Đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
Về phía các Ban, bộ, ngành Trung ương có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; đồng chí Đặng Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội; đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam và Hiệp hội công chứng Việt Nam.
Về phía các điểm cầu tại địa phương có đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình; đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn và các đồng chí thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương chủ trì các điểm cầu.
Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thủ trưởng các tổ chức Pháp chế, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo cấp Vụ, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp; Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổ chức bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 05 năm 2021-2025; cũng là năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động hết sức tiêu cực và kéo dài.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân đất nước ta đã vượt qua thử thách, đại dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực, quốc phòng an ninh được bảo đảm, cả nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh chung của đất nước, với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, đam mê công việc và tinh thần vượt khó, ngành Tư pháp đã nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là việc tham mưu những vấn đề vĩ mô, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật và tư pháp, nhận diện những tồn tại, hạn chế, vướng mắc pháp luật để đề xuất giải pháp, xử lý những vấn đề phát sinh trước tác động của đại dịch Covid-19 đến trực tiếp quản lý, tổ chức thi hành những phần việc vi mô cụ thể, như: công chứng, đăng ký giao dịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý… nhờ đó chỉ số cải thiện các quy định pháp luật của Việt Nam năm 2021 được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh gia tăng 6 bậc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế với nhiều nguyên nhân về chủ quan và khách quan.
|