Khi có sự việc rắc rối xảy ra trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, mọi người đều cần đến những người biết phân xử, giải thích bằng sự hiểu biết về pháp luật và đạo đức xã hội của họ, để chỉ ra những xu hướng tích cực nhằm hạn chế sự nóng giận của đôi bên đang mâu thuẫn trong một khoảng khắc thời gian nhất định. Đó là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Với lời nói trực tiếp, có trọng lượng, được mọi người kính nể, tôn trọng của những già làng, trưởng bản, tổ chức đoàn thể ở địa phương hoặc những người có uy tín khác việc giải hòa luôn đem lại hiệu quả cao, tránh cho “chuyện bé, xé ra to”. Như vậy, hòa giải ở cơ sở là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội mang tính nhân văn sâu sắc của người Việt Nam.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, hòa giải ở cơ sở cũng xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa của đặc điểm lịch sử dân tộc. Đó là, người Việt Nam rất coi trọng tình cảm và có thói quen ứng xử theo đạo đức, phong tục, tập quán truyền thống hơn là đưa nhau ra chốn công đường, ý thức đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Mỗi khi có mâu thuẫn, xích mích, để giữ gìn tình nghĩa bản, làng và quan hệ giữa các bên thì việc hòa giải ở cơ sở được coi là sự lựa chọn tối ưu nhất. Theo đó, người đứng ra tự nguyện hoặc được đôi bên bất hòa đề nghị hòa giải cho họ thường là các già làng, già bản hoặc trưởng thôn, trưởng bản được nhờ cậy hoặc được người khác thông báo.
Thường thì già làng, trưởng bản là những người am hiểu cuộc sống xã hội, họ cũng tự ý thức được vai trò và trách nhiệm trong việc gìn giữ sự yên ấm của bản, làng, dòng họ. Mỗi khi có xung đột xảy ra, lời nói có uy tín của những người này là sự xoa dịu cơn nóng giận của đôi bên đang xung đột. Đối với những người đang suy sụp về tinh thần, mất phương hướng trong cuộc sống, dẫn đến các hành vi tiêu cực có hại cho mình và cho người khác thì chính sự động viên kịp thời, góp ý của họ giống như những liều thuốc tinh thần giúp cho người đó vững tin hơn vào cuộc sống.
Qua đó, khẳng định vai trò của già làng, trưởng bản đối với hoà giải ở cơ sở vô cùng quan trọng. Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan niệm, nhận thức, lối sống, tính cách… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình và giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này có thể giải quyết bằng nhiều hình thức (các bên tự thoả thuận, trọng tài, toà án và hoà giải). Song thực tế, người Việt Nam vốn coi trọng tình cảm, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái luôn là nền tảng để giải quyết mọi việc. Nên khi có mâu thuẫn, xích mích xảy ra nhân dân ta đã biết hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp tự thương lượng, điều đình “chín bỏ làm mười”, vì “một điều nhịn, chín điều lành” để giải toả những bất đồng, mâu thuẫn giữa họ.
Ngày nay, sự biến động thường xuyên trong cộng đồng dân cư chịu sự tác động của tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ. Song hoạt động hoà giải ở cơ vẫn tồn tại và ngày càng phát huy. Hoà giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Duy trì, phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước.
Cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng được cha ông chắt lọc qua bao nhiêu thế hệ. Hòa giải “một điều nhịn, chín điều lành”, “chín bỏ làm mười”, “có lý, có tình” là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. ý thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác hoà giải, đã có những biện pháp phù hợp nhằm duy trì, củng cố và phát triển công tác hoà giải, tạo cơ sở pháp lý cho công tác này không ngừng phát triển và phát huy tác động tích cực đối với đời sống.
Một thực tế hiện nay, dù trình độ dân trí đã từng bước được nâng cao, song nhìn chung trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân ta còn thấp, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn ảnh hưởng nhiều phong tục tập quán, quy ước, hương ước làng xã... nên trong cuộc sống hàng ngày nhiều người còn có những xử sự có tính chất tự phát không đúng pháp luật, không phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ không đáng có nên trong mô hình các tổ hòa giải được thành lập theo các đơn vị sản xuất, thôn, bản, tổ dân phố. Phần lớn các trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố làm tổ trưởng tổ hòa giải; đối với một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số thì các già làng, trưởng dòng họ có uy tín làm tổ trưởng cùng với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể quần chúng như: Ban công tác Mặt trận, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… các tổ hòa giải được thành lập và hoạt động độc lập, đây cũng là một trong những nét đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới.
Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân, do nhân dân bầu ra theo từng tổ bản, cụm dân cư. Công tác hoà giải ở cơ sở chủ yếu là “hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp, giúp đỡ” chứ không phải bằng phán xét, bằng quyết định, bằng quyền lực của các cơ quan nhà nước, không do cơ quan nhà nước thực hiện. Bản chất của công tác hoà giải là một hình thức tự quản của nhân dân.
Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 (sau đây gọi là Luật) đã bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác; khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác; Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một điểm mới quan trọng của Luật so với Pháp lệnh, đó là quy định Nhà nước có chính sách để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, thể hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở là tự nguyện, tự quản.
Luật đã phân định rất rõ trong phạm vi điều chỉnh của Luật để không bỏ lọt mâu thuẫn, tranh chấp cần hòa giải ở cơ sở với nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở là tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở; bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư. Bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân ở cơ sở, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động này. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết là do các bên có mâu thuẫn, tranh chấp “nghe lời” hay “nể” người đứng ra dàn xếp, dù người đó có thể chỉ là trưởng bản, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, một người già trên địa bàn hay một người quen biết với một hoặc các bên có mâu thuẫn, tranh chấp.
Xuất phát từ bản chất của hòa giải ở cơ sở là để giữ gìn “tình làng nghĩa xóm”, “dùng tình cảm để giải quyết mâu thuẫn” nên cần phát huy tính chủ động của người dân và nhất là các già làng, trưởng bản, chứ không phải pháp lý hóa bằng các quy định cứng về tổ chức và con người làm công tác hòa giải, phát huy tập quán tốt đẹp của dân tộc để đóng góp vào hoạt động hòa giải ở cơ sở một cách toàn diện và hiệu quả
Bích Phượng