Tóm tắt: Bài viết phân tích những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này.
Ưu đãi thuế được hiểu là hình thức ưu đãi mà một quốc gia, một vùng lãnh thổ dành những điều kiện, những quyền lợi đặc biệt về thuế cho các tổ chức và cá nhân nộp thuế khi đáp ứng được những điều kiện nhất định của chính sách ưu đãi[1]. Có thể thấy, điểm chung nhất của ưu đãi thuế là tạo ra một lợi thế so sánh về lợi ích cho đối tượng nộp thuế khi đáp ứng được những yêu cầu nhất định so với những đối tượng khác cùng tham gia vào các hoạt động đầu tư kinh doanh. Cũng như những quốc gia khác trên thế giới trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư, mục tiêu áp dụng chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam là nhằm khuyến khích các hoạt động đầu tư theo định hướng “ưu tiên” của Nhà nước. Trải qua hơn ba thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới, cùng với các biện pháp kinh tế khác, chính sách ưu đãi thuế, trong đó có ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước[2]. Mặc dù vậy, các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thời gian qua còn tồn tại những hạn chế làm phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Từ đó đặt ra yêu cầu các nhà lập pháp cần phải tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh những quy định này cho phù hợp với bối cảnh mới.
1. Những bất cập của quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp
Thứ nhất, quy định chưa thống nhất trong việc xác định phạm vi áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo quy định tại Điều 15 và điểm e khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư năm 2014, dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề nông nghiệp tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) được áp dụng các hình thức ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu; tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án đầu tư nông nghiệp đã không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định trên. Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do việc xác định đối tượng ưu đãi đầu tư nông nghiệp giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 chưa thống nhất. Cụ thể, khi đối chiếu quy định tại điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 15 của Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC ngày 26/5/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 nhận thấy nhiều ngành, nghề nông nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư với hình thức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng căn cứ vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 thì không được ưu đãi. Mặc dù việc áp dụng từng hình thức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhưng với cách quy định của hai văn bản trên dẫn đến sự chưa thống nhất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và gây khó khăn cho cơ quan thẩm quyền khi áp dụng luật.
Thứ hai, quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
So với các quy định trước đây, quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành[3] đã được hướng dẫn khá chi tiết nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo việc áp dụng ưu đãi được hiệu quả, công khai và phát huy tốt vai trò của chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh những điểm tiến bộ so với quy định trước đây, quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn tồn tại những hạn chế sau:
- Vướng mắc trong quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư tại khoản 4 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 của Văn phòng Quốc hội hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH). Nhằm hướng dẫn cụ thể quy định đối với điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC ngày 14/9/2015 hợp nhất các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC) quy định chi tiết một số điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như: “Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì các khoản thu nhập từ lĩnh vực ưu đãi đầu tư và các khoản thu nhập như thanh lý phế liệu, phế phẩm của sản phẩm thuộc lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, chênh lệch tỷ giá liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của lĩnh vực được ưu đãi, lãi tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”[4]. Quy định này thể hiện rõ thiện chí trong cam kết về ưu đãi mà Nhà nước dành cho nhà đầu tư nhưng trên thực tế việc xác định “các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác” chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Văn Phụng cho rằng: Nếu dùng cụm từ “các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác” sẽ gây khó khăn trong việc xác định các khoản thu nhập được miễn thuế[5]. Mặc dù, tác giả đồng tình với quan điểm quy định theo hướng mở rộng này nhằm tăng phạm vi áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nông nghiệp. Tuy nhiên, như thế nào là “khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác” và cách thức xác định tính có liên quan trực tiếp thì chưa có quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Vướng mắc trong quy định về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư mở rộng tại khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC. So với quy định trước đây, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cả dự án đầu tư mở rộng[6]. Đây là một quy định mới được bổ sung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy định về điều kiện xác định dự án đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp còn tồn tại bất cập và vướng mắc trong quá trình thực thi. Cụ thể, tại khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC quy định chỉ những dự án đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC mới thuộc diện hưởng ưu đãi là dự án đầu tư mở rộng. Như vậy, với cách xác định “dự án đầu tư mở rộng” theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh hai vấn đề: (i) Phạm vi xác định dự án nào là dự án đầu tư mở rộng bị thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư năm 2014, (ii) Cách hiểu về khái niệm dự án đầu tư mở rộng giữa quy định của Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa thống nhất. Đồng thời, tiêu chí xác định “lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” và “địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” được nêu tại điểm a khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC còn tồn tại hai vấn đề vướng mắc: (i) Việc xác định “lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” của dự án đầu tư mở rộng theo quy định vừa nêu chưa cụ thể, rõ ràng trong quá trình áp dụng luật. Nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 không quy định cụ thể danh mục các ngành, nghề hay lĩnh vực ưu đãi đầu tư; (ii) Quy định “địa bàn được ưu đãi thuế TNDN” tại điểm a khoản 6 Điều 18 của Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC được xác định dựa theo danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC ngày 26/5/2015 của Bộ Tài chính hợp nhất Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC) như hiện nay là chưa hợp lý và chưa thống nhất. Bởi lẽ, Luật Đầu tư năm 2014 là văn bản quy phạm pháp luật nền tảng và quy định chung về các hình thức ưu đãi đầu tư nhưng khi áp dụng lại không căn cứ vào quy định này. Mặt khác, danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn chồng chéo dẫn đến chưa thống nhất với danh mục được quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Thứ ba, hạn chế trong quy định về phạm vi các thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ có thu nhập của một số ngành, nghề nông nghiệp được liệt kê tại Điều 4 của Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH và thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mới thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, tiêu chí xác định thu nhập của doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phải thỏa mãn cả điều kiện về tiêu chí ngành, nghề đầu tư và địa bàn đầu tư. Đồng thời các khoản thu nhập này còn phải đáp ứng điều kiện “về tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm từ 30% trở lên và sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”[7]. Như vậy, trên thực tế nhà đầu tư nông nghiệp muốn được ưu đãi theo quy định này là rất khó vì phải đáp ứng khá nhiều điều kiện và phải xuất trình các giấy tờ chứng minh. Từ vấn đề được phân tích có thể nhận thấy, quy định này chưa thật sự phù hợp với tinh thần chung của chính sách thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Thứ tư, hạn chế của quy định trong việc áp dụng chung những ưu đãi các ngành, nghề của lĩnh vực đầu tư khác cho lĩnh vực đầu tư nông nghiệp và mức thuế suất phổ thông làm căn cứ ưu đãi giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam còn tương đối cao
Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã đặt ra yêu cầu mới trong chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả của chính sách này đối với việc thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, nhiều nhà nghiên cứu cơ bản đã chỉ ra hai vấn đề còn tồn tại đó là:
- Theo TS. Đặng Kim Sơn: Các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chỉ phù hợp với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực khác mà chưa thực sự phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bởi lẽ, đặc điểm của ngành nông nghiệp là thời gian đầu tư ban đầu cao, chậm thu hồi vốn và hiệu suất sinh lời thấp. Do đó, nếu áp dụng những ưu đãi này cho lĩnh vực nông nghiệp thì chưa tạo được điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI[8].
- Việt Nam tuy đã có những bước thay đổi, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 20% (từ ngày 01/01/2016) tương đương với mức trung bình hiện nay của các quốc gia châu Á. Nhưng nếu so với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ - nơi mà có nhiều doanh nghiệp FDI đến đầu tư như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Ma-cao, Thái Lan thì với mức thuế suất của Việt Nam như hiện nay là tương đối cao[9]. Điều này có thể tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài, thông qua cơ chế chuyển giá[10],[11]. Điều này gây nên những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế chuyển giá đến nền kinh tế quốc gia cũng như nguồn thu ngân sách nhà nước.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp
Thứ nhất, trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn phạm vi áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần quy định thống nhất với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 trong phạm vi xác định dự án nào là dự án đầu tư thuộc ngành, nghề nông nghiệp để được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ hai, cần thống nhất quy định về cách hiểu cũng như tiêu chí để xác định dự án đầu tư mở rộng. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định dự án đầu tư mở rộng theo cách quy định của Luật Đầu tư năm 2014. Điều này vừa phù hợp với chính sách thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước ta, vừa hạn chế được tình trạng chồng lấn, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư trong thực tiễn áp dụng. Đối với quy định về tiêu chí xác định “lĩnh vực ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” và “địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp” của dự án đầu tư mở rộng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thống nhất với quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Thứ ba, các bộ, ngành chủ quản về đầu tư, mà trực tiếp là Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cách xác định “các khoản thu nhập có liên quan trực tiếp khác” tại điểm a khoản 4 Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Đối với chủ thể quản lý, điều này tạo điều kiện cho việc áp dụng quy định pháp luật về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được minh bạch và đồng bộ, góp phần hiện thực hóa những cam kết của Nhà nước trong chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp.
Thứ tư, cần định hướng xây dựng hệ thống các quy định về ưu đãi đầu tư dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp sao cho vừa phù hợp với đặc thù riêng của lĩnh vực này nhưng vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế về đầu tư mà Việt Nam đã ký kết. Từ đó, góp phần hiện thực hóa các quy định của chính sách về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Mặt khác, trên cơ sở phân tích những điểm còn hạn chế của quy định về mức thuế suất phổ thông làm căn cứ ưu đãi giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và từ thực tế quản lý nhà nước về thuế hiện nay đặt ra yêu cầu Chính phủ nước ta nên giảm thêm mức thuế suất phổ thông của thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này vừa để tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài, giảm bớt “động cơ” chuyển giá của các doanh nghiệp FDI; đồng thời tăng thêm tính hấp dẫn trong chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư. Về vấn đề này, tuy có nhiều quan điểm lo ngại nếu hạ mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp[12]. Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu về chính sách tài chính của Việt Nam đều đồng quan điểm nên hạ mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo lộ trình như trước đây[13]. Cụ thể theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương thì mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp tối ưu là 18,5%[14]. Tác giả đồng quan điểm nên hạ mức thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn tới theo một lộ trình xác định trước vì những lý do sau: (i) Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 18,5% sẽ không gây tác động giảm thu ngân sách nhà nước đột ngột mà còn làm cho tổng số thu thuế tăng lên. Bởi việc giảm thuế sẽ làm giảm số thu thuế trong ngắn hạn nhưng làm tăng tích lũy, tăng đầu tư, giảm sự gian lận thuế, trốn thuế bằng nhiều hình thức[15],[16]; (ii) Giảm thuế là một biện pháp hạn chế động cơ chuyển giá; (iii) Việt Nam là quốc gia cần vốn cho đầu tư phát triển, việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường kinh doanh năng động, nhất là đối với việc thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp[17].
Trường Đại học Đồng Tháp
[1]. Lý Phương Duyên và Nguyễn Thị Thương Huyền, Ưu đãi thuế - Giải pháp tài chính hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghiên cứu lập pháp, số 13 (221), 2012, tr.77.
[2]. Trương Bá Tuấn, Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam: Những vấn đề đặt ra và định hướng cải cách, Kinh tế tài chính Việt Nam, số 01, tháng 2/2017, tr.57.
[3]. Điều 18 Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQP ngày 11/7/2013 của Văn phòng Quốc hội hợp nhất Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 18 Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC ngày 14/9/2015 của Bộ Tài chính hợp nhất các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
[4]. Điểm a khoản 4 Điều 18 Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BTC.
[5]. Nguyễn Văn Phụng, Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Một số vấn đề đặt ra, Tài chính, số 04/2013, tr.112.
[6]. Điều 18 Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-VPQH.
[7]. Khoản 1 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BTC.
[8]. Văn Lâm, Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp: Cần thay đổi cách làm chính sách, http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/r/m/ttsk/dtn/ttskdtn_chitiet?dDocName=MOF158581&dID=79489&_afrLoop=20494309225085489#!%40%40%3FdID%3D79489%26_afrLoop%3D20494309225085489%26dDocName%3DMOF158581%26_adf.ctrl-state%3D1czbr9s2nr_4 (ngày truy cập: 10/01/2019).
[9]. Nguyễn Thị Lan Hương, Chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Tài chính, kỳ 2, tháng 04/2016, tr.43-44.
[10]. Lê Xuân Trường, Chống chuyển giá ở Việt Nam - Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các điều kiện, Tài chính, số 04/2012.
[11]. Nguyễn Thị Lan, Quản lý chống chuyển giá: Kết quả bước đầu, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/trao-doi-binh-luan/quan-ly-chong-chuyen-gia-ket-qua-buoc-dau-81175.html (ngày truy cập: 10/12/2018).
[12]. Chính phủ, Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2013 và Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế năm 2014.
[13]. Nguyễn Văn Phụng, tlđd, Tài chính, số 04/2013, tr.113.
[14]. Nguyễn Thị Lan Hương, tlđd, Tài chính, kỳ 2, tháng 4/2016, tr.46.
[15]. Nguyễn Thị Lan Hương, tlđd, Tài chính, kỳ 2 tháng 4/2016, tr.46.
[16]. Nguyễn Văn Phụng, tlđd, Tài chính, số 04/2013, tr.112-113.
[17]. Nguyễn Văn Phụng, tlđd, Tài chính, số 04/2013, tr.114.