Tóm tắt: Trên bình diện quốc tế, vai trò của Nhà nước đang được chi tiết hóa bằng những quy định cụ thể trong luật quốc tế, các quy chế trọng tài thương mại quốc tế của những trung tâm trọng tài lớn, uy tín nhất trên thế giới và thậm chí ngày càng được đề cao trong quy định của luật trọng tài thương mại quốc gia. Bài viết này sẽ bình luận các học thuyết quốc tế về bản chất pháp lý của Trọng tài thương mại quốc tế, phân tích quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về vai trò của pháp luật quốc gia và Tòa án quốc gia trong trọng tài thương mại quốc tế.
Abstract: On the international level, the role of the State is being detailed by specific provisions in international law, international commercial arbitration regulations of the largest and most prestigious arbitration centers in the world and even increasingly emphasized in the provisions of the national commercial arbitration law. This article will comment on international theories on the legal nature of international commercial arbitration, analyze the provisions of international law and Vietnamese law on the role of national law and the national court in international commercial arbitration.
1. Dẫn nhập
Xu hướng chung trong pháp luật của các nước trên thế giới hiện nay là mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài. Theo đó, trọng tài không còn bị bó hẹp phạm vi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại mà đã mở rộng sang giải quyết nhiều tranh chấp tư khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tranh chấp thương mại, đặc biệt là tranh chấp thương mại quốc tế vẫn là những tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nhiều nhất, phổ biến nhất. Thực tiễn xét xử tranh chấp có yếu tố nước ngoài thường đề cập tới khái niệm trọng tài quốc tế. Đây là loại trọng tài có những đặc điểm pháp lý riêng khác với trọng tài địa phương. Tính quốc tế của trọng tài cũng được Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce) giải thích như sau: “Tính quốc tế của trọng tài không có nghĩa là buộc các bên quan hệ nhất định phải có quốc tịch khác nhau. Hợp đồng vẫn có thể mở rộng phạm vi ra khỏi biên giới quốc gia, ví dụ như, một hợp đồng được ký kết giữa các chủ thể cùng quốc tịch nhưng việc thực hiện hợp đồng lại ở một nước khác, hoặc trong trường hợp, hợp đồng được ký kết giữa một Nhà nước và một chi nhánh của một công ty nước ngoài kinh doanh trên lãnh thổ nước đó”[1]. Trong khuôn khổ bài viết này, trọng tài quốc tế được phân tích chính là trọng tài thương mại quốc tế (ICA) dù trên thực tế có một số hình thức trọng tài khác như trọng tài công (Public arbitration), trọng tài trong lĩnh vực đầu tư (Investment arbitration). Trọng tài quốc tế với vai trò là một phương thức giải quyết tranh chấp tư sẽ mang những đặc điểm chung của trọng tài và đặc điểm riêng có tính quốc tế. Theo đó, trọng tài quốc tế tiến hành phiên xử và đưa ra phán quyết ở nước ngoài trên cơ sở một trình tự tố tụng, ngôn ngữ và luật áp dụng cho tranh chấp do chính các bên tranh chấp thỏa thuận. Nói như vậy, liệu rằng có phải chế định trọng tài thương mại quốc tế chỉ đề cao vai trò tự chủ của các bên (party autonomy) và quên đi các vai trò quan trọng khác như vai trò của luật quốc tế và Nhà nước hay không? Câu trả lời là, vai trò của Nhà nước luôn được đề cao trong chế định trọng tài thương mại quốc tế dù vai trò của các bên trong tranh chấp vẫn đang ngày càng được mở rộng. Trong chế định trọng tài thương mại quốc tế, Nhà nước mà đại diện là pháp luật quốc gia và Tòa án quốc gia thể hiện vai trò quan trọng, không thể thiếu. Rõ ràng là, không một quốc gia nào lại thừa nhận một chế định pháp lý mà chứa đựng những quy định nằm ngoài hoặc trái ngược với hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Bài viết sẽ phân tích cụ thể hơn về vai trò của Nhà nước mà cụ thể là vai trò của pháp luật quốc gia và Tòa án quốc gia trong trọng tài thương mại quốc tế.
2. Các học thuyết quốc tế về bản chất pháp lý của trọng tài thương mại quốc tế
Bản chất của trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng thương mại nhưng không thông qua cơ chế Tòa án. Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đã tìm cách xác định bản chất pháp lý của trọng tài. Có bốn học thuyết pháp lý về bản chất của trọng tài: Học thuyết thỏa thuận hợp đồng, học thuyết thẩm quyền tài phán, học thuyết kết hợp và học thuyết về quyền tự quyết của các bên.
Trong các học thuyết nói trên, học thuyết thỏa thuận hợp đồng được cho là đánh giá thấp vai trò của pháp luật quốc gia và nâng cao vai trò của thỏa thuận các bên cũng như trọng tài viên. Học thuyết này cho rằng, thẩm quyền của trọng tài là lắng nghe và giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên và luật quốc gia nằm ngoài quá trình giải quyết này. Trên khía cạnh này, trọng tài viên không tìm kiếm pháp luật quốc gia mà cố gắng xác định ý chí của các bên liên quan tới bất đồng pháp lý trong hợp đồng. Như vậy, nếu phán quyết trọng tài chỉ đơn giản là sự xác nhận thỏa thuận các bên thì một bên có thể từ chối thực hiện nó và phán quyết khi đó sẽ không được bảo đảm thực thi bằng pháp luật quốc gia. Học thuyết này đôi khi bị chỉ trích vì tập trung quá mức vào sự thỏa thuận của các bên mà “bỏ qua các hệ thống pháp luật quốc gia đang điều chỉnh chế định trọng tài thương mại quốc tế”[2].
Mặt khác, đối lập với học thuyết thỏa thuận hợp đồng là học thuyết thẩm quyền tài phán. Học thuyết này có thể được coi là trực quan nhất đối với các luật sư trong nước có xu hướng liên kết mọi thứ với quyền lực của Nhà nước. “Mỗi trọng tài là một trọng tài quốc gia, có nghĩa là, tuân theo một hệ thống luật pháp quốc gia cụ thể”[3]. Nhà nước có toàn quyền đối với tất cả các hoạt động xảy ra trong lãnh thổ của mình và vì lý do đó, Nhà nước quy định và giải thích về trọng tài. Chế định trọng tài hoạt động trong khuôn khổ cho phép của Nhà nước. Theo học thuyết này, vai trò của pháp luật quốc gia được xác định rõ ràng. Theo đó, trọng tài hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; Nhà nước có quyền kiểm soát và điều chỉnh tất cả các trọng tài hoạt động trong phạm vi quyền hạn của mình. Học thuyết này khẳng định rằng, các vấn đề như hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và phán quyết trọng tài, quyền hạn của trọng tài và khả năng thực thi của các phán quyết, tất cả đều phụ thuộc vào luật của nơi ban hành phán quyết trọng tài và luật nơi thi hành phán quyết của trọng tài. Thỏa thuận trọng tài sẽ có hiệu lực và phán quyết trọng tài sẽ chỉ có hiệu lực nếu cả hai luật, luật nơi phân xử và luật nơi thi hành, thừa nhận rằng các bên có quyền đưa tranh chấp ra phân xử, các trọng tài viên có quyền tài phán đối với vụ việc liên quan và phán quyết của trọng tài có hiệu lực thi hành[4]. Mặc dù các bên được tự do lựa chọn trọng tài thay vì Tòa án và chỉ định các trọng tài viên theo mong muốn của họ, nhưng điều đó đều dựa trên quy định cho phép của pháp luật quốc gia và kết quả là các trọng tài viên được coi là thực hiện chức năng công và có tư cách bán tư pháp cho phép họ được hưởng quyền miễn trừ mà các thẩm phán bình thường được hưởng[5].
Một học thuyết khác mà tác giả muốn đề cập đến là học thuyết kết hợp. Học thuyết này khẳng định rằng, trọng tài có cả thẩm quyền tài phán và tính thỏa thuận hợp đồng. Học thuyết kết hợp cho rằng, trọng tài không phải là hoàn toàn thuộc lĩnh vực công hay tư. Học thuyết nhấn mạnh vai trò của Nhà nước, đặc biệt trong việc hỗ trợ quá trình tố tụng trọng tài. Cụ thể, tố tụng trọng tài sẽ không thể thực hiện nếu các bên không thống nhất về chủ tịch hội đồng trọng tài hoặc nếu bên thứ ba từ chối tự nguyện giao nộp chứng cứ cho hội đồng trọng tài; chưa kể đến việc trọng tài không giải quyết được vụ việc khi không có hiệp định đa phương công nhận và thực thi phán quyết trọng tài trên phạm vi quốc tế. Một kết quả thực tế từ việc áp dụng học thuyết kết hợp là các hội đồng trọng tài, mặc dù được thành lập từ thỏa thuận hợp đồng nhưng vẫn thực hiện chức năng công, buộc các bên phải tuân thủ các đảm bảo xét xử công bằng. Hơn nữa, việc sử dụng các quy tắc về nội dung và thủ tục trong trọng tài không chỉ được căn cứ vào một hoặc nhiều hệ thống pháp luật. Các bên đồng thuận căn cứ vào tập quán thương mại, các nguyên tắc bình đẳng và các quy tắc xuyên quốc gia khác[6]. Năm 1952, Sauser-Hall giải thích chi tiết học thuyết này như sau: Trọng tài không thể vượt qua hệ thống pháp luật và luôn phải có luật xác định hiệu lực của các thỏa thuận trọng tài và khả năng thực thi của phán quyết trọng tài. Ông tin rằng thẩm quyền tài phán cũng như hệ thống pháp luật và thỏa thuận hợp đồng của trọng tài có mối quan hệ tương quan mật thiết[7]. Học thuyết kết hợp này cũng đã được Redfern và Hunter, tác giả cuốn Cẩm nang về trọng tài quốc tế, khẳng định rằng: “Trọng tài thương mại quốc tế là một sự kết hợp”[8].
Bên cạnh đó, vào những năm 1960, học thuyết thứ tư đã được phát triển dưới tên gọi “học thuyết về quyền tự quyết của các bên”. Học thuyết này cho rằng, trọng tài không mang tính thẩm quyền tài phán cũng như tính thỏa thuận hợp đồng, cũng không phải là sự kết hợp giữa hai học thuyết đó mà rõ ràng là một học thuyết hoàn toàn độc lập[9]. Khác với các học thuyết trên, học thuyết về quyền tự quyết của các bên tập trung chủ yếu vào những vấn đề của chính trọng tài, chẳng hạn như: Mục đích của trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài, chức năng của trọng tài và lý do tại sao nó có thể có các chức năng như vậy. Những người ủng hộ học thuyết này cho rằng, đầu tiên trọng tài được tạo ra và phát triển bởi chính các doanh nhân chứ không phải là pháp luật quốc gia quy định. Quyền tự chủ của các bên trong việc xác định cả luật nội dung và luật tố tụng không dựa trên đặc điểm hợp đồng cũng như thẩm quyền của trọng tài, mà dựa trên tập quán thương mại. Theo luồng ý kiến này, bản chất của trọng tài thương mại quốc tế là hợp đồng và các bên giải quyết tranh chấp dựa trên thỏa thuận của chính họ về các vấn đề quan trọng như lựa chọn trọng tài viên, ngôn ngữ trọng tài, địa điểm trọng tài và thậm chí cả luật áp dụng. Tuy nhiên, học thuyết này vẫn không thể phủ nhận vai trò của Tòa án và luật pháp quốc gia. Trọng tài không thể tồn tại độc lập, tách rời với Tòa án và luật pháp quốc gia cũng như tính tự chủ của các bên trong trọng tài vẫn có những giới hạn nhất định.
Tóm lại, đa số các học thuyết pháp lý từ trước tới nay nghiên cứu về bản chất của trọng tài và trọng tài thương mại quốc tế đều thừa nhận vai trò của luật pháp quốc gia và Tòa án địa phương bên cạnh tính tự chủ, tự quyết của các bên tranh chấp. Điểm nổi bật quan trọng nhất ở vai trò này là phán quyết trọng tài - đích đến của mọi vụ việc trọng tài - sẽ được bảo đảm thực thi bởi luật pháp quốc gia; nếu phán quyết đó không phù hợp với luật pháp quốc gia hoặc vi phạm lợi ích công cộng của quốc gia, phán quyết đó sẽ không có hiệu lực thi hành tại quốc gia đó dù quốc gia đó đã tham gia phê chuẩn Công ước New York năm 1958. Tòa án quốc gia cũng thực hiện song song hai vai trò vừa hỗ trợ vừa giám sát trọng tài thương mại, đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của trọng tài thương mại quốc tế đối với các đương sự nói riêng và với lợi ích xã hội nói chung.
3. Quy định của pháp luật quốc tế về vai trò của pháp luật và Tòa án quốc gia trong trọng tài thương mại quốc tế
Trước hết, Công ước New York năm 1958 đã dựa trên lợi ích của Nhà nước để ghi nhận và thi hành phán quyết trọng tài quốc tế. Công ước New York năm 1958 đưa ra một số nội dung về công nhận giá trị hiệu lực của thỏa thuận trọng tài bằng văn bản (Điều II), nội dung đơn yêu cầu công nhận và thi hành (Điều IV), các trường hợp từ chối công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (Điều V), hoãn quyết định thi hành (Điều VI), đặc biệt Điều III Công ước New York năm 1958 đã quy định rõ nguyên tắc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là “theo nguyên tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi phán quyết sẽ được thi hành” và theo các điều kiện được nêu trong các điều khoản của Công ước New York năm 1958. Các nước thành viên không được đặt ra các điều kiện công nhận và thi hành nặng nề hơn so với Công ước New York năm 1958.
Trái với Công ước New York năm 1958, đa phần các hiệp định song phương không giải quyết cụ thể việc công nhận và thi hành tại nước còn lại (nước đã ký kết hiệp định song phương đó) phán quyết của trọng tài thương mại được tuyên ở nước ký kết kia mà thường dẫn chiếu tới Công ước New York năm 1958 hoặc dẫn chiếu tới pháp luật của nước ký kết nơi phán quyết trọng tài được thi hành. Ví dụ, khoản 6 Điều 4 Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ quy định: “…Mỗi bên thực hiện không chậm trễ các quy định của phán quyết đó và thi hành phán quyết đó trên lãnh thổ của nước mình. Việc thi hành phán quyết trọng tài được đưa ra trên lãnh thổ của mỗi bên do luật quốc gia của bên đó điều chỉnh”. Tương tự, khoản 6 Điều 10 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Bỉ - Luxembourg ngày 24/10/1991 quy định: “Các phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và bắt buộc đối với các bên tranh chấp, mỗi bên ký kết cam kết thực hiện các quyết định này phù hợp với pháp luật của nước mình”.
Như vậy, trong trọng tài thương mại quốc tế, luật quốc gia hoặc luật quốc tế mà quốc gia đó phê chuẩn (cụ thể là Công ước New York năm 1958 và những hiệp định song phương, đa phương) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài quốc tế. Nếu không được công nhận và thi hành thì phán quyết của trọng tài cũng trở thành vô nghĩa với các bên; không đem lại được bất kỳ lợi ích nào cho các đương sự và xã hội.
Bên cạnh đó, sự tham gia của Tòa án vào quá trình trọng tài là cần thiết để bảo vệ bằng chứng và tránh thiệt hại. Một hội đồng trọng tài được hình thành theo thỏa thuận trọng tài giữa các bên liên quan đến vấn đề tranh chấp. Theo Công ước New York năm 1958 và Luật mẫu năm 1985 của Liên Hợp quốc về trọng tài thương mại yêu cầu rằng để bắt đầu thủ tục trọng tài, các bên phải bắt đầu một thỏa thuận sau đó được chuyển đến Tòa án để xác định tính hợp lệ của nó và liệu có thực thi nó hay không, ví dụ như, Tòa án tối cao Mỹ đã xem xét tính hợp lệ của thỏa thuận trọng tài trong vụ việc Mitsubishi kiện Solar Chrysler Plymouth Inc. 42 U.S 614(1985). Các Tòa án trong nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác nhận quyền tự chủ của các bên. Các bên có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng cách chuyển vấn đề ra trọng tài khi họ có sự đồng thuận trong việc công nhận các điều khoản của thỏa thuận trọng tài là hợp lệ.
Ngoài ra, trọng tài viên là người được các bên đương sự lựa chọn trên cơ sở tính độc lập và không thiên vị của họ. Vì vậy, Tòa án có quyền hủy bỏ phán quyết trọng tài khi có cơ sở cho rằng, trọng tài viên không bảo đảm tính công bằng. Ví dụ, trong vụ việc Công ty AT&T kiện Công ty Saudi Cables, Tòa án đã hủy bỏ phán quyết trọng tài do việc không bảo đảm tính khách quan.
Thêm vào đó, Tòa án trong nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp bảo vệ khác khi một bên yêu cầu áp dụng trong một số trường hợp hạn chế mà Tòa án cho rằng việc áp dụng đó là công bằng và thuận lợi. Tòa án cũng hỗ trợ các ủy ban trọng tài trong việc phân loại các vấn đề mang tính đối thoại. Nếu không có sự can thiệp của Tòa án về phương diện này, hoạt động của trọng tài thương mại quốc tế sẽ không được thực thi một cách có hiệu quả.
4. Quy định của pháp luật Việt Nam về vai trò của pháp luật và Tòa án quốc gia trong trọng tài thương mại quốc tế
Không nằm ngoài khung pháp lý quốc tế về chế định trọng tài thương mại, vai trò của Nhà nước trong pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam được ghi nhận trong tất cả các bước của quá trình trọng tài thương mại bao gồm trước, trong phiên xử và hiệu lực của phán quyết trọng tài. Tòa án, trọng tài thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bổ sung lẫn nhau. Thực tế hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại cần có sự phối hợp của Tòa án. Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 là văn bản pháp luật đầu tiên ghi nhận vai trò của Tòa án đối với các hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại về bốn vấn đề sau: chỉ định trọng tài viên; thay đổi trọng tài viên; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, trải qua gần một thập kỷ thi hành và áp dụng, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định nên Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã ra đời để khắc phục những mặt hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho sự hoạt động của Tòa án trong việc hỗ trợ các trung tâm trọng tài thương mại. Vì vậy, hiện nay, ngoài các văn bản pháp luật quốc tế như Luật mẫu năm 1985 của Liên Hợp quốc về Trọng tài thương mại và Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, các văn bản pháp luật quốc gia trực tiếp điều chỉnh trọng tài thương mại quốc tế ở Việt Nam gồm có: Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại; Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại; Nghị định số 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2011/NĐ-CP.
Tại Việt Nam, trọng tài thương mại là tổ chức phi chính phủ nhưng các trung tâm trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước quản lý đối với các trung tâm trọng tài thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của trung tâm trọng tài. Ngoài ra, Nhà nước còn quản lý thông qua hoạt động quản lý hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp, thay đổi, bổ sung hay thu hồi giấy phép thành lập, đăng kí hoạt động của các trung tâm trọng tài. Cụ thể: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Arbitration Centre - VIAC) được thành lập vào năm 1993 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964). Theo quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Điều lệ hiện hành, VIAC là tổ chức độc lập. Phán quyết của các Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC là chung thẩm và được công nhận, thi hành tại Việt Nam và trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới theo Công ước về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958)[10]. Trên thực tế, năm 2021, số vụ VIAC thụ lý và giải quyết thành công là 270 vụ việc (tăng 21% so với năm 2020). Theo đó, 43% là các vụ việc liên quan đến tranh chấp trong nước, 40% là tranh chấp liên quan đến liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Tranh chấp hoàn toàn mang yếu tố nước ngoài chỉ chiếm 18%[11].
Theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, vai trò hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài thương mại được xác lập toàn diện và đầy đủ, thể hiện ở những vấn đề sau:
Một là, đối với việc thay đổi trọng tài viên: khoản 3 Ðiều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Tòa án chỉ hỗ trợ việc thay đổi trọng tài viên trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các trọng tài viên hay trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, Tòa án còn xem xét khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền; cụ thể: Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền thì một hoặc các bên đương sự có quyền khiếu nại quyết định này ra Tòa án. Trong trường hợp nếu Tòa án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì các bên đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo thủ tục chung.
Hai là, về việc triệu tập người làm chứng: Theo quy định của Điều 48 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Hội đồng trọng tài có quyền triệu tập nguời làm chứng đến phiên họp. Nếu nguời làm chứng không đến thì Hội đồng trọng tài có quyền đề nghị Tòa án có thẩm quyền triệu tập người làm chứng đến phiên họp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đây là một quy định mới của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, góp phần tăng cường hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Ba là, về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có một hoặc các bên đương sự yêu cầu. Đây cũng là một trong những quy định mới, tiến bộ hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Nhưng một điểm đặc biệt là Hội đồng trọng tài chỉ có thẩm quyền ra quyết định áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời được liệt kê tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và Hội đồng trọng tài chỉ có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi Hội đồng trọng tài đã thành lập, còn các trường hợp khác sẽ do Tòa án thực hiện. Như vậy, để tránh trường hợp có sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột về thẩm quyền giữa Hội đồng trọng tài và Tòa án, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã phân định rõ thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của hai cơ quan này, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc trong mọi trường hợp các bên đều có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bốn là, về vấn đề đăng ký, hủy phán quyết trọng tài: Theo Điều 62 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Tòa án nơi Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết tranh chấp có trách nhiệm đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc khi có yêu cầu một hoặc các bên tranh chấp. Mặt khác, Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết có thẩm quyền xem xét để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 2 Ðiều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 khi có một hoặc các bên tranh chấp yêu cầu.
Như vậy, với chức năng là cơ quan tài phán nhân danh Nhà nước, Tòa án cần có sự phối kết hợp cùng với các trung tâm trọng tài thương mại để bảo đảm giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại theo thẩm quyền mà pháp luật quy định[12] nhằm tránh bế tắc cho hoạt động trọng tài, để trọng tài có thể giải quyết tốt các tranh chấp, khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh của trọng tài. Chính sự hỗ trợ và giám sát của Tòa án sẽ làm cho hoạt động trọng tài được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, đồng thời không làm mất đi ưu thế của hình thức giải quyết tranh chấp tôn trọng tối đa quyền tự quyết của các bên, đồng thời cũng giảm tải tình trạng án tồn đọng tại các Tòa kinh tế ở Việt Nam[13].
Có thể khẳng định, sự phát triển vượt bậc về đầu tư và thương mại quốc tế những năm gần đây kéo theo những tranh chấp thương mại quốc tế cũng gia tăng đáng kể. Trọng tài thương mại quốc tế được lựa chọn rộng rãi thay cho việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án vì hình thức này giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian hơn. Tính tự quyết của trọng tài (autonomous arbitration) và quyền tự chủ của các bên trong trọng tài quốc tế ngày càng có xu hướng mở rộng hơn. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất pháp lý của trọng tài và thực tiễn áp dụng cho thấy, vai trò của Nhà nước mà đại diện là luật pháp và Tòa án quốc gia là vô cùng quan trọng để bảo đảm sự công bằng trong hoạt động của quá trình trọng tài và bảo vệ lợi ích của các bên đương sự cũng như toàn xã hội.
ThS. LS. Nguyễn Thị Minh Hồng
Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
[1]. ICC publication No.301 (1977), The international solution to international business disputes – ICC arbitration, copyright ICC 1983, tr. 19.
[2]. Lynch, K. (2003), The forces of economic globalization: Challenges to the regime of international commercial arbitration, The Hague: Den Haag, Kluwer law international.
[3]. Mann, F.A. (1976), ‘Lex Facit Arbitrum’, in International Arbitration: Liber Amicorum for Martin Domke. Pieter Sanders, The Hague, Martinus Nijhoff, 157 - 183.
[4]. Daniel & Angualia (2010), The Role of Domestic Courts in International Commercial Arbitration, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=1674760.
[5]. Bantekas Ilias (2015), An Introduction to International Arbitration, Cambridge University Press, 1-35, doi:10.1017/CBO9781316275696.003.
[6]. Bantekas Ilias (2015), tlđd.
[7]. Daniel & Angualia (2010), tlđd.
[8]. Redfern, A., & Hunter, M. (2009), Law and practice of international commercial arbitration, London: Sweet & Maxwell.
[9]. Rubellin-Devichi, Jacqueline, L’arbitrage. Nature Jurisdigue Droit interne et droit international pr iv? Paris: Librairie Genei le de Droit et Jurisprudence 1965, pars 14.
[10]. Theo https://www.viac.vn/, truy cập ngày 25/12/2022.
[11]. Quang Huy (2022), “Bài học đắt giá cho nhà xuất khẩu Việt”, Báo Điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, https://plo.vn/bai-hoc-dat-gia-cho-nha-xuat-khau-viet-post672214.html, truy cập ngày 25/12/2022.
[12]. Trung tâm trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Trọng tài thương mại Quốc tế, https://tracent.com.vn/trong-tai-thuong-mai-quoc-te/, truy cập ngày 26/12/2022.
[13]. Phạm Thị Hồng Đào (2017), Vai trò của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài thương mại theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và kiến nghị, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2154, truy cập ngày 26/12/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Số 375, tháng 2/2023)