Abstract: Digital transformation is an urgent need in building and improving the management method of the State. Blockchain is the optimal technology, promising to make a big change in the digitalization work. This article approaches blockchain application research into intellectual property rights protection, focusing on copyright and makes recommendations to improve related laws.
1. Tổng quan về công nghệ blockchain
Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Đây là một nền tảng phi tập trung được vận hành bởi các nút (nodes)[1] giúp việc lưu trữ, giao dịch của người dùng trên blockchain diễn ra một cách độc lập, không đòi hỏi cần có bên trung gian, bất kỳ thay đổi nào cũng cần tới sự đồng thuận của các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin. Nhờ hệ thống dữ liệu phân tán và cơ chế đồng thuận giúp tăng tính bảo mật dữ liệu, thông tin về các chuỗi blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối.
Công nghệ blockchain được xây dựng bởi một số thuật toán như: Bằng chứng công việc (Proof of Work - PoW), bằng chứng cổ phần (Proof of Stake -PoS). Đây là một mô hình có tính bảo mật cao, cho phép các nút hay bất kỳ người dùng mạng blockchain có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, bất kỳ ai cũng có thể theo dõi được đường đi của các giao dịch và thống kê toàn bộ lịch sử giao dịch trên địa chỉ đó thông qua tính minh bạch.
Dựa trên những đặc tính của công nghệ blockchain, có thể phân blockchain thành các nhóm như sau:
Nhóm 1: Public blockchain. Ở loại hình blockchain này, mọi người tham gia đều có quyền như nhau, đều có thể đọc, ghi và không một ai có thể chiếm quyền điều khiển hệ thống hay thay đổi dữ liệu một khi chúng đã được chứng thực hợp lệ. Hiện nay, có rất nhiều public blockchain, nổi bật nhất là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH).
Nhóm 2: Private blockchain. Đây là một hình thức thể hiện khác của blockchain. Khác với public blockchain, private blockchain có thể kiểm soát những ai được quyền tham gia vào vận hành hệ thống của mình[2] với vai trò là nút chính. Private blockchain cũng có cơ chế đồng thuận khác biệt. Đây là mô hình phù hợp cho một nhóm các công ty hay tổ chức.
Nhóm 3: Hybrid blockchain. Đây là sự kết hợp của private blockchain và public blockchain. Với hệ thống này, người dùng có thể kiểm soát người nào có quyền truy cập vào dữ liệu nào trong blockchain, vừa công khai một số dữ liệu, vừa giữ những thông tin khác được bảo mật trong hệ thống tư. Một giao dịch trong mạng lưới tư của hybrid blockchain có thể được xác thực bên trong mạng lưới, đồng thời cũng có thể đưa thông tin này ra hệ thống công để xác thực.
2. Ứng dụng công nghệ blockchain trong bảo hộ quyền tác giả
Tính ưu việt của công nghệ blockchain được thể hiện chi tiết khi ứng dụng vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền tác giả một cách an toàn, dễ dàng và tiện ích như: Xác lập quyền tác giả; khai thác, thực hiện quyền tác giả; bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm tác phẩm.
2.1. Blockchain cung cấp căn cứ về việc xác lập quyền tác giả
Theo khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền tác giả được bảo hộ tự động ngay khi tác phẩm được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phụ thuộc vào bất kỳ một thủ tục pháp lý nào. Vì vậy, chủ sở hữu quyền tác giả thường chỉ coi giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là thứ yếu, chỉ có tác dụng trong trường hợp xảy ra tranh chấp, dẫn đến thực trạng không chủ động đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, trong trường hợp không đăng ký thì khi có tranh chấp, chủ sở hữu quyền tác giả thường mất nhiều thời gian để chuẩn bị chứng cứ, tài liệu liên quan chứng minh tác phẩm là do mình sáng tạo hoặc thuộc sở hữu của mình. Ngoài ra, cơ chế đăng ký quyền tác giả tại cơ quan có thẩm quyền hiện nay vẫn còn hạn chế như không có phương tiện thích hợp để các tác giả lập danh mục tác phẩm của họ.
Blockchain có thể được ứng dụng để việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trở nên tiện lợi hơn cho các tác giả. Hệ thống công nghệ cho phép tác giả đăng ký quyền tác giả trực tuyến sẽ dễ dàng lưu trữ các thông tin liên quan đến tên tác phẩm, tên/bút danh,... và được mã hóa một chiều thành một chuỗi ký tự riêng biệt, liên kết với mốc thời gian mà người dùng gửi tài liệu lên hệ thống. Bằng cách lưu trữ các chuỗi ký tự, giúp người nộp đơn cất giữ tài liệu trên hệ thống, từ đó, các tác giả có thể dễ dàng thiết lập danh mục tác phẩm của họ.
2.2. Khai thác, thực hiện quyền tác giả
Do nhu cầu chuyển giao và tìm kiếm lợi nhuận từ các quyền tài sản ngày càng tăng lên, các giao dịch khai thác quyền tác giả tại Việt Nam cũng tăng cao. Việc khai thác, sử dụng quyền tác giả một cách có hiệu quả đang được xã hội và cộng đồng hết sức quan tâm. Công nghệ blockchain có thể giúp việc khai thác, thực hiện quyền của tác giả được trọn vẹn hơn và đồng thời cũng hướng đến bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Thứ nhất, blockchain giúp tác giả thực hiện khai thác thương mại đối với tác phẩm. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể kinh doanh tác phẩm trên nền tảng số thông qua cơ chế ngang hàng của blockchain, cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần tới bên thứ ba. Tác giả có thể tự do đăng tải bản sao tác phẩm lên blockchain mà không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào để bán hoặc trao đổi tác phẩm. Việc này cho phép tác giả thu lợi trực tiếp từ thành quả lao động, bảo đảm tác giả có toàn quyền với tác phẩm của mình.
Thứ hai, blockchain giúp giảm thiểu gánh nặng của hoạt động chuyển giao quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể dễ dàng chuyển quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền tác giả trên blockchain thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) - chương trình máy tính thiết kế trên nền tảng công nghệ blockchain để tự động thực thi một phần hoặc toàn bộ các điều khoản được mã hóa từ hợp đồng gốc. Hiện nay, vẫn còn nhiều quan điểm xoay quanh việc công nhận tính pháp lý của hợp đồng thông minh nhưng trên thực tế, chúng vẫn được ứng dụng rộng rãi vào các giao dịch.
Tác giả có thể thỏa thuận chuyển giao quyền tác giả thông qua các hợp đồng mẫu có sẵn trên hệ thống, hoặc tự soạn thảo cho mình một bản hợp đồng riêng[3]. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể điều chỉnh mức giá và các điều khoản khác liên quan tới tác phẩm một cách linh hoạt tùy vào mục đích chuyển giao quyền sử dụng hay chuyển nhượng quyền tác giả.
Việc phân chia lợi nhuận giữa các đồng tác giả cũng trở nên dễ dàng hơn. Khi thiết kế hợp đồng thông minh, họ có thể thỏa thuận sẵn về phần trăm, số tiền mà mỗi người được hưởng tương ứng với công sức mà mình đã đóng góp vào tác phẩm. Khi giao dịch diễn ra thì số tiền thanh toán sẽ được tự động phân phối cho các tác giả theo điều khoản thỏa thuận mà không cần thêm một bước nào khác, bảo đảm quyền lợi trực tiếp cho các đồng tác giả.
Tác giả còn có thể được hưởng lợi từ việc chuyển quyền sử dụng. Hai bên có thể thỏa thuận về phần trăm lợi nhuận mà tác giả có thể được hưởng khi bên nhận chuyển nhượng thực hiện các quyền tài sản nhằm mục đích sinh lời. Tương tự như việc phân chia lợi nhuận giữa các đồng tác giả, tác giả, chủ sở hữu sẽ nhận được số tiền tương ứng với số phần trăm lợi nhuận đã thỏa thuận qua hợp đồng thông minh.
2.3. Bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm
Hiện nay, vấn nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng đang diễn ra phổ biến, gây tổn hại tới quyền và lợi ích của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Công nghệ blockchain được kỳ vọng sẽ giúp quyền tác giả được bảo vệ tốt hơn, chống lại các hành vi xâm phạm.
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ blockchain vào ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Blockchain giúp các chủ sở hữu quyền tác giả bảo mật nội dung tác phẩm hiệu quả hơn thông qua cơ chế hàm băm (hash function)[4]. Hàm băm được sử dụng như một dấu vân tay, loại bỏ sự trùng lặp giữa các tác phẩm và liên kết với mốc thời gian mà người dùng gửi tài liệu lên hệ thống. Công nghệ này vừa giúp người dùng không bị lộ nội dung khi tải tài liệu lên hệ thống vừa công khai quyền sở hữu và xác minh được tính toàn vẹn của tài liệu gốc.
Khả năng tác phẩm bị thay đổi hay can thiệp vào nội dung tác phẩm gần như là không thể. Tác phẩm một khi được đăng tải lên hệ thống sẽ được lưu trữ ở nhiều nút khác nhau. Nếu như muốn thay đổi hay can thiệp vào nội dung của tác phẩm thì sẽ phải thay đổi tất cả các bản sao trên các nút chứ không chỉ cần thay đổi một bản duy nhất thuộc hệ thống máy chủ như các nền tảng lưu trữ hiện nay.
Thứ hai, các thông tin trên hệ thống blockchain đóng vai trò như bằng chứng xác thực quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra. Blockchain ghi lại thông tin về thời gian tác giả đăng tải tác phẩm lên hệ thống thông qua mốc thời gian. Bất cứ ai cũng có thể đọc được thông tin rằng một sự kiện như việc đăng tải tác phẩm, hay giao dịch như chuyển giao quyền tác giả diễn ra vào ngày, giờ nhất định và những thông tin này là không thể bị xâm phạm. Khi có tranh chấp xảy ra, chủ sở hữu quyền tác giả có thể dễ dàng sử dụng các giao dịch lưu trữ trên blockchain làm bằng chứng cho quyền sở hữu của mình đối với loại quyền tranh chấp.
Thông thường, một bản sao sau khi đã đến tay người dùng thì rất khó kiểm soát các hành vi tiếp theo nhưng khi sử dụng blockchain, bất kỳ thay đổi nào liên quan tới tác phẩm đều được hệ thống lưu lại, giúp người dùng có thể biết chính xác ai là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và ngăn chặn các hành vi thu lợi bất chính từ việc mạo danh tác giả.
Tóm lại, quyền tác giả sẽ được bảo vệ thông qua các cơ chế minh bạch, chống lại sự thay đổi của blockchain. Hệ thống sẽ giúp xác nhận tác giả ngay khi sản phẩm được đưa lên, trao quyền quyết định cho họ khi sản phẩm được sử dụng và bảo vệ toàn vẹn các quyền khi có phát hiện xâm phạm. Các bên thứ ba có thể sử dụng blockchain để xem chuỗi quyền tác giả hoàn chỉnh của một tác phẩm.
3. Một số đề xuất
Qua phân tích có thể nhận thấy những mặt tích cực mà công nghệ blockchain đem lại cho việc bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, công nghệ phát triển cũng đặt ra các vấn đề mới và những khó khăn, thách thức về nhiều mặt.
Về mặt pháp lý, hiện các ứng dụng của blockchain chưa có luật điều chỉnh, chưa có công nhận sự tồn tại hợp pháp của blockchain nên các doanh nghiệp blockchain phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực... đều ở Việt Nam[5]. Hay trường hợp của của AvatarArt, để bảo đảm quyền lợi cho người mua, người bán bắt buộc phải mang tác phẩm thực tế đến trung tâm lưu ký để lưu trữ sau khi tạo ra phiên bản NFT bán cho người mua. Tuy nhiên, do tại Việt Nam chưa có khung pháp lý cho lĩnh vực này, AvatarArt đang gặp khó trong việc tổ chức trung tâm lưu ký như vậy[6].
Ngoài ra, chi phí trung bình để viết một ứng dụng công nghệ blockchain thường dao động từ 15.000 - 60.000 USD, cao gấp 5 - 10 lần so với một ứng dụng truyền thống. Cộng đồng cũng là một hạn chế bởi nhiều người chưa thực sự hiểu và chưa “đón nhận” loại hình công nghệ mới này, vì sự nhầm lẫn giữa blockchain và Bitcoin hay do có những kẻ xấu lợi dụng blockchain lừa người dùng để huy động vốn trái phép, thậm chí lừa đảo các nhà đầu tư[7].
Đứng trước các thách thức như vậy, đặc biệt là thách thức về mặt pháp lý thì việc sớm có các quy định điều chỉnh là điều hết sức cần thiết. Sau đây, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể như sau:
Một là, xác định bản chất pháp lý của các hoạt động sử dụng công nghệ blockchain trong bảo hộ quyền tác giả: Bản chất của việc ứng dụng được xác định theo hai mục đích là lưu trữ tác phẩm và làm nền tảng kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật.
Đối với chức năng thứ nhất, blockchain đóng vai trò vận hành trang website cho phép chủ sở hữu quyền tác giả lưu trữ tác phẩm trực tuyến nên nền tảng giống như một dịch vụ trung gian cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số, một loại hình cung cấp dịch vụ trung gian trên internet theo Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng internet và mạng viễn thông và Điều 18 Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Blockchain vận hành nền tảng tạo điều kiện cho việc phổ biến các nội dung giữa người dùng internet[8]. Tuy nhiên, pháp luật mới chỉ điều chỉnh các nền tảng tập trung với sự vận hành của một máy chủ chính chứ chưa đặt ra các tình huống khi tồn tại nhiều máy chủ thì trách nhiệm sẽ như thế nào. Bởi vậy, cần bổ sung khái niệm công nghệ phi tập trung, đồng thời bổ sung trách nhiệm của những cá nhân vận hành máy chủ trong trường hợp xảy ra vi phạm.
Đối với chức năng thứ hai, blockchain sẽ không chỉ là nơi lưu trữ, dịch vụ trung gian mà đã trở thành nơi để chủ sở hữu quyền tác giả có thể kinh doanh tác phẩm, thực hiện các hoạt động như trưng bày, giới thiệu tác phẩm; tạo lập chuyên mục mua bán để thực hiện các hoạt động khuyến mại, đấu giá trực tuyến tác phẩm. Các giao dịch trao đổi tác phẩm thực sự diễn ra trong thực tế nên lúc này nền tảng sử dụng blockchain mang bản chất của một sàn giao dịch điện tử. Bởi vậy, nhóm tác giả kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của những người vận hành website[9] cùng với chủ sở hữu website thương mại điện tử.
Hai là, xác định bản chất pháp lý của NFTs: Một ứng dụng khá phổ biến của blockchain trong bảo hộ và đặc biệt, việc kinh doanh tác phẩm trên blockchain là bán quyền sở hữu tác phẩm, hay các NFTs nhờ việc token hóa tài sản trí tuệ như nền tảng Maecenas cho phép người dùng mua, bán, trao đổi các tác phẩm hội họa[10]. Hiện nay, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hay các văn bản pháp luật khác đều chưa có quy định ghi nhận tính hợp pháp của NFTs hay công nhận NFTs là một loại tài sản.
Theo nhóm tác giả, với khái niệm là mã định danh được gắn cho tác phẩm, thì NFTs nên được công nhận là một loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tác phẩm hợp pháp nhờ đặc tính không thể bị thay thế và dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giúp người khác dễ dàng nắm bắt tình trạng tác phẩm. Pháp luật có thể cho phép các bên trung gian uy tín như Cục Sở hữu trí tuệ, các tổ chức trung gian được ủy quyền quản lý quyền tác giả có quyền công nhận tính hợp pháp của NFTs. Một mô hình đã tồn tại trên thực tế và đáng học hỏi là dịch vụ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) - WIPO PROOF[11].
Ba là, xác định trách nhiệm pháp lý của các nhà khởi tạo và vận hành blockchain: Pháp luật Việt Nam cần bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trung gian cung cấp dịch vụ, bao gồm các nhà khởi tạo và người vận hành blockchain. Trong đó, có hai nội dung quan trọng nhất cần được đề cập tới, đó là nghĩa vụ xác minh danh tính người dùng và trách nhiệm của họ khi có xảy ra vi phạm. Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm xảy ra, nhóm tác giả kiến nghị cho phép các nhà khởi tạo blockchain có quyền xác thực danh tính, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, số căn cước công dân/ số hộ chiếu,...) và đồng thời yêu cầu nhà khởi tạo có trách nhiệm bảo toàn thông tin, không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác.
Khi xảy ra tình trạng xâm phạm quyền tác giả trên hệ thống, các cá nhân vận hành sẽ phải chịu trách nhiệm tương đương với các trung gian khi có vi phạm xảy ra như kịp thời gỡ bỏ, tạm ẩn và liên đới bồi thường thiệt hại khi tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, nhóm tác giả xin được đề xuất một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong thực tiễn như sau:
Thứ nhất, Việt Nam có thể nghiên cứu những ứng dụng trên thế giới như Design View và TMView[12] dành cho việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu hoặc ứng dụng Asean TMView[13]. Thí điểm cải tiến các quy trình công nghệ, quan sát tính hiệu quả để từ đó đưa ra các quy định pháp lý, cơ chế, chính sách để có thể thúc đẩy phát triển ứng dụng cho blockchain, ví dụ như mô hình sandbox đang được áp dụng tại nhiều quốc gia.
Thứ hai, lựa chọn sử dụng hybrid blockchain để tận dụng các tính năng nổi bật của private blockchain bằng cách sử dụng hợp đồng thông minh, hiệu suất cao và khả năng kiểm toán hoàn chỉnh, đồng thời chứng minh các giao dịch trên public blockchain để tăng tính minh bạch và khả năng xác minh. Ngoài ra, không phải tất cả các giao dịch xảy ra trên private blockchain đều cần phải được ghi lại trên blockchain công khai; các thông tin cá nhân cũng không bị duy trì công khai.
Thứ ba, nâng cao trình độ cho đội ngũ chuyên gia kỹ thuật công nghệ cao, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm và học hỏi kinh nghiệm, mô hình bảo hộ quyền tác giả thông qua hệ thống blockchain của các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc… Đồng thời, cần có sự phối hợp kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả, các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết các kiến thức về blockchain, pháp luật về quyền tác giả và các quy định bổ sung cho phát triển vấn đề này tới người dân, đặc biệt là sự tham gia đông đảo của giới trẻ bởi hiện nay, Việt Nam là nước có chỉ số chấp nhận tiền điện tử, blockchain cao nhất thế giới. Điều này cho thấy, người Việt rất “nhạy” công nghệ mới, tạo nên lợi thế lớn trong việc thúc đẩy xu hướng mới ở Việt Nam[14].
Bài viết đã nghiên cứu những ứng dụng của công nghệ blockchain vào việc bảo hộ quyền tác giả cũng như phân tích, đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Qua đó thấy được công nghệ blockchain dù ra đời với mục đích phục vụ cho các hoạt động tài chính nhưng đến nay đã chứng minh được tính ứng dụng xa hơn xuất phát điểm ban đầu rất nhiều. Tuy nhiên, những mặt trái, rào cản cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn nhằm phát huy tối đa mặt tích cực của công nghệ mà không gây ra tác động xấu tới quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. OECD, Blockchain Primer, p. 4, https://www.oecd.org/finance/OECD-Blockchain-Primer.pdf.
[2]. Public, Private, Permissioned Blockchains Compared.
https://www.investopedia.com/news/public-private-permissioned-blockchains-compared/, truy cập ngày 27/02/2022.
[3]. Alexander Savelyev, Copyright in the blockchain era: Promises and challenges, Elsevier Ltd, 2017.
[4]. Một hàm số toán học có nhiệm vụ tạo “dấu vân tay” cho thông tin từ thông tin gốc.
[5]. Cái khó của doanh nghiệp blockchain, https://doanhnhansaigon.vn/cong-nghe-moi/cai-kho-cua-doanh-nghiep-blockchain-1106289.html, truy cập ngày 01/3/2022.
[6]. Các nền tảng NFT của Việt Nam đang hoạt động thiếu khung pháp lý, https://vtv.vn/kinh-te/cac-nen-tang-nft-cua-viet-nam-dang-hoat-dong-thieu-khung-phap-ly-2021070305185261.htm, truy cập ngày 01/3/2022.
[7]. Cái khó của doanh nghiệp blockchain, https://doanhnhansaigon.vn/cong-nghe-moi/cai-kho-cua-doanh-nghiep-blockchain-1106289.html, truy cập ngày 01/3/2022.
[8]. Phạm Thị Mai Khanh, “Hậu TPP Việt Nam có cần điều chỉnh các quy định liên quan tới bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet?”, Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ, số 3/2018.
[9]. Là công nghệ phi tập trung mà tất cả các máy tính trong mạng lưới đều có chức năng như nhau nên các bên cũng cần phải chịu sự điều chỉnh khi có quyền vận hành hệ thống dù không phải chủ sở hữu website.
[10]. Maecenas, https://www.maecenas.co/whats-maecenas/, truy cập ngày 01/3/2022.
[11]. Dịch vụ cung cấp dấu vân tay kỹ thuật số có dấu ngày và giờ cho tệp bất kỳ, chứng minh sự tồn tại của tệp tại một thời điểm cụ thể. Dịch vụ mới này bổ sung cho các hệ thống sở hữu trí tuệ hiện có của WIPO.
[12]. DesignView https://www.tmdn.org/tmdsview-web/#/dsview, truy cập ngày 01/3/2022.
[13]. AseanTMView http://www.asean-tmview.org/tmview/welcome, truy cập ngày 01/3/2022.
[14]. Nguyễn Thành Trung, nhà sáng lập Axie Infinity chia sẻ trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Tech Summit 2022, do VnExpress tổ chức ngày 07/01.