Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên có gần 5.000 người có uy tín là già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong đó, tỉnh Gia Lai có gần 1.000 người, tỉnh Kon Tum có hơn 800 người. Họ được coi là trụ cột của cộng đồng và có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở vùng Tây Nguyên.
Ở Gia Lai, nói về vai trò của người có uy tín trong phát triển kinh tế, xã hội, ông Dương Mah Tiệp - Bí thư Huyện ủy Ia Grai, Gia Lai chia sẻ: “Vai trò của người uy tín và người đảng viên có uy tín tham gia rất là tốt. Trong phát triển kinh tế xã hội họ là những tấm gương, bản thân họ biết làm ăn, biết truyền tải kinh nghiệm của mình đến đồng bào khu vực đó, sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có nguyện vọng vươn lên xóa đói giảm nghèo. Bằng phạm vi uy tín của mình truyền tải đến quần chúng, đó là lợi thế mà cán bộ các cơ quan, ban ngành chưa làm được mà đảng viên uy tín làm được”.
Chuyện về già làng Ðinh Yem ở làng Ðăk Yang 2, xã Ðông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai là một minh chứng điển hình. Nhiều năm nay, bà con người dân tộc Bana ở làng Ðăk Yang 2, xã Ðông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai luôn xem già làng Ðinh Yem là người cha đỡ đầu. Không chỉ tận tình trong chỉ bảo cách làm ăn, cách xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, già làng Đinh Yem còn là người rộng lòng chia sẻ, tạo điều kiện cho nhiều gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Năm 2003, khi lấy vợ, ông Đinh Hoát (làng Ðăk Yang 2, xã Ðông, Kbang, Gia Lai) phải ở chung với bố mẹ đẻ, cuộc sống bữa đói, bữa no nên việc mua đất làm nhà gần như là không thể. Vì vậy, già làng Đinh Yem quyết định cắt 400 m2 đất của mình tặng cho ông Hoát cất nhà. Nhờ đó, ông Hoát yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống. Ông Đinh Hoát cho biết: “Trong làng ai cũng có đất của ông già hết, nếu không thì cũng chẳng có cái nhà mà ở. Ông Yem thương cháu, thương con, thương trong làng hết. Có đất ông già ổn định rồi, làm được cái nhà có vườn tược, cảm ơn ông già rất nhiều”.
Trong hơn 15 năm được người dân tín nhiệm bầu làm già làng, già Đinh Yem đã tặng hơn 4.000 m2 đất cho 16 cặp vợ chồng trong làng khi ra ở riêng. Không chỉ thế, ông còn là người đi đầu trong phong trào tự nguyện hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Được địa phương hỗ trợ xây dựng đường bê tông, ông rất vui mừng và vận động dân làng tích cực dọn dẹp vệ sinh buôn làng, đồng thời trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Già làng Đinh Yem chia sẻ: “Tôi nghĩ có mình thì mình phải có con cháu mới vui, chứ mình sống cũng không bao nhiêu”. Vừa nói, vừa làm những điều hay, lẽ phải nên những công việc liên quan đến vận động nhân dân của già Đinh Yem luôn nhận được sự hưởng ứng cao. Chính sự uy tín và những đóng góp đó, già làng Đinh Yem được xem là “già làng của các già làng” tại địa phương. Thời gian qua, ông đã góp sức cùng với chính quyền địa phương đưa xã Đông hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông dựng nông thôn mới tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.
Khi nói về vai trò của già làng, ông Nguyễn Đăng Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông, Kbang, Gia Lai ghi nhận: “Nếu không có vai trò của già làng thì việc gì làm cũng khó, từ việc tiếp cận, truyền tải các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Có nhiều chương trình cấp ủy, chính quyền địa phương đã phân công cán bộ xuống làng nhưng mà chưa thành công nếu không có sự tham gia của già làng”.
Còn ở làng Beng, xã Ia Chía, huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai, già làng Rơ Châm Chích được ví như vị “quan tòa” chính trực, đã giúp bà con hóa giải hàng trăm vụ hiểu lầm, mâu thuẫn, từ đó, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng dân tộc ở vùng biên giới Gia Lai.
Khi trên địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, các đối tượng Fulro lưu vong lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để truyền đạo trái phép, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Bằng kinh nghiệm của mình, già làng Rơ Châm Chích đã cùng với chính quyền địa phương đã giúp người dân nâng cao nhận thức để không bị kẻ xấu lôi kéo. Khi già làng Rơ Châm Chích tuyên truyền giáo dục về vấn đề bảo vệ buôn làng thì bà con Jrai ở làng Beng không lên rẫy, mà tập trung đến nghe.
Già làng Rơ Châm Chích chia sẻ: “Cách thuyết phục làm sao để họ nghe được, họ tin được họ mới chấp nhận cho mình. Cho nên, cách thức giải quyết tất cả sự việc tôi giải quyết hoàn thành cả. Mình có kinh nghiệm riêng của mình trong xử lý tình huống kể cả mình vận động giáo dục các đối tượng trước Đảng và Nhà nước và bà con dân làng. Đến giờ phút này không ai xâm phạm vào lãnh địa của làng, bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng của chính quyền”.
Trải qua nhiều vị trí công tác, già làng Rơ Châm Chích luôn một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, nhắc nhở bà con ý thức giữ gìn đoàn kết, cảnh giác với âm mưu của bọn phản động Fulro, không theo “Tin lành Đê ga”, không vượt biên trái phép. Với những người từng lầm lỡ, già luôn gần gũi, động viên để họ vượt qua mặc cảm, chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống.
Vốn là đối tượng cầm đầu trong các vụ tuyên truyền chống bạo loạn phá hoại chính sách đại đoàn kết, năm 2006, ông Puih Heng bị đưa đi cải tạo. Sau khi chấp hành án 07 năm trở về làng, ông luôn được già làng Rơ Châm Chích thăm hỏi, động viên làm ăn. Thấy được những lầm lỡ của mình trước đây, quyết tâm không quay trở lại con đường sai trái, ông Heng đã mạnh dạn vay vốn trồng cà phê, điều, mỳ. Ông Puih Heng đã sửa chữa được những sai lầm của mình: “Mình lầm lỡ trở về từ năm 2012, mình cố gắng làm việc với gia đình chăm lo cho con cái làm ăn, cho hạnh phúc để con cái có phương tiện đi qua đi lại học hành. Không đi theo ai hết, làm nương, làm rẫy thôi. Nhờ già làng góp ý tuyên truyền bây giờ mình cố gắng làm việc trang trải cuộc sống trong gia đình”.
Nói về an ninh chính trị trên địa bàn huyện Ia Grai, Gia Lai, ông Dương Mah Tiệp - Bí thư Huyện ủy Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Huyện Ia Grai là huyện khá phức tạp về an ninh chính trị, các đối tượng xấu luôn lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin đi theo kẻ xấu để phá hoại đoàn kết dân tộc, chính những già làng, những người uy tín luôn luôn đi sâu, đi sát khuyên bảo số này không nghe theo cả xấu, trở về làm ăn với gia đình nên tình trạng vượt biên trái phép sang Campuchia, sang Thái Lan năm nay là không có. Thậm chí những đối tượng ở trại tị nạn đã xin về địa phương tái hòa nhập cộng đồng rất tốt”.
Làng Mít Jép ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có hơn 200 hộ đồng bào Jrai. Năm 2020, ngôi làng này được chọn thí điểm thực hiện làng nông thôn mới kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Phát huy vai trò của mình, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Rơ Chăm Lin đã tích cực tuyên truyền vận động bà con chung tay cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, việc ông Lin trăn trở nhất là tiêu chí môi trường và thu nhập. Do đó, cứ vào dịp cuối tuần ông lại vận động bà con tập trung dọn dẹp vệ sinh, đường làng ngõ xóm và hình thành thói quen này trong cuộc sống, nhằm xây dựng buôn làng xanh - sạch - đẹp. Đồng thời vận động con em trong làng vào làm công nhân cao su của Binh đoàn 15 để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Rơ Chăm Lin - Bí thư chi bộ làng Mít Jép, xã Ia O, Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Trong thời gian qua, nhất là chủ trương Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn vốn Nhà nước đưa vào xây dựng nông thôn mới, bản thân phát huy không mệt mỏi, dám làm, dám nói. Thành công nhất vận động bà con hơn 80% tham gia làm công nhân cho đơn vị Binh đoàn 15”. Sau những buổi cạo mủ cao su, cuối tuần, thanh niên trong làng lại cùng nhau đến nhà ông Rơ Chăm Lin để được ông truyền dạy đánh cồng chiêng.
Với những nỗ lực của những người uy tín như ông Rơ Chăm Lin, đã giúp đời sống kinh tế, văn hóa của bà con Jrai nơi vùng biên giới này ngày một nâng cao, nhà cửa được xây dựng khang trang, hơn 75% hộ đạt gia đình văn hóa. Đặc biệt làng Mít Jép đã đạt được 15/19 tiêu chí làng nông thôn mới. Đây chính là yếu tố quan trọng để những buôn làng này trở thành vành đai vững chắc trên tuyến biên giới Tây Nguyên.
Tại Kon Tum, đồng bào Jrai ở làng Tang, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum luôn xem già làng Ksor Líu như “cây đại thụ” của buôn làng. Ông chính là cầu nối quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con.
Thời gian trước, nhiều thanh niên trong làng ham chơi lêu lỏng, hay tụ tập uống rượu, gây mất an ninh trật tự. Thế nhưng bốn năm trở lại đây khi được bầu giữ vị trí già làng, ông Ksor Líu đã phối hợp với bộ đội Binh đoàn 15 đi đến từng hộ dân, vận động thanh niên tham gia vào làm công nhân cạo mủ cao su. Từ một vài người, đến nay trong làng đã có 40 thanh niên tham gia vào làm công nhân. Có lương hàng tháng, nhiều người đã lập gia đình xây dựng nhà cửa chăm lo làm ăn, ổn định cuộc sống. Có thể kể đến anh A Minh ở làng Tang, xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum được già làng vận động vào làm công nhân, từ đó, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Giờ A Minh lấy vợ và đưa vợ vào làm công nhân, thu nhập hai vợ chồng được 14 -15 triệu/tháng.
Là cán bộ tuyên giáo của huyện về hưu, nên những vấn đề mà già làng Ksor Líu đề cập đến người dân đều thấu tình đạt lý. Với bà con ông là “trọng tài” trong giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn gia đình; vận động người dân không tham gia các tệ nạn xã hội; bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Chính việc gần dân, sát dân, già làng Ksor Líu đã giúp đồng bào nơi vùng biên giới Mô Rai từng bước thay đổi nhận thức.
Già làng Ksor Líu cho biết: “Cùng với các anh bộ đội Công ty 78 phân tích cho họ đi làm công nhân được chế độ này chế độ kia nên từ đó họ mới biết, từ 2 người - 3 người - 4 người lôi kéo nhau cứ thế họ đi hết. Rồi vấn đề con em đi học, việc gia đình như họ chưa hiểu về tình làng xóm, giải thích cho họ để họ biết. Đến phong tục tập quán nữa, cái nào có lợi cho mình, như múa xoang, đám ma, đám cưới mình cũng vận dụng luôn”.
Đại tá Hoàng Văn Sỹ - Tư lệnh Binh đoàn 15 chia sẻ: “Ngay ban đầu chúng tôi có vài ngàn hộ đồng bào với 21 cụm dân cư đến nay đã phát triển lên hơn 16 ngàn người lao động, trong đó có hơn 8 ngàn người dân tộc thiểu số và 266 cụm điểm dân cư trên tuyến biên giới. Nhờ sự vào cuộc của các già làng người uy tín trong cộng đồng chúng tôi đã đưa được người dân lên ổn định ở biên giới và tạo ra phên dậu thực sự để bảo vệ Tổ quốc. Ở đấy, người đồng bào có cuộc sống ổn định được chăm lo được hưởng chính sách an sinh xã hội, yên tâm phục vụ bảo vệ buôn làng, bảo vệ biên giới”.
Cuộc sống trên những buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tây Nguyên ngày càng thay da đổi thịt, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được bảo đảm. Trong sự đổi thay vững vàng ấy, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng, người có uy tín đã chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương xây dựng buôn làng no ấm, bình yên.
Minh Trí
Ảnh: intenet