Tóm tắt: Bài viết phân tích các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến vai trò bảo vệ quyền con người của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra.
Abstract: The paper analyzes existing legal provisions with regard to the protection of human rights of people's procuracy in applying measures of temporary custody, temporary detention in the investigation phase.
1. Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra
Việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra xử lý tội phạm, ngăn chặn nhanh chóng, làm rõ tội phạm, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, mặt khác, tạo ra những cơ sở, nền tảng vững chắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Lý giải cho vấn đề này bởi vì khi cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, có nghĩa là hạn chế rất nhiều quyền con người của bị can, bị cáo. Ví dụ, đối tượng là người chưa thành niên phạm tội, vốn dĩ là đối tượng dễ bị tổn thương trong hoạt động tố tụng, đồng thời, là nhóm đối tượng nguy cơ cao bị bức cung, mớm cung. Việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, không chỉ gây ra cho nhóm đối tượng này những chấn động về tâm lý, xáo trộn trạng thái thần kinh mà còn hạn chế rất nhiều quyền con người, quyền công dân cơ bản của người chưa thành niên phạm tội, như quyền được tôn trọng đời sống riêng tư, quyền được bảo vệ khỏi vũ lực và các hình thức lạm dụng của các cơ quan công quyền trong quá trình điều tra, quyền không bị ép buộc phải khai báo chống lại bản thân - quyền được im lặng... Hệ lụy này liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm cũng như xáo trộn cuộc sống, tâm lý của nhóm đối tượng này. Do đó, các hoạt động của Viện kiểm sát như kiểm sát chặt chẽ trường hợp, căn cứ, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục hủy bỏ, thay thế biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra hủy bỏ, thay thế các biện pháp tạm giữ, tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác; trực tiếp hủy bỏ, thay thế các biện pháp tạm giữ, tạm giam... có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo pháp chế pháp chế xã hội chủ nghĩa, cũng như thể hiện rõ vai trò bảo vệ quyền con người của Viện kiểm sát.
Mặt khác, có thể thấy rằng, quyền lực nhà nước ở một khía cạnh nào đó tạo ra một trật tự xã hội, quyền con người được đảm bảo. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quyền lực trong nhiều trường hợp sẽ bị biến tướng, là cơ hội cho sự lạm quyền, tùy tiện, quan liêu. Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, việc tồn tại sự lạm quyền, tùy tiện hay sự quan liêu trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng, hoạt động tố tụng, hoạt động kiểm sát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền con người của chủ thể bị áp dụng. Cụ thể, rất nhiều quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị bắt, bị can, bị cáo bị ảnh hưởng như quyền sống; quyền không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm; quyền được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng phẩm giá vốn có của con người; quyền không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình - quyền được im lặng; quyền không bị trì hoãn và tuân thủ thời hạn; quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện và một số quyền khác của người bị hại như quyền được xét xử công bằng, quyền bồi thường thiệt hại...
Pháp luật hiện hành quy định rõ về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động này tại Điều 22 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Cụ thể, trong quá trình kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân thông qua chức năng, nhiệm vụ sau đây để bảo vệ các quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, tạm giam:
Một là, quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam; phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật liên quan đến biện pháp tạm giữ, tạm giam. Những nội dung này được quy định rất rõ tại Điều 116, Điều 117, Điều 118 và Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Hai là, trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam. Quy định này đã khắc phục tính thụ động trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (khi nào cơ quan điều tra chuyển hồ sơ tạm giữ, tạm giam, thì lúc đó Viện kiểm sát mới kiểm sát hồ sơ và có quan điểm về việc giải quyết đó). Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát chủ động phối hợp, yêu cầu cơ quan điều tra, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại giam cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam; chủ động yêu cầu trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại giam thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam; chủ động tiến gặp người bị tạm giữ, tạm giam để xác minh, làm rõ chứng cứ của vụ án, tính xác thực của hồ sơ tạm giữ, tạm giam... Đây là hoạt động vừa trực tiếp bảo vệ quyền và lơi ích của người tạm giữ, tạm giam, đồng thời, là hoạt động mang tính gián tiếp làm hạn chế án oan sai.
Ba là, kiểm tra hồ sơ tạm giữ, tạm giam. Trong hoạt động này, kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát số người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam, gia hạn tạm giữ, số người chuyển tạm giam, số người được trả tự do, số người không phê chuẩn lệnh bắt bằng văn bản, kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam, quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề tạm giam, tạm giữ... nhằm mục đích phát hiện vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời, bảo vệ lợi ích chính đáng cho người bị tạm giữ, tạm giam.
Bốn là, yêu cầu trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam. Hoạt động này tạo ra cơ chế kiểm sát chặt chẽ giữa Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại giam với người bị tạm giữ, tạm giam. Thông qua cơ chế này, tạo ra tính nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe đối với hành vi vi phạm của trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam. Đồng thời, hoạt động này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, tạm giam. Bởi vì, nếu hoạt động của Viện kiểm sát không tạo ra tính nghiêm minh của pháp luật, quyền lực bị tha hóa trên thực tế dù nhỏ nhưng cũng rất dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích cơ bản của nhóm đối tượng này.
Năm là, gặp, hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam và người chấp hành án về việc giam, giữ, thi hành án hình sự; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Sáu là, quyết định trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam khi không có căn cứ và trái pháp luật. Trong trường hợp, Viện kiểm sát kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam hoặc gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng quyết định tạm giữ, tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định trả tự do cho nhóm đối tượng này. Trên cơ sở đó, các nguyên tắc tố tụng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bảo đảm trên thực tế, quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được tôn trọng và bảo vệ, mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Bảy là, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật. Thực tế đó chứng minh rằng, việc phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra nhằm đưa ra các kháng nghị, kiến nghị hoặc bãi bỏ quyết định vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động ngăn chặn sự lạm quyền, sai sót mang tính khách quan và chủ quan, giúp cho hoạt động xét xử đi đúng hướng, tránh được tình trạng án oan, gây tổn thương đối với bị can, bị cáo, đặc biệt là bị can, bị cáo là phụ nữ có thai, người chưa thành niên phạm tội.
Tám là, khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
Chín là, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.
2. Thực tiễn vai trò của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc bảo vệ quyền con người trong hoạt động áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam ở giai đoạn điều tra
Về thành tựu, Viện kiểm sát các cấp đã chủ động kiểm sát chặt chẽ hơn việc áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan điều tra, hoạt động tạm giữ, tạm giam của các trại giam, tiến hành các hoạt động điều tra, như: Trực tiếp lấy lời khai người bị bắt, tạm giữ tăng 171%; kiểm sát 100% vụ án hình sự trong suốt quá trình khởi tố, điều tra; số lượng yêu cầu điều tra tăng 3,5%; số vụ án trực tiếp điều tra tăng 35,6%, trực tiếp hỏi cung tăng 152,4%, tham gia hỏi cung tăng 45,1%... Kết quả, các trường hợp bắt, tạm giữ, đã xử lý hình sự đạt 97,3%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, vượt 9,9% chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% chỉ tiêu của Quốc hội; đặc biệt, số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 55,3%[1]. Về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn ăn cho phạm nhân, nhìn chung đã đủ định lượng, tiêu chuẩn và đảm bảo vệ sinh, đồng thời, cũng bảo đảm chế độ y tế, thăm gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân, cũng như công tác giáo dục pháp luật, tổ chức xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù để tạo ra các điều kiện, tiêu chuẩn giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời can thiệp giải quyết nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình thực thi pháp luật.
Về hạn chế, có thể nói, bất cứ hoạt động nào liên quan đến áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam là liên quan chặt chẽ đến các quyền và lợi ích cơ bản của con người. Nhưng nhiều địa phương vẫn còn tồn tại một số những sai sót về vi phạm tố tụng như tạm giam, tạm giữ quá thời hạn, vẫn còn tình trạng xem việc tạm giữ là một hình thức áp dụng thường xuyên để dễ dàng giải quyết vụ án, còn xảy ra một số trường hợp tạm giữ theo thủ tục hình sự nhưng sau đó lại xử lý hành chính.
Trại tạm giam hiện nay trong tình trạng quá tải, hư hỏng nặng, đặc biệt, rất nhiều nơi bị xuống cấp, không đủ điều kiện giam giữ, ví dụ: Tại Bắc Giang, các nhà tạm giữ, tạm giam bị xuống cấp nghiêm trọng. Chế độ sinh hoạt trong nhà tạm giữ, tạm giam còn nhiều hạn chế như: Có 06 trường hợp bị chết trong nhà tạm giữ, tạm giam; trong đó có 02 bị can tự sát, số còn lại do bị ốm đau, suy kiệt hoặc bị HIV dẫn tới chết. Việc để bị can chết trong nhà tạm giữ, tạm giam là do công tác quản lý của cán bộ chuyên trách còn yếu kém, quan liêu, không kịp phát hiện những trường hợp ốm yếu để có những biện pháp xử lý kịp thời[2] hoặc ở Vĩnh Phúc, “cơ sở vật chất buồng giam giữ xuống cấp chưa đảm bảo diện tích tối thiểu nơi giam, giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là 2m2/người, tình trạng giam chung những đối tượng trong một vụ án cùng một buồng dẫn đến tình trạng xác định tình trạng bệnh lây truyền các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân. Trước tình hình đó, trên thực tế vẫn chưa nhiều hoạt động kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong công tác tạm giữ, tạm giam; tính hiệu quả của hoạt động kiểm sát chưa cao thể hiện ở chỗ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn còn tràn lan, chưa tuân thủ trình tự thủ tục, thiếu cán bộ y tế nên việc kiểm tra sức khỏe, chăm sóc người bị tạm giữ, tạm giam ốm đau còn gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng nhiệm vụ đề ra, tình hình quản lý giam giữ chưa bảo đảm, vẫn còn xảy ra hiện tượng trốn, chết trong quá trình giam giữ”[3]. Hệ quả này là minh chứng chứng minh rằng, công tác kiểm sát giam giữ còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo, năng lực cán bộ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hoạt động trực tiếp hỏi người tạm giữ, phát hiện ra những vi phạm pháp luật của trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam, cơ quan điều tra còn rất hạn chế, chủ yếu là những vi phạm rất nhỏ như quá trình trích xuất người bị tạm giam không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan thụ lý vụ án và Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền, không đúng quy định, hồ sơ quản lý người bị tạm giữ không đánh bút lục và lập danh chỉ bản…
Tiếp đến, chưa có cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích cho kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát trong công tác này. Cụ thể, khi kiểm sát viên kiểm sát tạm giữ, tạm giam luôn phải tiếp xúc trực tiếp với người bị tạm giữ, tạm giam, tức là tiếp xúc với những nguy cơ tiềm ẩn những nguy hiểm về sự chống đối quyết liệt của bị can, bị cáo, nguy cơ từ những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, bệnh lao, viêm gan B...
3. Giải pháp nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân trong tố tụng hình sự gắn với hoạt động bảo vệ quyền con người
Thứ nhất, tăng cường các khóa học cho nhóm đối tượng tiến hành tố tụng, đồng thời, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người cho nhóm người tham gia tố tụng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể phối hợp với Viện kiểm sát địa phương cùng với các bộ, ban, ngành tổ chức các khóa đào tạo sau đại học, các khóa bồi dưỡng các kiến thức, công tác tập huấn, hội thảo chuyên ngành về nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền con người trong tố tụng, gắn công tác tổng kết kinh nghiệm với vấn đề tôn trọng quyền của người tham gia tố tụng, tổ chức một số phiên tòa rút kinh nghiệm đề cao quyền con người, một mặt, nhằm nâng cao trình độ của kiểm sát viên, mặt khác, để cán bộ tư pháp nói chung và Viện kiểm sát nói riêng có nhận thức đúng đắn về bảo vệ quyền con người trong tố tụng. Song hành với hoạt động này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cần triển khai công tác tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người tham gia tố tụng để họ nhận thức và hiểu được quyền của mình, có những kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của họ khi tham gia tố tụng.
Thứ hai, xây dựng một nền văn hóa pháp lý tạo ra thế chủ động, linh hoạt, sắc bén trong vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Viện kiểm sát một cách hiệu quả nhất
Có thể nói, mô tuýp truyền thống còn tồn tại đậm nét trong hoạt động của Viện kiểm sát, đó là tính bị động diễn ra ở hầu hết các giai đoạn tố tụng, năng lực kiểm sát chưa bám sát, nhạy bén, linh hoạt để thúc đẩy hiệu quả hoạt động xét xử. Vì thế, tính đột phá trong vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhóm người tham gia tố tụng trên thực tiễn còn nhiều hạn chế.
Chính vì thế, cần thiết phải xây dựng một nền văn hóa pháp lý tạo ra thế chủ động, linh hoạt, sắc bén trong vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Viện kiểm sát một cách hiệu quả nhất. Cụ thể, dần loại bỏ tính ỷ lại, bị động trong công tác kiểm sát, Viện kiểm sát không nắm rõ được tình tiết vụ án, Viện kiểm sát không đủ năng lực, trình độ để tìm ra những sai sót vi phạm pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng để có căn cứ kháng nghị... Do đó, để khắc phục những tình trạng trên, hoạt động của Viện kiểm sát cần có những bước đột phá, thay thế mô tuýp truyền thống với vai trò ở thế bị động sang vai trò ở thế chủ động, độc lập, trở thành công cụ sắc bén trong hoạt động công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Đối với tiêu chuẩn của kiểm sát viên, pháp luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung thêm trong việc cấp bằng, chứng chỉ đối với kiểm sát viên trong quá trình tham gia vào thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, song hành với nó là chế độ lương, thưởng phù hợp. Việc phân loại cấp độ, chuyên môn của kiểm sát viên thông qua chứng chỉ, cấp bằng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án ở từng mức độ phức tạp. Từ đó, nâng cao chất lượng tranh tụng, hiểu biết tâm lý trong chất lượng của kiểm sát viên.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm sát
Để làm tốt công tác này, Ngành Tư pháp cần quan tâm hơn nữa chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, đổi mới công tác tuyển dụng để chọn người tài có tâm và có tầm, có năng lực, trình độ, thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ lồng ghép với hoạt động thúc đẩy bảo vệ quyền con người hoặc xây dựng một chủ trương, đường lối riêng chỉ đạo hoạt động của kiếm sát viên trong hoạt động bảo vệ những người tham gia tố tụng. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân, trong đó có hoạt động nêu gương người tốt, việc tốt nhưng cũng có hoạt động nêu ra những người có hành vi vi phạm đến quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng để tạo ra tính răn đe đối với các hành vi của người tiến hành tố tụng.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
[1]. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ IV, 2017 - 2018, Quốc hội khóa XIV.
[2]. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2017.
[3]. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát, 2017 - 2018.