Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Trong những ngày qua, trong khi toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội căng sức để chống dịch, đại đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh rất nhiều tấm gương sáng với những nghĩa cử cao đẹp đáng được biểu dương trong phòng, chống dịch bệnh thì vẫn còn những tổ chức, cá nhân có hành vi đáng lên án và cần phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Những hành vi đó có thể làm lây lan dịch bệnh hoặc nguy cơ cao dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng như hành vi từ chối cách ly, trốn cách ly, không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực, không chấp hành các quy định tại nơi cách ly, tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, không đeo khẩu trang nơi công cộng khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị (Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020) yêu cầu cách ly toàn xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng… Ngoài ra một số cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để có những hành vi trục lợi, bất chính như đầu cơ, tích trữ hàng hóa, thao túng thị trường, đẩy giá hàng hóa lên cao hay đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận... Những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chủ quan đến khách quan, tuy nhiên dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào cũng chứng tỏ rằng nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống bệnh truyền nhiễm là chưa đầy đủ, chưa cao dẫn đến sự chủ quan, không lường hết được những hậu quả do những hành vi vi phạm pháp luật của bản thân mình gây ra.
Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 là văn bản có hiệu lực cao nhất, là hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong những năm qua, công tác triển khai thi hành Luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chúng ta đã thực hiện tốt và có hiệu quả nhiều nội dung của Luật như: Đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đầu tư xây dựng các cơ sở y tế phòng, chống bệnh truyền nhiễm (y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh truyền nhiễm); đào tạo bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đảm bảo chế độ và kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực thi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm vẫn chưa đồng bộ, thiếu tính thường xuyên, toàn diện, một số nội dung của Luật còn bị xem nhẹ, chưa được quan tâm triển khai đúng mức, một trong những nội dung đó chính là giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong công tác phòng bệnh.
Chúng ta đều biết rằng, phòng chống bệnh truyền nhiễm không chỉ là trách nhiệm của Ngành Y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của toàn dân. Muốn người dân thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì đòi hỏi công tác giáo dục, truyền thông phải đi trước một bước. Nhiệm vụ của công tác giáo dục, truyền thông chính là giúp người dân am hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như kiến thức về bệnh truyền nhiễm (nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống, hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước) cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh. Thông qua công tác giáo dục, truyền thông sẽ làm thay đổi tư tưởng, nhận thức và hình thành ý thức phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong nhân dân, từ đó sẽ tạo ra được những hiệu ứng, hành động tích cực trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Hạn chế trong công tác giáo dục, truyền thông của chúng ta hiện nay là cách làm phong trào hay chỉ tập trung thực hiện vào những thời điểm nhất định, chẳng hạn như chúng ta chỉ thực hiện vào mùa dịch bệnh mà lại lơ là công tác này vào các thời điểm khác. Trong khí đó, muốn đạt được hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông nói chung và trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói riêng không phải chỉ một sớm, một chiều là cả một quá trình lâu dài, công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nội dung giáo dục, truyền thông phải đảm bảo tính toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Thông thường trong các nội dung giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện nay chúng ta chỉ mới tập trung vào kiến thức về dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh mà chưa quan tâm nhiều đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm như trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các hành vi bị nghiêm cấm và các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm...Về hình thức, phương pháp: Nhằm đảm bảo sự nhanh nhạy, sinh động, lôi cuốn, gây sự chú ý, thu hút sự quan tâm của người dân, chúng ta cần tăng cường giáo dục, truyền thông trên các loại hình báo chí như truyền hình, phát thanh; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, truyền thông bằng việc sử dụng internet, mạng xã hội, qua màn hình LED công cộng ngoài trời... Về phạm vi địa lý: Từ trước đến nay chúng ta hầu như mới chỉ tập trung giáo dục, truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế, để đạt được hiệu quả cao hơn chúng ta cần mở rộng phạm vi địa lý của giáo dục, truyền thông phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại những nơi đông người, nơi công cộng như chợ, siêu thị, bến xe, ga tàu, sân bay, trên các phương tiện giao thông công cộng...
Chính những hạn chế về nội dung, hình thức và phạm vi giáo dục, truyền thông là một trong những nguyên nhân gây ra những trở ngại, khó khăn cho chúng ta trong công tác phòng chống dịch bệnh, tạo ra sự thờ ơ, chủ quan của người dân trong phòng, chống dịch bệnh cũng như những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch bệnh.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngoài làm tốt công tác giáo dục, cơ quan truyền thông cũng cần quan tâm đến công tác xây dựng thể chế. Mặc dù chúng ta đã có Luật trong lĩnh vực này nhưng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã ban hành cách đây 13 năm. Xét về mặt cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho đến nay đã không còn phù hợp.
Vế mặt cơ sở pháp lý: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 luật hóa quy định tại Điều 61 Hiến pháp năm 1992 về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của công dân, đến nay, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 38 đã mở rộng chủ thể được hưởng quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là mọi người (bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam), mặt khác Hiến pháp năm 2013 còn quy định: Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản luật khác trong lĩnh vực y tế được ban hành trong khoảng thời gian sau như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2011, Luật Dược năm 2016…
Về mặt thực tiễn: Các điều kiện thực tiễn về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh quốc phòng của đất nước đã có nhiều chuyển biến, thay đổi lớn sau 13 năm. Việt Nam đã đạt được một tầm cao mới trên trường quốc tế về mọi mặt. Điều đó đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh cũng phải có sự thay đổi để thích ứng với nhu cầu của xã hội, đáp ứng với yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường trong thời gian qua cũng đã làm phát sinh nhiều loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm mới như Covid-19 buộc chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt thế chế pháp lý để đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Sức khỏe là vốn quý báu nhất của con người, được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Để đảm bảo thực hiện quyền này cần có sự quan tâm, nỗ lực từ hai phía: Nhà nước và nhân dân. Nhà nước ban hành thể chế, chính sách về y tế, Nhà nước đảm bảo các điều kiện về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo con người... Nhân dân phải cùng đóng góp, chung tay với Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe thông qua việc thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, có thái độ tích cực, ý thức tốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Có như vậy chúng ta mới có thể chiến thắng, đẩy lùi các loại dịch bệnh trong thời gian tới.
Sở Tư pháp Quảng Trị