1. Đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Thuật ngữ “innovation” (đổi mới sáng tạo) trong tiếng Anh bắt nguồn từ danh từ “innovatus” trong tiếng Latinh và xuất hiện trên báo in từ thế kỷ XV, được phát triển bởi nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Schumpeter và các bài viết của ông vào những năm 1930[1]. Sau này, các quan niệm về đổi mới sáng tạo có sự chuyển biến sang hướng ứng dụng nhiều hơn, như quan điểm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Đổi mới sáng tạo là việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/dịch vụ) hoặc một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài”[2].
Trong nhiều thập kỷ, đổi mới sáng tạo thường được gắn với khu vực tư, khu vực doanh nghiệp hơn là khu vực công. Sự thay đổi của xã hội, chính trị, môi trường và công nghệ ngày càng trở nên phức tạp hơn, liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, nên khu vực công không thể không thay đổi. Toàn cầu hóa đang thúc đẩy di cư trên toàn thế giới, sự già hóa dân số, dữ liệu và công nghệ phát triển theo cấp số nhân cũng đã thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống. Trước thách thức xã hội ngày càng tăng, từ yêu cầu của người dân đối với chất lượng dịch vụ công ngày càng cao hơn, trong khi sự hạn chế về ngân sách cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, buộc các chính phủ phải tìm đến những phương án và cách làm mang tính đổi mới sáng tạo, hiệu quả cao hơn với chi phí thấp, góp phần cung cấp dịch vụ đáp ứng kỳ vọng và xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống chính quyền, vừa hỗ trợ tốt hơn cho khu vực tư nhân, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế[3]. Trên thực tế, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu đã chứng minh các chính phủ không thể tự mình hay theo cách truyền thống để giải quyết những vấn đề phức tạp mà cần đổi mới sáng tạo kịp thời, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để không chỉ bắt kịp với tốc độ thay đổi mà còn phải thích ứng linh hoạt, có tầm nhìn “đi tắt đón đầu” trước những thay đổi của sự phát triển.
2. Bối cảnh đặt ra cho Việt Nam hiện nay
Bối cảnh, tình hình quốc tế hiện nay đặt ra cho đất nước ta nhiều cơ hội như xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp diễn với sự ủng hộ của phần lớn các nước trên thế giới. Với mạng lưới các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng lớn, Việt Nam cũng là mắt xích kết nối, tham gia những FTA thế hệ mới. Đây là cơ hội để đội ngũ đoàn viên, thanh niên có cơ hội kế thừa, tiếp thu, sử dụng những thành tựu to lớn của khoa học - công nghệ, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại.
Bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế cho thấy, đổi mới sáng tạo luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay được nhận định là tích cực, có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn như: Nguy cơ phai nhạt lý tưởng, đánh mất bản sắc văn hóa, xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc; nguy cơ suy thoái về đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm vào đoàn viên thanh niên; các điều khoản của FTA được đánh giá tạo ra nhiều khó khăn mới cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau; nguy cơ tụt hậu về kinh tế và khoa học kỹ thuật, “chảy máu chất xám”, chảy máu nguồn lực, nguồn tài nguyên…
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ tới tiến trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian tới. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn cầu; tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới trong một không gian rộng mở xóa nhòa khoảng cách thế giới thực và không gian mạng, tạo ra những cơ hội chưa từng có cho sự phát triển vượt bậc của quốc gia nào có thể “đi tắt đón đầu” những lợi ích mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có khả năng thích ứng tương đối tốt với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành công nghệ[4]. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định, đổi mới sáng tạo được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển của nước ta trong giai đoạn tới và được cụ thể hóa trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2022. Việc tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách toàn diện để có thể rút ngắn khoảng cách phát triển cho Việt Nam là trách nhiệm của toàn xã hội, đồng thời là trách nhiệm chủ yếu của thế hệ trẻ - những người dễ tiếp thu, tiếp cận và là lực lượng lao động chủ yếu trong lĩnh vực này.
3. Vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong bối cảnh và yêu cầu đổi mới sáng tạo hiện nay
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, dù bất cứ hoàn cảnh nào các thế hệ thanh niên đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình[5]. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng[6]. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Luật Thanh niên cũng quy định thanh niên có trách nhiệm với Tổ quốc trong việc phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Do đó, Chủ đề công tác năm 2023 được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xác định là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”; Tháng Thanh niên năm 2023 mang chủ đề: “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”. Có thể thấy, đây là quyết tâm lớn của tổ chức Đoàn các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia thực hiện chuyển đổi số. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ, thanh niên được kỳ vọng là lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số, làm chủ công cuộc xây dựng và phát triển mọi lĩnh vực trong tương lai, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã tích cực, chủ động, tiên phong tham gia vào quá trình xây dựng Chính phủ số, xã hội số; nâng cao năng lực số cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Kết quả của Tháng Thanh niên năm 2023 được lãnh đạo các cấp đánh giá cao[7].
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu, khát vọng này, chúng ta thực hiện 03 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa khối đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại); xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật); xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật khách quan như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết)[8]. Đối với đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, bên cạnh việc thể hiện vai trò xung kích của thanh niên, đoàn viên, thanh niên cần nghiêm túc tuân thủ nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ và nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0, đoàn viên, thanh niên trong cơ quan hành chính nhà nước cần tập trung thực hiện một số vai trò chủ yếu sau:
Một là, nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây là trách nhiệm cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và cũng là nguyên tắc trong thi hành công vụ của công chức tại Điều 3 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tức là chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, với vai trò là “chủ nhân tương lai của đất nước”[9], thanh niên trong cơ quan hành chính nhà nước cần tăng cường tính chủ động, tính sẵn sàng, tính xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng, đủ và chất lượng trong công tác tại cơ quan, đơn vị tránh các biểu hiện tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị.
Hai là, xung kích, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thực tế cho thấy, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển so với chính sách, pháp luật quản lý kiểm soát còn ít nên cần ban hành thêm chính sách, pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực và khuyến khích năng động, sáng tạo; đồng thời bảo đảm có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện. Với vai trò là lực lượng xung kích, dám nghĩ, dám làm, tiên phong, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì đoàn viên, thanh niên trong cơ quan hành chính nhà nước cần sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào khi Tổ quốc, nhân dân cần; luôn giữ vững mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, khát vọng vươn lên mọi lúc, mọi nơi, bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh; chủ động hơn nữa trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đề xuất đổi mới sáng tạo, nhất là đối với thể chế, chính sách, pháp luật, báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác để được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.
Ba là, đoàn viên, thanh niên trong cơ quan hành chính nhà nước cần tập trung tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ. Cần chủ động tham mưu, góp ý với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về các giải pháp giúp thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực hoạt động. Mỗi đoàn viên, thanh niên cần nâng cao nhận thức, tâm thế và phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
ThS. Phạm Minh Đức
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
[1]. Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, Tầm quan trọng, cơ hội và thách thức đối với đổi mới sáng tạo trong khu vực công, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/5017-tam-quan-trong-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-doi-moi-sang-tao-trong-khu-vuc-cong.html, truy cập ngày 30/7/2023.
[2]. OECD (2009), Innovation in Firms: A Microeconomic Perspective (tạm dịch: Đổi mới trong các doanh nghiệp: Quan điểm kinh tế vi mô), https://www.oecd.org/berlin/44120491.pdf.
[3]. Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, Tầm quan trọng, cơ hội và thách thức đối với đổi mới sáng tạo trong khu vực công, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/5017-tam-quan-trong-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-doi-moi-sang-tao-trong-khu-vuc-cong.html, truy cập ngày 30/7/2023.
[4]. Tạp chí Cộng sản, Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/825809/tac-dong-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-den-the-gioi%2C-khu-vuc-va-viet-nam.aspx., truy cập ngày 30/7/2023.
[5]. Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-2572008-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-612, truy cập ngày 30/7/2023.
[6]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vii/nghi-quyet-so-04-nqhntw-cua-hoi-nghi-lan-thu-tu-bchtw-dang-khoa-vii-ve-cong-tac-thanh-nien-trong-thoi-ky-moi-ngay-14011993-1125, truy cập ngày 30/7/2023.
[7]. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-chuyen-doi-so-634395.html, truy cập ngày 30/7/2023.
[8]. Thủ tướng gửi thông điệp “5 tiên phong” tới 20 triệu thanh niên Việt Nam, https://www.vksndtc.gov.vn/tin-tuc/thu-tuong-gui-thong-diep-5-tien-phong-toi-20-trieu-t11093.html, truy cập ngày 30/7/2023.
[9]. Ngày 17/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư “Gửi các bạn thanh niên”. Với niềm tin yêu vô hạn với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình phải làm việc để chuẩn bị tương lai đó.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 391), tháng 10/2023)