Hương ước có thể xem là hệ thống luật tục tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước nhưng không đối lập với luật pháp của Nhà nước. Hương ước đề cập tới những nội dung cụ thể gắn với hoàn cảnh, phong tục tập quán lâu đời của từng làng, xã, là những nội dung mà các đạo luật khó đề cập đến. Hương ước được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng làng, xã với nhau, giữa mỗi thành viên với cộng đồng, giữa các cộng đồng nhỏ trong làng, xã.
Trong xã hội truyền thống, hương ước là công cụ để điều tiết các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng làng xã, là sự tập hợp có chọn lọc những tục lệ được hình thành trong quá trình phát triển nội tại của cộng đồng. Hầu hết, người dân đã nhận thức được rằng, việc xây dựng hương ước hiện nay là nhằm phục vụ công tác tự quản tại cộng đồng. Dưới cái nhìn của người dân, sự tồn tại của hương ước là cần thiết. Đối với họ, việc xây dựng, thực hiện hương ước sẽ giúp các thành viên trong cộng đồng được sống bình đẳng, được tham gia quản lý làng xã, bàn bạc việc làng, được tạo điều kiện lao động, sản xuất, được tổ chức hội hè, được tôn trọng và thăm hỏi lúc khó khăn, đau yếu…
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai việc xây dựng, thực hiện hương ước, gắn hương ước với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, góp phần quản lý xã hội tại cơ sở đảm bảo phù hợp, hài hòa, gìn giữ nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của vùng, miền nói chung và mỗi thôn, làng nói riêng.
Là thiết chế tự quản cộng đồng, thời gian qua, hương ước đã góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mối quan hệ nội bộ trong phạm vi thôn, làng. Hương ước được coi là thiết chế có tác dụng hỗ trợ pháp luật khi Nhà nước chưa kịp ban hành pháp luật hoặc chưa cần thiết sử dụng pháp luật để điều chỉnh, được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư cho thấy, việc xây dựng, thực hiện hương ước đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, tác động rõ nét nhất là thực hiện văn minh, văn hóa trong việc cưới, việc tang. Nội dung của hương ước gắn với đặc điểm về văn hóa, xã hội của địa phương. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước còn nhằm điều chỉnh, đảm bảo thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, khuyến học, y tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (rừng, cây trồng…). Đồng thời, trong một số lĩnh vực quản lý, hương ước được coi là một trong các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá kết quả, chất lượng, như: Công nhận gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa; công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn hiểu việc xây dựng hương ước là sự thể chế hóa Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trong một cộng đồng dân cư cụ thể, thiếu vắng nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng. Nếu biến hương ước thành một thứ cụ thể hóa cho pháp luật thì hương ước khó phát huy tác dụng đối với cộng đồng. Nếu hương ước không có tính tự quản thì không còn được gọi là hương ước nữa. Thực tế, hương ước đang được chính quyền và người dân địa phương xem như một công cụ tham gia vào quá trình quản trị cộng đồng. Vì vậy, hương ước bên cạnh việc nên được cập nhật với tình hình thực tế tại cộng đồng thì cần nhận diện cơ chế đích thực, con người cụ thể từ cộng đồng đóng vai trò chủ chốt để duy trì tập tục, quản trị cộng đồng cũng như hòa giải các vướng mắc. Tình trạng hương ước có nội dung vi phạm pháp luật, còn quy định việc xử phạt trái pháp luật, vi phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật. Nhiều hương ước còn sơ sài về nội dung, sao chép, chưa thể hiện đặc điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như phong tục, tập quán, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa riêng của mỗi thôn, làng. Hình thức hương ước, kỹ thuật soạn thảo, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nhiều nơi chưa theo quy định (chỉ thỏa thuận bằng miệng và thống nhất giữa đại diện lãnh đạo thôn, làng; chưa thông qua hội nghị, cuộc họp hoặc không thẩm định). Chất lượng của nhiều hương ước còn hạn chế, cá biệt có nơi còn coi việc xây dựng hương ước, quy ước để hoàn thành tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng…
Với số lượng lớn hương ước đang áp dụng tại các thôn, làng hiện nay cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, thực hiện hương ước trong thời gian qua là đúng đắn, đã được chính quyền các cấp và nhân dân ủng hộ, tích cực thực hiện rộng rãi trên phạm vi cả nước. Điều đó đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và giá trị của hương ước đối với việc quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Giá trị của hương ước thể hiện rõ qua việc góp phần điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ cụ thể của thôn, làng mà pháp luật chưa điều chỉnh. Hương ước đã góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở. Qua việc thực hiện hương ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp nhân dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Như vậy, có thể khẳng định, hương ước là một công cụ quản lý gián tiếp của Nhà nước trong cộng đồng dân cư. Dù đất nước ta đang ngày một phát triển, bên cạnh công cụ pháp luật để quản lý nhà nước thì vẫn cần tiếp tục xây dựng, duy trì, thực hiện và phát huy hương ước bởi những giá trị của hương ước và nâng cao hiệu quả tự quản của cộng đồng dân cư tại thôn, làng.
Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông