Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của toà soạn hội tụ[1]. Trong bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực báo chí, nhất là đối với đội ngũ nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí.
1. Trí tuệ nhân tạo - “Bạn đồng hành” của báo chí hiện đại
Bước vào kỷ nguyên số, khi thói quen và hành vi người dùng đã có rất nhiều thay đổi, thì mối quan hệ giữa báo chí và công nghệ lại cần thiết phải tương hỗ, gắn bó mật thiết hơn để kịp thời đưa ra những sản phẩm tin tức, nội dung thông tin chất lượng cao đến với người đọc trên các nền tảng kỹ thuật số. Theo đó, nghề báo và hoạt động tác nghiệp báo chí hiện đại cần giảm bớt công việc, các loại lao động, kỹ năng có tính đơn giản, lặp đi lặp lại mà máy móc có thể làm được để dồn sức cho những nhiệm vụ khó hơn, tạo ra được nhiều giá trị hơn.
Trí tuệ nhân tạo đang được sử dụng trong hoạt động báo chí ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Từ việc phát hiện tin nóng, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt bình luận, sản xuất video, cho đến viết tin, bài tự động đã có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo. Một số công nghệ trí tuệ nhân tạo nổi bật được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2023 như sản sinh ngôn ngữ tự nhiên (natural language generation), nhận dạng giọng nói (speech recognition), trợ lý ảo (virtual assistant), sinh trắc học (biometrics), học máy (machine learning), học sâu (deep learning), phần cứng tối ưu hóa cho trí tuệ nhân tạo…[2].
Trí tuệ nhân tạo là đòn bẩy cho sự phát triển của báo chí, đơn giản hóa hoạt động của nhà báo và mang lại cho các độc giả những trải nghiệm mới mẻ hơn. Thế mạnh của trí tuệ nhân tạo là xử lý dữ liệu lớn để cho ra các kết quả nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn. Ví dụ, khi phóng viên cần viết về một đề tài nào đó, trí tuệ nhân tạo có thể “quét” khắp các cơ sở dữ liệu để thu thập các dữ liệu có liên quan và thậm chí có thể gợi ý, đề xuất những hướng xử lý. Không chỉ nâng tầm cho khả năng của con người, trí tuệ nhân tạo còn giúp các nhà báo có thêm thời gian và trí tuệ để giải quyết các vấn đề chính yếu, không còn tốn thời gian cho những công việc sự vụ hay nhàm chán.
Sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin bài, các tòa soạn báo. Trong sản xuất nội dung, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các tính năng như: Nhập văn bản bằng giọng nói; chuyển văn bản thành giọng nói; phiên dịch nội dung; hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập (fact-checking); tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; trực quan hóa dữ liệu; phân tích hình ảnh và nhận dạng; tự động viết các nội dung, tạo tin bài từ dữ liệu có sẵn. Từ đó, trí tuệ nhân tạo đã giúp rút ngắn thao tác trong các hoạt động sản xuất ra sản phẩm báo chí, bảo đảm số lượng và chất lượng. Trí tuệ nhân tạo tập trung vào vấn đề tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại trong quá trình viết những tin bài theo cấu trúc chung. Mô hình tự động hóa này chủ yếu được dùng để tổng hợp thông tin tài chính, hay kết quả các trận đấu thể thao với số lượng lớn và cần thời gian nhanh. Khả năng tổng hợp tin tức với số lượng lớn của trí tuệ nhân tạo giúp phóng viên tiết kiệm thời gian và đưa tin bài nhanh hơn. Ngay cả quá trình rải băng ghi âm được thay bằng phần mềm chuyển đổi từ giọng nói thành văn bản.
Trí tuệ nhân tạo cung cấp công cụ giúp các nhà sản xuất nội dung và đơn vị xuất bản xác định tin giả, qua đó ngăn chặn tin giả tác động đến người đọc. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể phát hiện các bình luận giả do các chương trình phần mềm tự động tạo ra nhằm cố ý làm sai lệch sự thật. Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc sửa lỗi văn bản đang dần trở nên phổ biến và quan trọng hơn. Nếu như trước đây, tác giả phải dành thời gian để rà soát lại các lỗi chính tả, lỗi morat, thì ngày nay, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rất nhiều các phần mềm ứng dụng được sử dụng để chỉnh sửa các lỗi này một cách tự động. Bằng cách đó, nhà báo có thể dành nhiều thời gian trong việc đầu tư và trau chuốt về mặt nội dung. Điều này đặc biệt quan trọng với báo điện tử khi các bài báo cần được đăng tải một cách nhanh chóng. Việc triển khai thành công trí tuệ nhân tạo trong tòa soạn sẽ giải phóng các phóng viên khỏi những công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi nhiều công sức. Thay vì mất quá nhiều thời gian vào việc giải băng các bài phỏng vấn và miệt mài nghiền ngẫm các bộ dữ liệu, giờ đây phóng viên có thể tập trung làm những phần việc quan trọng hoặc bám những vấn đề mà trí tuệ nhân tạo gợi ý sau quá trình phân tích. Nó sẽ giúp cho các nhà báo làm tốt công việc của mình hơn và mang đến cho độc giả những tin tức mà họ muốn, theo cách thức cá nhân hơn và bao phủ được nhiều chủ đề hơn.
Trí tuệ nhân tạo thực hiện vai trò kết nối giữa báo mạng điện tử và độc giả. Nhờ vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, các trang báo mạng có thể tạo ra các robot hỗ trợ trả lời tự động (Bot) thông minh để cá nhân hóa và tự động hóa sự tương tác với khán giả. Một Bot có thể học ngôn ngữ của con người và trả lời các thắc mắc của độc giả. Người dùng có thể lựa chọn tin, nhập từ khóa nội dung mà họ muốn tìm kiếm hoặc ra lệnh bằng giọng nói[3].
Ngoài việc dùng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm phiên bản audio cho tất cả các bài đăng có văn bản đang khá phổ biến ở các tòa soạn báo chí có hai phiên bản trở lên, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã và đang kiểm tra tính thực tế, xác minh tính chính xác của thông tin đã công bố trước đó (thông cáo báo chí...) thông qua tính năng Fact check của Google, thậm chí, có thể tự mình xây dựng phần mềm phần mềm dựa trên mẫu trong thư viện trí tuệ nhân tạo như NLTK, Scikit-Learn…
Trí tuệ nhân tạo có thể là trợ lý ảo trong tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề. Với các phần mềm thực hiện chức năng quản lý và lưu trữ thông tin văn bản/số liệu/bảng tính (dữ liệu), trí tuệ nhân tạo có thể tích hợp tính năng gợi ý liên kết giữa các văn bản trong hệ thống thông qua các từ khóa được đặt khi lưu trữ dữ liệu, hoặc dựa vào các từ khóa có tần suất xuất hiện cao nhất trong văn bản[4].
Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò trong việc phân loại các chủ đề trên báo chí điện tử. Các dữ liệu về các bài báo được đăng tải sẽ được xử lý và phân loại thành các chủ đề khác. Điều này mang đến sự thuận tiện trong việc tìm kiếm các tin bài cho độc giả. Trí tuệ nhân tạo cũng đem lại trải nghiệm đọc báo bằng giọng nói cho bạn đọc. Thay vì cách đọc báo truyền thống, người đọc giờ đây có thể nghe đọc báo bằng trí tuệ nhân tạo trên các trang báo mạng điện tử, điều này giúp độc giả tiết kiệm thời gian đọc báo đồng thời có thể đọc báo trong lúc làm các công việc thường ngày như lái xe hay làm việc nhà.
2. Nhận diện những thách thức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí
Trí tuệ nhân tạo cùng với các công nghệ số mới là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, tuy nhiên cũng là một thách thức lớn đối với vấn đề quản trị nội dung trong tòa soạn. Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số. Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động… là những thách thức lớn hiện nay.
Nguy cơ dễ nhận thấy nhất nằm ở hoạt động xuất bản nội dung của trí tuệ nhân tạo. Trên thực tế, dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ của tin, bài thuộc về phóng viên hay trí tuệ nhân tạo thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung mà họ xuất bản. Trong đó, bao gồm cả các nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch do trí tuệ nhân tạo viết ra. Dù rằng, cho tới nay, nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo không “xuất bản” các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghệ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác sản xuất nội dung, một nguy cơ lớn khác đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo khởi tạo là việc “tình cờ” xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Các nhà báo không thể biết hình ảnh hay đoạn văn bản nào được sử dụng để “huấn luyện” trí tuệ nhân tạo, hoặc được đưa về để tạo ra nội dung theo yêu cầu. Các tòa soạn phải chấp nhận một thực tế rằng, những nội dung “có vẻ gốc” do trí tuệ nhân tạo tạo ra có thể chịu ảnh hưởng rất nhiều hoặc bị sao chép trực tiếp từ các nguồn của bên thứ ba mà không được phép. Cần lưu ý, điều khoản dịch vụ của các nền tảng trí tuệ nhân tạo không đưa ra bảo đảm rằng kết quả sẽ không vi phạm bản quyền và như vậy, các tòa soạn sẽ không có cơ sở pháp lý nào nếu bị tác giả kiện. Thời gian qua, tin giả được lan truyền rất nhiều trên không gian mạng, thậm chí, gần đây bắt đầu xuất hiện những thông tin giả do các đối tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra với tốc độ rất nhanh, sức thuyết phục rất cao, khiến nhiều người dùng vô tình trở thành nạn nhân tiếp tay lan truyền những thông tin này.
Trí tuệ nhân tạo cũng gây ra vấn đề đáng lo ngại liên quan đến quyền sở hữu đối với những sản phẩm, bài viết mà trí tuệ nhân tạo làm ra. Hiện nay, một số nước có quy định nếu người dùng chỉ nhập các câu lệnh mà không đóng góp nhiều công sức, thì quyền sở hữu sản phẩm thuộc về chủ sở hữu của hệ thống trí tuệ nhân tạo. Nếu người dùng đóng góp nhiều hơn, thì họ sẽ là đồng sở hữu của những sản phẩm như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là câu chuyện vẫn còn rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng đang “đe dọa” nguồn thu của báo chí, đây là vấn đề sống còn của báo chí hiện nay. Kinh tế báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Hiện nay, những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% lưu lượng truy cập (traffic) cho các cơ quan báo chí, trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15 - 20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lưu lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm là rõ ràng, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo[5].
Trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức. Nhà báo Paul Chadwick của The Guardian từng viết: “Những phần mềm có khả năng “tư duy” đang ngày càng trở nên hữu ích, nhưng chưa chắc nó đã thu thập hoặc xử lý thông tin một cách có đạo đức”. Sự minh bạch cũng là một điều bắt buộc trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Các phóng viên, nhà báo điều tra cần giải thích về cách thức họ sử dụng các thuật toán để tìm ra mẫu hoặc xử lý các chứng cứ cho một câu chuyện, nếu họ không muốn bị đánh đồng với những kẻ có dụng ý xấu, bí mật thu thập dữ liệu người dùng để sử dụng như một vũ khí thương mại hoặc chính trị. Hơn nữa, một nền báo chí nhân văn, lành mạnh cần bảo vệ những tiếng nói yếu thế và những vấn đề “hóc búa” ít được quan tâm để thu thập dữ liệu một cách có hệ thống. Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo đang hỗ trợ báo chí theo cách thức chưa từng thấy, mang lại những thách thức mới cũng như những cơ hội mới. Đương nhiên, nếu không có một quan điểm rõ ràng về báo chí, công nghệ này sẽ không giúp tạo ra một xã hội được thông tin đầy đủ. Nếu không xử lý được những vấn đề đạo đức, trí tuệ nhân tạo có thể khiến báo chí suy tàn. Nếu không vì mục tiêu cao đẹp là phụng sự độc giả và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, không có những quy trình minh bạch cộng với sự giám sát của công chúng, báo chí sẽ mất đi sự tin cậy của công chúng, dù chúng ta có sử dụng công nghệ hiện đại thế nào đi chăng nữa[6].
3. Một số vấn đề pháp lý đặt ra và đề xuất nâng cao hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí
3.1. Những vấn đề pháp lý đặt ra
Nhận thức rõ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những vấn đề pháp lý liên quan, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QÐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dụng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, Luật Báo chí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí, hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ chưa thể xử lý được các vấn đề phát sinh liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang ở trạng thái điều chỉnh các quan hệ xã hội truyền thống liên quan đến thể nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Không gian pháp lý dành cho các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ còn hạn hẹp. Do đó, nếu các vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo xuất hiện thì sự lúng túng trong việc điều chỉnh các vấn đề đó cũng bắt đầu. Điều này cho thấy, chúng ta đang có sự chậm trễ nhất định với xu hướng thế giới trong việc chuẩn bị những giải pháp cụ thể cho việc trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, bổ sung, xây dựng các quy định pháp lý điều chỉnh các vấn đề về sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí là hết sức cần thiết, phù hợp với bức tranh toàn cầu cũng như nhu cầu và thực tế phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam[7].
Ở Việt Nam, chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho trí tuệ nhân tạo hay những thực thể mang trí tuệ nhân tạo. Việc này có thể là một thách thức trong quá trình vận dụng pháp luật điều chỉnh. Pháp luật Việt Nam quy định chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức, do vậy sẽ là không thể nếu chúng ta xác định tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo cũng như những thực thể mang trí tuệ nhân tạo là những chủ thể trong pháp luật, có quyền như một con người. Do đó, khi xây dựng quy định pháp luật để điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể tiếp cận theo cách không cố gắng xác định tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo, mà tập trung định nghĩa trí tuệ nhân tạo và các vấn đề phát sinh. Còn đối với thực thể mang trí tuệ nhân tạo cần có quy định rõ việc xác định bản chất của những thực thể đó.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Nếu xem xét những thực thể mang trí tuệ nhân tạo là tài sản (tài sản trí tuệ và tài sản là vật hữu hình), thì theo khoản 3 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu phải bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, những quy định này chỉ có thể áp dụng được trong một vài trường hợp hoặc đối với những quan hệ đơn giản, ở những quan hệ phức tạp hơn thì rất khó điều chỉnh. Ví dụ, trong trường hợp trí tuệ nhân tạo bị lấy cắp, sau đó trí tuệ nhân tạo gây thiệt hại, hay xác định trách nhiệm ra sao khi chủ sở hữu và nhà sản xuất cùng có lỗi khi trí tuệ nhân tạo gây thiệt hại. Tất cả những trường hợp trên đều chưa có quy định cụ thể để áp dụng giải quyết khi phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Do đó, trong quá trình hội nhập quốc tế, việc bổ sung các phạm trù, quy định liên quan đến đạo đức và tư cách pháp nhân của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí, truyền thông và hoàn thiện hành lang pháp lý cho nền báo chí số là hết sức cần thiết. Theo đó, cần: (i) Bổ sung khái niệm về trí tuệ nhân tạo/các thực thể trí tuệ nhân tạo trong báo chí để giúp nhận định rõ ràng hơn về phạm vị và đối tượng ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến báo chí; (ii) Quy định rõ ràng về quyền sở hữu chủ thể trí tuệ nhân tạo của các cơ quan báo chí; (iii) Quy định những yêu cầu liên quan đến giấy tờ chứng minh quyền sở hữu chủ thể trí tuệ nhân tạo của các cơ quan báo chí; (iv) Bổ sung những quy định liên quan đến việc chịu trách nhiệm thiệt hại xuất phát từ hành động đánh cắp chủ thể trí tuệ nhân tạo từ các cơ quan báo chí sở hữu chúng. Theo đó, cần quy định rõ về việc chứng minh bằng chứng và điều tra đối tượng trộm cắp để bảo vệ đơn vị sở hữu khỏi những tình huống bị hãm hại bởi các cá nhân/đơn vị khác[8].
3.2. Nâng cao hiệu quả ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí trong thời gian tới
Để trí tuệ nhân tạo phục vụ có hiệu quả hoạt động báo chí trong thời gian tới, cần thực hiện một số nội dung sau:
- Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Nghiên cứu xây dựng và sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho nền báo chí số.
- Đối với các cơ quan báo chí: Cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tòa soạn. Cần chú ý là, không có kịch bản chung cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị sáng tạo nội dung báo chí. Với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin. Theo đó, các tòa soạn báo cần có những chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, từ đó tăng nhanh khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo; bảo đảm bảo mật thông tin, không chỉ là những nguy cơ bị xâm nhập an ninh mạng, mà luôn phải duy trì các yếu tố về an toàn thông tin; đào tạo nguồn nhân lực giỏi có thể làm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự mơ hồ, thiếu hiểu biết về vai trò của công nghệ, từ đó tạo động lực cho các nhà báo chủ động hơn trong việc đưa ra các sáng kiến mới. Để có những sản phẩm báo chí chất lượng cần có sự kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo với quy trình làm việc của tòa soạn trí tuệ nhân tạo.
- Đối với đội ngũ người làm báo: Muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục cho công việc của mình trong tương lai, cần chủ động, nhanh chóng cập nhật các công nghệ mới; phải hiểu điểm mạnh để tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo và hiểu cả những điểm nào trí tuệ nhân tạo không làm được để có thể tập trung đầu tư vào trong lĩnh vực đó.
4. Đôi điều suy ngẫm
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, thì đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong báo chí là thực sự cần thiết. Theo đó, các cơ quan báo chí nên có cái nhìn rộng hơn, đầu tư trí tuệ nhân tạo không phải đơn giản chỉ là có những công cụ để viết bài, mà còn để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ hành vi của người dùng để cá nhân hóa nội dung, đưa nội dung đến từng người đọc dựa vào sự nắm bắt về sở thích của họ. Cách thức lôi cuốn người dùng và đo đạc trên website hiện nay không còn dựa vào lưu lượng truy cập (traffic), mà đo đạc bằng “độ sâu” của người dùng, tức là thời gian người dùng lưu lại trên website (time on site). Có thể khẳng định rằng, con đường mà báo chí đang đi chắc chắn cần có sự đồng hành của công nghệ. Bởi lẽ, công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng sẽ hỗ trợ chúng ta làm được rất nhiều việc, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại tốn nhiều công sức.
Mặc dù, các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nó không thể thay thế lao động “sống” của nhà báo tại hiện trường. Chúng cũng không có “nhạy cảm chính trị”, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta[9].
Xin được mượn lời của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm thay cho lời kết: “Chúng ta thường dễ choáng ngợp với thế giới vô tận mà quên mất rằng thế giới bên trong của con người cũng sâu vô cùng. Thế giới này, đến nay, máy móc không can thiệp được, vì đó là cái đơn nhất, độc bản, không thể sao chép và trí tuệ nhân tạo không thể ngụy tạo. Chúng ta sử dụng công nghệ để hỗ trợ công việc nhưng không làm mất bản thể, không làm mất đi giá trị cốt lõi của báo chí”[10].
Bùi Huyền
Ảnh: internet
[1] PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung báo chí số, Tham luận tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” tổ chức ngày 18/3/2023 tại Hà Nội.
[2] https://vtc.vn/con-duong-bao-chi-dang-di-chac-chan-dong-hanh-voi-tri-tue-nhan-tao-ar749133.html.
[3] https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/344651/CVv307S62022034.pdf.
[4] PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung báo chí số, Tham luận tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn” tổ chức ngày 18/3/2023 tại Hà Nội.[5] https://vtc.vn/con-duong-bao-chi-dang-di-chac-chan-dong-hanh-voi-tri-tue-nhan-tao-ar749133.html, truy cập ngày 20/3/2023.
[6] Lê Quốc Minh, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí: Chờ đợi hay hành động?, Tham luận tại Hội nghị báo chí toàn quốc 2018, ngày 28/12/2018, xem tại https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-bao-chi-cho-doi-hay-hanh-dong-6572.
[7] https://nhandan.vn/su-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-bao-chi-thuc-tien-va-cac-van-de-phap-ly-post700920.html, truy cập ngày 20/3/2023.
[8] https://nhandan.vn/su-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-hoat-dong-bao-chi-thuc-tien-va-cac-van-de-phap-ly-post700920.html, truy cập ngày 20/3/2023.
[9] PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung báo chí số, Tham luận tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn” tổ chức ngày 18/3/2023 tại Hà Nội.
[10] Phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm tại Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 18/3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023.