt, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận đời sống thực tế, trau dồi kỹ năng và vốn tiếng Việt. Điều này đã mang đến cho các em nhiều hứng khởi, đam mê trong học tập và sẽ là kỷ niệm đẹp trong ký ức của các em về mái Trường Trung cấp Luật Đồng Hới.
Thứ năm, nhiều chính sách thu hút người học hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn.
Với nhiệm vụ chính trị chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực bền vững có chất lượng phục vụ cho công tác thi hành pháp luật tại cấp cơ sở (huyện, xã) của các tỉnh Bắc miền Trung nên Nhà trường có số lượng học sinh chính quy là người dân tộc thiểu số tương đối lớn (chiếm khoảng 75%). Hầu hết, các em trong số đó có hoàn cảnh khó khăn, đời sống còn lạc hậu và thiếu thốn nhiều mặt. Vì vậy, để giúp các em tiếp cận được với môi trường giáo dục hiện đại, ngoài việc tận tâm giúp đỡ các em trên giảng đường thì việc chăm lo đời sống cho các em là một nhiệm vụ thường xuyên của tất cả cán bộ, giáo viên trong toàn Trường. Có thể nói, tại Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, học sinh là con, em, còn thầy, cô giáo chính là bố, mẹ, anh, chị như trong một đại gia đình thực sự.
Việc tuyển sinh để đưa các em về học tập đã khó khăn nhưng việc chăm lo và duy trì học tập, sinh hoạt cho các em còn khó khăn gấp bội lần. Từ những trăn trở, lo lắng và sự sẻ chia sâu sắc với học sinh, Nhà trường đã phát huy tối đa nội lực và tìm cách huy động nguồn lực từ bên ngoài xã hội. Từ năm 2015 đến nay, nguồn quỹ hỗ trợ học sinh của Nhà trường đã được nhiều cá nhân, tổ chức đóng góp. Đây là sự động viên vô cùng lớn lao không chỉ đối với các em học sinh mà ngay cả với Nhà trường. Với sự giúp đỡ từ xã hội cộng với sự cố gắng của Nhà trường, trong đó, phải kể đến cả sự đóng góp của cán bộ, giáo viên, 100% học sinh nội trú được miễn chi phí chỗ ở, nhiều em học sinh được miễn phí tiền ăn hàng ngày, số còn lại chỉ phải đóng góp một khoản tiền nhỏ phù hợp với điều kiện của các em. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ may áo đồng phục; miễn phí tiền mượn sách, giáo trình; cấp học bổng nghèo vượt khó… Đến nay, với chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, những khó khăn của các em cũng như của Nhà trường đã được giải quyết phần nào. Điều đáng nói và đáng tự hào là Nhà trường đã có những quyết sách, chủ trương hỗ trợ các em học sinh ngay cả khi chính sách trên chưa được ban hành.
Thứ sáu, phát huy những thành quả đạt được, xây dựng định hướng chiến lược cho tương lai, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Có thể tự hào để khẳng định rằng, chặng đường 05 năm đã qua của Trường Trung cấp Luật Đồng Hới có muôn vàn những khó khăn, thách thức từ vấn đề đội ngũ con người, cơ sở vật chất và cả sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường đào tạo hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền các cấp các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình, cán bộ, giáo viên toàn Trường đã quyết tâm không ngừng, chấp nhận nhiều hy sinh, thiệt thòi, đoàn kết để từng bước đẩy lùi mọi khó khăn.
Hiện nay, Nhà trường cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là những vấn đề mang tính khách quan như sự chi phối của nền văn hóa hiếu học, tình trạng “sính” bằng cấp... Bên cạnh đó, những tồn tại mang tính chủ quan của Nhà trường vẫn chưa khắc phục được như: Chương trình đào tạo chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ cho công việc giảng dạy, đội ngũ giáo viên chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn còn hạn chế, các kỹ năng mềm chưa được trang bị đầy đủ...
Trong thời gian tới, Nhà trường phải tiến hành song song việc khắc phục những tồn tại và xây dựng kế hoạch, chiến lược, lộ trình phát triển đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Việc đào tạo của Nhà trường phải phù hợp và tuân thủ các chính sách, quy định về giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thực chất của thị trường lao động, đồng thời, cũng phải đảm bảo thích ứng với môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trước mắt, giải pháp mà Nhà trường đưa ra là xây dựng và triển khai kế hoạch “Kiềng ba chân”: (i) Nhà trường củng cố các điều kiện cần thiết để nâng cấp Trường lên Cao đẳng đào tạo nghề luật như: Thư ký văn phòng luật sư, công chứng, thừa phát lại; tư vấn pháp lý doanh nghiệp vừa và nhỏ...; (ii) Phối hợp với Học viện Tư pháp đặt cơ sở của Học viện tại khu vực miền Trung nhằm thu hút việc đào tạo các chức danh tư pháp ở khu vực này tập trung về Trường; (iii) Tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho nước bạn Lào theo hướng đào tạo nghề cụ thể.
Trong một tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng rằng, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới sẽ thực sự có những bước đi đúng hướng, vững chắc và trở thành cơ sở đào tào nghề luật có uy tín không chỉ ở khu vực miền Trung, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, đồng thời, phục vụ có hiệu quả cho công cuộc cải cách tư pháp theo đúng chủ trương của Đảng đã đề ra. Để làm được điều đó, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới sẽ nỗ lực hết mình và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các tỉnh khu vực miền Trung và sự ủng hộ của toàn xã hội.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Đồng Hới